Quy trình nhập cảnh vào Việt Nam trong mùa dịch từ 2022

15/03/2022

Từ 1.1.2022, người nhập cảnh qua sân bay Tân Sơn Nhất sẽ cần chú ý tuân thủ 5 bước giám sát quản lý cách ly y tế.

Ngày 1.1.2022, Phó chủ tịch UBND TP.HCM có văn bản đề nghị các tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện nghiêm Quy trình giám sát quản lý cách ly y tế đối với người nhập cảnh để tăng cường giám sát, không để phát sinh chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng. 

Động thái này của UBND TP.HCM nhằm tăng cường quản lý, chủ động kiểm soát biến chủng mới Omicron đối với những người nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất.

Hành khách đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất sau đó có thể về nơi lưu trú tại: nhà ở, khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, trụ sở của cơ quan đại diện, ký túc xá, nhà khách của cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp nơi lưu trú không đáp ứng các điều kiện cách ly thì người lưu trú phải thực hiện cách ly tập trung theo quy định.

UBND TP.HCM xây dựng quy trình 5 bước để hành khách và các đơn vị thực hiện, kèm theo trách nhiệm.

Bước 1. Đăng ký “Mã QR cá nhân”

QR PC COVID

Người nhập cảnh cài đặt và sử dụng ứng dụng PC-Covid để tạo “Mã QR cá nhân”. Trong trường hợp người nhập cảnh không sử dụng được ứng dụng PC-Covid thì truy cập cổng thông tin An toàn Covid-19 TP.HCM tại địa chỉ này để tạo “Mã QR cá nhân” (mã QR này là mã QR thống nhất với hệ thống PC-Covid).

Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất chịu trách nhiệm bố trí khu vực riêng với đầy đủ trang thiết bị hỗ trợ người nhập cảnh tạo “Mã QR cá nhân” ngay tại sân bay. TP.HCM khuyến khích người nhập cảnh chủ động đăng ký để có “Mã QR cá nhân” trước khi lên tàu bay nhập cảnh vào Việt Nam.

 nhap canh vao viet nam

Bước 2. Xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 cho người nhập cảnh ngay sau khi xuống sân bay.

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bố trí khu vực xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 và phối hợp các hãng hàng không quốc tế hướng dẫn hành khách đến điểm xét nghiệm tại sân bay; sử dụng “Mã QR cá nhân” để cung cấp thông tin cho đơn vị xét nghiệm. Sau đó, hành khách được xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 , đơn vị xét nghiệm nhập kết quả vào phần mềm CDS.

Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR, thông báo ngay cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM phối hợp Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM chuyển người nhập cảnh đến bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 12 (TP.Thủ Đức) để cách ly, điều trị.

Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và hãng hàng không hướng dẫn người nhập cảnh đến điểm kiểm soát để thực hiện các thủ tục rời khỏi sân bay về nơi lưu trú.

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất chịu trách nhiệm kiểm tra kết quả xét nghiệm, quét “Mã QR cá nhân” của người nhập cảnh để xác nhận người nhập cảnh đã ra khỏi sân bay.

Bước 3. Di chuyển về nơi lưu trú

Trong suốt quá trình di chuyển từ sân bay về nơi lưu trú, người nhập cảnh phải thực hiện nghiêm quy định 5K. Phương tiện đón chỉ bao gồm lái xe và người nhập cảnh; các trường hợp khác đi đón không được ngồi cùng phương tiện, trừ người nước ngoài cần phải có người phiên dịch đi cùng.

Phương tiện vận chuyển hạn chế dừng, đỗ dọc đường; trường hợp đặc biệt hoặc khẩn cấp phải dừng đỗ dọc đường thì cần thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Bước 4. Theo dõi sức khỏe và khai báo y tế mỗi ngày

Nơi tiếp nhận người nhập cảnh cách ly chịu trách nhiệm tạo “Mã QR địa điểm” trên Cổng thông tin An toàn Covid-19 TP.HCM. Khi người nhập cảnh đến thì cơ sở phải xác nhận bằng cách quét “Mã QR cá nhân”, việc khai báo y tế và xác nhận điểm lưu trú được thực hiện hằng ngày trong thời gian cách ly.

Đồng thời, người nhập cảnh phải thực hiện khai báo y tế trên ứng dụng PC-Covid, thực hiện đầy đủ quy định 5K (đeo khẩu trang, khai báo y tế, khử khuẩn tay thường xuyên, không đến nơi đông người, không tụ tập) và xác nhận điểm lưu trú. Nếu có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, đau họng... thì báo ngay trạm y tế để xử lý.

Về thời gian cách ly y tế tại nơi lưu trú:

Đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 thì tự theo dõi sức khỏe, không tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi lưu trú trong vòng 3 ngày sau nhập cảnh.

Đối với người nhập cảnh chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin Covid-19 thì cách ly tại nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Đối với người nhập cảnh dưới 18 tuổi (sau đây gọi chung là trẻ em), người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền thì được cách ly cùng cha/mẹ/người chăm sóc. Người chăm sóc phải tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 và phải ký cam kết tự nguyện cách ly cùng, thực hiện nghiêm các yêu cầu về xét nghiệm và các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 như đối với người nhập cảnh.

Bước 5. Lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR cho người nhập cảnh trong thời gian cách ly y tế tại nơi lưu trú

UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức chịu trách nhiệm cấp tài khoản quản trị trên Cổng thông tin An toàn Covid-19 cho trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức để quản lý người nhập cảnh cách ly tại nơi lưu trú.

Trung tâm y tế địa phương sử dụng tài khoản được cấp để giám sát danh sách người nhập cảnh cách ly tại nơi lưu trú, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào các ngày thứ 3 và ngày thứ 7 theo quy định của Bộ Y tế.

Trường hợp kết quả âm tính thì tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày. Trường hợp dương tính thì đơn vị xét nghiệm báo cáo HCDC điều phối mẫu đến Viện Pasteur TP.HCM giải trình tự gen; đồng thời báo cho trung tâm y tế địa phương người bệnh cách ly để vận chuyển người nhập cảnh đến Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12 hoặc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM (nếu người bệnh có dấu hiệu suy hô hấp).

Với những bước trên, hy vọng bạn có thể nắm rõ để những ngày sắp tới có thể về Việt Nam một cách thuận lợi sau một thời gian dài trong năm 2022.

Sưu tầm

Japan IT Works 



Việc làm theo chuyên ngành

Việc làm theo ngành

Việc làm theo tỉnh thành