4 Câu hỏi bẫy mà sếp hay sử dụng


Có những câu hỏi bạn không nên trả lời vội mà hãy suy nghĩ kỹ. Đặc biệt người hỏi là sếp.

Mọi sự sẽ ra sao khi chúng ta vượt qua được vòng phỏng vấn? Liệu ta có phải tiếp tục dè chừng ngay cả khi mình đã trúng tuyển không?

Một điều thường thấy ở nơi làm việc là, các nhà quản lý thường sẽ đánh giá độ hứng thú của nhân viên đối với công việc. Đây không hẳn là cách áp dụng đứng đắn trong kinh doanh, nhưng việc theo dõi độ hứng thú của nhân viên sẽ giúp bộ phận quản lý lọc dần nhân viên theo thời gian.

Dưới đây là 4 câu hỏi bẫy mà sếp của bạn hay hỏi, cũng như các cách để đối phó với những dạng câu hỏi này.

1. Em làm thêm dự án này cho anh/chị được không?

cau hoi bay cua sep 1

Kiểu câu hỏi này thường rất khó đối phó. Hầu hết chúng ta đều muốn nói “được” với câu này. Chúng ta thường được rèn là phải học cách vượt qua chính mình trong công việc,  khiến bộ phận quản lý phải trầm trồ với khả năng nhận thêm việc, cũng tựa như một liều adrenalin kích thích chúng ta vậy. 

Tuy nhiên, có một ranh giới mập mờ giữa việc làm thêm dự án lặt vặt đó đây để cải thiện năng lực bản thân và việc bị cuốn vào trong những việc mà người ta không muốn động đến. Rất có thể, những công việc đó sẽ gây trở ngại đối với chúng ta, nếu đó không phải là công việc được quy định trong hợp đồng. Tuy nhiên, liệu việc nói “không” có ảnh hưởng đến sự nghiệp của bạn hay liên lụy tới mối quan hệ của bạn với sếp không?

Cách đây khoảng một thập kỷ trước khi tôi mới bắt đầu sự nghiệp, tôi là một người không biết nói “không”. Căn bản là mỗi khi có ai đó nhờ tôi làm dự án, chỉnh sửa hộ gì đó hay làm việc vặt tinh linh, tôi lại nói “được”. Có rất nhiều việc tôi nhận mà chẳng hề có một sự yêu thích gì hết, nhưng tôi lại cứ nghĩ nó sẽ đúc kết tôi trở thành một con người mạnh mẽ hơn, hoàn thiện bản thân và đạo đức nghề nghiệp hơn trong cái nền công nghiệp này. 

Là một chuyên gia trong nghề, tôi cho rằng nhận thêm việc không phải lúc nào cũng là ý hay. Tất nhiên, nếu đó là việc sở trường của bạn, hoặc là việc nằm trong phạm vi xử lý thì chắc chắn công việc này sẽ đáng để bỏ tâm sức. Thường những công việc đó sẽ thật sự là lợi thế giúp bạn ghi điểm với công ty và/hoặc với bộ phận quản lý. Nhưng người thành công không phải ai cũng nói “được”.

Bạn sẽ rất dễ bị sa đà vào guồng quay công việc với đủ loại dự án, vì vậy bạn nên trả lời thành thật với sếp bằng cách cân nhắc khối lượng công việc hiện tại. Liệu nhận thêm dự án mới có gây cản trở tới tiến độ công việc của bạn, làm bạn mất cân bằng hay khiến bạn kiệt sức không? Trước đây bạn có từng bị yêu cầu phải hoàn thành các dự án lặt vặt mà không hề mang lại thành tựu cho hồ sơ việc làm của bạn, hay không đáng kể để sếp cất nhắc tăng lương cho bạn chưa? Liệu kiểu cơ hội “làm cho xong” hay là “thi thoảng mới xuất hiện” này có thể xoay chuyển được sự nghiệp của bạn? Hãy cân nhắc các lựa chọn của bạn thật kỹ càng.

Nếu bạn cần nhiều thời gian hơn để quyết định, thay vì trả lời ngay tắp lự, hãy truyền đạt để sếp biết rằng bạn cần đánh giá tiến độ công việc trong khả năng của mình và rằng bạn sẽ báo lại cho sếp trong vòng mười lăm phút sau khi đã thông suốt ý định. Bằng cách này, sếp sẽ có một tâm lý thoải mái nhất định khi biết rằng bạn vẫn tâm huyết với việc được giao, ngay cả khi việc đó không hoàn toàn thuộc trách nhiệm của bạn. Cấp trên của bạn sẽ yên tâm khi biết rằng họ có một đội ngũ nhân viên tận tụy, bất kể câu trả lời của bạn về việc họ giao là thế nào.

Nhớ đối tốt với bản thân mình. Hơn nữa, cho dù bạn có trả lời ra sao, hãy đảm bảo rằng bạn phản hồi lại với thái độ tích cực như thể mình đã dự định sẽ hoàn thành công việc đó (Cho dù đó có là việc mà chẳng ma nào muốn nhận đi nữa)

2. Nếu em là quản lý thì em chấm anh/chị mấy điểm?

cau hoi bay cua sep

Những câu hỏi tương tự bao gồm:

  •         Em thấy cái dự án trước anh/chị làm thế nào?
  •         Em có nghĩ anh/chị có thể làm tốt hơn thế không?
  •         Nếu là em thì em sẽ xử lý như thế nào?

Trong tất cả các ví dụ trên, sếp của bạn thực chất đang muốn lấy ý kiến của bạn mà không trực tiếp hỏi thẳng bạn. Việc này có thể xuất phát từ nhiều nguyên do. Có thể họ muốn câu lấy vài lời khen, kiếm vài nhận xét về cách họ điều hành công việc, hay quyết xem họ có muốn giữ bạn lại trong bộ phận không. Một trong số những lý do kể trên không hề liên quan tới năng lực làm việc của bạn, nhưng có khả năng sẽ dùng cho công tác đánh giá nhân viên sắp tới mà sếp hay cấp trên của bạn đang chuẩn bị thực hiện.

Bất kể câu hỏi là gì, điều quan trọng là phải luôn tiếp nhận câu hỏi trong tâm thế cẩn thận và chu đáo. Bí quyết ở đây là hãy đánh giá mang tính xây dựng để cho họ thấy là bạn chú tâm, rằng bạn là một mắt xích thiết yếu trong dây chuyền của bộ phận và rằng bạn là người có tư duy. Bạn hãy mở đầu bằng một lời nhận xét tích cực bất kỳ về dự án hay về cá nhân đó mà mình mới nảy ra trong đầu. Trong trường hợp cụ thể, bạn có thể lựa chọn nói về tính cách, kế hoạch công tác hay nỗ lực làm việc của sếp mà bạn thấy mình có thể thêm thắt vào.

Tuy nhiên, hãy nhớ là biến điểm tiêu cực của họ thành lỗi nhỏ và là việc có thể thực hiện được. Hãy tìm nhiều cách phản hồi khác nhau nếu bạn có ý kiến hay đề xuất gì, và hãy nhớ phải loại bỏ giọng điệu trịch thượng và phán xét của mình.

3. Em thấy (tên đồng nghiệp) làm (dự án gần đây) thế nào?

Câu này hay được bộ phận quản lý hỏi trong nhiều môi trường làm việc và có thể làm ta thấy rất không thoải mái. Bị yêu cầu nhận xét về công việc của đồng nghiệp trong môi trường chuyên nghiệp mà không phải đánh giá chính thống hay trong các buổi họp định kỳ sẽ khiến bạn cảm thấy rất nản lòng, nhất là khi bạn có hiềm khích với người đang được hỏi. (Các mối quan hệ ở chỗ làm có thể là kiểu bằng mặt không bằng lòng và hơi mệt mỏi, chúng tôi hiểu mà)

Câu trả lời của bạn cho câu hỏi này sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào độ tương tác giữa bạn và sếp của bạn. Bạn có thân với đồng nghiệp không, hay bạn có giao lưu nhiều với mọi người ngoài giờ làm việc không? Bạn sẽ có nhiều cuộc thảo luận tự do về công việc của bạn và đồng nghiệp nếu bạn thoải mái với sếp của mình.

Thường thì những loại câu hỏi như thế này sẽ dùng để đánh giá khả năng tương tác giữa một nhóm người hay một tập thể. Trong phần lớn các môi trường chuyên nghiệp, nếu bạn bị hỏi câu hỏi trên thì bạn nên suy xét kỹ càng. Cũng như đa số môi trường làm việc khác, câu hỏi này cũng được dùng để lọc nhân viên, và tùy thuộc vào ý định đằng sau câu hỏi đó mà câu trả lời của bạn rất có thể sẽ phản lại chính bạn. Nếu bạn có nhận xét tích cực, hãy thẳng tiến. Nếu bạn có nhận xét tiêu cực, hãy đưa ra các ý kiến hữu ích về hướng cải thiện trong tương lai. Hãy cân nhắc đến viễn cảnh tiếp cận đồng nghiệp với ý niệm tiêu cực trong đầu để tránh bị soi xét khi hoàn thành xong công việc.

Hãy ghi nhớ, trừ phi bạn sẵn sàng giữ vững lập trường và thẳng thắn với đồng nghiệp để đưa ra giải pháp, nếu không bạn sẽ không muốn bản thân là đối tượng của những bàn ra tán vào tại công ty đâu. Bởi nó không những làm bạn sao nhãng với công việc mà còn tạo ra những hiềm khích không đáng có trong môi trường làm việc, và thậm chí còn gây tổn hại đến các mối quan hệ ở chỗ làm.

4. Em có dự định đổi việc không?

Đôi khi sếp biết cả đấy. Và cũng đôi khi họ vô tình để ý đến một bài đăng trên mạng xã hội, cập nhật hoạt động trên LinkedIn, hay những biểu hiện ngầm ám chỉ rằng nhân viên của họ đang kiếm tìm công việc khác. Lời khuyên số một của chúng tôi là? Đừng bao giờ để chuyện tìm việc ảnh hưởng đến công việc hiện tại. Bạn sẽ gây chú ý nếu đang trong giờ làm mà bạn lại đắm chìm trong việc điền hồ sơ xin việc hay các loại sơ yếu lý lịch khác. Hãy xử lý việc cá nhân khéo léo và tôn trọng đồng nghiệp của mình.

cau hoi bay cua sep 3

Tuy vậy, câu hỏi trên vẫn rất dễ gây khó dễ cho bạn. Bạn sẽ có cảm giác quản lý mới là người nắm quyền khi họ dồn bạn bằng những câu hỏi thế này, nhưng sự thật không phải vậy. Dưới đây là một số cách trả lời hợp lý (ngắn gọn xúc tích) giúp bạn vượt qua cuộc đối thoại với ít rủi ro nhất.

  •         Em đang có ý định muốn đến thành phố khác sống.
  •         Bạn học/Đồng nghiệp cũ của em giới thiệu cho em công việc này mà họ thấy hợp với em nên là em muốn tìm hiểu thêm.
  •         Em muốn làm ở một vị trí linh hoạt hơn.
  •         Em đang tìm việc với thu nhập có nhiều triển vọng hơn.
  •         Em muốn tiến thêm bước lớn hơn trong ngành.

Nếu bạn đang chủ động tìm kiếm công việc khác, bạn có lý do của mình. Hãy trấn an sếp rằng bạn không hề tìm việc trong giờ hành chính, và hãy hết sức thật lòng. Nếu bạn không muốn bàn sâu thêm về chủ đề này, hãy chuẩn bị sẵn một câu trả lời trong đầu phù hợp với mức độ thân thiết của bạn với mọi người ở chỗ làm. Dù sao bạn muốn được hòa nhập nhưng không hòa tan, và việc đòi hỏi nhiều hơn từ bản thân hay từ công việc đang làm là một điều công bằng.

Suy cho cùng, cách bạn trả lời câu hỏi của sếp sẽ đa dạng, bởi nó còn tùy thuộc vào mối quan hệ giữa hai bên. Tuy nhiên nhiều câu hỏi vẫn dai dẳng đeo bám bạn và có thể sẽ làm đảo lộn các mối quan hệ hay trải nghiệm của bạn ở chỗ làm. Vì vậy hãy cân nhắc những góp ý của chúng tôi trong bài viết này và hãy thỏa sức tìm kiếm một công việc thu nhập cao khi có thể.

----------

Tác giả: Meredith Schneider

Link bài gốc: 4 Trap Questions Your Boss Asks You all the Time

Dịch giả: Trần Mai Linh - ToMo - Learn Something New

 

Theo ybox.vn

Japan IT Works 





Việc làm theo chuyên ngành

Việc làm theo ngành

Việc làm theo tỉnh thành