Giống như hoạt động ngắm hoa anh đào (hanami) hay ngắm tuyết khi đang ngâm mình trong suối nước nóng (yukimi onsen), người Nhật luôn có những dịp ngồi lại cùng nhau để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời theo từng mùa trong năm.
Vào mùa thu, ở Nhật Bản, mọi người thường tổ chức lễ hội ngắm trăng tsukimi (月見) bằng cách cùng quây quần bên nhau vừa ngắm trăng rằm vừa thưởng thức bánh dango. Không tưng bừng, náo nhiệt như hanami, lễ hội ngắm trăng tsukimi thường trang trọng và truyền thống hơn. Bạn đã từng tham dự lễ hội ngắm trăng (tsukimi) ở Nhật bao giờ chưa? Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về lễ hội thú vị này trong bài viết dưới đây nhé!
1. Nguồn gốc và ý nghĩa của lễ hội ngắm trăng Tsukimi
Cùng giống như các quốc gia Đông Á khác, Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa Trung Quốc, tiêu biểu như chữ viết, văn hóa truyền thống như trà đạo hay các ngày lễ trong năm.
Cũng giống như Việt Nam, Nhật Bản cũng có ngày Tết Trung thu là ngày 15 tháng 8 hàng năm theo Âm lịch, thường rơi vào khoảng tháng 9 hoặc tháng 10 Dương lịch.
Tuy nhiên, khác với Trung thu ở Việt Nam luôn đi liền với câu chuyện về chú Cuội và chị Hằng trên cung trăng, rằm tháng Tám ở Nhật Bản lại gắn liền với hình ảnh chú thỏ đang đứng giã bánh tsukimi dango.
Nhiều ghi chép cho rằng hoạt động thưởng trăng ở Nhật vốn được du nhập từ Trung Quốc vào thời kỳ Jogan (859 - 877) (tương đương với thời nhà Đường ở Trung Quốc) và nhanh chóng trở nên phổ biến trong giới quý tộc vào thời Heian.
Thời điểm đó, vào mỗi dịp ngắm trăng đêm rằm tháng 8, người ta thường tổ chức những bữa tiệc xa hoa vừa ngâm thơ, biểu diễn ca kịch trên thuyền vừa thưởng thức rượu. Sau đó, vào thời Edo (1603 - 1868), việc ngắm trăng được phổ biến rộng rãi đến dân chúng.
Trăng rằm vào tháng 8 âm lịch cũng là lúc bắt đầu vụ thu hoạch. Vì lý do đó mà ngày này còn được coi là ngày vui của những người nông dân Nhật Bản.
Trong khi Tết trung thu ở Việt Nam được coi là ngày tết thiếu nhi thì theo văn hóa Nhật Bản, đây lại là dịp để những người nông dân tại đây thể hiện lòng biết ơn tới các vị thần đã ban cho họ một vụ mùa bội thu và cầu nguyện điều tốt đẹp cho mùa vụ tiếp theo. Truyền thống tổ chức lễ hội ngắm trăng Tsukimi này vẫn được duy trì cho đến ngày nay.
2. Lễ hội Tsukimi được tổ chức như thế nào?
Theo quan niệm xa xưa của người Nhật, tháng thứ 8 âm lịch là thời điểm giữa năm và cùng là thời điểm tiết trời dễ chịu nhất. Mặt trăng vào đêm Rằm tháng 8 không phải lúc nào cũng tròn nhất nhưng lại được cho là sáng nhất và đẹp nhất trong năm.
Nếu như Tết trung thu ở Việt Nam, trẻ em thường đi rước đèn ông sao và cùng nhau phá cỗ, trên đường phố tấp nập những tốp múa lân tạo nên một bầu không khí vui tươi và náo nhiệt thì tại Nhật, trung thu lại mang một không khí trang trọng hơn.
Mặc dù hoạt động ngắm trăng theo thời gian đã có nhiều thay đổi để phù hợp hơn với lối sống hiện đại nhưng nhìn chung vẫn giữ được những nét truyền thống vốn có. Rằm tháng 8 ở Nhật là dịp để mọi người cùng nhau ngắm trăng, bày biện mâm cỗ và thưởng thức những món ăn truyền thống. Nhiều ngôi đền trên khắp Nhật Bản cũng tổ chức lễ hội Tsukimi với các màn biểu diễn nhạc cụ cổ truyền cùng những điệu nhảy bắt mắt thu hút rất nhiều đến tham gia.
Dù cũng chịu sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa nhưng phong tục ngắm trăng của Nhật Bản lại có những đặc điểm rất riêng và độc đáo. Nếu như ở Việt Nam hay Trung Quốc, dịp lễ này chỉ được tổ chức duy nhất một lần trong năm vào ngày Rằm tháng 8, thì ở Nhật Bản, người ta thường tổ chức hai lần.
Bên cạnh ngày 15 tháng 8 âm lịch, lễ hội ngắm trăng Tsukimi còn được tổ chức lần thứ hai sau đó 1 tháng vào ngày 13 tháng 9 Âm lịch*. Người Nhật quan niệm rằng một khi đã ngắm trăng đêm 15 tháng 8 Âm lịch thì nhất định phải ngắm trăng vào đêm ngày 13 tháng 9 theo Âm lịch. Bởi nếu chỉ ngắm trăng đêm rằm tháng 8 thì sẽ gặp xui xẻo hoặc tai họa.
Điều kiêng kị này được gọi là 片月見 (kata tsukimi) trong tiếng Nhật. Đây cũng là một nét khác biệt vô cùng độc đáo trong ngày Tết trung thu tại Nhật Bản.
*Ngày Rằm tháng 8 năm nay rơi vào ngày 21/9/2021 (thứ Ba) theo Dương lịch
Ngoài ra, người Nhật cũng tổ chức ngắm trăng vào ngày 26 âm lịch vì họ tin rằng vào ngày này khi trăng lên, "bộ ba A Di Đà" sẽ xuất hiện dưới ánh trăng và ban phước lành cho dân chúng. Vì vậy, người Nhật thường tụ tập cùng gia đình quây quần ăn uống chờ trăng trong khoảng thời gian từ 1 đến 3 giờ đêm.
3. Những lễ vật không thể thiếu trong ngày lễ Tsukimi
Tsukimi Dango
Nói đến tết trung thu tại Việt Nam thì không thể thiếu món bánh nướng, bánh dẻo. Còn ở Nhật, món ăn phổ biến nhất vào mỗi dịp tsukimi chính là món bánh dango - món bánh truyền thống của Nhật Bản, gần giống với bánh mochi. Bánh dango có nhiều kiểu khác nhau, đa dạng và phong phú về kiểu dáng cũng như về hương vị tùy theo vùng miền.
Ví dụ, tsukimi dango ở khu vực Kanto có hình tròn và màu trắng, trong khi đó tsukimi dango ở Kansai thường có hình dáng dài, bên ngoài thường được bọc bằng một lớp đậu đỏ, trông giống như củ khoai môn.
Vào ngày rằm tháng Tám, người Nhật thường xếp những chiếc bánh dango này lên một chiếc đĩa lớn theo hình kim tự tháp. Một đĩa bánh tsukimi dango thường gồm 15 chiếc bánh (tượng trưng cho đêm thứ 15 của tháng) được xếp thành 3 tầng với tầng 1 gồm 9 chiếc, tầng 2 gồm 4 chiếc và tầng 3 trên cùng là 2 chiếc.
Cỏ lau (Susuki)
Hình ảnh cỏ lau, hay còn được gọi là susuki, vốn từ lâu đã gắn liền với mùa thu Nhật Bản, là hình ảnh tượng trưng cho thần mặt trăng. Ban đầu người Nhật sử dụng bông lúa, nhưng sau đó thay thế bằng cỏ lau do loài cỏ này được cho là có thể xua đuổi tà ma.
Không có quy tắc nhất định nào về cách trang trí cỏ lau trong dịp lễ ngắm trăng. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, số lẻ được cho là điềm lành, vì vậy người ta thường bày lên mâm cỗ một, ba hoặc năm cành cỏ lau.
Rau củ và trái cây theo mùa
Bên cạnh tsukimi dango và cỏ lau, người Nhật còn bày lên mâm cỗ trung thu của mình những loại rau củ và trái cây theo mùa. Trong khi mâm ngũ quả của Việt Nam thường bày các loại trái cây vào mùa thu như hồng, ổi, bưởi,.. thì mâm cỗ trung thu ở Nhật cũng tương tự với vậy, với các loại quả đặc trưng trong mùa thu như bí đỏ, hạt dẻ, củ cải, nấm, bạch quả, hồng,... để thể hiện sự biết ơn tới thần linh đã phù hộ cho mùa màng bội thu. Phổ biến nhất thường là khoai môn, do khoai môn thường mọc theo từng chùm, được cho là biểu tượng cho sự thịnh vượng và sung túc gia đình.
4. Những địa điểm ngắm trăng phổ biến ở khu vực Tokyo
Vườn Sankeien (Kanagawa)
Đài quan sát Sunshine 60 Observatory (Sky Circus) (Tokyo)
*Lưu ý: Những sự kiện và địa điểm được giới thiệu bên trên có thể bị hủy hoặc hoãn do ảnh hưởng của Covid-19. Hãy kiểm tra thông tin trên website chính thức trước khi tham gia.
Lễ hội ngắm trăng tại Nhật Bản cũng giống như Lễ Trung Thu tại Việt Nam nhưng cũng có những điểm khác biệt và nét văn hóa truyền thống riêng. Nếu có dịp đến Nhật Bản vào dịp tháng 8 hãy thử tham gia lễ hội ngắm trăng Tsukimi tại đây để cảm nhận những nét độc đáo cũng như sự khác biệt trong văn hóa của mỗi nước nhé!
Theo tsunagujapan.com
Japan IT Works