1. Bạn đã hiểu rõ giá trị của bản thân mình?
Bạn đã từng nghe tới bài trắc nghiệm nổi tiếng DISC, bài test phân định rõ ràng 4 kiểu người khác nhau và tương ứng với nó là những nhóm công việc khác nhau phù hợp với từng kiểu người như thế? Điều đó có nghĩa là, bạn là người như thế nào thì bạn sẽ phù hợp với loại công việc như thế ấy.
Trong mỗi chúng ta, sẽ có những bạn rất phù hợp để trở thành người quản lí, leader, trong khi một số khác lại chỉ thích thực hiện nhiệm vụ được giao sẵn, không thích trở thành nhân vật trung tâm đứng lên giao việc cho người khác.
Khi bạn là người năng động, bạn sẽ hiểu rằng, bạn không thể nào làm được những công việc ngồi ì một chỗ cả ngày, chỉ để đánh máy hay làm những công việc lặp đi lặp lại.
Hay bạn muốn dành nhiều thời gian cho bản thân và gia đình, công việc mơ ước của bạn sẽ không được quá bận rộn, không phải nay đây mai đó, ngược lại nếu bạn không quá vướng bận những chuyện riêng tư thì sẽ bạn sẽ thích những vị trí mà bạn có thể bay nhảy hay đi công tác trải nghiệm thật nhiều.
Khi bạn hiểu rất rõ giá trị của mình, mình sinh ra để làm những công việc có tính chất như thế nào, những công việc nào mà mình không bao giờ có ý định ứng tuyển (dù cho mức lương của nó hấp dẫn ra sao)
Khi bạn hiểu rõ giá trị của mình, hiểu rõ điểm mạnh điểm yếu và những gì phù hợp với bản thân, bạn vừa lựa chọn được chính xác hướng đi đúng đắn cho mình, vừa tránh mất thời gian của nhà tuyển dụng. Bởi vì, hai bên đều đang tìm đối tượng phù hợp với chính bản thân mình.
Làm thế nào để hiểu rõ giá trị của bản thân?
Bạn có thể bắt đầu bằng những bài test tính cách như DISC, MBTI, John Holland, sinh trắc vân tay,…
Bạn cũng có thể bắt đầu bằng cách nhìn lại những trải nghiệm của bản thân trong quá khứ, những hoạt động ngoại khóa mà bạn tham gia, những công việc mà bạn đã từng làm,…Bạn thường giữ vị trí gì trong những trải nghiệm như thế, bạn cảm thấy bản thân hoàn thành xuẩt sắc những loại công việc như thế nào,…
Hãy xác định rõ giá trị của mình để đối chiếu và tìm ra công việc phù hợp.
2. Bạn thực sự muốn trải nghiệm điều gì?
Mục tiêu nghề nghiệp luôn là thứ mà các nhà tuyển dụng thường đặt lên hàng đầu khi xem xét có nên để ứng viên đi tiếp vào các vòng sâu hơn hay không.
Bởi, các nhà tuyển dụng cần biết, bạn thực sự muốn gì khi ứng tuyển vào vị trí này, bạn mong muốn một công việc ra sao, muốn hoạt động cụ thể trong lĩnh vực nào, định hướng tương lai của bạn là gì? Bạn đã vạch định được rõ ràng về những mục tiêu và thành quả mà bạn mong muốn đạt được trong tương lai gần và xa hay chưa?
Khi bạn càng rõ ràng về điều mà bạn muốn làm được, đạt được, công việc mơ ước sẽ càng dễ dàng đến gần hơn với bạn.
Mình luôn chia sẻ với mọi người, chỉ khi bạn biết bản thân mình là ai, mình hướng tới điều gì thì nhà tuyển dụng mới biết bạn đang mong đợi điều gì để mang tới cho biết chính xác điều mà bạn muốn!
3. Một môi trường làm việc lý tưởng đối với bạn sẽ như thế nào?
Mình nhận thấy nhiều bạn trẻ khi bắt đầu ra đời tìm kiếm cho mình công việc fulltime đầu tiên thường chỉ quan tâm đến vị trí và lĩnh vực mà bản thân các bạn muốn ứng tuyển trong khi bỏ quên một yếu tố vô cùng quan trọng khác, là môi trường làm việc.
Khi được hỏi đến, bạn sinh viên nào cũng rõng rạc nêu to về ngành nghề mình mong muốn theo đuổi ngay sau khi ra trường, mà hầu như chẳng ai vạch kĩ những yếu tố về một môi trường mà các bạn mong muốn gắn bó và theo đuổi lâu dài.
Điều này rất nguy hiểm, bởi vì, mình chứng kiến rất nhiều các bạn ứng viên tìm được cho mình một công việc phù hợp với đúng sở thích đam mê và định hướng của các bạn, nhưng rồi các bạn vẫn phải rời bỏ công việc đó với lí do không thể hòa nhập được với môi trường, văn hóa và đồng nghiệp của công ty.
Bắt đầu làm việc tại một môi trường mới đồng nghĩa với việc bạn sẽ tiếp xúc với những con người hoàn toàn xa lạ. Hòa nhập, thích nghi được hay không sẽ ảnh hưởng lớn tới hiệu suất làm việc của bạn – vậy nên điều quan trọng là đầu tiên, hãy vạch ra những đặc điểm môi trường làm việc mà bạn mong muốn và tìm hiểu kỹ về môi trường mà bạn sắp gia nhập: đồng nghiệp, cấp trên, khách hàng của bạn là ai,… bạn có thể trở thành mảnh ghép vừa vặn trong toàn thể một bức tranh lớn không?
Hãy nhìn vào văn hóa làm việc của một công ty đang xem xét trước khi chấp nhận bất kỳ lời mời làm việc nào nhé.
4. Lĩnh vực mà bạn theo đuổi có lộ trình thăng tiến như thế nào
Đây là câu hỏi mình thường xuyên tự đặt ra cho bản thân nhiều nhất trước khi quyết định ứng tuyển vào một nơi nào đó.
Đơn giản bởi vì, cho dù đó là một công ty hay tập đoàn lớn nhưng số lượng nhân viên ở đó quá lớn, mỗi nhân viên đều có một vị trí công việc cố định, không có nhiều cơ hội để bạn thử sức với vai trò hay cấp độ cao hơn, thì công việc ấy đối với mình cũng sẽ không hấp dẫn bằng một công ty có thể vẫn chỉ đang ở giai đoạn start-up nhưng bạn có cơ hội học tập và phát triển, thử sức ở nhiều vai trò và cấp độ khác nhau, cơ hội thăng tiến của bạn lớn hơn rất nhiều so với một công việc ổn định qua ngày qua tháng.
Chính vì vậy, trước khi ứng tuyển bất cứ công ty nào, hãy vạch ra thật rõ ràng về kế hoạch và lộ trình thăng tiến của bản thân, của lĩnh vực mà bạn đang theo đuổi cũng như của công ty bạn đang có ý định ứng tuyển.
5. Nhu cầu tài chính hiện tại của bạn ra sao?
Mỗi người sẽ có những nhu cầu và mục tiêu tài chính, thu nhập khác nhau khi chuẩn bị tìm kiếm công việc cho mình. Chính vì vậy, để tìm được chính xác công việc phù hợp với bản thân, bạn nên tự xác định trước xem nhu cầu tài chính hiện tại của bạn đang ở mức nào.
Ví dụ, nếu bạn vẫn còn là sinh viên, và đang đi làm part-time hoặc cần tìm nơi thực tập, bạn sẽ không thể đòi hỏi một mức lương quá cao mà nên tập trung ưu tiên yếu tố kinh nghiệm.
Hay bạn đã tốt nghiệp ra trường, bạn đang tự mình trang trải cuộc sống thì chắc chắn những công việc mà bạn chọn ứng tuyển sẽ phải đáp ứng được cho bạn một mức lương phù hợp để trang trải cuộc sống cá nhân của bạn.
Mỗi giai đoạn của cuộc đời, mỗi hoàn cảnh và trường hợp khác nhau sẽ có những nhu cầu khác nhau khi đi ứng tuyển.
Chính vì vậy, việc của bạn là, trước khi ứng tuyển bất cứ vị trí nào, hãy tự xác định xem bản thân mình đang có những giá trị gì, mình có thể đáp ứng được những yêu cầu nào của nhà tuyển dụng, mình phù hợp với những vị trí nào, loại công việc ra sao, mình mong đợi điều gì ở môi trường làm việc sắp tới, ở công việc sắp tới, và trong tương lai, mình mong muốn bản thân đang đứng ở đâu, là người như thế nào.
Khi bạn vạch ra được chính xác từng yếu tố như thế, bạn sẽ tự động gạt bỏ khỏi tầm mắt những công việc không phù hợp với tiêu chí của bạn, và những công việc thực sự phù hợp cứ dần dần và tự nhiên tìm đến với bạn một cách dễ dàng hơn bao giờ hết.
Chốt lại là, “Bạn cần biết bạn muốn cái gì thì cuộc đời mới đem đến cho bạn chính xác thứ mà bạn muốn”.
Đó là những chia sẻ của mình dành cho những bạn ứng viên còn đang hoang mang chưa tìm ra được công việc phù hợp với bản thân mình. Hi vọng những chia sẻ của mình có giá trị với bạn!
Sưu tầm
Japan IT Works