Thuật ngữ về phim ảnh cho người chưa biết

18/07/2021

Những từ khóa thường được dùng khi nói về phim ảnh. Hy vọng chúng sẽ trở thành kiến thức nền tảng, giúp bạn trở thành những khán giả xem phim hiểu biết hơn.

1. Movie (phim điện ảnh) 

phim dien anh

Phim điện ảnh hay còn gọi là phim xi-nê trong tiếng Việt là những tác phẩm có thời lượng phim giới hạn, thường là từ 90 phút đến hơn 180 phút, được chiếu ở các rạp chiếu bóng. Tuy nhiên, cũng có một số phim điện ảnh không ra mắt ở rạp và được phát hành ngay dưới dạng băng đĩa.

2. Series (phim truyền hình) 

phim truyen hinh

Phim truyền hình là một chuỗi những tập phim có thời lượng thường dưới 60 phút và được phát sóng trên màn ảnh nhỏ theo mốc thời gian cố định. Khác với phim điện ảnh, phim truyền hình có thời gian dư dả nên có thể phát triển cốt truyện theo nhiều hướng đa dạng, số lượng nhân vật cũng rất đông đảo.

Phim truyền hình thường kéo dài qua nhiều năm, với các phần phim nối tiếp liên tục. Cá biệt, có một vài phim có tuổi thọ lên tới hàng trăm tập, như: The Simpsons, NCIS, Supernatural, Criminal Minds, Law & Order…

3. Academy Award (giải Oscar)

Oscar (do Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Điện ảnh Hoa Kỳ bình chọn) được xem là giải thưởng danh tiếng nhất dành cho hạng mục phim điện ảnh. Lễ trao giải này thường được tổ chức vào cuối tháng 2 và nó cũng vừa kỉ niệm “sinh nhật” lần thứ 90 vào đầu năm 2018.

4. Emmy Award

emmy award

Emmy Award là giải thưởng mà ngành công nghiệp phim ảnh Mỹ dành để tôn vinh những tác phẩm, cá nhân xuất sắc trong lĩnh vực truyền hình. Giải thưởng gồm nhiều hạng mục khác nhau, như giải Primetime Emmy Award, tôn vinh các phim truyền hình Mỹ (kể cả thể thao) và Daytime Emmy Award, tôn vinh thể loại phim truyền hình dài tập hằng ngày.

Academy Award (phim điện ảnh), Emmy Award (phim truyền hình) cùng với Tony Award (nhạc kịch), Grammy Award (âm nhạc) tạo thành bộ tứ giải thưởng EGOT danh giá trong nền công nghiệp giải trí Hoa Kỳ.

5. Live-action (phim chuyển thể người đóng)

Live action là dạng phim tái hiện lại các tác phẩm hoạt hình, video-game, truyện tranh với sự tham gia của các diễn viên con người. Hiện tại, việc sử dụng hình ảnh do máy tính tạo ra (còn gọi là công nghệ CGI) đang trở thành một xu hướng lớn trong dòng phim này.

live action

“Beauty and the Beasts” bản gốc (1990) và bản live-action (2017).

6. Motion Capture (công nghệ ghi hình chuyển động)

Motion capture thường được ứng dụng trong phim hoạt hình và trò chơi điện tử, ghi lại chuyển động của diễn viên và sử dụng các thông tin để áp dụng vào các nhân vật hoạt hình 3D hoặc 2D. 

Những ví dụ đỉnh cao của loại hình mo-cap này có thể kể đến: nhân vật Gollum trong loạt phim The Lord of the Rings hay loạt phim Planet of the Apes.

Motion Capture

Andy Serkis là “bậc thầy” trong lĩnh vực mo-cap.

7. Credits

Credits là danh sách toàn bộ những cá nhân, đơn vị, nhà chế xuất, các ca khúc… có đóng góp vai trò trong bộ phim. Phần này có thể có hai màu đen và trắng hoặc nhiều màu kết thúc với chuyển động đi lên của dòng chữ, hoặc ẩn hiện từng dòng chữ một, kèm theo một số nhân vật hoặc hình vẽ.

8. Mid-credits và Post credits/After-credits

Trong Credits, người ta còn phân chia ra là hai (hoặc ba) loại khác là mid-credits after-credits. Đây là một đoạn phim ngắn được sắp xếp chiếu ở đầu, ở giữa hoặc khi những dòng cuối cùng trong credits kết thúc. Chúng thường có tính chất giải trí hoặc gợi ý cho phần tiếp theo.

9. Trailer (hay còn gọi là preview)

Là đoạn phim ngắn, tóm lược chủ đề, kèm theo những cảnh hấp dẫn nhất  trong phim để dùng cho việc quảng cáo trước khi phim ra mắt. Một trailer chuẩn thường có thời lượng từ 1 phút rưỡi đến 3 phút. Trailer thường được chiếu tại các rạp phim, hoặc phát hành rộng rãi trên internet. Một bộ phim thường có ít nhất là 2 trailer trước khi ra rạp..

10. TV Spot

Đây cũng là một dạng trailer nhưng được chọn phát sóng trên màn ảnh nhỏ.

11. Poster (áp phích)

Hiểu nôm na là hình bìa, được thiết kế với mục đích đại diện hình ảnh cho tác phẩm.

poster

Poster một phim đôi khi cũng được thiết kế khác nhau, tùy thuộc vào thị trường.

Trên một poster, thường có hình ảnh nhân vật chính trong phim cùng những dòng chữ đề tên đạo diễn, diễn viên và hãng phim phát hành.

poster 1

Đôi khi có những ý tưởng thiết kế “trùng nhau”.

12. Sequel (hậu truyện hoặc phần sau)

Đây là phần phim tiếp nối hoặc mở rộng hơn từ cốt truyện trong phần phim gốc hoặc phần phim lẻ trước đó. Ví dụ, John Wick: Chapter 2 chính là sequel của phần phim đầu tiên là John Wick.

13. Prequel (tiền truyện)

Prequel

Ngược lại với hậu truyện, phần phim này sẽ đề cập tới những sự kiện xảy ra ở trước phần phim gốc. Mở đầu cho trào lưu này chính là loạt phim Star Wars Prequel Trilogy.

Bộ ba phim tuy phát hành từ năm 1999 đến năm 2005, nhưng lại có nội dung kể lại những sự kiện đã xảy ra hàng thập kỷ trước khi Star Wars Trilogy (ra mắt từ năm 1977 đến 1983) bắt đầu.

14. Movie Trilogy (gọi tắt là trilogy - bộ ba phim)

Từ này có nguồn gốc từ “trilogia” trong tiếng Hy Lạp, mang nghĩa “một chuỗi ba vở bi kịch được trình diễn tại Athens trong lễ hội Dionysus”. Trilogy phim bao gồm các phần phim có nội dung độc lập nhưng vẫn có sự liên kết để tạo nên một thể hoàn chỉnh.

Movie Trilogy

“The Lord of the Rings” là trilogy phim hiếm hoi thành công ở hai mảng doanh thu lẫn giải thưởng.

Trilogy trong phim ảnh thường được áp dụng trong dòng phim khoa học viễn tưởng (Alien, Back to the Future…), phiêu lưu giả tưởng (The Lord of the Rings, The Hobbit, Indiana Jones…) hoặc siêu anh hùng (The Dark Knight của Christopher Nolan, Iron Man...). Loạt phim Before (gồm Before Sunrise, Before Sunset, Before Midnight) của đạo diễn Richard Linklater là trilogy phim tình cảm hiếm hoi của thế giới điện ảnh.

15. Movie Franchise (Phim thương hiệu)

Hay còn được gọi là “movie series” hoặc “film franchise”, bao gồm một chuỗi các phim điện ảnh có nội dung được liên kết chặt chẽ với nhau, đạt được những thành công lớn trên thị trường. Một số thương hiệu phim nổi tiếng nhất thế giới là: Vũ trụ Điện ảnh Marvel, Star Wars, Harry Potter, James Bond, The Lord of the Rings, Fast & Furious

Movie Franchise

16. Reboot (làm mới)

Phim sử dụng những tác phẩm hư cấu đã ra đời trước đó (truyện tranh, phim truyền hình) làm nguồn chất liệu, nhưng phủ nhận đa số hoặc toàn bộ cốt truyện của chúng và dựng lại bằng những ý tưởng hoàn toàn mới. Các reboot thường xuất phát từ mục đích khơi lại sự yêu thích của khán giả với tựa phim truyền hình hoặc một tựa truyện đã ra đời trước đó. 

Điểm lưu ý là phần phim reboot không liên quan gì tới phần phim gốc. Nếu có cũng chỉ là những chi tiết gợi nhớ, tri ân diễn viên hoặc tinh thần của loạt phim gốc mà thôi.

reboot

Bản remake “Tomb Raider” của Alicia Vikander không được thành công như bản phim của Angelina Jolie.

17. Remake (làm lại)

Phim sử dụng một phim đã ra đời trước đó làm nguồn chất liệu chính; thường sử dụng hẳn cả cốt truyện và nhân vật của phim cũ, chỉ sửa đổi một số tình tiết hay thay đổi cách thể hiện. Các remake thường xuất phát từ mục đích cải thiện chất lượng hoặc thay đổi cách thể hiện của phiên bản cũ (cho hợp với văn hóa, thị trường, xu hướng thời đại). Ví dụ, phim kinh dị Let Me In được remake từ bản gốc Let the Right One In, The Departed là bản remake của bộ phim Vô Gian Đạo.

Remake

Hề Pennywise trong bản gốc và bản remake của phim kinh dị “IT”.

18. Spin-off (phần phim phụ/riêng)

Đây là dạng phim riêng, xoay quanh các nhân vật (chính hoặc phụ) nhận được nhiều sự yêu mến của các khán giả trong phần phim chính. Spinoff có thể là sequel hoặc prequel cho bộ phim gốc, tùy vào thời điểm mà câu chuyện trong đó diễn ra.

Spin-off

Fantastic Beasts chính là spin-off của Harry Potter.

19. Easter Egg (trứng Phục Sinh)

Cụm từ dùng để chỉ những chi tiết gắn liền với một tác phẩm khác hoặc một điều thú vị nào đó được cất giấu hết sức tinh tế trong phim.

Easter Egg

Ước tính có 101 “trứng Phục Sinh” trong “Deadpool 2”.

20. Spoiler Alert (cảnh báo tiết lộ nội dung)

Ám chỉ hành động tóm tắt phim này có thể tiết lộ những chi tiết quan trọng trong phim, có thể ảnh hưởng tới cảm nhận của những ai chưa xem phim.

21. Review (bình luận, đánh giá phim)

Quan điểm, góc nhìn hay cảm nhận của người xem trước một tác phẩm. Người viết có thể là bất cứ ai, từ khán giả đại chúng cho đến nhà phê bình có chuyên môn.

22. Streaming (xem trực tuyến)

Bên cạnh các thể thức chiếu phim truyền thống qua rạp, băng đĩa và tivi, hiện nay còn xuất hiện thêm hình thức phát hành phim qua internet. Đi đầu trong dịch vụ mới mẻ này chính là Netflix với hàng trăm ngàn tác phẩm đủ mọi thể loại đến từ nhiều quốc gia.

Theo 123Phim

Japan IT Works



Việc làm theo chuyên ngành

Việc làm theo ngành

Việc làm theo tỉnh thành