Nguồn gốc và ý nghĩa của Otoshidama
Hiện nay, Otoshidama ở Nhật chủ yếu bằng tiền nhưng ban đầu nó là bánh gạo mochi. Nhưng nó không chỉ mochi thông thường. Bởi vì nó là một biểu tượng của 魂 (tama) “linh hồn” tức là sức mạnh và nghị lực.
Ngày xưa, người ta cho rằng đầu năm được vị thần của năm (gọi là 年神様 – Toshigami sama) chia bánh mochi cho, tức được cho sức mạnh của một năm.
Chuỗi sự kiện chào đón năm mới ở Nhật đó là đón vị thần của năm, thiết đãi và tiễn đưa. Vị thần năm mới sẽ ban phát linh hồn – sức sống, niềm hạnh phúc và may mắn trong năm mới. Đó cũng chính là một tuổi của bạn. Người Nhật cho rằng khi sinh ra chúng ta có linh hồn nên lúc đó là 1 tuổi và hàng năm nhận thêm một tuổi từ vị thần Năm mới vào ngày mùng 1.
Vậy linh hồn được chia như thế nào?
Vào dịp năm mới mỗi gia đình ở Nhật đều có đặt một chiếc bánh gạo mochi gọi là 鏡餅 – Kagami-mochi, nơi để vị thần Năm mới ngụ lại. Do đó ở chiếc Kagami-mochi này có 御魂 (Mitama) – linh hồn của vị thần. Nó trở thành 年魂 – Toshidama cũng là 餅玉 (Mochidama). Người chủ hộ của gia đình sẽ chia chiếc mochi này cho tất cả thành viên trong gia đình. Đây chính là 御年魂 hay 御年玉, đều được đọc là Otoshidama. Vì trong quả cầu – 玉 có linh hồn 魂.
Để ăn Toshidama này, người Nhật làm thành món “お雑煮”/Ozoni, ăn mochi để đưa linh hồn vào cơ thể. Vì vậy, Ozoni luôn chứa mochi. Khi chưa ăn Ozoni vào năm mới, người Nhật sẽ cảm nhận như là mình chưa đón được năm mới về vậy.
Cũng có giả thuyết cho rằng đó là “Toshidama” vì đây là món quà của năm 年の賜物 (Toshi no Tamamono).
Văn hoá Otoshidama có từ bao giờ?
Có nhiều thuyết nói về thời gian bắt đầu văn hoá Otoshidama. Một trong số đó là văn hoá này phổ biến với người dân ở thời Edo. Ngoài bánh gạo người ta còn trao vật phẩm hoặc tiền bạc. Từ đó những món quà năm mới này được gọi là “Otoshidama”.
Phong tục tặng Otoshidama được kế thừa từ thời Minh Trị, thời đại Taisho và thời đại Showa, nhưng từ khoảng thời kỳ phát triển kinh tế cao vào nửa sau của những năm Showa 30, tiền bạc đã trở thành xu hướng chủ yếu ở các khu vực thành thị, và người nhận chỉ còn là trẻ em.
Thậm chí bây giờ, một số người cao tuổi nói rằng mochi là một món quà năm mới khi họ còn nhỏ.
Quà năm mới được truyền từ người đứng đầu đến gia đình, từ chủ đến đầy tớ, từ sư phụ đến đệ tử, v.v. Vì vậy, dường như việc sử dụng Otoshidama để trao cho người lớn đã giảm đi, phong tục tặng quà cho trẻ em cũng thay đổi.
Người Nhật mừng tuổi bao nhiêu?
Tiền mừng tuổi không chỉ thay đổi theo số tuổi người được mừng mà còn thay đổi xem đối tượng người được mừng là ai ví dụ con mình, con họ hàng, con của bạn bè. Ngày xưa ở Nhật mọi người còn có công thức để tính ra số tiền mừng đó là:
Số tiền mừng tuổi = Số tuổi người được mừng/2 × 1.000 yên
Tuy nhiên hiện nay tiền mừng tuổi đã có chút thay đổi. Con số phố biển thay đổi theo độ tuổi và đối tượng như sau:
Trong trường hợp là con mình:
- Dưới cấp 1: 1.000 yên (1.000 yên ~ 3.000 yên)
- Học sinh cấp 1: Lớp nhỏ: 3.000 yên (1.000 yên ~ 3.000 yên)/Lớp lớn: 5.000 yên (3.000 yên ~ 10.000 yên)
- Học sinh cấp 2: 5.000 yên (5.000 yên ~ 10.000 yên)
- Học sinh cấp 3: 10.000 yên (5.000 yên ~ 10.000 yên)
- Đại học: 10.0000 yên (5.000 yên ~ 10.000 yên)
- Người đi làm: 10.000 yên ~
Với các bé ở lớp dưới do chưa biết tự quản lí hay biết sử dụng tiền nên chủ yếu mừng với số tiền bé, còn lớn dần lên thì nhu cầu mua đồ chơi hay những thứ bản thân thích đã phát sinh nên tiền mừng tuổi cũng tăng theo. Thông thường ngưỡng cao nhất là 10.000 yên.
Trong trường hợp là con họ hàng:
- Dưới cấp 1: 1.000 yên (500 yên ~ 1.000 yên)/Hoặc đồ chơi, bánh kẹo
- Học sinh cấp 1: Lớp nhỏ: 1.000 yên (1.000 yên ~ 3.000 yên)/Lớp lớn: 3.000 yên (3.000 yên ~ 5.000 yên)
- Học sinh cấp 2: 5.000 yên (3.000 yên ~ 5.000 yên)
- Học sinh cấp 3: 5.000 yên (5.000 yên ~ 10.000 yên)
- Đại học: 10.0000 yên (0 yên ~ 10.000 yên)
Những đứa trẻ sẽ hỏi và nói cho nhau về số tiền mừng tuổi mà chúng nhận được do đó cần phải chú ý để các bé không thấy bị thiếu công bằng. Là sinh viên bắt đầu có thể tự kiếm tiền bằng việc làm thêm rồi nên cũng có người không mừng tuổi cho con của họ hàng là sinh viên.
Trong trường hợp là con của bạn bè hoặc người quen:
- Dưới cấp 1: 1.000 yên (0 yên ~ 1.000 yên)/Hoặc đồ chơi, bánh kẹo
- Học sinh cấp 1: Lớp nhỏ: 1.000 yên (0 yên ~ 3.000 yên)/Lớp lớn: 1.000 yên (0 yên ~ 3.000 yên)
- Học sinh cấp 2: 3.000 yên (0 yên ~ 5.000 yên)
- Học sinh cấp 3: 5.000 yên (0 yên ~ 10.000 yên)
Vì là bạn bè nên cũng giống Việt Nam bố mẹ hai bên mừng tuổi cho các bé của bên còn lại.
Một số điểm cần chú ý
Ngoài giá trị của tiền mừng tuổi, người Nhật có một số quy tắc nhất định như:
- Mừng bằng tiền mới
- Hướng mặt có hình người lên trên, gấp thành 3 phần bằng nhau theo chiều ngang, 1/3 tờ tiền bên trái vào trong, 1/3 tờ tiền bên phải lên trên, cho vào phong bì bỏ tiền mừng tuổi theo chính hướng ban đầu
- Tránh mừng tiền có số 4 và số 9 như 400 yên, 4.000 yên, 900 yên, 9.000 yên vì đây là những con số mang lại điều không lành
Tổng hợp từ locobee.com
Japan IT Works