Ôn thi N1 chỉ trong 3 tháng


Cách ôn tất cả các kỹ năng trong 3 tháng với kinh nghiệm thành công và thất bại của BrSE Nguyễn Thu Hiền chia sẻ dưới đây có thể giúp bạn có thể vượt qua kỳ thi N1 một cách nhanh chóng nhất.

1. Xác định điểm mạnh điểm yếu của bản thân

Phần từ vựng thì mình yếu mảng từ láy và động từ ghép (組み合わせ言葉), mạnh về ngữ pháp và “tự ảo tưởng” mạnh về nghe nói (sau đó chủ quan không ôn nghe cho kỹ và đã bị phần nghe làm cho sấp mặt tại phòng thi, rất may phần thi nghe cũng là phần cuối chứ còn thêm phần nào nữa chắc tụt huyết áp xỉu ngay tại phòng thi) .

Chính vì yếu mảng từ láy và động từ ghép mà trong đề thi mình thấy nếu có gặp mấy từ kiểu này thì mỗi từ cũng chỉ 1-2 điểm nên mình quyết định bỏ qua, không ôn. Thực sự là vì nó quá nhiều và muốn nhớ được mấy từ này phải dùng trong thực tế thật nhiều, không chỉ hiểu nghĩa mà còn phải hiểu hoàn cảnh dùng nó, hiểu sắc thái của nó, phải có thời gian để ngấm… nói chung rất khó.

Rất may là đề thi có động từ ghép mà mình mới biết khi xem bản tin TBS news, nên cuối cùng dù không học nhưng lại không bị mất điểm ở phần này.

Thay vào đó, mình quyết định dành nhiều thời gian cho đọc hiểu và củng cố ngữ pháp. Đọc hiểu thì khó đấy nhưng không bỏ qua được vì bỏ qua đọc hiểu đồng nghĩa với trượt ngay từ vòng gửi xe.

2. Trình tự và thời gian ôn

Đề thi N1 có 3 phần: Từ vựng, ngữ pháp/ Đọc hiểu/ Nghe. Các bạn cứ ôn theo đúng trình tự mình vừa liệt kê là chuẩn nhất.

Trong 3 tháng thì mình chia ra: 1,5 tháng đầu ôn từ vựng và ngữ pháp; 1 tháng tiếp theo cho đọc hiểu và 1 tuần nghe lại phần thi của các mùa thi trước, tuần cuối cùng mình ôn nhanh lại toàn bộ.

Mỗi ngày mình dành khoảng 4-5 tiếng học (bao gồm cả thời gian học trong khi di chuyển hàng ngày), cố gắng không ngày nào không học.

3. Các giáo trình

giao trinh N1

Kiến thức N1 là mênh mông. N1 bao gồm tất cả kiến thức của N5 đến N2 và toàn bộ phần còn lại. Tức là cái gì là tiếng Nhật thì chính là phạm vi kiến thức của N1. Chính vì mênh mông như thế nên theo mình thì không có bộ giáo trình hoàn hảo. Mình đã mua 3 bộ giáo trình và vài quyển sách lẻ.

Bạn cũng nên mua ít nhất 3 bộ giáo trình, có thể mình không học hết từng đó nhưng nếu có 1 từ vựng, một cấu trúc ngữ pháp bạn gặp nó 3 lần ở 3 giáo trình khác nhau với 3 văn cảnh khác nhau, bạn sẽ dễ nhớ hơn là gặp nó 3 lần ở 1 giáo trình, trong 1 văn cảnh.

Các giáo trình mình đã mua sau khi tham khảo các bài review giáo trình N1 tại các trung tâm tiếng Nhật online.

  • Giáo trình新完全マスター: đây là giáo trình rất hay nhưng có vẻ khó hơn so với đề thi thật. Mình đánh giá cao giáo trình này quyển hướng dẫn đọc hiểu. Còn lại quyển từ vựng và ngữ pháp thì hơi khó
  • Giáo trình 総まとめ: Giáo trình này mình không ôn nhiều mà chỉ mở ra check lại kiến thức sau khi đã ôn các giáo trình khác. Vì ngay từ đầu mua về mình đã thấy nó không hay lắm.
  • Giáo trình 徹底トレーニング: Giáo trình này phần từ vựng rất hay, các phần còn lại mình chưa kịp ngó

Ngoài ra còn có các quyển sách lẻ mình mua thêm nữa, nhưng thật sự là đề thi chỉ có khoảng 30-40% trong sách thôi các bạn. Còn lại… nó ở đâu ý !

4. Các phương pháp hỗ trợ khác để đỗ N1

Đây là phần quan trọng nhất, có tính quyết định trong việc cải thiện điểm số của bạn:

Phương pháp 1: Tham gia nhóm ôn thi N1 trên Facebook

tham gia nhom facebook

Phương pháp này có thể không giúp ích được các bạn nhiều về kiến thức như ngồi đọc sách nhưng nó cực kỳ hiệu quả trong việc duy trì niềm đam mê, hào hứng của bạn trong suốt những ngày ôn thi. 

Có 3 tháng thôi, nhưng nhiều khi thấy kiến thức mênh mông quá, mình cũng rất nản, rất muốn bỏ cuộc. Mình nhớ có một buổi tối, vào group, thấy có bạn admin trên đường đi làm thêm về trời giá rét còn cầm điện thoại để làm nốt bài đọc đang làm dở… thấy mình thật hổ thẹn, các em ý vừa đi học vừa đi làm, còn trẻ tuổi vậy mà có ý chí rất cao vậy mà mình lại bỏ cuộc, và hôm đó lại có thêm động lực tiếp tục chiến đấu.

Phương pháp 2: Dùng giấy note dán ở góc nhà

dung giay note

Phương pháp này mình áp dụng cho các cấu trúc ngữ pháp chưa nắm vững. Trên tờ note mình có ghi cấu trúc ngữ pháp, cách dùng, so sánh với các cấu trúc tương tự, cấu trúc này đặc biệt hay dùng trong văn cảnh nào. Các trường hợp dễ nhầm, dễ sai. Bạn không nên chỉ ghi ngắn gọn cấu trúc ngữ pháp, đã mất công học 1 lần hãy học cho tới, chỉ biết cấu trúc ngữ pháp thì bạn không thể áp dụng trong văn cảnh hợp lý, và khi làm bài thi, họ thay đổi văn cảnh, cách diễn đạt một chút thôi, bạn sẽ bị đánh lừa. 

Với phương pháp này thì dù ngày nào bận đến mấy mình cũng có 10 phút đảo qua toàn bộ cấu trúc ngữ pháp còn chưa vững.

Phương pháp 3: Luyện nghe khi đi tàu điện

Bạn hãy cài ứng dụng 聴解N1, ứng dụng này có đầy đủ phần nghe và script của đầy đủ các mùa thi từ năm 2010 thì phải. Mỗi ngày, cả đi và về bạn di chuyển tầm hơn 1 tiếng, thời gian đó cũng đủ để bạn nghe được phần nghe của 1 bài thi rồi. Mỗi bài mình nghe 3 lần. 

  • Nghe lần 1: không nhìn script, nghe xong thử tự phán đoán câu trả lời dựa vào tất cả những gì nghe được. 
  • Nghe lần 2: chỉ pause lại khi đến từ không hiểu và check trong script xem đó là từ gì. 
  • Nghe lần 3: Không nhìn script, tự nghe và trả lời lại. 

Theo mình thì phần nghe chỉ cần ôn trong app này là đủ, vì cấu trúc phần nghe năm nào cũng giống nhau, năm nay mình thi lần đầu và thấy nhiều câu nội dung na ná mấy năm trước. Bày cho các bạn vậy thôi, chứ mình đã chủ quan, không ôn nghe theo cách trên mà đến khi sát ngày thi mới mở app ra nghe vội được vài bài, hậu quả là kết quả phần thi nghe điểm không được như mong đợi.

Phương pháp 4: Nghe bản tin TBS News và đọc báo 読売

Đây là ổ nguồn của từ vựng N1 các bạn ạ. Mình trúng mấy từ trong này liền. Hình như ông ra đề trước làm ở đài này hay sao ý, toàn lấy từ ở đây ra thi thôi. Nhất định mỗi ngày phải nghe 10 phút bản tin này nhé mọi người.

Báo 読売 của trẻ con Nhật rất dễ đọc, dễ hiểu, có furigana, mỗi tuần 1 số, nên sẽ thúc bạn phải đọc hết 1 tờ trong 1 tuần nếu không là sẽ chất đống lên nhau không đọc kịp. Đọc báo không chỉ trau dồi thêm vốn từ mà cũng sẽ giúp bạn cải thiện rất nhiều kỹ năng đọc hiểu.

Phương pháp 5: Tận dụng nguồn tài liệu trên internet

Một vài link mình đã sử dụng trong quá trình ôn mà mình thấy rất hay.

Link 1836 câu trắc nghiệm ngữ pháp (làm hết 1836 câu này, tất nhiên là làm và hiểu và nắm được tại sao lại làm thế…) thì bạn sẽ rất tự tin ở phần ngữ pháp.

Link đề thi các năm: các bạn hãy search trên mạng, thường thì link không tồn tại lâu nhưng luôn được các bạn ý back up sang 1 link mới.

Link toàn bộ tài liệu ôn thi, các bạn có thể tham khảo trước xem sách nào phù hợp với cách học của mình thì mua.

Phương pháp 6: Tự tổng hợp kiến thức của bản thân

Trong suốt 3 tháng ôn thi, mình luôn ghi chép lại những kiến thức mình chưa nắm vững thành 1 file excel (nên ghi chú bằng máy tính chứ không nên ghi bằng tay, vì gõ máy tính nhanh hơn, và khi tìm kiếm lại cũng rất đơn giản). 

File excel chia thành các sheet, mỗi sheet là 1 dạng bài của đề thi: sheet bài sắp xếp câu: ghi chép lại các trường hợp sắp xếp câu khoai nhất, dễ bị lừa nhất. sheet kính ngữ hay xuất hiện trong N1, sheet các chữ hán có cách đọc quái thai nhất, sheet ngữ pháp… Riêng sheet ngữ pháp mình ghi chép lại được 500 cấu trúc ngữ pháp của N1 (ghi chép xong nhìn lại cũng thấy hết hồn).

5. Các mẹo khi đi thi N1

LAM BAI THI N1

  • Mang theo đồng hồ điện tử, có hiện số, nhìn vào số biết ngay mấy giờ, và còn mấy phút, đồng hồ cơ nhìn nhanh không chính xác đến đơn vị phút, mà lúc đó thì 1 phút còn quý hơn vàng.
  • Khi làm bài, khoanh vào đề, đến khi làm xong dành ra vài phút điền vào tờ phiếu trả lời, làm như vậy tiết kiệm thời gian hơn và không bị gióng nhầm dòng, không nên làm câu nào khoanh vào phiếu trả lời ngay câu đó.
  • Cố gắng làm phần từ vựng và ngữ pháp nhanh trong 30 phút đầu để toàn bộ thời gian còn lại làm đọc hiểu. Vì đọc hiểu rất mất thời gian và rất quan trọng, trọng số điểm mỗi câu rất cao, nhầm 1 câu đọc hiểu bằng nhầm 3-4 câu từ vựng, ngữ pháp.
  • Phải hiểu cấu trúc đề như lòng bàn tay, biết câu nào trọng số điểm cao để đặc biệt cẩn thận và chú trọng khi trả lời câu đó.
  • Nếu cảm thấy mình không quen nghe loa to, bạn có thể yêu cầu ban tổ chức cung cấp tai nghe từ khi đăng ký thi. (Nếu bạn thi ở Nhật)
  • Trong phòng thi nghe nếu được nên nhắm mắt lại nghe, mở mắt tinh thần dễ phân tán lắm, nhất là có ông nào ngồi ngay trước có tật rung đùi thì thôi xong, đầu mình cũng muốn rung theo ông ý.
  • Đừng có ý định quay sang nhìn bài người bên cạnh, bạn không thể biết được trình độ của họ đến đâu nên tốt nhất không nên ngó nghiêng, có khi bạn còn giỏi gấp mấy lần người ta đó!
  • Khi thi nghe, ở bài nghe số 4, gồm 13 câu kiểm tra phản xạ, nếu không nghe được câu nào, không cố gắng nhớ lại xem họ nói gì, gạt ra khỏi đầu, đánh lô tô, rồi tập trung nghe ngay câu tiếp theo. Kinh nghiệm đánh lô tô là chọn lucky number, tất cả các câu không làm được đều khoanh vào number đó.

Chúc các bạn học tốt và ngày càng phát triển!

Sưu tầm

Japan IT Works 

 



Việc làm theo chuyên ngành

Việc làm theo ngành

Việc làm theo tỉnh thành