Những thuật ngữ tuy ngắn gọn nhưng đã đúc kết rất nhiều những nguyên tắc, thói quen, văn hóa ứng xử trong môi trường công sở Nhật Bản. Sau khi tìm hiểu những thuật ngữ này bạn sẽ phần nào hiểu hơn về phong cách và văn hóa làm việc ở Nhật để có thể tự tin, thể hiện mình ở những môi trường khác nhau.
1. Horenso (報連相)
Thuật ngữ này được viết tắt từ 3 từ: “ho” trong hokoku (報告: báo cáo), “ren” trong renraku (連絡: liên lạc) và “so” trong soudan (相談: thảo luận, bàn bạc). Horenso là thuật ngữ chỉ cách thức làm việc trong môi trường công sở Nhật Bản, đó là luôn luôn phải báo cáo về tiến độ, liên lạc, thảo luận khi có những thay đổi và sự cố xảy ra với đồng nghiệp và công ty về công việc mà bạn đang phụ trách. Thuật ngữ này cũng thể hiện rõ cách thức làm việc coi trọng quá trình và tập thể của người Nhật.
Tại các công ty Nhật, sinh viên mới ra trường vào làm tại công ty sẽ đều được nghe giảng về “quy tắc” làm việc này trong các buổi đào tạo để có thể áp dụng ngay vào trong công việc.
Nhờ có “Horenso” mà thông tin luôn được chia sẻ rộng rãi, cấp trên có thể nắm được tiến độ công việc của cấp dưới và kịp thời ứng phó khi có bất trắc xảy ra. Việc báo cáo tiến độ của từng giai đoạn và cùng thảo luận giải pháp khi có vấn đề cũng là cách để tiết kiệm thời gian sửa sai và nâng cao hiệu suất làm việc. Ngoài ra, Horenso cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa các nhân viên trong cùng một đoàn thể nói chung
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, Horenso cũng có những nhược điểm nhất định. Việc thường xuyên phải báo cáo và cập nhập tình hình công việc đôi khi cũng khá mất thời gian và khiến cá nhân mất tập trung, giảm hiệu suất làm việc. Việc trao đổi, thảo luận nhóm ngay khi gặp khúc mắc cũng có thể khiến cho cá nhân rơi vào trạng thái bị động và không phát huy hết được khả năng giải quyết vấn đề của mình.
2. Ringiseido (稟議制度)
Bên cạnh Horenso, một trong những quy tắc làm việc khác trong văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản thường được nói đến đó là Ringi Seido (稟議 制度). Thuật ngữ này mô tả hệ thống phê duyệt truyền thống của các doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó các cá nhân trước khi muốn làm một việc gì đó cần phải xin quyết định của cấp trên. Nếu muốn vấn đề được thông qua bạn cần phải xin quyết định lần lượt từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất. Và chỉ khi người cuối cùng ở vị trí cao nhất phê duyệt thì vấn đề mới được thông qua.
Hệ thống phê duyệt này rất phổ biến trong các công ty Nhật và thường được các công ty sử dụng khi cần đưa ra những quyết định quan trọng. Ưu điểm của hệ thống này là có thể xin ý kiến của mọi cấp bậc và các bên liên quan chỉ bằng văn bản mà không cần tổ chức các buổi họp mặt trực tiếp. Đồng thời, thông qua đó có thể thông báo luôn cho các bộ phận liên quan biết được những. vấn đề nội bộ. Các cá nhân khi xin ý kiến cấp trên có thể trình bày rõ ràng và dễ hiểu bằng văn bản thay vì giải thích bằng lời đôi khi có thể dẫn đến những hiểu lầm không đáng có.
Tuy nhiên, nhược điểm của hệ thống này là phải có sự đồng ý của nhiều người, gây mất thời gian đặc biệt với những vấn đề cần ra quyết định nhanh chóng. Ngoài ra, việc quyết định vấn đề phụ thuộc phần lớn vào người có vị trí cao nhất nên đôi khi gây ra tình trạng quan liêu, không làm rõ được trách nhiệm của từng người đặc biệt trong trường hợp có vấn đề không may phát sinh.
Mặc dù Ringi Seido là hệ thống đặc trưng của các doanh nghiệp Nhật Bản từ xa xưa, nhưng nó cũng được các công ty nước ngoài tại Nhật Bản áp dụng. Cùng với sự phát triển của Internet, hệ thống này ngày càng được cải tiến, khắc phục những hạn chế để quá trình phê duyệt được diễn ra nhanh chóng và thuận lợi hơn.
3. Hoshin Kanri (方針管理)
Trong tiếng Nhật, “hoshin” (方針) có nghĩa là phương hướng, chính sách còn “kanri” (管理) có nghĩa là quản lý. Hoshin Kanri là cách thức vận hành, quản lý công việc để đạt được những mục tiêu mà công ty đã đề ra. Trước mắt công ty sẽ xây dựng kế hoạch của năm thông qua các mục tiêu ngắn, trung và dài hạn, sau đó tương ứng với các mục tiêu đó sẽ xây dựng kế hoạch hành động để hoàn thành mục tiêu. Các mục tiêu và chính sách này cũng sẽ được phân nhỏ xuống từng cấp để xác định nhiệm vụ của từng phòng ban, nhóm, trưởng phòng, nhóm trưởng cho đến các thành viên,…
Hoshin Kanri được áp dụng rộng rãi tại các doanh nghiệp Nhật Bản để đảm bảo rằng các mục tiêu chiến lược của một công ty sẽ đóng vai trò là một kim chỉ nam, thúc đẩy các hoạt động của các phòng ban, cá nhân. Thuật ngữ này được phát triển bởi giáo sư người Nhật – Yoji Akao vào những năm 1950 và đã thành công áp dụng tại các doanh nghiệp hàng đầu như Toyota, UNIQLO,…Ngày nay, Hoshin Kanri vẫn được rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới áp dụng do độ hiệu quả cao.
Về cơ bản, phương pháp Hoshin Kanri được tiến hành theo 7 bước như sau:
- Bước 1: Thiết lập tầm nhìn và sứ mệnh của tổ chức.
- Bước 2: Xác định các mục tiêu chung, dài hạn mang tính quyết định sự thành công của một tổ chức trong tương lai.
- Bước 3: Chia nhỏ các mục tiêu sao cho phù hợp với cơ cấu tổ chức của từng nhóm, phòng ban,…. Sau đó xây dựng kế hoạch cải tiến hàng năm.
- Bước 4: Thực hiện và triển khai mục tiêu theo phân cấp từ trên xuống dưới.
- Bước 5: Đánh giá kết quả, sử dụng các số liệu chính để theo dõi tiến độ.
- Bước 6: Giải quyết vấn đề cho các mục tiêu đã không thể đạt được trong thời gian qua, sử dụng phương pháp PDCA (chu trình cải tiến được thực hiện theo 4 bước: lập kế hoạch – thực hiện – kiểm tra – hành động)
- Bước 7: Đưa ra chiến lược mới và rút kinh nghiệm.
4. Kaizen (改善)
Thuật ngữ Kaizen (改善) chỉ một quy tắc quản lý doanh nghiệp nổi tiếng của người Nhật được nhiều công ty lớn như Toyota, Honda áp dụng thành công và ngày này vẫn đang được áp dụng phổ biến tại nhiều doanh nghiệp trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Kaizen là một thuật ngữ được ghép bởi hai chữ Hán: “cải” (改: kai) có nghĩa là thay đổi và từ “thiện” (善: zen) có nghĩa là tốt hơn, với ý nghĩa là thay đổi để tốt hơn hoặc liên tục cải tiến.
Thuật ngữ này khi được áp dụng vào văn hóa doanh nghiệp để chỉ những cải tiến được đưa ra từ mọi cấp bậc trong một công ty, bao gồm tất cả các ban ngành từ lãnh đạo đến cấp dưới. Việc thường xuyên đưa ra những cải tiến giúp tăng tiến độ và hiệu quả công việc. Không những vậy, phương pháp này còn khuyến khích các cá nhân thường xuyên đưa ra những ý tưởng mới, đồng thời nâng cao tinh thần làm việc tập thể của công ty.
Tùy vào từng công ty mà phương pháp cải tiến này được áp dụng theo những cách khác nhau. Ví dụ như một tháng, mỗi ban ngành trong một doanh nghiệp cần đề ra 3 kế hoạch cải tiến để giúp tăng doanh số bán hàng trong tháng tới. Có nhiều loại phương pháp cải tiến khác nhau, không những cải tiến về hiệu quả công việc, chiến lược/tầm nhìn mà còn về cả môi trường làm việc.
Một trong những phương pháp cải tiến được áp dụng rộng rãi ở Nhật chính là Kaizen 5S* – mô hình được vận dụng với mục đích tạo ra một môi trường làm việc sạch sẽ và khoa học để nâng cao năng suất làm việc. Phương pháp Kaizen 5S được áp dụng đầu tiên bởi Tập đoàn sản xuất ô tô Toyota, sau đó đã nhanh chóng chứng minh được hiệu quả và phổ biến đến nhiều quốc gia trên thế giới.
*5S là viết tắt của 5 chữ cái đầu của các từ tiếng Nhật: “seiri” (整理: chỉnh sửa), “seiton” (整頓: sắp xếp theo trật tự), “seiso” (清掃: dọn dẹp), “seiketsu” (清潔: sạch sẽ), “shitsuke” (躾: kỷ luật).
5. Karoshi (過労死)
Nhật Bản được biết đến là một quốc gia có cường độ làm việc cao. Tại các công ty Nhật Bản, làm thêm giờ là một điều hiển nhiên và là đặc trưng của thị trường lao động ở đất nước này. Người Nhật luôn đặt công việc lên hàng đầu mà đôi khi quên cả việc chăm sóc sức khỏe. Chính vì vậy mà ở Nhật có hàng ngàn người lao động đã đột tử do làm việc quá sức. Hiện tượng này đã gây chấn động Nhật Bản từ cuối thập niên 70 và vẫn còn là một vấn nạn xã hội cho đến ngày hôm nay. Thậm chí, tại Nhật còn có một thuật ngữ riêng để chỉ những người tử vong do làm việc quá sức. Đó chính là Karoshi.
Karoshi bắt đầu xuất hiện từ những năm 70 của thế kỷ trước, khi mức lương của người lao động Nhật tương đối thấp. Để nhận được mức lương cao hơn, họ thường xuyên phải làm tăng ca. Hơn nữa, trong Thời kỳ kinh tế bong bóng những năm 90, các công ty Nhật Bản có xu hướng cắt giảm nhân sự và tái cơ cấu nên người lao động thường xuyên làm việc ngoài giờ để thể hiện năng lực và tránh bị sa thải.
Ngoài ra, “làm việc hết mình” luôn là khẩu hiệu nhằm nâng cao năng suất và tạo ra hiệu quả trong công việc của người Nhật. Từ đó, tình trạng làm việc đến chết “karoshi” bắt đầu xuất hiện trong doanh nghiệp Nhật Bản và dần trở thành một vấn nạn trong xã hội. May thay, ngày nay, chính phủ Nhật Bản đã có những chính sách để giảm tình trạng này cùng như để cải thiện chất lượng đời sống cho người lao động tại đây.
6. Burakku kigyo (ブラック企業)
Burakku kigyo (ブラック企業: doanh nghiệp đen) là thuật ngữ chỉ những những công ty ở Nhật Bản có môi trường lao động bóc lột và vi phạm các tiêu chuẩn về lao động như thường xuyên yêu cầu nhân viên làm việc quá giờ nhiều, không trả lương hoặc có những hành vi như lạm dụng quyền lực, quấy rối tình dục,…
Thuật ngữ này xuất hiện vào đầu những năm 2000 tại các công ty trong lĩnh vực IT và sau đó được sử dụng rộng rãi trong các ngành nghề khác sau khi bộ phim “A man on the verge at a black company” (tạm dịch: Giới hạn của chàng trai làm việc tại công ty ĐEN) được ra mắt vào năm 2009. Đây là một bộ phim kể cuộc sống “địa ngục” của một nhân viên làm việc tại một doanh nghiệp đen đồng thời phản ánh thực trạng các công ty kiểu này thường xuyên bóc lột sức lao động của nhân viên và vi phạm các tiêu chuẩn cơ bản về lao động.
Nếu không may phải làm việc tại những doanh nghiệp đen, bạn sẽ phải chịu đựng một môi trường hết sức bóc lột. Do đó, khi đi xin việc, bạn cần biết rõ cách nhận biết biết đâu là một “doanh nghiệp đen để có thể tránh những rủi ro trong tương lai.
7. Nominication (飲みにケーション)
Nominication là sự kết hợp của hai từ là 飲 み (nomi: uống) và từ tiếng Anh communication (giao tiếp), để chỉ những bữa tụ tập sau giờ làm việc nhằm thắt chặt tình đoàn kết giữa các nhân viên trong một công ty. Hàng năm, các công ty Nhật Bản thường tổ chức rất nhiều các buổi tiệc rượu như những tiệc chào đón nhân viên mới, chia tay nhân viên cũ, tiệc cuối năm hoặc đầu năm mới,… tại các quán nhậu izakaya.
Từ thế kỷ 20, các doanh nghiệp tại Nhật bắt đầu có xu hướng khuyến khích tổ chức các buổi tụ tập ăn uống sau giờ làm việc để các đồng nghiệp trong công ty có cơ hội thân thiết và gần gũi với nhau hơn. Trong môi trường làm việc, người Nhật thường có xu hướng giữ phép lịch sự, không thoải mái bộc lộ cảm xúc của mình hay thẳng thắn nêu lên ý kiến riêng cá nhân. Vì vậy, một bữa tiệc rượu chính là cơ hội tuyệt vời để gắn kết mọi người với nhau, cho dù đó là cấp trên, tiền bối hay nhân viên khác bộ phận.
Ngoài ra, những buổi tiệc rượu này cũng giúp bạn có thể trải lòng tâm sự về các vấn đề liên quan đến công việc cũng như có thể lắng nghe những ý kiến thật lòng từ các đồng nghiệp của mình. Có thể nói, nominication giúp mọi người trong cùng một đoàn thể thấu hiểu nhau hơn, cải thiện việc giao tiếp giữa các nhân viên trong một công ty và đồng thời tác động tích cực đến hiệu quả công việc về lâu dài. Vì vậy, dù có bận thế nào bạn cũng nên sắp xếp thời gian tham gia những buổi tụ tập cùng công ty nhé!
8. Nemawashi (根回し)
Thông thường, một buổi họp được tổ chức với mục đích là để mọi người trong công ty cùng nhau bàn luận, nêu ra quan điểm riêng và cuối cùng đưa ra quyết định về một vấn đề liên quan nào đó. Nhưng tại Nhật – nơi đề cao hiệu quả làm việc tập thể thì một buổi họp lại không được vận hành như vậy. Thay vì cùng nhau thảo luận và giải quyết vấn đề ngay trong buổi họp đó thì tại các doanh nghiệp Nhật Bản, những quyết định quan trọng thường đã được thống nhất từ trước và những buổi họp gần như chỉ là một nghi thức để nhấn mạnh lại về quyết định đã được đưa ra từ trước và trả lời một vài câu hỏi liên quan đến vấn đề.
Việc lấy ý kiến của toàn thể nhân viên và thống nhất quyết định trước buổi họp được gọi là nemawashi (根回し). Việc này tuy mất nhiều thời gian nhưng lại giúp cho các buổi họp diễn ra suôn sẻ, thuận lợi hơn và đồng thời tránh những cuộc tranh cãi không cần thiết giữa các nhân viên trong công ty.
Lời kết
Trên đây là 8 thuật ngữ thông dụng miêu tả văn hóa làm việc tại Nhật Bản. Mong rằng bài viết này không chỉ giúp bạn hiểu rõ hơn về ý nghĩa của những thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong doanh nghiệp Nhật Bản và còn giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về môi trường làm việc tại đây. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết này, bạn sẽ không còn cảm thấy bỡ ngỡ khi nghe nhắc đến những thuật ngữ này khi đi làm nữa.
Theo tsunagulocal.com
Japan IT Works