5 quy tắc bất thành văn trong văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản


Nhật Bản là nước có nền văn hóa vô cùng độc đáo. Đặc biệt, ở lĩnh vực kinh tế, Nhật Bản nổi tiếng với những đặc trưng về văn hóa doanh nghiệp. Ông bà ta có câu: “Nhập gia tùy tục” do đó, khi sang Nhật Bản làm việc hãy chú ý đến những nguyên tắc ứng xử trong văn hóa doanh nghiệp. Những bài học từ văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản sẽ giúp bạn phát triển lên nhiều trong môi trường làm việc nhiều quy củ tại Nhật Bản đấy.

I. Tổng quan về văn hóa và văn hóa doanh nghiệp

Văn hóa là vốn hiểu biết của con người, tích lũy được trong suốt quá trình hoạt động thực tiễn – lịch sử, được kết tinh lại thành các giá trị và chuẩn mực xã hội, gọi chung là hệ giá trị xã hội, biểu hiện ở vốn di sản văn hóa và phong cách ứng xử của cộng đồng. (Theo GS Hoàng Vinh trong ” Đề cương văn hóa và Tôn giáo)

1. Văn hóa doanh nghiệp là gì?

Văn hóa Doanh nghiệp là tất cả các giá trị tinh thần (dưới dạng vật thể hoặc phi vật thể) có được của một doanh nghiệp trong suốt quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của doanh nghiệp ấy – đã trở thành chuẩn mực và nguồn động lực chủ yếu nhất – thâm nhập vào và chi phối các quan niệm, tập quán và hành vi kinh doanh hướng về sự chất lượng, sáng tạo, trách nhiệm và kết hợp hài hòa các lợi ích.

Những thành phần của văn hóa doanh nghiệp gồm 3 phần chính: tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi. Biểu hiện của văn hóa doanh nghiệp thể hiện qua 2 yếu tố

– Hữu hình: Đồng phục, khẩu hiệu, nghi thức, quy định, nhạc phim công ty, tập san nội bộ, các hoạt động,…

– Vô hình: Thái độ, phong cách, thói quen, nếp nghĩ của những con người trong tổ chức.

Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố chi phối hầu hết mọi kết quả của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không có văn hóa doanh nghiệp rõ ràng thì giống như một con người không có định hướng mục tiêu cuộc đời và không biết đi về đâu.

Với mỗi cá nhân hiện đang là thành viên của một doanh nghiệp bất kì, hãy thực hiện đúng văn hóa của doanh nghiệp mà bạn đang công tác, bởi những điều tưởng chừng như đơn giản và nhỏ nhoi ấy lại có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bạn theo hướng tích cực hoặc tiêu cực tùy vào thái độ thực hiện của bạn.

 

2. Đặc trưng văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản

 

Nguyên nhân làm nên sự đặc thù của VHDN Nhật Bản

Thứ nhất, sự phân thứ bậc mang tính “đẳng cấp”

Đạo Khổng du nhập vào Nhật Bản từ rất sớm, kết hợp với tinh thần tôn vinh giới Võ sĩ đạo như là một đẳng cấp hàng đầu: Võ sĩ – Trí thức – Công nông – Thương nhân, đã làm nên một xã hội đẳng cấp kiểu Nhật Bản với tư tưởng đề cao Lễ – Tín – Nghĩa – Trí – Nhân. Cho đến nay, tinh thần đó vẫn biểu hiện rất mạnh trong các mối quan hệ xã hội và các tổ chức của Nhật Bản.

Thứ hai, điều kiện tài nguyên dẫn đến ý chí khẳng định mình của người Nhật Bản

Nhật Bản là đất nước nghèo nàn về tài nguyên, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nhưng để khẳng định mình, Nhật Bản có khuynh hướng du nhập và kế thừa, phát huy nhiều nét văn hóa để trở thành văn hóa riêng của mình. Bởi vậy, văn hóa doanh nhân Nhật Bản có sự giao thoa đỉnh cao các yếu tố Tây/Đông/Nhật Bản. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó sự phát triển sẽ làm bộc lộ nhiều bất cập và mâu thuẫn. Tất cả cái đó cũng phản ánh trong tính cách phức tạp của người Nhật Bản.

Nhật Bản phải đối mặt điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhưng điều đó lại khiến ý chí họ quật cường hơn

Nhật Bản phải đối mặt điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhưng điều đó lại khiến ý chí họ quật cường hơn

Thứ ba, ngôn ngữ có nhiều mặt hạn chế

(như rất ít các nguyên âm, phụ âm luôn đặt trước nguyên âm, một tỉ trọng lớn từ ngữ gốc ngoại nhập được thể hiện dưới dạng chữ Kanji và chữ Katakana) làm cho người Nhật Bản rất cẩn trọng khi phát biểu, thể hiện chính kiến, và thường thông qua thái độ ngầm định, những yếu tố phi ngôn ngữ, sự nỗ lực thể hiện của bản thân, nhằm lấp chỗ trống của ngôn từ. Bởi vậy, để hiểu họ thường phải kết hợp nghe họ nói, quan sát những gì họ thể hiện mới thấu hiểu tính cách của họ.

Thứ tư, sự thất bại của Nhật Bản trong Đại chiến thế giới lần thứ II

khiến Nhật Bản chỉ còn lại đống tro tàn, bên cạnh đó là sự ràng buộc bởi rất nhiều cam kết bất lợi. Điều này khiến cả nước Nhật gắn kết lại, làm hết sức mình trong sự nghiệp phát triển kinh tế. Trong thời kì này, dấy lên trong xã hội Nhật Bản sự tôn vinh lao động xả thân vì doanh nhân và vì xã hội.

Người Nhật Bản coi trọng lao động hơn tất cả, gắn bó với doanh nhân hơn với gia đình của mình, đặt tất cả sự nghiệp của mình cho sự thành công của tổ chức. Cạnh tranh và hiệp tác được thúc đẩy song hành. Hàng chục năm qua đi, những phẩm chất đó đã trở thành những nét mới, bền chắc và định hình thành Văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản, từ đó đã giúp nhiều doanh nhân Nhật Bản gặt hái được thành công, Nhật Bản trở thành cường quốc thứ II trong nền kinh tế thế giới.

II. 5 nguyên tắc vàng trong văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản

Một là, người Nhật rất coi trọng triết lý kinh doanh

Triết lý kinh doanh đối với các doanh nghiệp Nhật Bản mang ý nghĩa sống còn. Họ xem triết lý kinh doanh là sứ mệnh của doanh nghiệp, là hình ảnh mà doanh nghiệp mong muốn tạo dựng trong xã hội. Vượt lên trên những khó khăn về địa lý và thiên nhiên, chính những giá trị ấy là “kim chỉ nam” giúp các doanh nghiệp Nhật Bản đứng vững và sớm trở thành những cái tên không thể không nhắc đến trên bản đồ kinh tế toàn cầu.

Có thể nói rất hiếm các DN Nhật Bản không có triết lý kinh doanh. Điều đó được hiểu như sứ mệnh của DN trong sự nghiệp kinh doanh. Mỗi công ty đều đề cao một giá trị cốt lõi nhất, ví dụ: Công ty Điện khí Matsushita: “Tinh thần xí nghiệp phục vụ đất nước” và “ Kinh doanh là đáp ứng nhu cầu của xã hội và người tiêu dùng”. Doanh nghiệp Honda: “ Không mô phỏng, kiên trì sáng tạo, độc đáo” và “ Dùng con mắt của thế giới mà nhìn vào vấn đề”. Hay công ty Sony: “Sáng tạo là lý do tồn tại của chúng ta”…

Triết lý kinh doanh của công ty Sony: “Sáng tạo là lý do tồn tại của chúng ta”…

Triết lý kinh doanh của công ty Sony: “Sáng tạo là lý do tồn tại của chúng ta”…

Tuy nhiên, bao trùm lên tất cả, triết lý được đề cao nhất trong tất cả các triết lí, đó là SỰ TỬ TẾ, nghĩa là đề cao các giá trị cộng đồng, luôn không ngừng nỗ lực đem lại giá trị tốt nhất cho xã hội.

Người Nhật luôn mong muốn những sản phẩm mà mình làm ra phải đạt chất lượng hoàn mỹ, đem lại những trải nghiệm tuyệt vời đến với cộng đồng và xã hội. Họ nỗ lực trong sản xuất, hoàn thiện từ các nghiên cứu chuyên sâu, khám phá những nền tảng công nghệ tiên tiến cũng là để hướng đến một tiêu chuẩn chất lượng cao cấp và sự hài lòng của cộng đồng.

Người Nhật luôn hướng đến lợi ích và giá trị chung của cộng đồng làm kim chỉ nam trong kinh doanh

Người Nhật luôn hướng đến lợi ích và giá trị chung của cộng đồng làm kim chỉ nam trong kinh doanh

Những điều này đã thấm nhuần trong tư tưởng và triết lý kinh doanh của Tập đoàn Suntory trong suốt gần 120 năm hình thành và phát triển. Là một trong những tập đoàn sản xuất đồ uống lớn nhất tại Nhật Bản, Tập đoàn Suntory ý thức được một trong những nhiệm vụ hàng đầu của mình là đem đến những sản phẩm tuyệt đối an toàn với chất lượng tuyệt hảo cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, Tập đoàn kiểm soát chất lượng trên mọi khâu của quy trình thiết kế bằng các kỹ thuật kiểm tra và đánh giá tiên tiến, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu và sự hài lòng của khách hàng trên khắp thế giới.

Một ví dụ điển hình khác khi nói tới doanh nghiệp Nhật Bản là văn hóa xin lỗi vì những lỗi… không phải của mình. Vào năm 2011, hãng Sony đã phải xin lỗi vì cửa hàng online PSN bị hack, ảnh hưởng đến việc truy cập của khách hàng. Theo suy nghĩ thông thường của chúng ta, đây hoàn toàn không phải lỗi của Sony, thế nhưng với cách nghĩ luôn hướng nội để tìm ra khuyết điểm của mình, người Nhật cho rằng một doanh nghiệp khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng thì phải dự đoán và có biện pháp kiểm soát, khắc phục được mọi rủi ro có thể xảy ra. Lỗi của Sony là đã không thể kiểm soát được khả năng bị đột nhập của cửa hàng online.

Đặc trưng đáng nể của Doanh nghiệp Nhật Bản là văn hóa xin lỗi

Đặc trưng đáng nể của Doanh nghiệp Nhật Bản là văn hóa xin lỗi

Hai là, người Nhật luôn lựa chọn những giải pháp tối ưu

Những mối quan hệ: Doanh nhân – Xã hội; Doanh nhân – Khách hàng; Doanh nhân – Các Doanh nhân đối tác; Cấp trên – cấp dưới thường nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn về lợi ích, tiêu chí, đường lối.

Để giải quyết, các doanh nhân Nhật Bản thường tìm hiểu kỹ các bên, tránh gây ra những xung đột đối đầu. Các bên đều có thể đưa ra các quyết định trên tinh thần giữ chữ Tình trên cơ sở các bên đều có lợi.

Ba là, Đối nhân xử thế khéo léo

Người Nhật Bản có quy tắc bất thành văn trong khiển trách và phê bình như sau:

– Người khiển trách là người có uy tín, được mọi người kính trọng và chính danh.

– Không phê bình khiển trách tùy tiện, vụn vặt, chỉ áp dụng khi sai sót có tính hệ thống, gây lây lan, có hậu quả rõ ràng

– Phê bình khiển trách trong bầu không khí hòa hợp, không đối đầu.

Đối nhân xử thế khéo léo là một nguyên tắc quan trọng trong văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản

Đối nhân xử thế khéo léo là một nguyên tắc quan trọng trong văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản

Trong quan hệ, người Nhật Bản chấp nhận người khác có thể mắc sai lầm, nhưng luôn cho đối tác hiểu rằng điều đó không được phép lặp lại và tinh thần sửa chữa luôn thể hiện ở kết quả cuối cùng. Mọi người đều có ý thức rất rõ rằng không được xúc phạm người khác, cũng không cần buộc ai phải đưa ra những cam kết cụ thể. Những chuẩn mực đạo đức xã hội, đạo đức doanh nghiệp đã tạo một sức ép vô hình lên tất cả khiến mọi người phải xác định được bổn phận của mình nếu muốn có chỗ đứng trong tổ chức.

Điều này rõ ràng đến mức khi tiếp xúc với các nhân viên người Nhật nhiều người nước ngoài cảm thấy họ tận tụy và kín kẽ, nếu có trục trặc gì thì lỗi rất ít khi thuộc về người Nhật Bản. Người Nhật luôn làm việc với một tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Bốn là,  Đề cao tính tập thể trong công ty

Nếu như người Mỹ đề cao vai trò cá nhân thì người Nhật lại coi trọng giá trị tập thể, luôn hướng đến sự đồng tâm hợp lực để đạt được kết quả cao nhất. Nhiều nhà quản lý Tây Âu khi đến Nhật Bản làm việc đã thất bại khi áp dụng cách quản lý chú trọng vai trò cá nhân mà quên đi tầm quan trọng của tập thể.

Trong các công ty Nhật Bản, mọi người sống vì doanh nghiệp, nghĩ về doanh nghiệp, vui buồn với thăng trầm của doanh nghiệp. Triết lý kinh doanh được hình thành trên cơ sở đề cao ý nghĩa cộng đồng và phù hợp với các chuẩn mực xã hội, hướng tới những giá trị mà xã hội tôn vinh. Điều này thể hiện trên những phương diện:

– Mọi thành viên gắn kết với nhau trên tinh thần chia sẻ trách nhiệm hơn là bởi hệ thống quyền lực.

– Tổ chức như một con thuyền vận mệnh, một mái nhà chung.

Sự nghiệp và lộ trình công danh của mỗi nhân viên gắn với các chặng đường thành công của DN. Người ta thường hỏi han nhau làm ở đâu hơn là hỏi gia đình như thế nào. Sự dìu dắt của lớp trước đối với lớp sau, sự gương mẫu của những người lãnh đạo làm cho tinh thần cộng đồng ấy càng bền chặt.

Bạn cũng nên học từ người Nhật việc phát huy tinh thần đồng đội bởi ngày nay, làm việc theo teamwork là một hình thức phổ biến và quan trọng. Nếu quá chú trọng đến vai trò cá nhân, một doanh nghiệp sẽ thất bại vì mọi người chỉ quan tâm đến thành tích của riêng mình. Điều quan trọng là chúng ta biết cách cân bằng hai khái niệm “tập thể” và “cá nhân” đó.

Năm là, Làm hết sức, chơi hết mình

Nếu như đem ra để so sánh thì có lẽ các công ty Nhật có cường độ làm việc cao, áp lực công việc lớn, đối với mỗi con người Nhật chăm chỉ chính là chuẩn mực, chăm chỉ để tạo ra những sản phẩm tốt hơn, đối với họ chất lượng và hiệu quả công việc là trên hết.

Cả thế giới phải công nhận phong cách làm việc của họ thực sự chuyên nghiệp, chuyên nghiệp từ cách quản lý đến ứng xử trong công việc, họ rất ít nổi nóng, trong mọi trường hợp dù đúng hay sai thì lời nói đầu vẫn là “xin lỗi”, sau đó sẽ ngồi lại với nhau để phân tích sự phải trái, đừng bao giờ đổ lỗi cho người khác hoặc lảng tránh trách nghiệm, đó là điều tối kị đối với họ.

Sau một ngày làm việc cật lực, các nhân viên Nhật Bản không ngại tìm cách giải tỏa stress . Họ thường đến các quầy bar để trút bầu tâm sự.

Phong cách Làm hết sức, chơi hết mình của người Nhật

Phong cách Làm hết sức, chơi hết mình của người Nhật

Một điểm đến được ưa thích khác là các quán karaoke. Tại đây mọi người được thoải mái hát hò. Việc ca hát thỏa thuê này ngoài việc giúp họ lấy lại cân bằng sau một ngày làm việc vất vả còn là dịp để họ cùng chia sẻ thông tin, thắt chặt tình bạn hay củng cố tinh thần đồng đội.

Khi vui chơi, người Nhật rất thoải mái và không để ý đến thân phận sếp-nhân viên

Khi vui chơi, người Nhật rất thoải mái và không để ý đến thân phận sếp-nhân viên

Khi vui chơi, người Nhật rất thoải mái và không để ý đến thân phận sếp-nhân viên như ở trong công ty. Tại đây, ai cũng phải “xõa” hết mình

Giải trí là một phần quan trọng không kém trong một ngày làm việc, giúp giải tỏa căng thẳng và giữ thăng bằng trong công việc. Bạn hãy nhớ, khi đi chơi hoặc làm bất kỳ việc gì với đồng nghiệp, bạn hãy luôn là một phần không tách rời của nhóm.

III. Những bài học rút ra từ văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản

Những bài học rút ra từ văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản

Những bài học rút ra từ văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản

Với văn hóa công sở trong công ty Nhật Bản, các bạn chắc chắn sẽ học hỏi được rất nhiều điều mà ở Việt Nam hay các nước khác không bao giờ có. Đó là:

1. Người Nhật nổi tiếng nghiêm khắc trong công việc nhưng chính sự nghiêm khắc đó đã mang đến cho họ những thành công. Vậy chúng ta học được gì từ sự nghiêm khắc của họ?

2. Luôn biết cách “giữ ấm” cho các mối quan hệ đã có bằng cách thường xuyên gọi điện thoại, gửi thư, fax, email, hẹn gặp trực tiếp nếu có thời gian … Việc làm này được xem là dấu hiệu của sự tôn trọng.

3. Không nói “không” dù không thích. Cho dù không thích bạn cũng hãy tìm cách nói giảm, nói tránh, không đi thẳng vào vấn đề. Nếu không thể nói nhẹ nhàng, bóng gió thì bạn nên thận trọng để không làm đối phương phật ý.

4. Truyền thống chào hỏi của người Nhật là cúi đầu trước người khác, đối với người lớn tuổi và có địa vị cao họ thường cúi thấp hơn để thể hiện sự tôn kính. Việc cúi đầu chào người khác không phải do mình nhỏ bé, thấp kém mà đó là thái độ khiêm nhường.

5. Luôn là “Chúng tôi” thay vì “Tôi”. Người Nhật luôn tôn trọng những quyết định của nhóm và không bao giờ áp đặt suy nghĩ cá nhân vào trong công việc. Đây là một cách làm việc khoa học mang đến nhiều thành công cho họ.

6. Phong cách làm việc của người Nhật luôn gắn liền với tính nguyên tắc, kỷ luật được thể hiện mọi lúc mọi nơi, đặc biệt là trong công việc. Cái gì đã là nguyên tắc thì cứ thế mà làm, không bao giờ có ngoại lệ.

7. Làm hết sức, chơi hết mình. Người Nhật rất yêu công việc, họ coi công việc như cuộc sống của mình. Họ nghĩ “Sống để làm việc chứ không phải làm việc để sống”. Họ chăm chỉ làm việc suốt đời, hạnh phúc khi được làm việc và đóng góp công sức cho xã hội. Chính điều này tạo nên một phong cách làm việc riêng của người Nhật.

Những nét văn hóa ứng xử của công ty Nhật Bản vừa mang tính hiện đại vừa mang đậm nét truyền thống văn hóa của đất nước mặt trời mọc, nhờ vậy đã tạo nên một đặc trưng văn hóa doanh nghiệp vô cùng độc đáo của Nhật Bản. Từ đó, chúng ta cũng rút ra được nhiều bài học quý giá để phát triển bản thân trong môi trường làm việc chuyên nghiệp tại Nhật Bản.

Theo nhanlucquocte.net

Japan IT Works



Việc làm theo chuyên ngành

Việc làm theo ngành

Việc làm theo tỉnh thành