Mối quan hệ hàng xóm với nhau ở Nhật Bản (P1)


Tục ngữ Việt Nam có câu: Họ hàng xa không bằng láng giềng gần. Câu này như đã có ý khuyên răn mỗi người chúng ta nên ăn ở cũng như phải sống thật vui vẻ hòa đồng với hàng xóm láng giềng kề bên. Thế nhưng trong dòng thời gian lịch sử của Nhật Bản đã có những vụ bê bối vay quanh liên quan đến hàng xóm láng giềng. Điều đó góp phần tạo nên một văn hóa và mối quan hệ giữa láng giềng với nhau khác biệt so với những quốc gia khác. Để thích nghi với cuộc sống ở Nhật, bạn hãy đọc bài này và rút kinh nghiệm cho bản thân nhé!

MURAHACHIBU (村八分)trực dịch là LÀNG 8 PHẦN, có nghĩa là cả làng tẩy chay 8 phần. Đây là hình phạt được áp dụng trong xã hội sinh sống làng xã (村落) từ thời EDO dành cho những người đã không tuân theo luật lệ của làng.

Nếu coi hoạt động sinh hoạt cộng đồng trong địa phương có 10 phần gồm: Đỗ đạt, Cưới xin, Ma chay, Xây dựng, Hoả hoạn, Bệnh tật, Ngập lụt, Du lịch, Sinh nở, Giỗ chạp (冠・婚・葬・建築・火事・病気・水害・旅行・出産・年忌) thì trong đó chỉ 2 phần là ma chay và cứu hỏa thì dân làng sẽ không bỏ mặc, còn lại 8 phần thì sẽ đoạn tuyệt hoàn toàn không giao du (共同絶交).

Lý do người Nhật chấp nhận giao du 2 phần vì nếu chết mà không chôn cất thì hôi thối bệnh dịch lây lan cả làng. Còn, cháy mà không dập thì cũng trụi cả làng chứ không riêng gì mình nhà đó. Do vậy, dân Nhật chấp nhận “nhúng tay" vào 2 đại sự kia để phòng tránh gây thêm thiệt hại cho người khác. Ngoài ra, 8 phần kể trên thì tuyệt nhiên không ứng cứu, hỗ trợ.

Những người bị tẩy chay (村八分される) thì phải chịu nhiều tủi hờn, bất công. Muốn được mọi người xung quanh chấp nhận giao lưu như trước thì phải xin lỗi toàn thể làng xóm (わびを入れる).

Sau cải cách kinh tế nông nghiệp, mỗi hộ dân sống độc lập hơn, hình phạt murahachibu không còn hiệu lực đáng sợ như trước nữa. Tuy nhiên đâu đó trong người Nhật vẫn rất sợ bị mọi người xung quanh tẩy chay (仲間はずれ), bắt nạt(いじめ)vì thực tế những vụ tẩy chay Murahachibu hoặc trả đũa của nạn nhân đều rất đáng sợ và rúng động cộng đồng.

Chính vậy, người Nhật luôn cố gắng niềm nở hết sức để tránh va chạm hay xích mích nhất là với hàng xóm. Nhiều người Nhật thậm chí không muốn mua nhà vì không muốn có hàng xóm. Họ sợ gặp phải những hàng xóm dị thường, khó tính, lắm điều.

Murahachibu chỉ hay diễn ra ở môi trường sống kiểu làng xã, cộng sinh do đó ở miền quê, vùng núi Nhật Bản ngày nay không thể nói là không có tình trạng này. Tuy nhiên, ở thành phố thì gần như không tồn mối quan hệ hàng xóm nên nhiều người Nhật cũng phải thốt lên “Thời đại nào rồi mà còn như vậy!”

Dưới đây là 2 vụ Murahachibu kinh điển.

Vụ số 1 năm 1952: 静岡県上野村村八分事件

Tại làng Ueno tỉnh Shizuoka từ trước năm 1952 đã liên tục diễn ra tình trạng bỏ phiếu bầu cử gian lận bởi những thế lực lâu năm trong địa phương. Cụ thể, Trưởng thôn đến từng hộ thu phiếu bầu nửa cưỡng chế với giọng điệu “Nếu nhà anh không đi bỏ phiếu thì để tôi đại diện bầu cử giúp”. Cứ vậy, Trưởng thôn thu rất nhiều phiếu bầu cử của dân ngang nhiên với danh nghĩa “Chống bỏ quyền bầu cử”. Cứ vậy, năm này qua năm khác, Trưởng thôn dùng số phiếu bầu cử thu được bỏ phiếu cho người có quyền lực trong địa phương để vị này nhiều lần trúng cử. Người giám sát bầu cử tay trong cùng chính quyền, trong khi con dân thì không mặn mà với chính sự nên sự việc cứ ngang nhiên bất chính như vậy.

Cho đến khi năm 1950, 1 nữ sinh trung học Ishikawa đã nhận thấy bất chính trong cuộc bầu cử nghị sĩ hạ nghị viện. Cô vô cùng bất bình và đã đăng bài tố cáo lên tờ báo nội bộ trường. Tuy nhiên, ngay sau đó nhà trường đã thu hồi và thiêu huỷ toàn bộ số báo được phát hành.

2 năm sau, khi Ishikawa đã là học sinh cấp 3, cô lại 1 lần nữa nhận thấy thủ đoạn gian lận trong hoạt động bầu cử ở địa phương qua lần bầu cử bổ sung nghị sĩ hạ nghị viện. Quyết tâm không tha thứ cho hành động này, cô đã tố cáo việc này với Báo Asahi Shinbun và công khai danh tính của mình.

Sau bài đăng trên báo Asahi, chỉ vài ngày sau, cơ quan có thẩm quyền can thiệp làm việc đã có hàng chục người phải đầu thú nhận tội. Tuy nhiên vụ việc lại dẫn sang 1 chiều hướng hoàn toàn khác.

Ngay sau sự việc vài ngày, cô đã bị một vài phụ nữ trong thôn chặn lại lên giọng dạy dỗ “Hôm nay, làng này có hàng chục người bị cảnh sát gọi đi chưa về. Họ bảo nếu về thì đến hậu tạ cô ngay đấy”. Dân làng bất mãn với hành vi tố cáo ”vạch áo cho người xem lưng” của Ishikawa. Họ cho rằng, cô có ăn có học mà lại làm chuyện thất đức, vui sướng khi khiến nhiều người phải tù tội, cô hẳn tự biết là việc gây điều tiếng cho chính thôn xóm của mình là tốt hay xấu chứ?

Từ đây, các tiết mục trả đũa, bắt nạt của dân làng bắt đầu.

Dân làng, hàng xóm không ai giúp đỡ gia đình cô cấy hái mùa màng.

Bất cứ lời chào hỏi sáng chiều nào của cô và gia đình cũng bị coi khinh, ngó lơ.

Thậm chí, cô còn được biết rằng, dân làng đang tìm cách huỷ học bổng của cô.

Em gái cô, đang là học sinh cấp 1 bị bạn bè chửi rủa hàng ngày là gián điệp.

Báo chí địa phương bắt đầu bới móc và viết về sai lầm mang tính đầu cơ của cha cô. Thậm chí để hợp pháp hoá những hành động trả đũa của mình, dân làng đã cùng nhau tố cáo lên Bộ Pháp Vụ rằng Cha của Ishikawa nợ tiền họ không trả.

Cô phân trần rằng việc bố cô sai làm và việc bầu cử bất chính là 2 việc khác nhau. Đáp lại, dân làng giữ nguyên quan điểm “Người không sửa được hành vi của bố mình thì cũng không có tư cách gì tố cáo vấn đề của làng”

Cuối cùng, khoảng hơn 1 tháng sau, ngày 24/6 sau khi Báo Ashahi Shinbun đăng bài vạch trần hành động Murahachibu của dân làng, đồng loạt các tạp chí khác trên toàn quốc đồng loạt đã phê phán hành động tẩy chay cộng đồng này.

Trên thực tế, ngoài 1 bộ phận dân làng ra sức tẩy chay Ishikawa và gia đình thì vẫn có những người đã ủng hộ cô. Tuy nhiên, sau vụ việc cô đã phải rời quê hương 1 thời gian khi tình hình căng thẳng. Mãi đến khi sự việc lắng xuống cô mới trở lại làng và bắt đầu lại mối quan hệ với những người đã tẩy chay, bài trừ cô.

Vụ án thứ 2: Thảm sát 5 người và phóng hoả ở tỉnh Yamaguchi

Ngày 21/7/2013 tại làng Mitake tỉnh Yamaguchi đã xảy ra 1 vụ giết người, phóng hỏa liên tiếp làm thiệt mạng 5 người và cháy rụi 4 căn nhà. Hung thủ là H, người trong làng, và cũng là hàng xóm của 4 hộ gia đình bị hại trên.

Quá trình xét xử vụ án kéo dài từ năm 2013 đến tận 2019 mới kết thúc với bản án tử hình dành cho hung thủ (chưa hành hình). Đây là 1 trong những vụ án khiến nhiều người Nhật rùng mình vì động cơ gây án là do mâu thuẫn với hàng xóm hàng ngày.

Không có lửa thì làm sao có khói! Những mâu thuẫn gì đã khiến H phải trả thù hàng xóm của mình đến vậy?

Kể qua về H, H học nghề xây dựng và làm thợ lát gạch hoa ở tỉnh Kanagawa cho đến năm 44 tuổi vì chăm sóc bố mẹ già nên đã về làng Mitake. Bằng kỹ năng tay nghề của mình, H xây dựng lại nhà cửa và nhiều lần được báo đài địa phương đến ghi hình. Ông cũng thường xuyên giúp hàng xóm tu sửa nhà cửa. Tuy nhiên do tính cách khó gần, sau khi cha mẹ qua đời, ông đã gặp không ít cãi vã với láng giềng.

Chống đối với dân làng: Khi mới về làng, H đã từng đề xuất kế hoạch Hồi sinh làng nhưng bị dân làng phản đối. Từ đó khiến mâu thuẫn của H với dân làng trở nên trầm trọng hơn. Y không nhận bảng thông cáo từ thôn, cũng không tham gia bất cứ hoạt động tự trị nào của khu vực.

Hiềm khích cắt cỏ dọn đền: Một mình H phải dọn dẹp vì dân làng cho rằng H trẻ khỏe nhất. Trong khi việc cắt cỏ, dọn dẹp đền chùa ở địa phương là việc của cả tập thể phải chung sức thay phiên nhau đảm nhiệm chứ không riêng gì H. H bỏ tiền túi ra mua máy cắt cỏ tuy nhiên sau đó đã có người đốt cháy cả cỏ lẫn máy cắt cỏ của H.

Hiềm khích từ những con chó. Khi H bắt đầu nuôi chó, 1 số người trong khu vực than phiền vì mùi hôi thối của chó. H đã tức điên lên và đã có lần hô hào rằng sẽ giết cả làng.

Hiềm khích từ thuốc trừ sâu. H cho rằng ai đó trong làng đã bỏ thuốc trừ sâu vào nước uống của chó H nuôi, thậm chí cho vào cả nồi cà ri nhà H. Ngược lại, H cũng khiến hàng xóm sợ hãi vì H cố tình rắc thuốc trừ sâu đến gần tận cửa nhà họ.

Thực tế, vào năm 2011, H đã từng báo cáo với cảnh sát việc mình bị hàng xóm nói xấu, chơi xấu đẩy y vào hoàn cảnh cô độc. Tuy nhiên, không có bất cứ can thiệp, điều hoà nào cả, kết quả là dẫn đến vụ thảm sát mất 5 mạng người.

Theo Cafe Việt - nói chuyện Nhật

Ảnh Internet

Japan IT Works



Việc làm theo chuyên ngành

Việc làm theo ngành

Việc làm theo tỉnh thành