Nguồn gốc và ý nghĩa các ngày nghỉ lễ ở Nhật Bản (P2)

22/01/2021

Nhật Bản là một trong những quốc gia có số lượng ngày nghỉ lễ nhiều nhất trên thế giới. Tính ra trung bình mỗi tháng ở Nhật đều có một ngày nghỉ, chưa kể đến những kỳ nghỉ kéo dài 4-5 ngày. Vậy tại sao Nhật Bản lại có nhiều ngày nghỉ lễ như vậy, hãy cùng tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của từng ngày nghỉ lễ để biết được lý do tại sao bạn lại được nghỉ nhé!

Ở phần trước chúng ta đã tìm hiểu được những ngày nghỉ lễ của Nhật Bản vào những tháng đầu năm rồi. Phần nầy chúng ta hãy tiếp túc nhé.

6. Ngày Kỷ niệm hiến pháp (3/5)

Ngày kỷ niệm hiến pháp là một trong những ngày nghỉ lễ quốc gia được quy định vào năm 1948. Đây là ngày Nhật Bản chính thức thi hành hiến pháp mới sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Sau khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, để dân chủ hóa nước Nhật, tướng Douglas MacArthur người Mỹ đã thành lập hội đồng để thảo ra bản Hiến pháp mới cho nước Nhật.

Trong đó, nội dung của hiến pháp mới gồm có ba trụ cột chính là “chủ quyền quốc gia”, “chủ nghĩa hòa bình” và “tôn trọng các quyền cơ bản của con người”. Ngoài ra, điểm khác biệt lớn nhất so với những bản hiến pháp trước chiến tranh được ghi trong điều 9, đó là nhân dân Nhật Bản “vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh khỏi chủ quyền của quốc gia, vĩnh viễn không sử dụng vũ lực hay đe dọa bằng vũ lực khi giải quyết các tranh chấp quốc tế”. Bản hiến pháp sau đó đã được ban hành vào ngày 3/11/1946 và được đưa ra thử nghiệm vào ngày 3/5/1947.

Hiến pháp trong tiếng Nhật được viết bằng từ Kenpo (憲法) và có một sự trùng hợp là những đứa trẻ sinh năm 1948 thường được đặt tên với chữ Hán “憲” đi kèm như Kenji (憲司), Kentaro (憲太郎) hay Keiko (憲子). Điều đó cho thấy sự tin tưởng và đồng thuận của người dân Nhật Bản vào bản hiến pháp mới, cũng như niềm tin của người dân vào những thay đổi của đất nước trong thời kỳ tái thiết.

ngay le o nhat ban

7. Ngày cây xanh (4/5)

ngay le o nhat ban 1

Ban đầu Ngày cây xanh được biết đến với tên gọi là “Ngày sinh nhật Thiên hoàng Showa” (29/4). Tuy nhiên, sau đó vào năm 1989 sau khi Thiên hoàng từ trần nó được đổi tên thành “Ngày cây xanh” với ý nghĩa là dịp để con người bày tỏ lòng cảm tạ những gì mà thiên nhiên đã ban tặng.

Ngoài ra, tên gọi “Ngày cây xanh” cũng xuất phát từ việc Thiên hoàng Showa vốn là một nhà nghiên cứu sinh học, am hiểu và có tình yêu sâu sắc với thiên nhiên, cây cối.

Sau nhiều lần thay đổi tên gọi, đến năm 2007, “Ngày cây xanh” được đổi tên thành “Ngày Chiêu hòa” để nhắc nhở người dân nhớ về một giai đoạn đầy biến động trong lịch sử cũng như về một thời kỳ phục hưng và phát triển của đất nước.

Vậy “Ngày cây xanh” là ngày nào trong năm?

Trong lịch sử, ngày cây xanh được quy định là ngày 29/4 trong giai đoạn từ năm 1989 - 2006. Tuy nhiên từ năm 2007 đến nay, “Ngày cây xanh” được quy định là ngày 4/5. Điều này do sửa đổi Luật ngày lễ năm 2005 quy định.

Ngày 4/5 vốn là một ngày thường nằm giữa hai ngày lễ là 3/5 (Ngày Kỷ niệm hiến pháp) và 5/5 (Ngày thiếu nhi). Với mục đích gia tăng số ngày nghỉ trong một xã hội mà người dân đang làm việc quá sức, những ngày giữa các ngày lễ sẽ được tính là “Ngày nghỉ quốc gia”, và như thế ngày 4/5 đã ra đời.

Vẫn giữ nguyên ý nghĩa như ban đầu, “Ngày cây xanh” là dịp để người dân bày tỏ lòng cảm tạ và sự trân trọng với thiên nhiên.

 

8. Ngày thiếu nhi (5/5)

ngay le o nhat ban 3

Ngày Thiếu nhi là một ngày lễ đặc biệt dành cho thiếu nhi không chỉ có ở Nhật mà còn có ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tại Nhật Bản, ngày Thiếu nhi được quy định là ngày 5/5 và là ngày nghỉ cuối cùng trong Tuần lễ vàng (Golden week) ở nước này.

Từ thời xa xưa, ngày 5/5 theo Âm lịch là ngày Tết Đoan ngọ, là dịp để mọi người cầu chúc cho các bé trai khỏe mạnh và phát triển. Tuy nhiên, đến năm 1948, ngày này đã được đổi tên thành “Ngày thiếu nhi” (Kodomo no Hi).

Mặc dù được biết đến là ngày lễ dành cho các bé trai, song những gia đình chỉ có con gái, hoặc những gia đình có cả trai cả gái cũng đều tổ chức lễ kỷ niệm chung vào ngày này. Vào dịp này các gia đình có con nhỏ thường treo “cờ cá chép” (koinobori). Số lượng cờ cá chép nhiều hay ít phụ thuộc vào số thành viên trong gia đình.

Theo truyền thống, mọi người thường treo một lá cờ koinobori màu đen “magoi” (真鯉) đại diện cho người cha ở trên đỉnh cột, tiếp đến là lá cờ koinobori màu đỏ “higoi” (緋鯉) đại diện cho người mẹ, tiếp theo là lá cờ koinobori màu xanh đại diện cho con trai đầu lòng. Nếu gia đình có con trai thứ, có thể tiếp tục treo những lá cờ khác lên.

Màu sắc và vị trí của cá chép sẽ biểu thị độ tuổi của người con trai. Ngoài Koinobori, búp bê Kintarou với hình ảnh cậu bé cưỡi cá chép đội mũ samurai cũng được trưng bày tại các gia đình có con trai thể hiện cho sức sống và sự khỏe mạnh của con cái họ.

Món ăn phổ biến được ăn trong Ngày thiếu nhi là Kashiwa mochi (柏餅), bánh mochi bọc lá sồi có nhân đậu đỏ ở trong. Bởi lá của cây sồi thường không rụng cho đến khi những chiếc lá mới mọc lên, nên loài cây này mang ý nghĩa biểu tượng cho sự tiếp nối của các thế hệ, thể hiện một cuộc sống gia đình sung túc, đông con đông cháu.

 

9. Ngày của biển (Thứ Hai tuần thứ 3 của tháng Bảy)

ngay le o nhat ban 4

Vốn là một đảo quốc được bao quanh bởi biển cả, người dân Nhật Bản luôn cảm thấy biết ơn những gì mà đại dương đã ban tặng cho họ từ khí hậu, cảnh vật cho đến nguồn hải sản dồi dào, nhưng đồng thời họ cũng luôn ý thức được những nguy hiểm khi mẹ thiên nhiên nổi giận, để từ đó nhắc nhở con cháu về tầm quan trọng của đại dương cũng như việc nâng cao hiểu biết và sự quan tâm đến những vấn đề liên quan đến biển cả. Đó cũng chính là ý nghĩa của “Ngày của Biển” ở Nhật.

Tuy nhiên, Ngày của Biển lần đầu tiên ra đời vào ngày 20/7/1941 lại mang một ý nghĩa khác. Vào ngày này năm 1876, Thiên hoàng Minh Trị đã trở về an toàn sau khi kết thúc chuyến du hành trên biển bằng tàu hơi nước đến vùng Tohoku và Hokkaido. Để kỷ niệm sự kiện này, đến năm 1941, ngày 20/7 được quy định là “Ngày kỷ niệm Biển” theo đề xuất của Bộ trưởng Bộ Truyền thông khi đó.

Năm 1996, do cuộc vận động của những người làm nghề biển, “Ngày kỷ niệm Biển” được đổi tên thành “Ngày của Biển” trở thành ngày để mọi người bày tỏ sự biết ơn đến những gì mà biển cả đã đem lại cho Nhật Bản, cũng như cầu chúc cho sự phồn vinh và phát triển của quốc đảo Nhật Bản.

Năm 2003, “Ngày của Biển” được chuyển sang ngày thứ Hai tuần thứ 3 của Tháng Bảy, đem đến cho người Nhật kỳ nghỉ kéo dài 3 ngày liên tiếp. Vì “Ngày của Biển” diễn ra vào mùa hè nên đây cũng là dịp để mọi người tổ chức các chuyến du lịch mùa hè, đồng thời ngày này cũng được xem như ngày đầu tiên của kỳ nghỉ hè ở nhiều trường học tại Nhật.

 

10. Ngày của núi (11/8)

ngay le o nhat ban 5

Sau Ngày của Biển, chúng ta có Ngày của Núi là ngày 11/8 hàng năm. Trên thực tế, không hề có nguồn gốc chính xác về sự ra đời của ngày lễ này, mà nhiều giả thuyết cho rằng vì có Ngày của Biển để tri ân biển cả, nên cũng cần phải có Ngày của Núi để tri ân núi.

Mặc dù là một quốc đảo được bao quanh bốn bề là biển, nhưng Nhật Bản cũng là đất nước có địa hình đồi núi chiếm phần lớn diện tích (khoảng 70%). Cùng với tập tục thờ cúng các vị thần tự nhiên, người dân Nhật Bản luôn trân trọng và biết ơn những gì mà thiên nhiên ban tặng.

Sau khi Ngày của Biển trở thành ngày lễ quốc gia, một số địa phương tại Nhật tiêu biểu là tỉnh Yamanashi đã tổ chức Ngày của Núi để thể hiện sự biết ơn đến những gì mà núi non đã ban tặng. Sau đó, ý tưởng về một ngày lễ mang tên “Ngày của núi” bắt đầu xuất hiện vào năm 2002.

Trong thời gian từ năm 2010 -2013, nhiều tổ chức đoàn thể đã tổ chức các cuộc vận động để thiết lập Ngày của núi. Đến năm 2014, “Ngày của núi” chính thức có hiệu lực và được áp dụng như một ngày lễ vào năm 2016.

Ngoài ra, việc lựa chọn ngày 11/8 là Ngày của Núi cũng có lý do của nó. Ban đầu, tháng 6 và tháng 8 ở Nhật vốn không có ngày nghỉ lễ, có nhiều đề xuất cho rằng nên đưa Ngày của Núi vào tháng 6 hoặc ngay sau Ngày của Biển trong tháng 7.

Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, mọi người quyết định chọn ngày 11/8 làm ngày của Núi, vì khoảng thời gian này trùng với dịp nghỉ lễ Obon. Việc sắp xếp như vậy sẽ giúp người dân có thể dễ dàng xin nghỉ hơn.

 

11. Ngày Kính lão (Thứ Hai tuần thứ 3 của tháng Chín)

ngay le o nhat ban 5

Ngày 15/9/593, Thánh Đức Thái tử đã thành lập “Hidenin” tại chùa Shitennoji ở Osaka để làm nơi cư trú cho những người già không nơi nương tựa. Ngày Kính lão được cho là đã ra đời gắn liền với sự thành lập của Hidenin.

Ngoài ra, cũng có nhiều tài liệu khác ghi chép lại rằng Ngày kính lão vốn bắt nguồn từ ngôi làng Nomadani ở tỉnh Hyogo. Vào ngày 15/9/1947, tại đây đã tổ chức lễ mừng thọ cho những người cao tuổi trong làng. Sau đó, tục lệ này dần phổ biến ở trong tỉnh và lan rộng ra khắp cả nước.

Trước khi có tên là “Ngày kính lão” (Keiro no Hi) như hiện nay, tên gọi của ngày này đã trải qua rất nhiều lần thay đổi như “Toshiyori no Hi” năm 1951, hay “Roujin no Hi” năm 1963. Tuy nhiên nó vẫn chưa thực sự phù hợp với ý nghĩa của ngày này, nên đến năm 1965, người ta lại đổi tên nó một lần nữa thành “Keiro no Hi” và tên gọi này được duy trì đến tận ngày nay.

Năm 1966, Ngày kính lão chính thức được công nhận là ngày nghỉ lễ ở Nhật Bản. Năm 2003, Ngày kính lão được chuyển sang ngày thứ Hai tuần thứ 3 của Tháng Chín.

Với ý nghĩa là ngày để mọi người bày tỏ sự yêu mến và kính trọng đến những người cao tuổi trong gia đình và xã hội, cũng như cầu chúc cho sức khỏe và sự trường thọ của họ, vào dịp này người Nhật thường tặng quà cho ông, bà, những người cao tuổi trong gia đình mình. Với những ai không sống cùng ông, bà, có thể gọi điện hoặc gửi thư, bưu thiếp,… như là cách để thể hiện sự quan tâm đến những bậc sinh thành.

Trên đây chúng ta đã biết được từ tháng 1 đến tháng 4 Nhật Bản có những ngày lễ gì. Vậy những tháng còn lại có bao nhiêu ngày lễ và nó mang ý nghĩa gì? Mời bạn đón xem tiếp phần sau nhé.

Theo tsunagujapan.com

Japan IT Works 



Việc làm theo chuyên ngành

Việc làm theo ngành

Việc làm theo tỉnh thành