Khám phá 10 tin đồn về Nhật Bản (P1)


Các bạn có ấn tượng gì khi nhắc về Nhật Bản? Nhiều người đã nghe phong phanh được những tin đồn về việc rằng đất nước này an toàn như thế nào hoặc người dân Nhật Bản tốt bụng ra sao, cùng với hàng tá những điều mà khó có thể tin được. Liệu bạn có thể tự hỏi rằng, "Có đúng là tài xế tàu điện ngầm và xe buýt sẽ xin lỗi bạn nếu họ chậm trễ chỉ một vài phút không?" hoặc "Nếu bạn đánh mất đồ có giá trị trên đường phố ở Nhật Bản, thì liệu bạn có thực sự đảm bảo là sẽ lấy lại được không?" Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá một số tin đồn phổ biến nhất về Nhật Bản để xem thật hư như thế nào.

Bài viết này có 10 sự thật, nhưng vì quá dài nên sẽ được chia ra mỗi phần có 5 nội dung chính. Mời các bạn khám phá hết những thông tin thú vị như thế này về Nhật Bản nhé

1. Nhật Bản có thực sự an toàn đến mức mà mọi người có thể ngủ trên tàu với điện thoại vẫn đặt ở trên đùi mình hay không?

TÀU ĐIỆN

Tàu điện ngầm ở Nhật Bản

Tàu điện ngầm là một phần thiết yếu của hệ thống giao thông công cộng ở Nhật Bản. Chúng chạy khắp mọi nơi, từ các thành phố lớn như Tokyo và Osaka đến những vùng xa nhất của đất nước này.

Một hình ảnh khá phổ biến trên các chuyến tàu của Nhật Bản mà hầu hết ai đến Nhật Bản đều có thể thấy, đó chính là cảnh một người đi tàu đang chìm vào giấc ngủ say trên ghế của họ.

Những người này thường là những người rất bận rộn và đang trên đường đi làm hoặc đi làm về, cố gắng tranh thủ khoảng thời gian ngắn ngủi để nghỉ ngơi một chút. Thật không có gì lạ khi nhìn thấy nhiều người vẫn có thể ngủ được với những chiếc điện thoại hoặc với những cái túi rộng vẫn đặt trên đùi, hoặc là những hình ảnh mà họ vẫn ngủ trong trạng thái đứng kẹt cứng trên các chuyến tàu, hoặc thậm chí là có người ngủ gật trong khi chờ tàu tại sân ga.

Ở nhiều quốc gia khác, thì đây hẳn là cơ hội tuyệt vời cho những tên trộm rồi, cho nên có lẽ vì vậy mà điều này trở thành một trong những biểu tượng cho thấy Nhật Bản an toàn đến mức nào. Sự an toàn công cộng hiếm có này chắc hẳn là một trong những lý do mà việc ngủ công khai như vậy có thể xảy ra, nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện. Sự thật là tàu hỏa của Nhật Bản được thiết kế để người đi tàu cảm thấy thoải mái. Ở nhiều nước khác, ghế ngồi trên tàu hỏa thường cứng và được làm từ nhựa. Trái ngược với điều đó, thì những chiếc ghế ngồi ở tàu hỏa của Nhật Bản lại được lót đệm êm mang đến cho người ngồi cảm giác ấm áp và thoải mái. Cộng thêm nữa là điều hòa nhiệt độ và hệ thống sưởi rất tuyệt vời, và thật dễ hiểu tại sao rất nhiều người đi làm lại dễ dàng chìm vào giấc ngủ. Dĩ nhiên là phong cách làm việc truyền thống của Nhật Bản là “đi làm sớm, về muộn” vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay, nhưng việc ngủ gật dễ dàng như vậy, sẽ không thể thực hiện được nếu như không có hệ thống an toàn công cộng đặc biệt này hay những nội thất tàu điện ngầm thoải mái của Nhật Bản.

2. Có đúng là chiếc ví bị mất sẽ tìm đường quay lại với bạn không?

mất ví nhật bản

“Nếu như ai đó lỡ đánh mất ví của họ ở Nhật Bản, thì nó sẽ tìm đường quay lại với họ”

Một trong những tin đồn huyền thoại về sự an toàn của Nhật Bản mà chúng ta hẳn là đã nghe trên khắp thế giới, chính là câu chuyện “Nếu như ai đó lỡ đánh mất ví của họ ở Nhật Bản, thì nó sẽ tìm đường quay lại với họ”.

Theo dữ liệu từ một bản báo cáo năm 2019 của Sở Cảnh sát trung ương Tokyo, thì trong năm 2018 đã có hơn 3.839.000.000 yên (khoảng 35 triệu đô la) tiền mặt bị mất được trả lại cho các đồn cảnh sát ở trung ương, đây là con số lớn nhất từng được ghi nhận trong một năm. Mặc dù, tổng số tiền mặt bị mất được báo cho cảnh sát là 8.480.000.000 yên (khoảng 80 triệu USD).

Từ con số này, chúng ta có thể thấy rằng chỉ có 45,7% vật có giá trị bị mất được giao cho cảnh sát. Hơn nữa, số tiền mặt thực tế được trả lại cho chủ sở hữu là 2,820,000,000 yên.

Và phần còn lại, khoảng 500.000.000 yên đã được trao cho người tìm thấy nếu không xác định được danh tính của chủ sở hữu, và 560.000.000 yên khác trở thành nguồn thu của sở cảnh sát khi không tìm thấy chủ sở hữu và người tìm thấy đã từ bỏ quyền muốn nhận lại số tiền mặt đó.

an toan nhật bản

Nhật Bản là một trong những nước an toàn nhất thế giới

Nói cách khác, có vẻ như là tin đồn này là thật. Dường như là dù ngay ở giữa lòng một Tokyo ồn ào, náo nhiệt, ngập tràn công nghệ cái khiến chúng ta cảm thấy là dễ đẩy con người ta ra xa lẫn nhau, thì con người vẫn luôn luôn nghĩ về đồng loại của mình.

Nếu nhìn tận mắt các dữ liệu trên, thì sẽ thấy được Nhật Bản thực sự an toàn như thế nào. Cho dù đó là ví, bằng lái xe, thẻ quá cảnh, chìa khóa, túi xách, quần áo, v.v.,

thì việc trả lại đồ bị mất cho đồn cảnh sát gần nhất hoặc nơi nhận đồ thất lạc ở ga tàu, đều được coi là cách cư xử tốt ở Nhật Bản. Hơi thú vị là ngay cả khi nói đến các mặt hàng rẻ tiền như những chiếc ô, thì có đến 343.725 cái bị mất đã được trả về vào năm 2018, dù trong đó chỉ có 6.154 món được báo cáo. Có lẽ là do những vật dụng đó có thể thay thế được, cho nên người mất không mong là có thể được nhận lại.

3. Tại sao người Nhật khi húp mì lại phát ra tiếng động?

Bắt đầu với việc sử dụng đũa, thì có rất nhiều phong tục liên quan đến ăn uống ở Nhật Bản. Trong số đó, chúng ta phải nói tới phong tục “húp mì” độc đáo.

húp mì ăn mì

Người Nhật khi húp mì phát ra tiếng động rất to

Nhiều du khách đến thăm Nhật Bản khi thấy người Nhật đang húp mì, đều nghĩ rằng "Có nên ăn như vậy không" hoặc "Ăn vậy sẽ ngon hơn hả ta?". Sự thật là không cần thiết phải ăn mì như thế này. Đây thật ra không phải là một cách cư xử tốt gì đâu, và thật ra cũng không có thô lỗ nếu mà chúng ta không húp như vậy. Việc mì có ngon hơn nếu húp như vậy hay không, thì điều hoàn toàn phụ thuộc vào ý kiến ​​của người ăn thôi.

Tuy nhiên, có một luồng ý kiến cho rằng nếu húp mì thật mạnh thì nước súp phủ trên mì sẽ không chảy ngược vào bát trước khi vào miệng, và điều này cho phép bạn thưởng thức được nhiều hương vị và hương thơm của nước dùng hơn. Đây có lẽ là lý do tại sao một số người lại chọn húp. Và nếu chúng ta xem xét kỹ hơn một chút, thì có thể thấy được tình yêu đơn thuần của Nhật Bản được thể hiện qua cách ăn mì này. Người Nhật có xu hướng làm mọi việc theo cách đơn giản nhất, hiệu quả nhất, bất kể họ đang làm gì. Thậm chí là các từ ngữ họ dùng, người dân Nhật Bản vẫn thích làm sao để viết chúng càng ngắn càng tốt, cũng như là cách họ gọi Smartphones là “sumaho” và Starbucks là “sutaba”.

Có vẻ như việc ăn mì dài một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất, đã trải qua một quá trình thử nghiệm đúng sai để dẫn đến kết quả rằng ngày nay phương pháp húp mì rất phổ biến đối với người Nhật Bản.

Mặc dù việc húp xì xụp được rất nhiều người ưa thích, nhưng nhiều phụ nữ Nhật lại quyết định không làm. Nếu bạn đang ở trong một nhà hàng mì ở Nhật Bản và cảm thấy mình có ổn với cách húp mì của mình hay không.

Thì hãy đừng lo lắng. Bạn cứ thoải mái thưởng thức món ăn của mình theo cách mình muốn đi. Thật ra thì việc húp mì cũng không có nhất thiết làm cho mì trở nên ngon hơn đâu.

4. Các thành phố của Nhật Bản có thực sự sạch sẽ và không có rác thải mặc dù thiếu các thùng rác công cộng hay không?!

đường nhật

Các đường phố của Nhật rất sạch sẽ

Một trong những điều đầu tiên mà nhiều du khách chú ý khi lần đầu đến thăm một thành phố ở Nhật Bản, đó chính là sự thiếu vắng đến mức đáng ngạc nhiên của các thùng rác công cộng. Tuy nhiên, bất chấp điều này, các đường phố gần như hoàn toàn không có rác. Và những thùng duy nhất mà bạn có thể gặp chỉ là những thùng chứa chai nhựa và lon, để kế bên cạnh máy bán hàng tự động.

Câu hỏi đặt ra là "người Nhật làm gì với rác của họ trong một thế giới không có thùng rác?"

Tại các không gian công cộng ở Nhật Bản, ngoài những địa điểm kế bên các máy bán hàng tự động, thì bạn có thể tìm thấy các thùng rác bên trong hoặc bên ngoài các cửa hàng tiện lợi, bên trong ga tàu và trong công viên. Tuy nhiên, trừ những trường hợp cần thùng rác lắm thì mới dùng, hầu hết người Nhật theo phép lịch sự chung đều sẽ gom rác vào túi,

rồi vứt nó nếu như đi ngang qua một cái thùng rác hoặc sẽ mang về nhà vứt nếu như không tìm thấy thùng rác. Đó là cách họ quản lý để giữ cho đất nước của họ luôn sạch.

Đây có lẽ là một điểm mạnh trong tư tưởng giáo dục của Nhật Bản.

Thực tế ở các trường học Nhật Bản, ngoại trừ các trường đại học, thì sự hiện diện của nhân viên vệ sinh là hoàn toàn không có, và bản thân học sinh phải có nhiệm vụ giữ gìn vệ sinh trường học.

Trong suốt 12 năm giáo dục bắt buộc, thời gian để dọn dẹp được dành ra vào mỗi ngày, thường là sau giờ nghỉ trưa và học sinh được dạy phải có trách nhiệm giữ sạch sẽ không gian mà mình sử dụng. Với nguyên tắc được đề ra là “hãy giữ gìn không gian sạch bất cứ khi bạn tìm thấy nó”, người Nhật cảm thấy phải có nghĩa vụ đạo đức phải tiếp tục giữ gìn vệ sinh không gian công cộng và thành phố của mình luôn sạch đẹp. Ngoài ra, các trường học Nhật Bản đều dạy học sinh hoạt động như một nhóm với niềm tin rằng hành động của nhiều người sẽ phản ánh điều đúng đắn. Suy nghĩ này ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề rác thải và đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn người dân xả rác, bởi vì mọi người sẽ truyền nhau suy nghĩ rằng "nếu người khác không xả rác, thì mình cũng nên làm như vậy." Việc loại bỏ các thùng rác ở những nơi công cộng có thể bắt nguồn từ các biện pháp an toàn, được áp dụng sau vụ tấn công khủng bố trên tàu điện ngầm ở Tokyo năm 1995. Tuy nhiên, ngay cả sau khi loại bỏ chúng, thì người dân Nhật Bản vẫn giữ cho Nhật Bản sạch sẽ mà không có thùng rác công cộng.

5. Người Nhật chắc chắn tuân thủ các quy tắc! Người Nhật: Bậc thầy xếp hàng?

xếp hàng người Nhật

Người Nhật luôn luôn xếp hàng

Cho dù là xếp hàng bên ngoài một nhà hàng/ ở quán cà phê nổi tiếng hay chờ lên tàu hoặc xe buýt, thì một hàng ngũ trật tự được sắp xếp một cách đẹp mắt là cảnh tượng thường thấy ở Nhật Bản. Trong bất kỳ tình huống nào liên quan đến việc nhiều người cùng sử dụng thứ gì đó, thì việc xếp hàng sau người trước mặt bạn là một quy tắc bất thành văn. Đây là một phong tục khác bắt nguồn từ văn hóa Nhật Bản về việc tôn trọng hành động nhóm, mà tất cả người Nhật đều được học ở trường. Tất nhiên, việc xếp hàng không phải là quá xa lạ đối với Nhật Bản, nhưng ý tưởng rằng mọi người nên tuân thủ các quy tắc là cách suy nghĩ của người Nhật. Khi lên tàu, những người đứng đợi lâu nhất ở đầu hàng luôn được lên tàu trước, còn những người ở phía sau phải chờ đến lượt. Khi sử dụng thang cuốn cũng vậy, mọi người luôn xếp hàng về một phía, chừa lối đi cho những người đang vội. Và ngay cả ở một nhà hàng ramen nổi tiếng hay cửa hàng đồ ngọt, hoặc việc chờ mua vé để xem một nghệ sĩ nổi tiếng hoặc một chuyến lưu diễn nổi tiếng ở công viên giải trí cũng vậy, người Nhật luôn có xu hướng quan tâm đến những người xung quanh họ. Đó là lý do tại sao họ luôn cố gắng tạo ra một môi trường thoải mái bằng cách hình thành lên các hàng lối có trật tự và chờ đến lượt của mình một cách tự nguyện mà không được bất kỳ ai khác yêu cầu. Nếu bạn dự định đến thăm Nhật Bản vào một thời điểm nào đó trong tương lai, chắc hẳn bạn cũng sẽ có rất nhiều cơ hội để trải nghiệm văn hóa xếp hàng nổi tiếng này.

Hãy đón xem tiếp phần tiếp theo để giải đáp hết những tin đồn về Nhật Bản nhé.

Theo tsunagujapan.com

Dịch: Đặng Trân

Japan IT Works



Việc làm theo chuyên ngành

Việc làm theo ngành

Việc làm theo tỉnh thành