Học Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ khác nhau như thế nào? P2


Học đại học, thạc sĩ và tiến sĩ giống và khác nhau như thế nào? Mình có nên học lên đại học hay cao học không? Làm cách nào để đạt được thành công ở các bậc học này? Mỗi lần đứng trước quyết định học lên cao hơn hay chật vật trong quá trình học, muốn bỏ cuộc giữa chừng, bạn có hoang mang và phải mò mẫm rất nhiều mới tìm ra được câu trả lời cho mình hay không?

Tiếp nối Phần 1: Học Đại học, Thạc sĩ, phần 2 này sẽ chia sẻ về học Tiến sĩ sẽ như thế nào và những câu hỏi định hướng cho việc học.

Tiến sĩ

Học tập: Học tiến sĩ là một trải nghiệm học tập khác hẳn tất cả các cấp học khác. Vì tiến sĩ không tập trung vào việc lên lớp hay điểm số mà nặng hơn về nghiên cứu, thành quả của việc học tiến sĩ không phải là GPA cao mà là những xuất bản khoa học, những công trình, dự án nghiên cứu. 

Trong cả chương trình (thường dài từ 4 đến 10 năm), nghiên cứu sinh làm việc trong phòng thí nghiệm hoặc ở những dự án cộng tác với giáo sư. Vì vậy thay vì nói “học tiến sĩ” người ta thường nói là “làm tiến sĩ” vì đây chính là công việc thực sự, chứ không chỉ dừng lại ở việc lên lớp, trả bài bình thường.

Tiến sĩ có yêu cầu học thuật cao hơn tất cả các bậc học khác. Để hoàn thành được chương trình, nghiên cứu sinh cần có đam mê với học thuật, có khả năng tập trung cao, kiên trì, bền bỉ để tập trung nghiên cứu những đề tài hẹp trong nhiều năm liền. 

Ngoài luận án tiến sĩ vô cùng quan trọng, nghiên cứu sinh còn cần phải làm tham luận phát biểu hội thảo và xuất bản nghiên cứu khoa học để có thể xây dựng CV cạnh tranh, có tiếng nói nhất định trong giới học thuật trước khi ra trường. 

Nếu bạn không thực sự đam mê nghiên cứu thì không nên theo đuổi con đường học tiến sĩ vì đây là một con đường hẹp, dài, mà phải mất rất nhiều thời gian, công sức mới đi được hết.

Môi trường:

Nếu bạn bước vào chương trình tiến sĩ trước tuổi 30 (như tôi), bạn có thể sẽ thấy mình rất non nớt vì bạn học của bạn có thể đã lớn tuổi và đi làm nhiều năm, có rất nhiều kinh nghiệm rồi mới trở lại học - đặc biệt nếu bạn học ngành khoa học xã hội (social sciences). 

Bởi vậy, môi trường học rất học thuật và nghiêm túc, có phần căng thẳng và áp lực. Tuy nhiên, nếu  bạn biết lắng nghe kinh nghiệm của người khác, biết phát huy lợi thế và kiến thức của mình đúng chỗ, bạn sẽ học được rất nhiều từ môi trường tiến sĩ và tìm ra chỗ đứng riêng cho mình.

Ngoài ra, vì quá trình học tiến sĩ kéo dài rất lâu, bạn cần phải xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với giáo sư, bạn bè và cả những cán bộ hành chính trong chương trình. Điều này rất khác với thời kỳ học đại học (khi bạn còn trẻ và dễ được bỏ qua sai lầm) hay thời kỳ thạc sĩ (khi thời gian học quá ngắn để ghi nhớ sai lầm). Kỹ năng giao tiếp, xây dựng mối quan hệ lâu dài là tối cần thiết trong quá trình học tiến sĩ.

Phát triển bản thân: Tiến sĩ là “thiên đường” cho những ai thích nghiên cứu học thuật và theo đuổi những giá trị hàn lâm, nghiêm túc. Cá nhân tôi cảm thấy não mình có thêm vài “vết nhăn” sâu trong quá trình học tiến sĩ, kèm theo nhiều kỹ năng cứng và kỹ năng mềm khác mà ít người có được. Quá trình học tiến sĩ thực sự giúp nghiên cứu sinh phát triển về chiều sâu hơn, nhận ra mình là ai và giá trị của mình thực chất là gì.

Vì giai đoạn học tiến sĩ rất dài, nghiên cứu sinh phải xác định rằng sẽ có rất nhiều biến chuyển trong cuộc đời của họ. Bản thân tôi từ lúc bắt đầu chương trình đến khi tốt nghiệp đã qua không biết bao thay đổi lớn: lập gia đình, sinh con, nhà có người ốm, sa sút về tinh thần, thể chất, tài chính… Rất nhiều người phải bỏ học tiến sĩ giữa chừng vì những vấn đề trong đời sống cá nhân ngoài dự kiến. Bởi vậy, quá trình học tiến sĩ cũng rèn luyện cho nghiên cứu sinh ý chí mạnh mẽ, vượt lên nghịch cảnh và lòng kiên trì, bền bỉ hiếm có ở bất cứ chương trình học nào.

hoc dai hoc, thac sy, tien sy

Những câu hỏi thường gặp về bậc học

1) Học xong thạc sĩ rồi không biết nên làm gì, có nên học lên tiến sĩ không?

KHÔNG! Tiến sĩ là một bậc học hoàn toàn khác so với các bậc học trước đây. Nó không phải như học hết lớp 1 rồi lên lớp 2, lớp 3… mà chuyển từ thạc sĩ lên tiến sĩ là một bước đi lớn và khác hoàn toàn. Nếu bạn không đam mê nghiên cứu ở một ngành hẹp đủ để bạn có thể theo đuổi nó 4 đến 10 năm thì không nên học lên tiến sĩ. 

Thành thật mà nói, nếu bạn học xong một bằng thạc sĩ rồi mà chưa biết làm gì hoặc cảm thấy vẫn muốn học thêm thì có thể học tiếp một bằng thạc sĩ nào phù hợp hơn hoặc học thêm chứng chỉ nào đó khác. Đừng học lên tiến sĩ chỉ vì bạn không biết làm gì cho tương lai.

2) Bằng cấp cao tương đương với cơ hội lớn?

Không hẳn. Đúng là ở một số vị trí, bằng cấp cao sẽ cho bạn nhiều lợi thế hơn. 

Tuy nhiên, ở một số vị trí khác, bằng cấp cao khiến bạn phải cạnh tranh ở cấp độ cao hơn, bị đánh giá ở mức kỳ vọng lớn hơn, và thậm chí một số nơi còn không tuyển vì bạn có bằng cấp quá cao hơn mức yêu cầu của họ. Vì vậy, đừng nghĩ rằng cứ có bằng cấp cao là cơ hội sẽ tự đến với mình một cách dễ dàng.

3) Tốt nghiệp một ngành nhưng học cao học một ngành khác liệu có được không?

Hoàn toàn được! Bản thân tôi không học đại học ngành giáo dục nhưng vẫn có học bổng học thạc sĩ và tiến sĩ ngành này ở những ngôi trường tên tuổi tại Mỹ. Cùng trong nhóm học của tôi, có bạn tốt nghiệp đại học ngoại giao nhưng học cao học ngành ngôn ngữ, cũng có bạn tốt nghiệp đại học tài chính nhưng học cao học thiết kế mỹ thuật… 

Điều quan trọng là trong bài luận nộp cao học, bạn cần phải nói rõ tại sao bạn muốn chuyển ngành và bạn có kinh nghiệm hay ý tưởng gì gắn với ngành học mới. Chuyển ngành, đặc biệt ở nước ngoài, là hoàn toàn bình thường, không phải là yếu điểm gì trong hồ sơ của bạn.

Ở Việt Nam, nếu bạn nộp cao học trái ngành ở những chương trình ở đại học công lập, bạn có thể phải học thêm một số tín chỉ để đảm bảo cho việc “chuyển đổi” này hoặc lấy kinh nghiệm làm việc bù vào. 

Những chương trình liên kết với nước ngoài thì thường không có nhiều yêu cầu thêm cho người học trái ngành. Bạn có thể liên hệ với từng chương trình để tìm hiểu thêm. Nhưng tôi có thể dám chắc với bạn rằng, đổi ngành học không là vấn đề gì quá to tát; nếu bạn cảm thấy muốn đổi ngành, hãy cứ mạnh dạn chuyển đổi nhé.”

Cuối cùng, hy vọng bài viết này giúp bạn phần nào có cái nhìn rõ ràng hơn về các bậc học. Để có thể theo đuổi con đường học vấn, bạn nên học với tư duy “học cho mình” không phải học cho bố mẹ, cho họ hàng, hay cho tấm bằng mình hướng tới. 

Bằng cấp hay danh hiệu chỉ là bề nổi, cái quan trọng hơn cả là mình có thêm kiến thức gì và đóng góp của mình cho xã hội là gì. Học cho mình thì sẽ luôn thấy vui, còn học cho người khác hay cho một giá trị mơ hồ nào đó thì sẽ rất mệt mỏi và chán chường. Chúc các bạn thành công.

Nguồn: thepresentwriter.com

Japan IT Works 



Việc làm theo chuyên ngành

Việc làm theo ngành

Việc làm theo tỉnh thành