Nhiều khi bạn cảm thấy stress ghê gớm khi ở nhà. Bạn không biết lý do tại sao. Bạn mệt mỏi, người rã rời, chân tay không muốn làm gì cả. Bạn cứ nghĩ nguyên nhân đến từ công việc, hoặc từ các mối quan hệ trong gia đình.
Nhưng thực chất, rất có thể nguyên nhân đến từ những vật dụng trong nhà bạn. Hàng ngày đi vào mắt bạn là sự ngổn ngang, bừa bộn, không có chỗ trống. Bạn nhìn thấy hàng ngày, bạn cảm thấy đã quá quen với khung cảnh đấy, bạn nghĩ là nó vô hại. Nhưng thực tế là, nó đang dần dần tạo nên những cảm giác stress cho bạn.
Để biết bạn có quá nhiều đồ đạc hay không, hãy trả lời những câu hỏi sau
1. Có phải mọi bề mặt trong nhà đều có đồ?
Nóc tủ, mặt bàn ăn, mặt bàn làm việc v.v… có phải đang được để đầy đồ đạc?
2. Bạn có tìm được 1 món đồ nào đó khi cần chúng hay không? Bạn mất bao nhiêu lâu để tìm chúng?
Khi bạn phải lật hết chỗ nọ đến chỗ kia lên để tìm 1 món đồ, mà tìm mãi không ra, chứng tỏ đồ của bạn đã nhiều rồi đấy.
3. Có phải bạn đã và đang phải mua những món đồ thay thế, cho những món đồ bạn đã có mà không biết đã để chúng ở đâu?
Điều này quá rõ đúng không. Nếu đồ đạc không quá nhiều, và được sắp xếp ở đúng vị trí, chúng ta có thể dễ dàng tìm ra chúng khi cần, và không phải mua đồ thay thế.
4. Bạn có biết được vị trí để đồ đạc trong nhà không?
Đương nhiên là đồ quá nhiều, thì ta sẽ không thể biết được vị trí chính xác của 1 món đồ nào đó rồi.
5. Mọi thứ trong nhà bạn đều có 1 vị trí riêng của chúng không?
6. Bạn có tuân theo quy tắc: những đồ giống nhau thì để cùng chỗ với nhau hay không?
ví dụ như những giấy tờ quan trọng để 1 chỗ. Các loại đĩa CD để 1 chỗ, các loại văn phòng phẩm để 1 chỗ v.v… Nhóm các thứ cùng loại vào và để chúng lại với nhau, sẽ giúp bạn tìm được 1 vị trí cho chúng, và việc tìm chúng sẽ dễ dàng hơn. Sẽ không còn cảnh khắp nhà là đĩa CD, hoặc giấy tờ quan trọng mỗi nơi 1 chiếc.
7. Bạn có đang để đồ ở đâu đó ngoài căn nhà của bạn hay không?
Tức là bạn có đang gửi đồ của mình ở nhà ai đó không? Đồ của bạn đã quá nhiều đến mức căn nhà của bạn không đủ chỗ để chứa nó. Vậy bạn cần nhiều đồ đến vậy để làm gì, khi bạn thậm chí còn không có cơ hội để dùng chúng, và bản thân bạn không có đủ khả năng để chứa chúng?
8. Có bao giờ bạn thấy phiền vì việc căn nhà của bạn nhìn như thế nào?
Những thành viên khác trong gia đình cũng có bao giờ thấy phiền? Đã bao giờ mức độ ngăn nắp trong nhà chính là ngòi nổ cho những mâu thuẫn trong gia đình bạn?
9. Đã bao giờ những món đồ tốt bị hết hạn sử dụng chưa?
Bạn mua quá nhiều đồ tốt khi nó giảm giá, với mong muốn tiết kiệm tiền. Cuối cùng do đồ đạc quá nhiều, bạn để mỗi nơi 1 thứ, sau đó là quên mất, cuối cùng là hết hạn sử dụng. Việc đó đã bao giờ xảy ra với bạn chưa?
10. Có khi nào bạn cảm thấy bị chết đuối bởi đồ đạc trong nhà chưa?
Bạn đi làm về, nhìn vào căn nhà và cảm thấy ngột ngạt với đồ đạc, với phòng ngủ đầy chăn đệm không được gấp gọn gàng, tủ quần áo thì cái treo cái vắt, bàn làm việc đầy giấy tờ, phòng bếp đầy bát đĩa ngổn ngang v.v…..
Lúc đó chắc chắn bạn sẽ có cảm giác chán nản. Bạn chỉ nghĩ là có thể đó là do bạn bị stress bởi công việc. Không đâu, đó là stress bởi việc nhiều đồ đạc, và thói quen sống bừa bộn đấy.
Trả lời những câu hỏi sau để dọn dẹp đồ đạc:
1. Món đồ đó có cần thiết không?
Cho dù câu trả lời là CÓ, vậy thì, “bạn có thường xuyên dùng đến nó không?” Rất nhiều người trong chúng ta cứ giữ đồ lại, cho rằng sẽ dùng đến chúng vào một ngày nào đấy. Và khi giữ quá nhiều đồ trong nhà, đến lúc cần dùng, chúng ta sẽ không tìm thấy nó, thậm chí còn quên mất là mình đã từng giữ nó. Vì vậy, 1 món đồ Có vẻ có ích với bạn, không có nghĩa là nó Sẽ có ích với bạn.
2. Bạn có thật sự yêu thích món đồ đó?
Hãy thành thực với bản thân. Bạn có thực sự yêu thích nó hay không? Hay chỉ là để trong nhà cho có.
3. Đó có phải là món đồ kỉ niệm với bạn?
Nếu có, bạn có thể giữ chúng lại. Nhưng việc giữ lại những món đồ kỉ niệm cũng có giới hạn. Hãy chỉ giữ chúng lại khi bạn có chỗ dành cho chúng, trong một điều kiện bảo quản tốt. Còn nếu bạn không có chỗ, điều kiện bảo quản cũng không tốt, thì cho dù giữ lại, một thời gian sau nó cũng phải bỏ đi thôi.
4. Bạn có chỗ cho những món đồ?
Thật sự phải là 1 vị trí hợp lý cho những món đồ. Những đồ trang trí thì vị trí của nó là được bày lên giá hoặc tủ v.v… Những đồ dùng hàng ngày cũng có những vị trí phù hợp cho nó. Còn nếu như “vị trí hợp lý” của bạn là cho tất cả chúng vào 1 cái hộp, rồi để vào 1 chỗ nào đó, thì đó không phải là cách nha.
5. Đồ đạc của bạn có mang lại sự khó chịu cho người khác không?
Trừ khi bạn sống một mình. Còn không thì bao giờ đồ đạc của bạn cũng sẽ ảnh hưởng đến người khác. Vì vậy, hãy cân nhắc thật kĩ về việc đồ đạc của bạn có ảnh hưởng tiêu cực hoặc gây khó chịu cho người khác hay không.
6. Điều gì khiến bạn thỏa mãn với đồ đạc của mình?
Là những kỉ niệm, là sự thoải mái, là sự thông minh, là sự khẳng định giá trị bản thân v.v… Hãy suy nghĩ thật kĩ về điều này bởi nó rất quan trọng. Xác định rõ nhu cầu của mình, để có thể giản lược những đồ đạc không cần thiết với bạn.
Và sau khi trả lời được những câu hỏi này, đầu óc bạn đã rõ ràng rồi, thì hãy bắt tay vào dọn dẹp đi thôi nào!
Sưu tầm
Japan IT Works