Cách tạo nengajo - thiệp đầu năm mới của Nhật Bản (P1)

28/12/2020

"Nengajo" là tấm thiệp chúc mừng năm mới mà người Nhật thường gửi. Bài viết này sẽ giới thiệu về Nengajo và cách để tạo nên một tấm thiệp ý nghĩa!

"Nengajo" là tấm thiệp chúc mừng năm mới mà người Nhật thường gửi đi cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp hay thậm chí là cả đối tác vào mỗi dịp đầu năm. Đây là một trong những nét văn hoá đặc trưng của người dân xứ sở anh đào. Cứ vào khoảng thời gian cuối năm, người Nhật lại tất bật chuẩn bị để gửi đi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất qua những tấm thiệp này. Trong bài viết lần này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn về Nengajo và cách để tạo nên một tấm thiệp đầu năm thật ý nghĩa!

1. Nguồn gốc của Nengajo

nengajo

Nengajo (年賀状) - tấm thiệp chúc mừng năm mới của người Nhật Bản có lịch sử tương đối lâu đời, từ thời Heian (794 - 1185). Từ xa xưa, người Nhật đã có phong tục đi chúc tết những người lớn tuổi, cấp trên, họ hàng,... vào những ngày đầu xuân năm mới để hỏi thăm sức khỏe và gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến họ. Những người sống ở xa thường sẽ gửi thư thăm hỏi nếu không thể trực tiếp tới gặp mặt.

Vào những năm đầu của thời kỳ Minh Trị, hệ thống bưu chính ở Nhật được thành lập, đánh dấu một bước ngoặt lớn cho văn hoá gửi thiệp chúc mừng đầu năm, đặc biệt là từ sau năm 1873, khi bưu điện bắt đầu phát hành bưu thiếp, việc gửi thiệp mừng năm mới Nengajo bắt đầu tăng lên đáng kể và trở nên phổ biến như ngày nay. Nengajo không chỉ đơn thuần là lời chúc gửi đến bạn bè, người thân mà ngay cả trong công việc, bạn cũng sẽ dễ dàng thấy các công ty thường gửi Nengajo cho đối tác của mình để xây dựng mối quan hệ gắn bó lâu dài.

 

2. Văn hoá gửi Nengajo

Bạn sẽ gửi Nengajo cho ai?

nengajo 2

Vốn dĩ trước đây, Nengajo được gửi đi khi người ta không thể trực tiếp ghé thăm và chúc mừng năm mới đối phương. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, việc gửi Nengajo trở nên phổ biến hơn, người Nhật gửi Nengajo cho tất cả những người thân, bạn bè, thầy cô giáo, đối tác làm ăn, đồng nghiệp và những người mà họ đã nhận được Nengajo từ năm trước đó. Đây vừa là lời chúc mừng năm mới nhưng cũng là một cách thể hiện lời cảm ơn vì sự quan tâm, giúp đỡ của đối phương đến mình trong suốt một năm đã qua.

 

Thời gian thích hợp để gửi Nengajo

nengajo 3

nengajo 4

Bưu điện sẽ bắt đầu nhận Nengajo từ khoảng ngày 15/12 để phân loại và đảm bảo có thể gửi chúng đến các địa chỉ vào đúng ngày đầu năm mới 1/1. Thông thường vào khoảng cuối năm, sẽ có rất nhiều người cùng gửi Nengajo nên bưu điện sẽ trở nên bận rộn hơn bao giờ hết, do đó bạn nên chuẩn bị Nengajo từ sớm để người nhận có thể nhận được vào đúng thời gian mà bạn mong muốn.

Thời điểm thích hợp nhất để bắt đầu lên danh sách những người bạn muốn gửi Nengajo là khoảng cuối tháng 11, sau đó bạn hãy chuẩn bị đặt in Nengajo và viết lời chúc vào khoảng đầu tháng 12. 

 

Mochu-hagaki

nengajo 5

Ở Nhật Bản, đối với những gia đình có tang trong năm cũ, người ta cũng có những quy tắc riêng về việc gửi Nengajo. Những gia đình đang chịu tang người đã khuất sẽ không tổ chức chào đón năm mới, cũng như không nhận Nengajo trong 1 năm kể từ ngày gia đình có chuyện không vui.

Thay vào đó, họ sẽ gửi Mochu-hagaki đến những người thân, bạn bè, đồng nghiệp có thể sẽ gửi Nengajo cho gia đình mình từ trước khoảng thời gian mọi người chuẩn bị Nengajo, vào khoảng cuối tháng 11 đến đầu tháng 12. Nội dung của Mochu-hagaki thông báo về việc gia đình có người mất và là lời cảm ơn gửi đến những người đã quan tâm, giúp đỡ gia đình trong thời gian qua. Tấm thiệp này cũng như một lời nhắn từ chối nhận Nengajo vào năm mới của người gửi chúng.

 

3. Cách viết Nengajo

Cách viết mặt trước Nengajo

nengajo 6

① Số bưu điện: Ghi số bưu điện của người nhận ở ô ghi số bưu điện.

② Địa chỉ (1): Phía dưới phần ghi số bưu điện, ngay phần chính giữa 2 ô số ngoài cùng bên phải, ghi địa chỉ của người nhận. 

Lưu ý: Địa chỉ phải ghi đầy đủ, không được lược bỏ tỉnh thành. Trường hợp địa chỉ có con số và viết theo hàng dọc thì phải viết Kanji, nếu viết theo hàng ngang thì viết chữ số.

③ Địa chỉ (2): Nếu địa chỉ cần ghi tên tòa nhà, phần này sẽ được viết nhỏ và ở vị trí thấp hơn so với phần địa chỉ được nói đến phía trên. Thường sẽ ở chính giữa, phía dưới ô ghi số bưu điện thứ 3 và 4 tính từ phải sang.

④ Tên người nhận: Tên người nhận cần được viết to và rõ ràng nhất ở ngay dưới ô thứ 2 ghi số bưu điện tính từ trái sang, giữa mỗi ký tự nên cách nhau một khoảng cách bằng 1 chữ tưởng tượng để đảm bảo cân bằng bố cục.

⑤ Danh xưng: Phía dưới tên cần điền thêm「様」(Ông, bà, ngài,...) hoặc đối với những nguời như giáo sư, luật sư, bác sĩ, chính trị gia, có thể thay「様」thành「先生」(thầy, ngài).

⑥ 年賀 (Nenga): Đối với Nengajo, đặc biệt là thiệp tự làm, bạn cần chú ý ghi thêm từ “年賀” vào bên dưới phần dán tem của tấm thiệp.

⑦ Người gửi: Phần địa chỉ của người gửi được ghi theo chiều dọc, nhỏ gọn phía dưới chữ “年賀”, bằng đúng với chiều ngang của ô dán tem hoặc chiều ngang ô ghi số bưu điện người gửi. 

Bạn cũng cần lưu ý rằng, trong trường hợp gửi Nengajo cho một gia đình có cùng họ, bạn chỉ cần ghi phần họ ở phía đầu và ghi tên kèm chữ「様」phía sau theo thứ tự từ chủ hộ, vợ/chồng người đó và các con của họ. Nếu gia đình đông người, có thể thay thế bằng 「ご一同様」(Cùng gia đình). Ngoài ra, đối với trường hợp gửi Nengajo cho đối tác, cần ghi đầy đủ tên công ty, chức vụ.

Để xem cách viết mặt sau của nengajo như thế nào hãy đón xem phần tiếp theo của bài viết này nhé.

Theo tsunagujapan.com

Japan IT Works 

 



Việc làm theo chuyên ngành

Việc làm theo ngành

Việc làm theo tỉnh thành