Bạn có biết phong tục đón năm mới thú vị của người Nhật?

31/12/2020

Đối với người Nhật, kỳ nghỉ lễ đầu năm là thời gian dành cho gia đình, cùng cầu chúc cho một năm mới tràn đầy hạnh phúc và dồi dào sức khỏe. Vậy nên đây cũng là thời gian vui vẻ và có ý nghĩa nhất trong năm. Bạn có biết phong tục đón năm mới của người Nhật như thế nào không?

Phong tục đón năm mới của người Nhật cũng phong phú như người Trung Quốc, người Việt Nam vậy. Sau đây là một việc mà ngày Tết ở Nhật mọi người thường làm.

1. Toshikoshi soba (Mì soba trường thọ)

mi soba

Omisoka là từ dùng để chỉ ngày cuối năm ở Nhật. 31/12 cũng là ngày tổng vệ sinh, nhiều người Nhật có phong tục lau chùi, dọn dẹp nhà cửa để chào đón năm mới. Sau đó, họ thường quây quần bên gia đình trong căn nhà sạch sẽ tinh tươm, cùng nhau thưởng thức bữa tối hay thong thả ngồi xem chương trình phát trên tivi.

Khi gần tới thời khắc giao thừa, họ sẽ thưởng thức một loại mì gọi là "Toshikoshi soba" (Mì soba trường thọ).

mi soba truong tho

Sợi mì soba dài và mỏng, tượng trưng cho sự bền bỉ dẻo dai, vì vậy người Nhật ăn soba để cầu mong sự trường thọ. Mì soba có thể dùng khi còn nóng hoặc để nguội, tuy nhiên điều quan trọng nhất là bạn phải ăn nó trước thời khắc giao thừa, vì nhiều người quan niệm rằng việc ăn mì trường thọ vào ngày 1/1 có thể đem tới những điều xui xẻo!

 

2. Hatsuhinode (Bình minh đầu tiên của năm mới)

Hatsuhinode

Hatsuhinode là khoảnh khắc bình minh đầu tiên của năm mới. Người xưa quan niệm rằng ngày đầu tiên của năm là ngày chào đón Toshigami (một vị thần trong Thần Đạo) và cầu chúc cho một năm mùa màng bội thu.

Tương truyền rằng, thần Toshigami sẽ đến khi mặt trời mọc vào ngày đầu năm, vậy nên chắp tay cầu nguyện trong ánh bình minh là một truyền thống văn hóa lâu đời rất có ý nghĩa đối với người Nhật.

Thường thì mặt trời sẽ mọc vào lúc 6:20 đến 7:30 sáng, do vậy người Nhật thường lái xe tới bờ biển hoặc leo lên núi cao vào sáng sớm để có thể tận hưởng khoảnh khắc này.

 

3. Hatsumode (Đi lễ chùa đầu năm)

Hatsumode

Lễ chùa đầu năm (Hatsumode) cũng là một phong tục năm mới quan trọng. Người Nhật viếng thăm đền chùa vào ngày 1/1 hoặc vào một vài ngày đầu năm để cầu mong các vị thần phù hộ cho họ một năm mới tốt lành (thường là từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 1).

Hatsumode 1

Một hoạt động rất được ưa chuộng ở đền là Omikuji - phong tục xin quẻ đầu năm. Lá xăm thường là một tờ giấy trắng dài có in chữ, nó sẽ cho bạn biết về vận mệnh của mình trong năm mới liên quan tới công việc, tình cảm, hay như là việc bạn có thể tìm thấy "đồ đã mất" hay không. Mọi người thường rất hào hứng với phong tục xin quẻ này vào đầu năm đấy!

 

4. Otoshidama (Tiền lì xì)

Otoshidama

Điều mà trẻ em háo hức nhất vào dịp năm mới có lẽ là được nhận Otoshidama - Tiền lì xì. Ông bà, cô dì chú bác, bố mẹ sẽ là người trao những bao lì xì tới tay con trẻ với ý nghĩa cầu may cho chúng trong năm mới.

Số tiền trong mỗi bao lì xì tùy thuộc vào độ tuổi của đứa trẻ. Tuổi càng lớn thì trẻ sẽ nhận được càng nhiều tiền lì xì, ví dụ 1000 yên cho trẻ dưới 10 tuổi và 3000 yên cho trẻ trên 10 tuổi.

Phong tục này khiến dịp năm mới trở nên "đắt đỏ" hơn với các bậc phụ huynh.

Otoshidama 1

Năm mới là một kỳ nghỉ lễ rất đặc biệt đối với người Nhật. Ngoài những phong tục trên, còn có rất nhiều sự kiện văn hóa và lễ hội diễn ra khắp đất nước trong khoảng thời gian này. Nếu bạn đã từng trải nghiệm bất kỳ phong tục nào vào năm mới ở Nhật thì hãy chia sẻ nhé!

Theo wakuwaku.today

Japan IT Works



Việc làm theo chuyên ngành

Việc làm theo ngành

Việc làm theo tỉnh thành