Chuẩn bị
1. Hiểu rõ CV là gì
Nếu sử dụng Google dịch, bạn sẽ thấy nó dịch CV (Curriculum Vitae) là “Sơ yếu lý lịch”, nhưng đừng hiểu lầm, CV không phải là bản “Sơ yếu lý lịch” mà các bạn vẫn thường thấy trong các bộ hồ sơ truyền thống đâu. Mình cho rằng, nên hiểu CV là “hồ sơ ứng tuyển” thì đúng hơn, tức trong CV nên có các thông tin về học vấn, kinh nghiệm làm việc, và các kỹ năng liên quan tới công việc muốn ứng tuyển.
Chốt lại, bạn đừng nhầm lẫn giữa tờ sơ yếu lý lịch tự thuật và CV đi tìm việc nhé.
2. Xác định vị trí ứng tuyển
Một CV tốt luôn kèm theo thông tin về vị trí công việc muốn ứng tuyển, vì thế trước khi tạo CV hãy xác định thật rõ ràng công việc mà bạn muốn ứng tuyển là gì.
Ví dụ như: PHP developer, full stack developer, frontend developer, react native developer, thực tập sinh PHP, PHP fresher,…
Sau khi xác định rõ vị trí mà bạn muốn ứng tuyển, thì các mục khác (kinh nghiệm, kỹ năng) trong CV cũng sẽ tập trung mô tả để chứng minh rằng bạn là ứng viên tiềm năng cho vị trí công việc này.
3. Chọn một mẫu CV phù hợp
Khuyên thật lòng là bạn đừng tốn công tạo CV bằng photoshop, hay sử dụng CV bằng word, vì các công cụ tạo CV online ngày nay rất phổ biến, mà lại mẫu đẹp.
Khi chọn mẫu CV, bạn cũng nên lưu ý:
- Lựa chọn mẫu đơn giản, có màu sáng. Đừng dại mà chọn mấy mẫu có màu như cái IDE/code editor nhé, nhìn thì ngầu thật đấy nhưng đến lúc in ra thì chỉ được cái … tốn mực.
- Chọn mẫu có thể chèn ảnh đại diện.
Các mục nên có trong CV
1. Thông tin cá nhân
- Họ tên, email, số điện thoại là các thông tin bắt buộc phải có trong mục này.
- Nếu có thông tin địa chỉ, thì đó là địa chỉ mà bạn đang ở chứ không phải quê quán, để nhà tuyển dụng biết khoảng cách mà bạn sẽ đi làm.
- Nếu có github, blog cá nhân, facebook thì hãy bổ sung vào.
- Nếu có thể chèn ảnh đại diện, hãy chèn một bức ảnh đủ nghiêm túc, rõ mặt.
2. Mục tiêu nghề nghiệp
Hãy cho nhà tuyển dụng thấy tham vọng của bạn qua mục này. Mục tiêu nên chia làm 2 loại, là mục tiêu ngắn hạn mục tiêu dài hạn.
- Mục tiêu ngắn hạn: Mục tiêu của bạn trong 1 – 3 năm tới làm gì, như trở thành Full stack developer, trở thành team leader, trở thành senior developer,…
- Mục tiêu dài hạn: Mục cuối cùng mà bạn muốn đạt được, trở thành tech lead, project manager, CTO, startup trong lĩnh vực tương tự,…
3. Học vấn
- Tên trường Đại học / Cao đẳng / Trung tâm đào tạo mà bạn đã học.
- Tên ngành đào tạo nếu có.
- Điểm trung bình học tập nếu có.
- Điểm của một số môn học quan trọng ở trường liên quan đến lập trình như: cấu trúc dữ liệu và thuật toán, lập trình hướng đối tượng, cơ sở dữ liệu,… Thông tin này cực kỳ có giá trị nếu bạn là một developer chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế.
4. Kinh nghiệm làm việc
Nếu bạn từng làm công việc tương tự ở các công ty khác, thì hãy liệt kê trong mục này với các thông tin:
- Tên công ty.
- Tên dự án.
- Mô tả tổng quan về tính năng.
- Các công nghệ áp dụng (cực kỳ quan trọng)
- Vai trò của bạn trong dự án (cực kỳ quan trọng).
- Bạn đã đóng góp gì trong dự án này: tham gia BA, coding, review code,…
Các mục tại đây nên được sắp xếp theo thứ tự từ mới đến cũ, để nhà tuyển dụng nắm bắt được công việc gần đây nhất của bạn. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm, hãy mạnh dạn ghi “tôi chưa có kinh nghiệm thực tế”, một lời nói thật sẽ tốt hơn nhiều so với việc bạn tự bịa ra kinh nghiệm cho mình, hơn nữa, chúng ta vẫn còn nhiều mục khác trong CV để “gỡ gạc” lại mà.
5. Các dự án cá nhân
Nếu bạn không có nhiều kinh nghiệm thực tế, thì đây là mục giúp bạn ghi điểm nhiều hơn trong mắt nhà tuyển dụng. Hãy liệt kê các dự án cá nhân mà bạn từng làm với các thông tin:
- Tên dự án.
- Mô tả tổng quan về tính năng.
- Công nghệ áp dụng.
- Mục đích của dự án này.
- Link git repo, có mục này sẽ cực kỳ tuyệt vời, nhà tuyển dụng có thể review code của bạn luôn.
- Một số thông tin khác nếu có như: vai trò của bạn, bạn đã đóng góp gì,…
Gần như ai cũng sở hữu một vài dự án cá nhân, nó có thể là sản phẩm của một đợt thực tập, một bài tập nhóm, đồ án tốt nghiệp, hay một pet project để bạn học công nghệ mới,…
6. Kỹ năng chuyên môn
Trong CV, thường sẽ có một mục để bạn liệt kê các kỹ năng chuyên môn, kèm theo thang điểm đánh giá (đánh giá bằng số sao, phần trăm, thang điểm,..). Đây cũng là một mục cực kỳ quan trọng để nhà tuyển dụng có thể nắm bắt tổng quan khả năng của bạn, và có một vài lưu ý như sau:
- Đừng liệt liệt kê các kỹ năng mềm ở đây.
- Đừng liệt kê các kỹ năng mà “ai cũng biết”, kiểu làm web nhưng vẫn liệt kê biết HTML.
- Đừng liệt kê các kỹ năng không liên quan tới vị trí tuyển dụng, kiểu vị trí PHP developer nhưng lại liệt kê cả kỹ năng word, excel.
- Đánh giá thang điểm chính xác, đừng bao giờ đánh giá max điểm, vì trên đời này không có gì hoàn hảo cả, tốt hơn hết bạn nên tham khảo bài viết Kinh nghiệm làm việc được tính như thế nào của mình trước.
7. Chứng chỉ
Những văn bằng, giấy chứng nhận được đưa ra chứng minh những kỹ năng, mức độ am hiểu của ứng viên là dựa trên đánh giá khách quan và đã được kiểm chứng. Để trở thành lập trình viên chuyên nghiệp bạn cần có một số chứng chỉ được cung cấp bởi các trung tâm uy tín có các chương trình đánh giá năng lực thực sự. Với những chứng chỉ này việc thuyết phục các nhà tuyển dụng sẽ phần nào dễ dàng hơn. Lập trình viên chuyên nghiệp sẽ cần đến các chứng chỉ nghiệp vụ như:
- Chứng chỉ Project management professionals
- Chứng chỉ google adword
- Chứng chỉ ngoại ngữ,...
Bạn cũng có thể viết ra những lợi ích mà chứng chỉ mang lại. Những chứng chỉ này sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho bạn so với các ứng viên khác.
8. Một số thông tin khác
Một số thông tin khác giúp bạn thể hiện cá tính, giúp nhà tuyển dụng hiểu hơn về con người bạn như:
- Nhóm tính cách MBTI, nhóm tính cách MI: MBTI và MI là hai bài trắc nghiệm giúp phân loại tính cách con người, để nhà tuyển dụng biết tính cách của bạn trước khi phỏng vấn cũng là một cách tốt để bạn tìm được môi trường phù hợp.
- Điểm mạnh / Điểm yếu: Hãy tự thật thà, và tự tin viết về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân.
- Sở thích, tài lẻ: Thích chơi LMHT, bóng đá, thích viết blog, hát hay, biết làm ảo thuật,… bất kỳ sở thích hay tài lẻ nào nếu bạn có.
- Một lời cảm ơn: Một lời cảm ơn tới nhà tuyển dụng vì đã dành thời gian để xem CV của bạn.
Lưu ý quan trọng
Một số lưu ý quan trọng giúp bạn kiểm tra lại CV của mình:
- Không sử dụng Tiếng Anh, nếu bạn gà mờ Tiếng Anh.
- Viết đúng chính tả.
- Sử dụng đại từ nhân xưng là tôi hoặc mình, không dùng em.
- Căn chỉnh đúng định dạng, chính xác dấu chấm, dấu phẩy, dấu hai chấm,…
- CV giống như một tờ quảng cáo bản thân bạn, nếu đọc CV của mình mà không thấy gì hấp dẫn, nghĩa là bạn chưa biết cách thể hiện sự hấp dẫn của mình, hoặc đúng là bạn chẳng có gì hấp dẫn thật.
- Làm xong CV, đọc lại CV và tự hỏi “Nếu bạn là nhà tuyển dụng, thì bạn có tuyển một thằng có cái CV như thế này không?”
- CV đừng dài quá 2 trang A4.
Lấy hình mẫu: https://www.topcv.vn/tong-hop-cv-tham-khao-cho-lap-trinh-vien
Tổng kết
Cầm trên tay tấm CV của ứng viên, nhà tuyển dụng không chỉ xem nội dung, mà còn đánh giá cả về cách trình bày, văn phong,… tất cả các yếu tố đó đều quyết định việc nhà tuyển dụng có gọi bạn phỏng tới vấn hay không.
Một điều lưu ý đặc biệt nữa, đó là hãy thành thật, đừng vì một tấm CV đẹp mà “khai gian viết láo”, bởi bạn có thể lừa được họ qua phòng duyệt CV, nhưng khó mà lừa được họ qua vòng phỏng vấn, lại càng khó lừa họ qua vòng thử việc,… Tóm lại là, đừng làm mất thời gian của 2 bên.
Hy vọng bài viết có thể giúp ích cho bạn trên con đường tìm kiếm công việc mơ ước.
Tạm biệt, hẹn gặp lại trong bài viết tiếp theo.
Tổng hợp
Japan IT Works