Cách lựa chọn công ty để làm việc tại Nhật (P1)


Những tiêu chuẩn để lựa chọn công ty khi xin việc tại Nhật Bản. Ngoài những yếu tố cơ bản như nội dung công việc có những điểm nhất định phải chú ý. Trước khi quyết định ứng tuyển, bạn hãy đọc kỹ bài viết này để không phải hối hận về quyết định của mình sau khi vào làm tại công ty mới nhé.

Các tiêu chuẩn đề dựa vào khi lựa chọn nơi làm việc tại Nhật, theo thứ tự từ quan trọng nhất như sau:

1. Mức lương

muc luong

Mức lương phổ biến của từng ngành nghề ở Nhật

Một trong những yếu tố quan trọng cần kiểm tra là mức lương đưa ra có đảm bảo được những nhu cầu sinh hoạt cơ bản của bạn hay không. Bạn có thể tham khảo mức lương trung bình của người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản ở dưới đây:

  • Nhân viên khách sạn: trên dưới 3.000.000 yên/năm
  • Giáo viên dạy tiếng Anh giao tiếp (toàn thời gian cố định): trên dưới 3.500.000 yên/năm
  • Giáo viên dạy tiếng Anh giao tiếp (bán thời gian): khoảng 2.500 – 3.000 yên/buổi
  • Biên dịch viên: khoảng 3.000.000 yên – 8.000.000 yên/năm
  • Kỹ sư: khoảng 4.000.000 – 7.000.000 yên/năm
  • Điều dưỡng: trên dưới 3.000.000 yên/năm
  • Công nhân xây dựng: trên dưới 3.000.000 yên/năm

* Tất cả các mức lương trên có thể thay đổi tùy theo kinh nghiệm, ngành nghề, quy mô công ty, v.v.

Đối với những sinh viên người Nhật vừa tốt nghiệp và chuyển ra ở riêng, mức lương tháng thường rơi vào khoảng 200.000 yên, cộng thêm tiền thưởng thì thu nhập mỗi năm vào khoảng 3.000.000 yên. Những ngành nghề chủ yếu nêu trên đều có mức lương tương đương sinh viên người Nhật mới tốt nghiệp, tuy nhiên nếu nhận những việc làm không cố định thì lương sẽ tính theo giờ và không có thưởng. Tùy từng cách thức làm việc mà có thể bạn sẽ phải sống tiết kiệm hơn.

Khi xem thông tin tuyển dụng, bên cạnh loại công việc thì bạn cũng cần quan tâm tới việc vị trí đó có cố định hay không. Bạn cũng nên nhớ rằng phía công ty sẽ trừ phí bảo hiểm xã hội và thuế thu nhập vào lương tháng, vì vậy mà phần thu nhập bạn nhận về thực tế có thể chỉ bằng khoảng 80% lương cơ bản. Khi phỏng vấn, bạn có thể hỏi cụ thể về mức lương để yên tâm hơn.

2. Chế độ phúc lợi

che do phuc loi

Chế độ phúc lợi của công ty Nhật thường rất tốt để khuyến khích thúc đẩy nhân viên

Chế độ phúc lợi là những chế độ hay dịch vụ mà công ty cung cấp cho nhân viên ngoài lương và thưởng. Chế độ này bao gồm phần phúc lợi theo quy định của pháp luật và phần phúc lợi do công ty tự đưa ra.

Phúc lợi theo luật định thì công ty nào cũng giống nhau, bao gồm bảo hiểm việc làm, bảo hiểm y tế, bảo hiểm chăm sóc dài hạn, bảo hiểm tai nạn cho người lao động, bảo hiểm hưu trí, v.v.

Phần phúc lợi do công ty tự đưa ra có thể là những quyền lợi khác nhau tùy từng công ty như: trợ cấp nhà ở, trợ cấp phí đi lại, trợ cấp gia đình, thẻ hội viên câu lạc bộ thể thao, chuyến du lịch cho nhân viên, v.v. Trong đó, trợ cấp nhà ở (trợ cấp tiền thuê nhà) là loại rất phổ biến và đối với những nhân viên đang phải đi thuê nhà thì đây là một mức trợ cấp tương đương với việc tăng lương.

Ngoài ra, ở Nhật còn có những công ty đưa ra những chế độ phúc lợi đặc biệt như trợ cấp làm đẹp để hỗ trợ cho nhân viên một phần chi phí làm đẹp, hay hỗ trợ tiền mua game ở các công ty game. Ngày càng có nhiều công ty có khoản tiền mừng cho nhân viên vào các dịp đặc biệt như kết hôn hay sinh con. Chế độ phúc lợi là một yếu tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của bạn. Vì vậy, đừng chỉ quan tâm đến mức lương mà hãy xem xét cả yếu tố phúc lợi nữa nhé.

Đặc biệt hơn nữa, công ty Nhật có tiếng là có chế độ tốt dành cho nữ.

3. Quy mô công ty

quy mo cong ty

Tùy vào lĩnh vực thì quy mô công ty sẽ khác nhau

Tùy thuộc vào từng lĩnh vực kinh doanh mà định nghĩa về công ty quy mô lớn hay quy mô vừa và nhỏ sẽ khác nhau. Một trong những ưu điểm phải kể đến đầu tiên của những công ty lớn là chế độ phúc lợi. Ngoài ra, ta cũng có thể kể tới các yếu tố như giá trị tên tuổi và uy tín trong xã hội, mức độ ổn định và tương lai của công ty, chế độ lương thưởng. Với quy mô và tiềm lực tài chính của những công ty này, nhân viên có thể hoàn toàn yên tâm khi làm việc.

Tại những công ty lớn với đông đảo nhân viên, mỗi người phải tạo dựng nhiều mối quan hệ với nhiều kiểu người khác nhau. Ngoài ra, các công ty lớn thường có văn hóa doanh nghiệp riêng với lịch sử lâu đời khó có thể thay đổi, do vậy những ý tưởng mới dù hay đến mấy cũng khó được thực hiện nếu không phù hợp với văn hóa vốn có của doanh nghiệp. 

Đối với những người mong muốn đưa ra sáng kiến mới mẻ, môi trường này có thể sẽ gây ra nhiều bất mãn. Đồng thời, do có nhiều chi nhánh ở địa phương khác hoặc ở nước ngoài nên nhân viên ở những công ty này có thể sẽ phải luân chuyển công tác nhiều hơn. Đây vừa là ưu điểm vừa là nhược điểm: được làm việc ở một chi nhánh nước ngoài theo nguyện vọng có thể là điều tốt, nhưng cũng có khả năng bị luân chuyển đến một chi nhánh ở địa phương khác trong nước và có lẽ đây là điều ít người mong muốn.

Ưu điểm đầu tiên của loại doanh nghiệp vừa và nhỏ là các mối quan hệ. Tiếp theo là nội dung công việc, thời gian làm việc và chế độ nghỉ ngơi. Tại các công ty vừa và nhỏ, số lượng nhân viên ít nên nhiều người có cảm giác như ở nhà, dễ dàng giao tiếp với mọi người hơn. Về nội dung công việc, khác với những công ty lớn khi nhiệm vụ được phân hóa rõ ràng theo chiều dọc, nhân viên tại những công ty vừa và nhỏ có cơ hội được đảm nhiệm nhiều lĩnh vực công việc và đây là môi trường làm việc có phần thách thức hơn. Khoảng cách giữa quản lý và nhân viên gần hơn nên nhân viên có cơ hội được đề xuất và thực hiện ý tưởng của mình. Trong số những công ty này cũng có những công ty khởi nghiệp đòi hỏi tính tự chủ và khả năng thực hiện công việc cao ở nhân viên, tiền lương gắn liền với kết quả công việc nên nếu bạn thành công bạn có thể kiếm được thu nhập cao hơn so với ở những công ty lớn.

Những bất lợi có thể kể tới là tiền lương (bao gồm tiền thưởng và tăng lương), tương lai và tính ổn định của công ty. Chế độ lương thưởng có thể khác nhau tùy công ty, tuy nhiên nhìn chung nếu cùng một lĩnh vực thì những công ty vừa và nhỏ có mức lương thấp hơn so với các công ty lớn. Đó là chưa kể nhiều trường hợp không có nhiều hy vọng về tiền thưởng và tăng lương. Tại những doanh nghiệp vừa và nhỏ với quy mô và phạm vi kinh doanh hạn chế, không ít nhân viên phải đối mặt với sự bất an về tương lai phát triển cũng như mức độ ổn định của doanh nghiệp.

Việc phân chia quy mô chỉ là tương đối, tùy từng công ty mà cách làm việc và nội dung công việc sẽ hoàn toàn khác nhau. Bạn hãy cân nhắc những phân tích trên để lựa chọn công ty phù hợp với nguyện vọng và cách làm việc của bản thân nhé.

4. Công ty liên doanh nước ngoài hay công ty Nhật Bản

cong ty lien doanh hay cong ty nhat ban

Nên chọn công ty liên doanh nước ngoài hay công ty Nhật Bản

Khi người Nhật đi xin việc hoặc chuyển việc, họ rất quan tâm tới việc công ty mới là doanh nghiệp liên doanh nước ngoài hay doanh nghiệp thuần Nhật. Những công ty liên doanh với nước ngoài là những công ty có vốn đầu tư từ nước ngoài được thành lập tại Nhật Bản, và có nhiều tính chất khác với những doanh nghiệp Nhật Bản.

Mỗi kiểu doanh nghiệp có những ưu và nhược điểm riêng nên cảm nhận của mỗi người sẽ khác nhau. Bạn hãy xem xét từ nhiều khía cạnh để lựa chọn công ty phù hợp nhất với mình.

Khác với những công ty Nhật Bản luôn có ý thức tự đào tạo nhân viên, các công ty liên doanh nước ngoài thường tuyển dụng những người có năng lực và kinh nghiệm làm việc. Họ tích cực thực hiện việc săn đầu người để mời những người có triển vọng vào công ty mình.

Ưu điểm của các công ty này là mức lương hay thu nhập hằng năm. Các công ty Nhật Bản có xu hướng trả lương theo thâm niên và tuổi tác, ít xét đến hiệu quả công việc hay năng lực. Ngược lại, nhiều công ty liên doanh nước ngoài coi trọng năng lực của nhân viên, nếu năng lực của nhân viên tốt thì sẽ được trả lương ở mức tương xứng. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý rằng một nhược điểm của những công ty này là dễ dàng chấm dứt hợp đồng lao động với nhân viên nếu chính sách quản lý thay đổi hoặc tình hình kinh tế xấu đi.

So với các công ty liên doanh nước ngoài, ưu điểm của các công ty Nhật Bản là nhân viên chính thức không dễ dàng bị sa thải. Tuy nhiên, khi làm việc ở các công ty Nhật Bản, bạn sẽ phải chấp nhận hi sinh thời gian cá nhân ngoài giờ làm việc để tham gia các buổi tiệc rượu của công ty hay để làm thêm giờ.

Gần đây, xu hướng coi trọng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cũng phần nào giúp giảm thiểu tình trạng này, tuy nhiên ở nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhân viên vẫn phải tự nguyện làm thêm vào sáng sớm, tối muộn hay cuối tuần trong những mùa bận rộn. Những phần làm thêm này không được trả thêm lương và có thể coi đây là một nhược điểm của công ty Nhật Bản. Đặc biệt là đối với các công ty vừa và nhỏ, bạn đừng quên hỏi rõ về thời gian làm thêm trung bình để xem xét có nên nhận việc hay không nhé.

Còn tiếp...

Theo tsunagulocal.com

Japan IT Works 

 



Việc làm theo chuyên ngành

Việc làm theo ngành

Việc làm theo tỉnh thành