Tìm hiểu về các nhân vật lịch sử và những địa danh đã xuất hiện trên tiền Nhật Bản


Tiền là thứ mà chúng ta tiếp xúc và nhìn thấy thường xuyên gần như mỗi ngày trong các hoạt động mua bán, nhưng có lẽ ít người để ý đến màu sắc và những hình ảnh được in trên đó. Tiền yên của Nhật Bản có hai loại là tiền giấy và tiền xu. Trên mỗi mệnh giá tiền này đều có in hình các nhân vật lịch sử, các địa danh cũng như những hình ảnh biểu tượng riêng. Hãy cùng tìm hiểu xem những hình ảnh biểu tượng đó có ý nghĩa gì, cũng như những nhân vật lịch sử nào đã xuất hiện trên những tờ tiền này nhé.

1 yên

1 yênĐồng 1 yên là đồng tiền có mệnh giá thấp nhất ở Nhật Bản, được phát hành vào năm 1955. 1 yên tương đương với khoảng 0.009 USD và khoảng hơn 200 VNĐ. Hình ảnh trên mặt trước của đồng 1 yên là hình một mầm cây. Đây là thiết kế do một người dân thường ở Kyoto tên là Masami Nakamura vẽ nên. Hình ảnh này được Bộ tài chính cho rằng rất phù hợp với hoàn cảnh Nhật Bản vào thời điểm đó: mầm cây giống như hy vọng của người dân Nhật Bản vào một tương lai tương sáng và sự vươn mình mạnh mẽ của nước Nhật trong giai đoạn phục hồi sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Mặc dù có mệnh giá rất nhỏ, nhưng để sản xuất ra đồng 1 yên này người ta phải tốn đến 3 yên cho 1g nhôm.

5 yên

5 yên5 yên được coi là đồng xu may mắn ở Nhật Bản, vì theo cách đọc trong tiếng Nhật 5 yên được đọc là “Go-en” đồng âm với từ “duyên” (ご縁) nên đồng tiền này được xem là biểu tượng của sự may mắn, khởi đầu của những mối quan hệ và những điều tốt đẹp. Đồng 5 yên được làm bằng đồng thau, có trọng lượng là 3,75gr, phát hành vào năm 1959. Đây cũng là đồng tiền duy nhất của Nhật Bản không có một chữ La tinh nào. Mặt trên của đồng 5 yên là hình ảnh cây lúa trồi lên trên mặt nước và một bánh răng tròn bao quanh phần lỗ ở chính giữa đồng tiền. Thiết kế mới sau giai đoạn Chiến tranh thế giới thứ hai này cũng mang ý nghĩa về sự phồn vinh và phát triển của Nhật Bản trong giai đoạn phục hồi, trong đó cây lúa tượng trưng cho nông nghiệp, nước là ngư nghiệp và biểu tượng bánh xe là hình ảnh tượng trưng cho ngành công nghiệp Nhật Bản. Mặt sau đồng tiền là hình ảnh hai chồi nụ.

10 yên

10 yênĐồng 10 yên được phát hành vào năm 1959 cùng với đồng 5 yên. Trên mặt trước của đồng 10 yên là ngôi chùa Byodo-in ở Kyoto. Ngôi chùa cho Fujiwara Yorimichi xây dựng vào thời kỳ Heian, đã được công nhận là Báu vật quốc gia năm 1951 và Di sản thế giới UNESCO năm 1994. Ngôi chùa với kiến trúc bằng gỗ màu nâu đỏ được xây dựng ngay giữa hồ nước khiến chúng trông như một cung điện giữa chốn bồng lai. Với kết cấu cân xứng hai bên, nhìn từ phía chính diện bạn sẽ thấy ngôi chùa giống như một chú chim đang sải rộng cánh, cùng với đó là những bức tượng phượng hoàng bằng vàng được đặt đối xứng trên mái nhà, chính vì thế mà từ thời Edo, nơi này còn được biết đến với cái tên Phượng hoàng đường (Houou-do 鳳凰堂). Đến đây bạn sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng nhiều báu vật quốc gia cũng như chiếc chuông quốc bảo được treo trong tháp chuông. Nếu có dịp đến đây hãy thử chụp bức ảnh Phượng Hoàng đường bên cạnh đồng xu 10 yên xem có gì khác nhau không nhé.

1- yên

Mặt sau của đồng tiền là chữ số La tinh và hình ảnh vòng nguyệt quế - biểu tượng cho chiến thắng.

50 yên

50 yênĐồng 50 yên được phát hành vào năm 1967 với thiết kế mặt trước là hình hoa cúc - biểu tượng của hoàng gia Nhật Bản và mặt sau là số 50 viết bằng chữ La tinh và năm phát hành. Thiết kế hoa cúc là thiết kế được lựa chọn qua cuộc tuyển chọn thiết kế tiền công khai. Đồng tiền 50 yên được phát hành năm 1955 trước đó không có lỗ và kích thước to hơn đồng 100 yên. Tuy nhiên, sau khi đồng 100 yên mới được phát hành, người ta cũng thay đổi thiết kế của đồng 50 yên để phân biệt với đồng 100 yên mới. Đồng tiền này được làm từ hợp kim của đồng và niken.

100 yên

100 yênĐồng 100 yên được phát hành cùng năm và được làm từ chất liệu giống với đồng 50 yên. Mặt trước của đồng tiền là hình ảnh quốc hoa Nhật Bản - hoa anh đào. Đây là một trong những đồng tiền được sử dụng nhiều nhất tại Nhật, đặc biệt là khi mua hàng tại các máy bán hàng tự động.

500 yên

500 yên500 yên là đồng xu có mệnh giá lớn nhất ở Nhật Bản cũng như trên thế giới hiện nay, nó tương đương khoảng 4 đô la, khoảng 110.000 VNĐ. Mặt trước của đồng 500 yên là hình ảnh cây thường xuân tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, mặt sau là hình ảnh lá tre biểu tượng cho sự phồn vinh và cành quýt biểu tượng cho tài lộc, no đủ.

Đồng 500 yên chính thức được phát hành lần đầu vào năm 1982 thay thế cho tờ tiền giấy 500 yên. Tuy nhiên, đến năm 2000, đồng xu này đã được thiết kế lại để phòng ngừa nguy cơ bị đánh tráo. Nguyên do là do đồng 500 yên của Nhật có nhiều nét tương đồng với đồng 500 won của Hàn Quốc (tương đương 50 yên Nhật) về chất liệu cũng như kích thước, nên khi sử dụng tại các máy bán hàng tự động thì rất khó phát hiện ra. Điểm khác biệt của đồng 500 yên mới này so với các đồng tiền xu khác của Nhật là nó có phần rãnh chìm được khắc xung quanh số 500 ở mặt sau tiền và nhiều ký tự chìm khác. Điều này giúp cho đồng tiền khó bị làm giả cũng như đánh tráo.

1000 yên

1000 yênTờ 1000 yên được phát hành vào năm 2004. Mặt trước của tờ tiền là chân dung của nhà vật lý và vi khuẩn học Noguchi Hideyo. Ông là người đã tìm ra vi khuẩn gây bệnh giang mang, tìm ra vắc-xin điều trị bệnh nhiễm xoắn khuẩn vàng da Leptospira. Với những đóng góp trong ngành y học, ông đã 3 lần được đề cử giải Nobel. Ông được xem là nhà vi khuẩn học nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà còn trên toàn thế giới. Không chỉ xuất hiện trên tờ 1000 yên Nhật, người ta còn dựng tượng ông ở công viên Ueno, Tokyo, và còn cho xây dựng một bảo tàng tưởng niệm ông ngay tại quê nhà ông ở Fukushima. Ngoài ra, ông được coi là nhà khoa học đầu tiên từng xuất hiện trên tờ tiền Nhật Bản.

1000 yên

Mặt sau của tờ 1000 yên là hình ảnh núi Phú Sĩ - biểu tượng của nước Nhật nhìn từ hồ Motosu ở tỉnh Yamanashi, được vẽ dựa trên bức ảnh của nghệ sĩ Koyo Okada.

2000 yên

tiền nhật

Tờ tiền giấy 2000 yên được phát hành lần đầu tiên vào ngày 19/7/2000 để kỷ niệm Hội nghị thượng đỉnh G8 lần thứ 26 ở Okinawa cũng như đón chào thiên niên kỷ mới. Mặt trước tờ tiền là cổng tam quan Shureimon của lâu đài Shuri tại Okinawa gần nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh. Lâu đài Shuri được coi là biểu tượng của Okinawa, và đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới cũng chính vào năm này.

Mặt sau của tờ tiền là hình ảnh trong tác phẩm “Truyện kể Genji” và tác giả Murasaki Shikibu. Hình ảnh bên trái là nhân vật Suzumushi trong tác phẩm cùng lời bài hát, còn bên phải là tác giả Murasaki Shikibu được lấy từ tuyển tập tranh “Murasaki Shikibu Diary Emaki”. Bạn cũng có thể bắt gặp những hình ảnh này tại Bảo tàng Gotoh ở Setagaya, Tokyo.

Mặc dù được phát hành cách đây 20 năm vào năm 2000, tuy nhiên giờ đây nó gần như “mất tích” tại Nhật Bản vì những bất tiện trong quá trình sử dụng, đặc biệt là khi trả lại tiền thừa và khi sử dụng ở các máy bán hàng tự động.

5000 yên

5000 yên

Tờ 5000 yên được phát hành vào năm 2004. Nhân vật xuất hiện trên tờ 5,000 yên là nhà văn Higuchi Ichiyo (1872-1896). Bà là một trong những nữ nhà văn đầu tiên thời Minh Trị và có thể coi là nhà văn nữ chuyên nghiệp đầu tiên trong lịch sử văn học Nhật Bản. Bà mất khi mới chỉ 24 tuổi, nhưng số lượng các tác phẩm văn học bà để lại có thể coi như một gia tài khổng lồ, với tất cả 21 tập tiểu thuyết ngắn và hơn 4,000 bài thơ tanka, trong đó tác phẩm nổi tiếng nhất của bà là "Takekurabe".

Trong một xã hội mà nam giới vẫn được coi trọng hơn như ở Nhật Bản thì việc một nhân vật là nữ xuất hiện trên tiền giấy là điều rất hiếm gặp. Tuy nhiên, trong bối cảnh các quốc gia đang phấn đấu để xây dựng một xã hội bình đẳng giới, Nhật Bản cũng không muốn là kẻ đứng ngoài cuộc. Việc lựa chọn nữ văn sĩ Higuchi Ichiyo để in trên tiền giấy cho thấy phần nào quyết tâm của Nhật Bản trong việc thúc đẩy quá trình bình đẳng giới và nâng cao địa vị của phụ nữ trong xã hội.

Mặt sau của tờ tiền là hình ảnh bông hoa diên vĩ được lấy nguyên mẫu từ bức tranh Kakitsubata-zu (Bức bình phong Hoa diên vĩ) của Ogata Korin - một trong những di sản văn hóa nghệ thuật quốc gia có giá trị nhất của Nhật Bản. 

10000 yên

10000 yên

Tờ 10.000 yên được phát hành vào năm 2004. Nhân vật được in trên mặt trước của tờ 10.000 là nhà tư tưởng, nhà giáo dục nổi tiếng thời Minh Trị, ông Fukuzawa Yukichi (1834-1901). Đây là bức chân dung được lấy từ bức ảnh của Trung tâm nghiên cứu Keio Fukuzawa ở Tokyo. Fukuzawa được xem là nhà tư tưởng lớn nhất của Nhật Bản thời cận đại, người có công truyền bá những tư tưởng mới mẻ của phương Tây vào công cuộc cải cách xã hội và nền giáo dục Nhật Bản, và là người đi tiên phong trong công cuộc canh tân đất nước. Nhờ có những tư duy mới mẻ của Fukuzawa, xã hội Nhật Bản đã có những thay đổi mạnh mẽ vào cuối thế kỷ 19. Với những đóng góp to lớn của mình ông được xem là một nhân vật quan trọng trong lịch sử Nhật Bản, và điều đó lý giải tại sao hình ảnh của ông lại xuất hiện trên tờ tiền có mệnh giá lớn nhất này.

Mặt sau của tờ tiền là bức tượng phượng hoàng tại ngôi chùa Byodo-in Houou-do ở Tokyo. Vẻ đẹp thiêng liêng, cao quý của loài chim này rất phù hợp để in lên trên tờ tiền giá trị này.

Trước đây, tại Nhật Bản chỉ có hình ảnh của các chính trị gia mới được lựa chọn để in trên tiền, nhưng kể từ sau sự ra đời của tờ 1000 yên với sự xuất hiện của nhà văn Natsume Soseki (phát hành năm 1984), việc lựa chọn các nhân vật có đóng góp trên các lĩnh vực, khoa học, văn hóa, nghệ thuật đang dần trở nên phổ biến hơn. Tiếp nối những thay đổi của thời đại và để đón chào một thập niên mới, Nhật Bản cũng đã cho ra mắt mẫu tiền giấy mới và dự kiến sẽ được lưu hành vào khoảng năm 2024. Cùng đón chờ xem những mẫu tiền mới này có gì thay đổi và những nhân vật quan trọng nào sẽ xuất hiện trên những "tờ giấy" giá trị này nhé!

Theo tsunagujapan.com

Japan IT Works



Việc làm theo chuyên ngành

Việc làm theo ngành

Việc làm theo tỉnh thành