Điều này đặc biệt đúng ở Nhật Bản, nơi giao tiếp là một loại hình nghệ thuật phức tạp nhiều quy ước và rất dễ gây hiểu lầm, chẳng hạn như người Nhật hiếm khi đưa ra câu trả lời thẳng thắn cho những câu hỏi và yêu cầu đơn giản, do đó mà bạn luôn phải cẩn trọng với việc lựa chọn từ ngữ của mình. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu một số cụm từ và cách diễn đạt bằng tiếng Nhật chắc chắn sẽ giúp bạn thành công trong công việc tại Nhật Bản.
Nghệ thuật nói “Không” trong tiếng Nhật
Khi nói chuyện với một khách hàng ở Nhật Bản, bạn phải quan sát phản ứng của họ và suy xét xem liệu những gì họ nói có chứa ẩn ý nào khác hay không.
Ví dụ trường hợp bạn đề xuất điều gì đó với khách hàng và họ phản hồi bạn bằng câu “Kentou shimasu” (検討します/ Chúng tôi sẽ xem xét). Nếu bạn chưa quen với cách nói chuyện của các công ty Nhật Bản, câu trả lời này có thể khiến bạn hy vọng rằng mọi thứ đang diễn ra theo như những gì bạn mong muốn.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, câu này thực ra mang ý nghĩa ngược lại vì cách diễn đạt này thường được sử dụng ở Nhật Bản để từ chối một cách lịch sự mà không cần phải nói “không”.
Đây là một cách hiểu ngầm của người Nhật. Các câu từ chối khác cũng có xu hướng mang ý nghĩa là “không” như:
“Mou ichido kangaemasu” (もう一度考えます / Chúng tôi sẽ suy nghĩ thêm lần nữa) và
“Mochikaette kentou shimasu” (持ち帰って検討します/ Chúng tôi sẽ cân nhắc kỹ về điều đó).
Tương tự, những cụm từ như “Zensho shimasu” (善処します/ Chúng tôi sẽ xử lý một cách thỏa đáng) thường chỉ là một cái cớ để đối phó cho qua chuyện chứ không phải là lời hứa chắc chắn sẽ làm điều gì đó.
Khi bạn là người muốn từ chối ai đó một cách lịch sự, bạn có thể ngăn họ đưa vấn đề đi xa hơn bằng cách kết thúc cuộc trò chuyện với câu “Hitsuyou na baai wa kochira kara renraku suru” (必要な場合はこちらから連絡する / Chúng tôi sẽ liên hệ với bạn trong trường hợp cần thiết).
Lời góp ý tế nhị về hiệu suất làm việc của đồng nghiệp
Giữa đồng nghiệp với nhau cũng thường xuyên có những cách nói ám chỉ. Người Nhật là “chuyên gia” trong việc đưa ra những nhận xét châm biếm đằng sau vẻ ngoài thân thiện. Họ sẽ thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe của bạn bằng câu “Taihen sou na shigoto desu yo ne” (大変そうな仕事ですよね / Công việc này có vẻ vất vả quá nhỉ), hay nói bạn là “Jikkuri yaru taipu nan desu ne” (じっくりやるタイプなんですね / Kiểu người làm chậm mà chắc), hoặc giả vờ đưa ra những lời khen như “Majime desu yo ne” (真面目ですよね / Bạn làm việc nghiêm túc quá), nhưng tất cả đều ám chỉ rằng “Bạn đang làm việc kém hiệu quả”
Trong một số trường hợp hiếm hoi, đồng nghiệp của bạn có thể thực sự đang khen ngợi bạn, nhưng những cụm từ đó hầu như có nghĩa là họ đang phàn nàn một cách kín đáo về hiệu quả của bạn.
Các ví dụ khác như “Ooraka nan desu ne” (おおらかなんですね/ Bạn thật dễ tính) để ngụ ý rằng bạn bất cẩn, hay “Kicchiri shitemasu yo ne” (きっちりしてますよね / Bạn làm việc nguyên tắc thật), nghĩa là bạn lại quá cứng nhắc. Bạn sẽ cần phải chú ý hơn trong các cuộc trò chuyện nếu muốn hiểu được ý nghĩa thực sự đằng sau những lời nói của đồng nghiệp người Nhật
Dù bạn là “Sếp” thì cũng phải để ý
Việc ngày càng có nhiều người tỏ ý không hài lòng với cấp trên một cách kín đáo đã trở thành một chủ đề nóng ở Nhật Bản trong những năm gần đây. Khi văn hóa công sở thay đổi và thế hệ trẻ tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, người ta ngày càng dễ bày tỏ ý kiến về cấp trên của mình hơn, dù là gián tiếp.
Nếu bạn muốn than phiền một cách ý nhị với cấp trên, hãy làm những việc như: bắt đầu bài báo cáo với họ bằng “Senjitsu no goshiteki wo fumaete…” (先日のご指摘を踏まえて / Theo chỉ đạo của anh/chị) để nhắc họ rằng bạn chỉ đang làm theo mệnh lệnh của họ, hoặc thường xuyên nói câu “Hayaku seichou shitai desu!” (早く成長したいです! / Tôi muốn cải thiện bản thân!) để gợi ý rằng bạn đang tìm kiếm những lời mời làm việc ở các đơn vị khác.
Ngoài ra, nếu cấp trên của bạn có vẻ như đang nói quá nhiều, hãy khéo léo gợi ý “Kanchigai ga aru to ikenai no de, meeru de onegai dekimasu deshou ka” (勘違いがあるといけないので、メールでお願いできますでしょうか。/ Để tránh hiểu lầm, anh/chị có thể viết bằng email cho tôi được không?) Điều này không chỉ có thể tiết kiệm thời gian mà còn đảm bảo cuộc trao đổi đã được ghi lại bằng văn bản để giải quyết các tranh luận trong tương lai. Tuy nhiên, nếu sếp của bạn là kiểu người muốn nói miệng để nhân viên tự ghi chép lại ý mình thì chiến lược này có thể sẽ không hiệu quả.
Làm thế nào để tránh rắc rối với đồng nghiệp
Nếu bạn đang gặp khó khăn với một đồng nghiệp, chẳng hạn như họ cố gắng đùn đẩy nhiệm vụ cho bạn, thì phản ứng tốt nhất là mỉm cười tự tin và nói “Watashi ga yatte iin desu ka?” (私がやっていいんですか? / Để tôi làm việc này thì có ổn không?), Có nghĩa là “Đây là công việc của bạn mà? Bạn phải tự xử lý nó chứ.”
Một cách khác để bào chữa cho bản thân là “Ima te ga ippai de hikiukeru no ni chotto muzukashii, gomennasai, mata koe wo kakete kudasai” (今手がいっぱいで引き受けるのにちょっと難しい、ごめんなさい。また声をかけてください / Xin lỗi nhưng hiện tại tôi có quá nhiều việc cần phải làm. Sau này nếu tôi có thể giúp việc gì thì hãy báo tôi nhé).
Để tránh gây thù chuốc oán ở nơi làm việc, việc tìm hiểu người khác đang thực sự muốn nói gì và lựa chọn lời nói của bạn một cách khôn ngoan sẽ rất hữu ích cho bạn để có thể làm việc lâu dài và thăng tiên trong môi trường công sở đó.
Hãy tham khảo những câu nói trong bài viết và thử áp dụng tại công ty hiện tại của bạn xem sao nhé
Theo tsunagulocal.com
Japan IT Works