Nên học lập trình web hay lập trình ứng dụng di động?


Bài viết này sẽ phân tích cho bạn về phát triển ứng dụng di động và phát triển ứng dụng Web – hai chuyên môn được đào tạo phổ biến và có nhu cầu nhân lực cao hiện nay, thế nhưng đối với người chưa làm trong nghề thì khá khó mường tượng công việc một cách chính xác công việc để ra quyết định lựa chọn.

Cũng giống như trong các lĩnh vực khác, ngành công nghiệp phần mềm cũng có nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau, và kéo theo đó là nhiều chuyên môn khác nhau. Phần mềm hệ thống, ứng dụng, ứng dụng di động, ứng dụng Web, ứng dụng AI, phần mềm nhúng… Có rất nhiều các con đường sự nghiệp để phát triển. Do vậy, với những bạn trẻ mới bắt đầu con đường CNTT, việc chọn học lập trình web hay lập trình ứng dụng quả là một câu hỏi khó khăn.

Sự khác nhau giữa lập trình web và lập trình ứng dụng di động

Lập trình web: Là công việc của một Developer. Họ sẽ nhận dữ liệu từ bộ phận thiết kế để xây dựng nên một hệ thống website hoàn chỉnh.

Lập trình mobile: Là sử dụng các ngôn ngữ lập trình như Java, C#… xây dựng và phát triển các phần mềm. Nhằm cung cấp các tiện ích cho di động trên tất cả các hệ điều hành như Android, IOS, Windows…

Bạn đang phân vân nên chọn ngành nào, học lập trình web hay lập trình ứng dụng di động? Có nên học hai ngành này cùng một lúc hay không. Tôi khuyên bạn trong hai năm đầu, bạn chỉ nên tập trung học một trong hai công nghệ mà thôi. Như vậy, bạn mới có thể tập trung tất cả tư tưởng để học hỏi, nâng cao kỹ năng của mình. Đối với lập trình web, bạn nên tập trung sử dụng thành thạo các framework và có dự án cụ thể. Đối với lập trình mobile, bạn cần xuất sắc một trong các nền tảng là IOS, Android, hay Windows.

Nên học lập trình web hay lập trình ứng dụng di động?

Phát triển ứng dụng Web

Nhà phát triển ứng dụng Web có nhiệm vụ thiết kế, viết mã và vận hành các ứng dụng nền Web. Cần nhớ rằng nhiệm vụ này không phải là viết mã của giao diện Web (mặc dù đây là một trong các nhiệm vụ), mà là tạo ra một ứng dụng hoàn chỉnh. Bao gồm phần mềm phía frontend, phần mềm phía backend, cơ sở dữ liệu… Nhà phát triển có thể làm việc tại một trong các stack nhỏ đó, hoặc làm việc trong tất các các stack, khi đó họ được gọi là lập trình viên Web Full-stack. Mục tiêu của tất cả những việc này là tạo ra một website dễ sử dụng và phục vụ được yêu cầu của khách hàng.

Cả nhà phát triển Web Back-end lẫn Front-end đều làm việc với nền Web, nghĩa là với Internet, họ đều phát triển các kỹ năng của mình liên quan tới giao thức HTTP và các giao thức liên quan. Tuy vậy, do phụ thuộc vào tính chất sản phẩm, back-end và front-end có nhiều điểm khác biệt.

Nhà phát triển Web Front-end

Nhà phát triển Web Front-end phát triển phần ứng dụng chạy trên trình duyệt của người dùng cuối. Nhiệm vụ ở đây là dựa vào các thông tin mà back-end cung cấp để tạo ra một giao diện web phù hợp, dễ sử dụng, có tính tương tác cao. Các sản phẩm của nhà phát triển front-end là các phần giao diện người dùng, các bản định kiểu, đường dẫn navigation của website, bố cục nội dung.

Nhà phát triển front-end sử dụng rất nhiều đến các ngôn ngữ HTML, CSS, Javascript, JSON, bởi đó là những ngôn ngữ có thể được xử lý một cách tự nhiên trên trình duyệt Web. Trong đó HTML là ngôn ngữ đánh dấu để thiết kế bộ khung giao diện, CSS là ngôn ngữ định kiểu để thiết kế mỹ thuật, Javascript là ngôn ngữ lập trình để thiết kế ra các kịch bản xử lý (giao diện). JSON là ngôn ngữ lưu chứa dữ liệu, dùng để giao tiếp với backend.

Đôi khi, nhà phát triển front-end phát triển hẳn một phần mềm chạy trên trình duyệt của người dùng để đảm bảo nhiệm vụ về giao diện được hoàn thành. Khi đó họ thường sử dụng các framework Javascript để công việc được dễ dàng hơn. Nổi tiếng trong số đó là Angular, React, Vue

Nhà phát triển Web Front-end có thể nâng cấp sâu các kỹ năng của mình và phát triển thành nhà thiết kế Web chuyên nghiệp, nhà phát triển ứng dụng Mobile đa nền tảng, hay mở rộng tập kỹ năng về phía back-end và trở thành nhà phát triển Web Full-stack.

Nhà phát triển Web Back-end

Web Back-end, còn gọi là server-side, là phần ứng dụng Web chạy tại máy chủ, nó là nơi quản lý các dữ liệu được lưu chứa, thực hiện các yêu cầu của người dùng, trích xuất các thông tin người dùng cần sau đó (hầu như mọi tác vụ mà người dùng thao tác với website đều cần đến việc này), tổng hợp thành thông tin dễ hiển thị và trao nó cho front-end để trực quan hóa.

Nhà phát triển back-end sử dụng chủ yếu các ngôn ngữ server-side, nghĩa là các ngôn ngữ chạy ở phía máy chủ, như Java, PHP, Ruby, Python… hay thậm chí JavaScript nếu chạy thông qua Node thì cũng là một lựa chọn. Các ngôn ngữ này giúp nhà phát triển viết nên các kịch bản hoạt động của ứng dụng và dễ dàng thực thi. Ngoài ra nhà phát triển còn làm việc với các ngôn ngữ Shell để cấu hình máy chủ; XML, YAML, JSON… để lưu cấu hình ứng dụng; SQL để hướng dẫn truy vấn cơ sở dữ liệu cho ứng dụng…

Công việc của các nhà phát triển back-end được công nghiệp hóa rất nhiều, họ thường dùng tới các Web Framework để tối đa năng suất. Trong đó có thể kể đến Spring Framework của ngôn ngữ Java, Laravel Framework của ngôn ngữ PHP, Ruby on Rail Framework của Ruby hay Diango của ngôn ngữ Python.

Nhà phát triển Web Back-end có thể mở rộng tập kỹ năng của mình về phía front-end và trở thành lập trình viên Web Full-stack, mở rộng về phía triển khai/vận hành ứng dụng Web và trở thành lập trình viên Devops (tạm gọi thế), hay đào sâu khu vực Web Back-end của mình, tại đó có vô số các vấn đề lập trình, với vô số các công nghệ, kiến thức, ngôn ngữ, kỹ năng, nền tảng để nghiên cứu và chuyên môn hóa.

Phát triển ứng dụng di động

Nhà phát triển ứng dụng di động phát triển các ứng dụng chạy trên thiết bị di động. Phát triển các ứng dụng di động phức tạp đáng kể hơn khi so với các ứng dụng Web. Phát triển ứng dụng trên nền tảng Android hoàn toàn khác so với phát triển ứng dụng trên nền tảng iOS, và trong mỗi nền tảng, phát triển cho các phiên bản Android và iOS khác nhau cũng có yêu cầu khác nhau.

Về kỹ thuật phát triển, các ứng dụng di động được chia làm 3 nhóm, định hình nên các nhóm nhà phát triển khác nhau, bao gồm ứng dụng Native, ứng dụng HTML5, và ứng dụng Hybrid.

Ứng dụng Native

Là các ứng dụng được viết riêng cho một nền tảng xác định. Ví dụ như iOS hay Android. Các ứng dụng được viết nên bởi ngôn ngữ và công cụ được hỗ trợ bởi nền tảng. Ví dụ như ứng dụng iOS được viết bằng ngôn ngữ Objective-C hay Swift, với công cụ XCode. Trong khi ứng dụng Android được viết bằng ngôn ngữ Java hay Kotlin, bởi công cụ Eclipse hay Android Studio.

Ứng dụng HTML5

Nói một cách dễ hiểu, đây là các trang Web được thiết kế để hoạt động trông như một ứng dụng. Chúng được viết bởi các ngôn ngữ HTML, CSS và Javascript. Do tất cả các vật liệu đều được hỗ trợ sẵn trên tất cả các nền tảng, nên bản thân ứng dụng là đa nền tảng. Việc này giúp cho tốc độ phát triển ứng dụng trở nên rất nhanh với đánh đổi là tốc độ và trải nghiệm người dùng – khi mà bản thân ứng dụng không thể hưởng lợi từ các tính năng hữu ích của nền tảng.

Ứng dụng Hybrid

Các ứng dụng Hybrid cũng giống các ứng dụng HTML5 – là các Web Page, nhưng được đóng gói cùng một trình duyệt Web native (ví dụ như UIWebView của iOS hay WebView của Android, không phải Safari hay Chrome). Ứng dụng Hybrid dễ phát triển như ứng dụng HTML5, trong khi vẫn liên kết được với các tính năng hữu ích của bản thân nền tảng.

Tổng quan

Bất kỳ lập trình viên mobile ở nhóm nào cũng đều có thể mở rộng tập phát triển của mình sang một nhóm khác bất kỳ. Thường thì các lập trình viên Web Front-end có cơ hội cao để lấn sân sang lĩnh vực phát triển ứng dụng Mobile bằng thông qua nhóm ứng dụng HTML5 và Hybrid.

Trái lại, việc chuyển đổi từ một nền tảng này sang nền tảng khác được cho là có chi phí nỗ lực khá cao và không khuyến khích với các nhà phát triển mới vào nghề.

Về bước chân đầu tiên

Không có sự khác nhau rõ rệt nào về độ khó, mức thu nhập, nhu cầu thị trường, cũng như khả năng phát triển đường dài khi so sánh giữa Web và Di động. Cả hai chuyên môn cũng đều yêu cầu một tập hợp các kiến thức và kỹ năng công nghệ giống nhau, và giống với tất cả các chuyên môn khác trong ngành phần mềm: khoa học máy tính, khoa học mạng, kỹ năng giải quyết vấn đề, các kỹ thuật lập trình: thuật toán, cấu trúc dữ liệu, mã sạch, thiết kế, tái cấu trúc… Sự tiến bộ trong chuyên môn nào cũng phụ thuộc rất nhiều vào sự tiến bộ tại các lĩnh vực con này.

Ngành lập trình đã tích góp được rất nhiều kinh nghiệm và tài nguyên cho phát triển ứng dụng Web trong suốt quá trình phát triển của nó. Lập trình viên có thể bắt đầu phát triển ứng dụng Web ở rất nhiều cấp độ từ rất dễ đến vô cùng khó – và luôn có cách để bắt đầu. Phát triển Web cũng không yêu cầu đầu tư trang thiết bị quá đặc biệt, trừ khi bạn lập trình ứng dụng Web chạy trên nền tảng dotNet của Microsoft và khi đó bạn cần máy tính chạy hệ điều hành Windows, còn lại bạn chỉ cần một chiếc laptop chạy được trình duyệt là có thể bắt đầu làm được. Có rất nhiều các cách làm, kỹ thuật, công cụ, quy trình, thiết kế được sử dụng trong phát triển ứng dụng Web đã trở thành tham chiếu cho các lĩnh vực phần mềm khác tham khảo và mô phỏng theo. Nếu bạn bắt đầu từ phát triển ứng dụng Web, chi phí ban đầu tất cả mọi mặt của bạn (về nỗ lực, thời gian, tiền bạc, cơ hội…) sẽ không cao.

Ngành lập trình ứng dụng di động trái lại là khá non trẻ. Ưu điểm ở đây là nó đang liên tục phát triển với tốc độ rất nhanh (cho đến khi nó đạt trạng thái cân bằng với nhu cầu thị trường). Sự phát triển không chỉ nằm ở nhu cầu mà còn ở các kỹ thuật và công nghệ ở trong đó. Bạn sẽ liên tục được thách thức và làm việc cùng các phần cứng và công nghệ mới, mỗi ngày. Tuy vậy, thiết bị di động gắn liền với công nghệ Web, về lâu dài bạn vấn nên trang bị cho mình một chút ít kiến thức về lập trình ứng dụng Web Back-end. Bạn cũng nên chuẩn bị phần cứng phù hợp để bắt đầu việc học. Nền tảng để phát triển ứng dụng Android không quá đặc biệt, nhưng bạn cần một máy tính Mac để có thể phát triển ứng dụng iOS, và trong cả hai trường hợp, máy tính cần có cấu hình đủ cao.

Nếu bạn đã có kinh nghiệm tổng quan về ngành phát triển phần mềm, và bạn đang muốn thách thức bản thân trong một lĩnh vực mới, hay bạn muốn lập trình trong những công nghệ và kỹ thuật tối tân của ngành công nghiệp, lập trình ứng dụng di động sẽ phù hợp với bạn.

Theo codegym.vn

Japan IT Works



Việc làm theo chuyên ngành

Việc làm theo ngành

Việc làm theo tỉnh thành