Kinh nghiệm trước khi đi phỏng vấn dành cho DEV


Khi muốn đi phỏng vấn và nhảy công ty thì DEV nên làm gì? Dưới đây là những công việc cần làm để nghỉ việc và phỏng vấn thành công, làm việc thuận lợi ở môi trường mới dành cho DEV.

1. Báo với quản lý trước khi đi phỏng vấn

Điều này không bắt buộc nếu bạn chỉ muốn thăm dò thị trường. Nhưng nếu thực sự có ý định nghỉ việc, hãy báo với quản lý ít nhất một tháng để họ có thời gian thu xếp nhân sự thay thế và chuyển giao phần việc của bạn. Điều này cho thấy bạn là một người có trách nhiệm và uy tín.

Trong buổi phỏng vấn, một vài nhà tuyển dụng (NTD) sau khi hỏi lý do nghỉ việc ở công ty cũ, họ có thể hỏi thêm câu "Bạn đã nói chuyện với quản lý của mình chưa?". Bạn có thể trả lời theo bất kì cách nào, nhưng trung thực vẫn là tốt hơn.

tim viec moi

Một số NTD còn có vòng ref-check (reference check). Họ sẽ liên hệ với quản lý ở công ty cũ của bạn để tìm hiểu và đánh giá về bạn. Hãy luôn giữ uy tín và tạo mối quan hệ tốt với công ty cũ, đừng để họ cảm thấy bị "phản bội" bởi vì không được báo trước.

2. Tìm kiếm công việc

Đặc thù của ngành CNTT là số lượng công việc tuyển dụng cực kì đa dạng và phong phú. Một số trang web đáng tin cậy để các bạn tra cứu có thể kể như itviec, Linkedin.

Linkedin là một nơi phù hợp để bạn tiếp thị bản thân. Mỗi tháng có thể nhận email của 2-3 bạn HR quảng cáo cơ hội việc làm. Tất nhiên đừng để vẻ bề ngoài đánh lừa, tốt nhất hãy tìm hiểu kĩ về JD (Job Description) và xem review về công ty đó để có cái nhìn tổng quan trước khi nhận lời phỏng vấn.

Ngoài ra, các mối quan hệ quen biết cũng là một nguồn thông tin cực kì hữu ích. Nhà xã hội học Mark Granovetter trong cuốn A Study of Contacts and Careers, qua nghiên cứu cho thấy, có tới 3/4 số lượng công việc tốt đều đến từ những lời truyền miệng. Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng có nhiều công ty rất xịn nhưng chưa từng nghe tên bao giờ.

Hãy lập ra danh sách các công ty mà bạn dự định ứng tuyển với các thông tin như:

  • Loại hình: Outsource, Product hay dịch vụ? Mỗi loại hình đều có ưu nhược riêng, tùy vào môi trường làm việc mà bạn đang mong muốn.
  • Mô tả công việc: Đây là thông tin quan trọng nhất. Hãy tìm hiểu kĩ yêu cầu của vị trí mà bạn đang ứng tuyển: junior/middle hay senior, yêu cầu kinh nghiệm tầm bao nhiêu năm, yêu cầu kĩ năng cứng & mềm có gì...
  • Quốc gia: các công ty của nước ngoài thường có ngạch lương cao hơn Việt Nam, nhưng cũng tùy trường hợp. Ngoài ra, văn hóa của quốc gia chủ quản cũng sẽ ảnh hưởng đến văn hóa của công ty đó.
  • Vị trí địa lý: chi phí đi lại cũng là một yếu tố ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống hàng ngày. Nếu đi lại quá xa, đôi khi bạn sẽ không có thời gian dành cho bản thân & gia đình.
  • Range lương: đây không phải là thông tin bắt buộc. Tuy nhiên nó sẽ cực kì hữu ích cho vòng "trả giá" lương bổng của bạn.
  • Review của cựu nhân viên: chỉ cần gõ theo cú pháp "Review công ty [tên công ty]" là có vô số thông tin để bạn tham khảo. Tuy nhiên hãy nhớ rằng các review này đều mang tính chủ quan (thậm chí là chiêu trò chơi xấu nhau giữa các đối thủ), nên bạn phải giữ cái nhìn thật khách quan nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội tốt.

3. Ôn tập chuẩn bị

  • Giải thuật: các công ty "xịn" đều có chung một yêu cầu: các bài test giải thuật, thứ mà nhiều anh em dev rất sợ. Tuy nhiên, để có job xịn thì phải cố gắng thôi.

Trước khi bắt đầu phỏng vấn, mình dành 1 tháng để ôn tập lại môn Data Structure & Algorithm và môn Toán Rời Rạc hồi đại học. Nếu có giải thuật nào chưa hiểu, mình tìm trên kênh Youtube Lalitha Natraj để xem video minh họa trực quan.

on tap chuan bi kien thuc phong van

Mình dành mỗi ngày 1-2 tiếng để giải các bài Top Interview Questions trên LeetCode. Phần này theo mình thấy không cần ôn nhiều, chỉ cần giải hết set Easy Collection là đã có thể đạt 70-80% điểm ở hầu hết các bài test đầu vào. Nếu muốn chắc ăn hơn thì giải tiếp một số bài trong set Medium Collection. Nhưng đừng mất thời gian cho các bài Hard - các bài test giải thuật chỉ tầm mức easy hoặc medium mà thôi.

  • Fundamental knowledge: các kiến thức cơ bản về Computer Science, Network, OS, Database, Threads... cũng sẽ được một số công ty chú trọng, các bạn nên ôn tập thêm phần này. Mặc dù nói là "cơ bản" nhưng mình thấy phần này lại rất khó, bởi không chỉ đơn giản là học vẹt trả lời, nhưng bạn phải kể lại tình huống thực tế từng trải qua.

Bạn nói rằng bạn biết database index và giải thích được rành rọt cơ chế bên dưới, nhưng liệu thực tế bạn đã từng làm index cho DB bao giờ chưa? Tốc độ xử lý cải thiện như thế nào, có đo đạc được không? Những tình huống nào thì dùng index sẽ phản tác dụng, bạn có kể ra được không? NTD sẽ dựa vào đó mà đánh giá được thực lực của bạn, bởi vì những câu hỏi như thế này phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm thực tế thay vì lý thuyết suông.

  • Technical knowledge: ôn tập cho phần kĩ năng cứng mà bạn đang ứng tuyển: backend hay frontend, fullstack hay devops, Java hay C#, Angular hay React, AWS hay Azure... Ngoài ra, bạn cũng nên ôn tập các kiến thức về kiến trúc, thiết kế hệ thống, cách giải quyết & ứng biến với các tình huống bất ngờ. Quan trọng nhất là tư duy "Problem Solving", tư duy giải quyết vấn đề.
  • Experience knowledge: đây là phần rất quan trọng nhưng ít khi được chú ý. NTD có thể đặt những câu hỏi như:
    • Kể về 1-3 con bug khó nhất mà bạn từng gặp phải. Làm sao bạn tìm ra được nguyên nhân & giải quyết chúng?
    • Kể về 1-3 task khó nhất và thách thức nhất mà bạn từng làm. Bạn tiếp cận chúng như thế nào, có hoàn thành được yêu cầu đưa ra không?
    • Kể về một sai lầm mà bạn nhớ mãi (câu hỏi này cần sự khéo léo khi trả lời)
    • Kể về thành tựu mà bạn tự hào nhất trong suốt x năm làm việc ở công ty cũ, có thể là một dự án, một giải pháp, hoặc một module code nào đó.

Những câu hỏi này là cơ hội để bạn thể hiện và ghi điểm với NTD. Những câu hỏi này tưởng chừng như quá đơn giản, nhưng nếu không có sự chuẩn bị trước, sẽ rất dễ bị lúng túng, thậm chí là không trả lời được, bởi chúng ta không thể nhớ nổi chuyện trong quá khứ. Do vậy, mỗi khi trải qua một con bug hoặc một task khó, tốt nhất nên ghi lại vào nhật ký để sau này còn nhớ mà trả lời phỏng vấn.

4. Bắt đầu apply CV & phỏng vấn

Một điều quan trọng mà bạn cần lưu ý là tính toán tổng thời gian các vòng phỏng vấn ở các công ty. Có nơi chỉ tốn 1 tuần là đã có kết quả và offer, nhưng có nơi mất đến 2-3 tuần hoặc 1 tháng. Điều ta cần làm là canh chừng sao cho thời điểm có kết quả của các công ty đều rơi vào cùng một khoảng thời gian

Một vài lưu ý cho buổi phỏng vấn (phỏng vấn online)

  • Chú ý đúng giờ, tuyệt đối không được quên ngày phỏng vấn (các bạn có thể đặt lịch nhắc nhở bằng Google Calendar).
  • Đảm bảo đường truyền ổn định, âm thanh & hình ảnh rõ ràng.
  • Trang phục phù hợp, tóc tai gọn ghẽ.
  • Không tắt camera - NTD có thể tắt camera của họ, nhưng bạn thì tuyệt đối không. Việc show khuôn mặt thể hiện sự tôn trọng trong giao tiếp, tạo thiện cảm với NTD.
  • Nếu phần phỏng vấn có peer coding, hãy nhớ tương tác thường xuyên với NTD để họ hiểu được cách bạn tiếp cận và giải quyết vấn đề.
  • Với các bài test online, hãy hỏi trước xem bạn có được sử dụng Google để tra cứu (một số NTD cho phép bạn dùng Google) và code trên IDE của máy hay không (không phải platform test nào cũng xịn, nên việc dùng IDE mà bạn quen thuộc vẫn tốt hơn).

Một vài lưu ý cho buổi phỏng vấn (phỏng vấn offline)

Thì hãy tham khảo những việc nên làm trước phỏng vấn 1 ngày để phỏng vấn tốt hơn nhé!

5. Nhận offer và deal lương

Bạn đã có offer? Xin chúc mừng!! Bạn đã được nhận vào công ty rồi. Lúc này, ứng viên sẽ chuyển từ "kèo dưới" sang "kèo trên", sở hữu một số quyền lực nhất định trong cuộc mua bán sức lao động. Tuy nhiên, trước đó hãy đảm bảo điều sau đây:

Giữ kín mức lương expect

Hãy giữ bí mật mức lương expect cho đến phút cuối của những vòng technical interview.

Đừng tiết lộ cho HR. Nếu họ dụ dỗ, hãy trả lời: "em đợi phỏng vấn xong rồi mới tiện nói ạ".

Tại sao lại như vậy?

Mức lương expect có thể là con số mà bạn dò hỏi từ bạn bè hoặc những đồng nghiệp cũ. Tiết lộ quá sớm có 2 tình huống xảy ra:

  • Con số đó quá cao so với khả năng chi trả của NTD. Họ sẽ bớt hứng thú với bạn và dành ưu tiên cho những ứng viên khác. Hoặc tệ hơn là họ sẽ âm thầm tìm người mới và bất ngờ reject bạn, như mình đã bị.
  • Con số đó thấp hơn nhiều so với thực lực của bạn. Một món hời cho NTD.

Do vậy, hãy đảm bảo rằng mức lương expect chỉ tiết lộ sau khi bạn đã hoàn thành xuất sắc màn phỏng vấn. Lúc này, cho dù mức expect quá cao, họ sẽ vẫn không reject bạn (vì họ biết bạn có giá trị) nhưng sẽ đề xuất một mức khác phù hợp.

Tuy nhiên, NTD luôn đưa ra mức giá có lợi cho họ, việc của bạn là lấy lại phần lợi của bạn bằng cách trả giá: nói ra mức cao hơn mà công ty khác offer cho bạn.

Bí quyết deal lương

Hãy cố gắng pass nhiều công ty và có nhiều offer nhất có thể.

Do vậy, chuyện deal lương chẳng có gì là mưu lược hay tinh vi cả. Chỉ đơn giản: hãy cố gắng trở nên thật giỏi, và thu hút càng nhiều công ty càng tốt. Lúc này bạn sẽ có nhiều sự lựa chọn.

Sau cùng, bạn sẽ phải tìm cho mình công ty mà bạn thích làm nhất.

  • Nếu công ty đó trả cho bạn cao hơn tất cả, thật tuyệt vời. Không còn gì phải bận tâm nữa.
  • Nếu có nơi khác trả cao hơn, hãy nghĩ đến việc "trả giá". Bắt đầu bằng việc cảm ơn buổi phỏng vấn, bày tỏ sự hứng thú và mong muốn làm việc ở nơi đây, sau đó bày tỏ sự tiếc nuối nhẹ nhàng bởi mức lương chưa thỏa mãn, và nói ra con số mà bạn mong muốn.

Bạn cần nhớ lúc này bạn đang có "quyền lực kèo trên" so với NTD. Đây là một buổi đấu giá. Bạn đang bán sức lao động của mình cho nhiều NTD. Bạn có quyền thông báo cho mọi người biết mức giá cao nhất, để họ chủ động thay đổi quyết định của mình - trả cao hơn hay giữ nguyên.

Việc này còn phụ thuộc vào khả năng giao tiếp (cách lựa lời) và độ tự tin của bạn. Sự tự tin là thứ gây áp lực lên NTD, họ sẽ tìm mọi cách để có được bạn.

Tính toán thời gian

Thông thường các offer sẽ có thời hạn tối đa 5 ngày - 1 tuần. Hãy tận dụng quãng thời gian đó, trì hoãn đưa ra quyết định, và chờ đợi các offer của những công ty khác.

Để các offer đều rơi vào cùng một thời điểm, bạn nên tính toán cẩn thận thời gian bắt đầu phỏng vấn. Kẻo không sẽ lỡ mất cơ hội deal lương tốt.

Đừng chỉ tập trung vào lương - hãy cân nhắc các yếu tố khác

luong cao

Nếu chỉ chăm chăm vào tiền lương, NTD sẽ đánh giá bạn là một con người cuồng vật chất, không sẵn lòng hy sinh và cống hiến cho công ty.

Ngoài lương ra thì còn các khoản thưởng khác mà bạn có thể cân nhắc như khoảng thưởng 1 lần lúc ký hợp đồng (signing bonus), thưởng ad-hoc trong dự án, thưởng bằng cổ phần công ty...

Chế độ làm việc và các phúc lợi cũng là thứ mà ta nên cân nhắc. Lập trình viên là công việc tiêu hao chất xám, nặng nề đầu óc bậc nhất. Nếu không có thời gian cho các hoạt động khác như thể thao, giải trí, du lịch, chăm lo gia đình... thì cuộc sống rất dễ thiếu cân bằng & mất kiểm soát.

Các phúc lợi về sức khỏe, y tế, các khoản trợ cấp ăn uống, đi lại, tập thể dục thể thao, hay thậm chí chế độ cho phép làm việc từ xa (remote) hoặc bán remote cũng là những tiêu chí cân nhắc bên cạnh tiền lương. Cho dù lương có cao đến đâu, nhưng công việc lúc nào cũng toàn áp lực, không có trợ cấp dành cho sức khỏe, thì cũng không hoàn toàn xứng đáng.

Lời kết

Công ty mà mình nhận lời không phải là công ty trả lương cao nhất, nhưng nó là công ty có sự cân đối nhất về mức độ áp lực công việc, các khoảng phúc lợi, cũng như khả năng phát triển sự nghiệp trong tương lai.

Mong rằng bài viết này sẽ hữu ích cho các bạn. Mến chúc các bạn sẽ tìm được công việc như ý.

Sưu tầm

Japan IT Works 



Việc làm theo chuyên ngành

Việc làm theo ngành

Việc làm theo tỉnh thành