1. Lập trình là gì? Lập trình viên là làm gì?
Lập trình viên hay còn được gọi là kỹ sư phần mềm. Lập trình viên là những người có suy nghĩ logic, linh hoạt, có khả năng xử lý các vấn đề nhạy bén.
Công việc của các lập trình viên là lên ý tưởng, thiết kế các đoạn mã code, xây dựng hệ thống, bảo trì các phần mềm thông qua các đoạn mã bằng ngôn ngữ lập trình: Java, C++, php, Asp, ASP.Net, Visual Basic.Net và C#,...
Vậy, để trở thành Lập trình viên thì cần học môn gì?
Để làm lập trình viên thì cần học rất nhiều thứ. Tuy nhiên, trước tiên bạn cứ học những thứ chính trước, trong đó bao gồm:
- Một số môn học quan trọng
- Ngôn ngữ lập trình chính
- Kỹ năng cần thiết
2. Lập trình viên học môn gì?
Tùy vào chuyên ngành cũng như là trường đào tạo, các bạn sẽ được học rất nhiều môn học. Nhưng có 2 môn học bạn cần phải lưu ý học thật tốt.
2.1. Tiếng Anh
Tiếng Anh đã trở thành một ngôn ngữ được sử dụng phổ biến sau tiếng mẹ đẻ ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Và Lập trình thì bắt nguồn từ phương Tây nên các ngôn ngữ đều sử dụng tiếng Anh.
Ví dụ một đoạn code Java:
class Main {
public static void main(String[] args) {
// In một chuỗi Hello World ra màn hình
System.out.println("Hello World!");
}
}
Như bạn thấy đó các từ khóa ở đây đều là tiếng Anh.
Do đó, nếu muốn học lập trình tốt thì trước hết phải học tiếng Anh tốt đã.
Biết được tiếng Anh và giỏi tiếng Anh thì mức lương và khả năng thăng tiến của bạn sẽ càng cao.
Thậm chí, học tốt tiếng Anh có khi bạn còn không cần học gì lập trình là gì nữa. Hoặc, nếu sau này có chán lập trình thì vẫn có thể đi làm phiên dịch, dạy tiếng Anh.
Hơn nữa, trong lập trình, các tài liệu về lập trình tốt hầu như đều viết bằng tiếng Anh, nếu có các phiên bản tiếng Việt thường sẽ không đầy đủ và chưa cập nhật bản mới nhất.
Sự thật: Tiếng Anh của bạn chỉ ở mức tàng tàng, đọc hiểu cơ bản (học lập trình nhiều thì biết) thì cũng OK. Nhưng như thế sẽ ít cơ hội phát triển ở vị trí cao hơn, tốc độ cập nhật công nghệ cũng chậm hơn.
2.2. Cấu trúc dữ liệu và giải thuật
Cấu trúc dữ liệu (Structure Data) và Giải thuật (Algorithms) hay (Cấu trúc dữ liệu và thuật toán) là một môn học khó mà nhiều bạn sinh viên “Ngán ngẩm”.
Chính vì khó mà có rất nhiều bạn lơ là và bỏ qua môn học này. Tuy nhiên đây là một môn học rất quan trọng và được coi là môn cơ sở nền tảng khi các bạn làm lập trình viên.
Khi học môn cấu trúc dữ liệu và giải thuật giúp bạn có cách nhìn logic, tổng quan hơn về cách tổ chức các dữ liệu sao cho hợp lý và khoa học nhất để người dùng có thể sử dụng một cách dễ dàng.
Tuy nhiên đây không phải là một môn học mà bạn có thể học và hiểu toàn bộ trong một thời gian ngắn.
Để giỏi về giải thuật đó là một quá trình dài tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, làm việc và đúc kết từ bản thân.
Đây là một môn học về tư duy nên nếu bạn có tư duy logic, sắp xếp vấn đề càng tốt thì bạn sẽ tạo ra được các sản phẩm chất lượng.
BONUS: Nếu muốn tiến xa hơn trong lĩnh vực lập trình (Dù là Hướng Quản lý hay Hướng Chuyên gia), hãy học thêm môn Phân tích và thiết kế hệ thống.
3. Lập trình viên học Ngôn ngữ gì?
Lập trình viên cần học gì thì chắc chắn câu trả lời là ngôn ngữ lập trình.
Một dự án có thể được tạo thành từ nhiều ngôn ngữ lập trình.
Và có rất nhiều ngôn ngữ lập trình nhưng mình sẽ giới thiệu một số ngôn ngữ lập trình được sử dụng phổ biến nhất hiện nay.
3.1. Ngôn ngữ Java
Java là ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng tốt nhất, viết một lần nhưng có thể sử dụng được trên các nền tảng khác nhau: Linux, Windows, OSX.
Nếu bạn là một người bắt đầu học lập trình viên thì Java là ngôn ngữ lập trình dễ học giúp bạn có thể học một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Java được dùng trong các ứng dụng của Android, ứng dụng Web, máy chủ trong lĩnh vực tài chính, big data, ứng dụng công nghệ,...
3.2. Ngôn ngữ Python
Python hiện là ngôn ngữ có tốc độ phát triển nhanh nhất.
Nếu sử dụng chỉ số đánh giá số lượng các hướng dẫn học Python trên Internet (chỉ số PYPL Index) thì Python đang đứng số 1.
Python là một ngôn ngữ gần nhất với ngôn ngữ con người (tiếng Anh).
Bạn có thể nghĩ thế nào - Viết thế đó.
Dễ bắt đầu học, dễ đọc là yếu tố cốt lõi của Python.
Python được sử dụng và chủ đạo trong lĩnh vực: Trí tuệ nhân tạo, Máy học, Dữ liệu lớn, Khoa học dữ liệu...
3.3. Ngôn ngữ JavaScript
JavaScript là một ngôn ngữ kịch bản được sử dụng chủ yếu cho lập trình web.
Trong vài năm trở lại đây, JavaScript cũng có bước tiến mạnh mẽ bởi sự ủng hộ, dẫn dắt của các công ty công nghệ hàng đầu như Facebook, Google ...
Vì thế, JavaScript còn lấn sân sang cả Lập trình ứng dụng di động đa nền tảng và thực sự chiếm lĩnh ở phân khúc này.
Ví dụ, Ngày trước muốn lập trình ứng dụng cho iOS thì sử dụng Objective-C / Swift, lập trình ứng dụng di động cho Android thì sử dụng Java / Kotlin. Muốn xây dựng ứng dụng cho các nền tảng khác nhau thì gần như là nhân đôi chi phí, công sức.
Nhưng bây giờ chỉ cần sử dụng JavaScript mà thôi.
Công sức giảm 50% so với trước kia.
Và có thể bạn chưa biết, ban đầu JavaScript không thể lập trình Web Back end. Nhưng với sự ra đời của công nghệ NodeJS thì điều đó đã trở thành có thể.
Bạn thấy không, JavaScript thật sự đa năng.
Nếu chọn học JavaScript thì bạn tiết kiệm được công sức, thời gian đi rất rất nhiều.
3.4. Ngôn ngữ C và C++
Đây cũng là hai ngôn ngữ lập trình dành cho người bắt đầu học. Nếu học tốt hai ngôn ngữ lập trình này bạn sẽ tạo ra sản phẩm có tốc độ xử lý thông tin nhanh hơn các ngôn ngữ khác.
Ngôn ngữ này thường được dùng trong game, giao diện người dùng, tính toán, đồ họa, hệ điều hành, phần mềm doanh nghiệp,...
Các game trên PS, Xbox hầu như đều được làm từ C++ đó.
4. Lập trình viên cần học Kỹ năng gì?
Có kỹ năng công nghệ tốt là điều kiện tiên quyết để làm một lập trình viên. Nhưng để làm một lập trình viên giỏi, một đồng nghiệp tốt thì đó là chưa đủ.
Bạn còn cần phải rèn luyện, học thêm các kỹ năng mềm khác nữa.
4.1. Kỹ năng làm việc nhóm (Team Work)
Trong các dự án lập trình, không bao giờ chỉ có một người làm cả. Đều từ 2 - 3 người trở lên hợp lại thành một nhóm để cùng làm việc (ngoại trừ Lập trình viên làm Freelancer nhé)
Do đó, bạn có kỹ năng làm việc nhóm tốt thì khi đi làm bạn cũng sẽ dễ làm việc cùng với nhiều đồng nghiệp khác nhau.
Bạn sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm của các bạn trong nhóm, thỏa sức sáng tạo với các ý tưởng của mình. Làm việc theo đội, nhóm các bạn sẽ hỗ trợ lẫn nhau, giúp đỡ và bổ sung những khuyết điểm cho nhau.
Làm việc nhóm tốt sẽ sẽ giúp bạn có khả năng giao tiếp tốt, khả năng trình bày các ý tưởng sao cho dễ hiểu nhất, tư duy logic. Tuy nhiên khi làm việc nhóm sẽ có các ý kiến, quan điểm bất đồng, bạn cần phải hạ cái tôi xuống thì mới có thể làm việc nhóm được tốt hơn.
4.2. Kỹ năng Tự học
Học trên trường lớp, thầy cô là KHÔNG ĐỦ.
Đặc biệt là trong nghề công nghệ thông tin luôn luôn vận động, thay đổi này.
Để sống tốt với nghề lập trình, bạn cần phải có kỹ năng tự học, tìm tòi những cái mới, trau dồi những kiến thức về ngành nghề của mình.
Tự học rèn cho bạn khả năng tư duy độc lập, sáng tạo ra những cái mới.
Tự học trong sách vở, internet và tự học từ những kinh nghiệm bản thân làm việc mà có sẽ giúp bạn có nhiều ý tưởng, sáng tạo trong công việc.
Hy vọng qua bài viết này bạn sẽ hiểu được lập trình viên cần học môn gì để có thể trau dồi và làm tốt trong công việc của mình.
Ngoài các môn học, ngôn ngữ và kỹ năng như đã gợi ý, để trở thành một người lập trình viên giỏi bạn cần chủ động học hỏi, chủ động làm việc để tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm cho bản thân.
Học hỏi cả các kiến thức từ ngành khác để có thật nhiều ý tưởng, hiện thực hóa nó bằng kỹ năng lập trình của bạn.
Theo niithanoi.edu.vn
Japan IT Works