Cách tìm và sử dụng hình ảnh không bị dính bản quyền


Bản quyền là gì? Muốn đưa hình ảnh của người khác vào bài của mình làm như thế nào để không vi phạm bản quyền?

Đưa một số hình ảnh vào bài nghiên cứu có thể là cách hữu ích để lời văn của bạn rõ ràng hơn. Tuy thế, không phải hình ảnh nào cũng có thể được sử dụng như nhau. Để có thể hiểu được cách dùng hình ảnh, chúng ta cần có những hiểu biết căn bản về bản quyền.

Bản quyền là gì?

Bản quyền là một dạng tài sản trí tuệ. Nó được tạo ra để cân bằng khả năng kiểm soát và tạo ra thu nhập của tác giả với nhu cầu của cộng đồng trong việc sử dụng sản phẩm cho các mục đích có lợi cho xã hội. Điều quan trọng ở đây là chúng ta phải tôn trọng quyền tác giả và thực hiện các bước thích hợp để tránh việc vi phạm bản quyền

Bản quyền không thể bảo vệ ý tưởng và thông tin, nó chỉ có tác dụng khi chúng được thể hiện dưới dạng vật chất. Ý tưởng của bạn sẽ được bảo vệ bởi bản quyền một khi bạn viết nó ra như là một phần trong bài luận hay luận án của bạn, ghi lại nó dưới dạng âm thanh hay hình ảnh, khi bạn chụp lại một bức ảnh, hay sáng tác ra một bản nhạc

Là chủ sở hữu của tác phẩm, bạn có toàn quyền:

  • Tái sử dụng sản phẩm của bạn, ví dụ: bằng cách sao chép, ghi âm hay scan
  • Xuất bản hay làm cho sản phẩm có thể được tiếp cận một cách công khai, thông qua định dạng điện tử hoặc định dạng giấy.
  • Chia sẻ sản phẩm của bạn, đăng tải nó trên mạng, hay gửi email tới cho người khác
  • Chuyển thể sản phẩm của bạn, như dịch nó ra ngôn ngữ khác hay sắp xếp lại các nốt nhạc trong một bản nhạc

Nếu bất cứ ai khác ngoài bạn muốn làm những điều trên, họ thông thường sẽ phải cần sự cho phép từ bạn. Tương tự, nếu bạn cũng muốn làm những điều đó với sản phẩm của ai khác, bạn cũng sẽ phải cần sự cho phép của họ. 

Tích hợp vào thực hành

Giờ chúng ta đã nắm được lý thuyết cơ bản của bản quyền, hãy cùng xét tới những nơi mà bạn có thể tìm những bức ảnh mà bạn có thể sử dụng cho bài của bạn

1. Tự tạo ra ảnh

Là chủ sở hữu, bạn có thể tự quyết định mình có muốn chia sẻ bất cứ sản phẩm nào mà mình đã tạo ra. Tuy nhiên, nếu bạn của bạn chụp ảnh tác phẩm của bạn, bạn nên viết một giấy phép để người đó có thể sử dụng tấm ảnh đó. Các mối quan hệ sẽ thay đổi theo thời gian, cho nên việc có lưu lại giấy phép là điều quan trọng

2. Sử dụng ảnh từ trang web công khai

Khi một bức ảnh xuất hiện trên một nền tảng công khai, có nghĩa là bản quyền đã hết hạn hoặc chủ sở hữu đã quyết định đưa nó lên nguồn mở. Những trang web như Pixabay, PexelsUnsplash có cung cấp những ảnh từ nguồn mở có thể tìm kiếm ra được. Bạn cũng có thể sử dụng những bức ảnh được đăng lên từ Wikimedia, và các bức ảnh từ các trang web công khai mà bạn có thể thấy qua phần tìm kiếm hình ảnh trên Google Image đã được lọc. Bạn vẫn cần phải chú ý khi sử dụng ảnh từ nguồn mở, vì người chụp có thể đã chụp trái phép ảnh tác phẩm của người khác  

3. Sử dụng ảnh đã được cấp phép

Creative Commons là một sáng kiến phi lợi nhuận toàn cầu cung cấp giấy phép bản quyền miễn phí cho chủ sở hữu, cho phép họ có thể cấp phép chia sẻ và chỉnh sửa tác phẩm của mình một cách hợp pháp. Bạn có thể tìm được ảnh nguồn từ các trang kho ảnh như Shutterstock hay Getty Images. Bạn sẽ cần phải trả một khoản phí để sử dụng hình ảnh từ đó, nhưng nó sẽ là một nguồn ảnh tốt tùy vào ngân sách của bạn và loại ảnh mà bạn cần. Creative Commons cũng cung cấp những loại giấy phép cho phép bạn được sử dụng hình ảnh miễn phí, xem trang web của Creative Commons để biết thêm thông tin. Bạn cũng có thể tự gắn giấy phép Creative Commons cho hình ảnh của bạn để cho phép người khác chia sẻ và chuyển thể nó.

Tuy nhiên, bởi có những người chia sẻ ảnh của người khác mà không xin phép từ người sở hữu trước, một số tác phẩm được Creative Commons gắn bản quyền có thể không được cấp phép một cách hợp pháp. 

ban quyen

Ảnh: Markus Büsges, leomaria designbüro, Germany / CC BY-SA

4. Ngoại lệ theo Thỏa thuận Hợp lý (fair-dealing)

Bạn có thể sử dụng hình ảnh với ngoại lệ có Thỏa thuận Hợp lý mà – dưới một hình thức nhất định – cho phép sử dụng tác phẩm có bản quyền trong phạm vi hạn chế mà không phải xin giấy phép từ chủ sở hữu. Để có thể tận dụng quy định này, việc sử dụng phải trung thực và không mập mờ. Vì thế, ví dụ, nếu bạn đang phải dựa vào thỏa thuận hợp lý để phê bình và đánh giá một hình ảnh, bạn phải đưa ra đánh giá trung thực về tác phẩm hoặc ý tưởng cơ bản của nó.  

5. Xin phép sử dụng hình ảnh

Bạn cũng có thể hỏi xin sự cho phép từ chính người chủ sở hữu bản quyền. Giữ một bản ghi chép về giấy phép và mọi thông tin liên lạc. Trong văn bản xin phép, bạn nên đảm bảo có đầy đủ chi tiết về mục đích sử dụng tác phẩm và bất kỳ mục đích sử dụng nào khác trong tương lai. Hãy nhớ rằng, bạn có thể không xin được thành công, vì vậy hãy luôn chuẩn bị sẵn phương án dự phòng. 

Những cân nhắc khác về hình ảnh

  • Ghi công (Image attribution). Một phần thiết yếu của việc ghi công mọi bên có liên quan. Điều này cũng giúp bạn tránh bị dính cáo buộc ăn cắp ảnh và cho phép người khác có thể truy ra nguồn ảnh của bạn.
  • Trích dẫn hình ảnh. Nếu bạn đang trích dẫn hình ảnh ở dạng văn bản, bạn nên làm như vậy ở định dạng phù hợp với kiểu trích dẫn bạn đang sử dụng.
  • Sử dụng hình ảnh trong các bài thuyết trình hoặc trực tuyến. Khi đưa hình ảnh vào bài trình bày công khai, hãy cân nhắc xem bạn có đang chia sẻ hình ảnh có bản quyền hay không. Ghi các nguồn này một cách nhất quán với ít nhất là tiêu đề, ngày tháng, tác giả, giấy phép và địa chỉ web nếu thích hợp. Khi chia sẻ một hình ảnh lên mạng, bạn cũng nên thực hiện quy trình tương tự, nhưng cũng phải đính kèm theo đường dẫn liên kết tới nguồn ban đầu của bức ảnh đó nếu cần thiết.
  • Hình ảnh chụp người khác. Bạn có cần sự cho phép không? Có bất kỳ vấn đề liên quan tới riêng tư an toàn nào không? 
  • Quyền nhân thân. Tất cả những người tạo ra sản phẩm đều có quyền được thừa nhận là tác giả của tác phẩm họ làm ra, ngay cả khi họ không còn sở hữu bản quyền của nó. Tác giả cũng có quyền được tố tụng nếu tác phẩm của họ không được ghi công đúng, hay nếu tác phẩm của họ bị sử dụng với mục đích xấu hoặc xúc phạm.

Tài liệu tham khảo

Cohen. J., McConchie. R., Villareal. W. (2020, July 1). Thing 05: Working With Images – Understanding Copyright and Licensing. 23 Research Things, University of Melbourne Library. https://blogs.unimelb.edu.au/23researchthings/2020/07/01/thing-05-working-with-images-understanding-copyright-and-licensing/



Theo edlabasia.org 

Japan IT Works



Việc làm theo chuyên ngành

Việc làm theo ngành

Việc làm theo tỉnh thành