Làm sao để biết mình đam mê ngành CNTT thực sự?
Hãy thử tưởng tượng: Bạn sẽ coi laptop như một người bạn mà mình phải gặp 8 tiếng mỗi ngày (hoặc có khi hơn thế), kể cả cuối tuần. Nhưng thay vì trong laptop là hàng loạt trò chơi, nó sẽ được cài đặt bởi cả tá ứng dụng dùng để lập trình và đồ họa "chán ngắt".
Chưa hết, bạn hãy thử mở những đoạn mã lập trình trong trang web này lên và đọc thử xem mình có hiểu được chút gì đó không? Hoặc trong lúc sử dụng máy tính, bạn luôn muốn mở thử máy ra xem bên trong thế nào, hoặc phần mềm mới kia dùng ra sao để thỏa sự tò mò của mình.
Nếu bạn cảm thấy vẫn có chút quan tâm hay thích thú, hãy tiếp tục nghĩ đến cảnh bạn sẽ nhận được cả mớ đồ án và phải ngồi "gõ" ngày đêm để làm ra được một phần mềm, trang web hoàn chỉnh.
Bạn sẽ được ngồi lê la từ văn phòng cho đến quán cafe, hoặc bất cứ đâu chỉ để hoàn thành xong được công việc đúng hạn. Đặc biệt, bạn phải chịu được những yêu cầu thay đổi bất chợt từ thầy cô hay khách hàng của mình.
Sau khi đã mường tượng ra, và bạn sẵn sàng để đương đầu một cách đầy phấn khởi thì... "Xin chúc mừng, bạn đã biết mình đam mê ngành CNTT rồi đấy!".
Đam mê là 1 chuyện, làm sao biết bạn có phù hợp?
Theo đuổi một ngành nghề, ngoài chuyện đam mê, tính cách và tố chất của một người cũng quan trọng không kém. Thường để hòa nhập được trong môi trường mang đậm tính CNTT, chúng ta phải sở hữu một hoặc nhiều điểm sau.
- Cẩn thận trong công việc (Không cẩn thận sẽ làm hỏng cả phần cứng, hoặc làm phần mềm chạy bị lỗi).
- Kiên trì, nhẫn nại (Khi phát sinh lỗi trong lúc lập trình, nếu không kiên nhẫn sẽ rất dễ nản).
- Ham học hỏi (Để tự bản thân cập nhật những điều mới nhất).
- Khả năng làm việc, quản lý theo nhóm (Không một đồ án, dự án nào liên quan đến CNTT mà ta có thể tự mình thực hiện).
- Thích học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh (Để đọc được các tài liệu nước ngoài).
- ...
Nghề CNTT nào HOT và lương cao nhất?
Theo một thống kê cho thấy rằng, từ hiện tại đến năm 2020, trong top 10 ngành nghề có mức lương cao nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì dẫn đầu là Lập trình viên (đặc biệt là lập trình ứng dụng điện thoại).
Lập trình viên là những người viết mã dựa trên hướng dẫn và chỉ dẫn của các kỹ sư phần mềm. Có những ngôn ngữ lập trình khác nhau được các lập trình viên sử dụng như Javascript, Ruby on Rails, Python,… và thường thì những người thông thạo nhiều ngôn ngữ lập trình có lợi thế hơn trong công việc.
Lập trình mobile là một trong những ngành phát triển nhanh nhất trên thế giới, nhờ sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp điện thoại thông minh và máy tính bảng đã làm thay đổi cách làm việc đơn thuần trước kia của con người khá nhiều.
Nếu thực sự giỏi về chuyên môn, chắc chắn trong tương lai rất có thể, bạn sẽ được vào làm cho các công ty lớn với mức lương hấp dẫn.
Bên cạnh đó còn các nghề CNTT khác cũng hấp dẫn không kém, như: Kỹ sư phần mềm (Software Engineer), Quản trị cơ sở dữ liệu (Database Administrator), Quản trị mạng (Network Administrator), Chuyên viên phân tích hệ thống (System Analyst),...
Đó là một số gợi ý dành cho các bạn đang quan tâm đến ngành CNTT. Tuy nhiên, những thông tin chia sẻ này chỉ mang tính chất tham khảo và bạn hoàn toàn có thể chọn theo hướng mình cảm thấy thích và phù hợp nhất.
Theo thegioididong.com
Japan IT Works