Bài viết dưới đây của Karl Hughes, một technical writer, người sáng lập ra trang web draft.dev chuyên cung cấp dịch vụ về nội dung về kỹ thuật sẽ cho chúng ta câu trả lời cho các câu hỏi trên.
Hãy xem một lập trình viên “chán viết code” có thể làm được những gì để phát triển sự nghiệp của mình. Một số vị trí có thể chưa thông dụng hoặc thậm chí chưa có ở Việt Nam nhưng thông tin cũng rất đáng cho bạn tham khảo.
Các công việc liên quan đến khách hàng
1. Trở thành Developer Relations, Developer Advocacy hoặc Developer Evangelism
Ngày càng có nhiều công ty thúc đẩy việc xây dựng mối quan hệ với các lập trình viên là khách hàng, người dùng hoặc là những người đóng vai trò là người truyền bá về sản phẩm. Lĩnh vực phát triển quan hệ với các Developer đang phát triển mạnh mẽ.
Các chuyên gia về quan hệ lập trình viên (Developer Relation, một số công ty gọi họ là Developer Advocate, Developer Evangelists, Quản Lý Cộng Đồng hoặc “DevRels”) giúp thiết lập và xây dựng một cộng đồng xung quanh phần mềm của công ty họ.
Các Developer Relations thường tham gia vào việc tạo ra các ứng dụng demo, viết bài blog, thuyết trình tại hội nghị, hội thảo và quản lý các tài khoản mạng xã hội cho các công ty công nghệ. Nhiều công ty công nghệ khổng lồ (Facebook, Google, Amazon, v.v…) thường có luôn các đội Developer Relations chuyên nghiệp.
Nếu bạn đang quan tâm đến lĩnh vực này, hãy tìm hiểu học hỏi từ Mary Thengvall và PJ Hagerty. Họ là hai trong số những người có sức ảnh hưởng đến nhiều người trong đó có tác giả bài viết này.
2. Developer Marketing
Vị trí này tuy có một số chồng chéo với Developer Relations, developer marketing hướng sự tập trung ra bên ngoài nhiều hơn.
Marketing dành cho các lập trình viên đặc biệt khó khăn bởi vì lập trình viên không muốn bị bán. Rất nhiều các chiến thuật tiếp thị có hiệu quả cho các thị trường khác nhưng với các khách hàng là developer, các chiến thuật này không hiệu quả. Với vai trò là một người có một nền tảng kỹ thuật nhất định, bạn sẽ hiểu được cách thức các lập trình viên nghĩ, và bạn sẽ có nhiều ảnh hưởng hơn so với một nhà tiếp thị truyền thống có thể.
Trang web SlashData đặt ra rất nhiều nội dung hay về Developer Marketing, bao gồm một cuốn sách về chủ đề này. Nếu bạn muốn bắt đầu ở lĩnh vực này, hãy học về online marketing: SEO, social media, content marketing, influencer marketing, v.v… Bạn có thể thực hành nhiều kỹ năng trên blog của bạn để chứng tỏ kiến thức của mình trước khi áp dụng cho công việc.
3. Sales Engineer
Có rất nhiều kỹ sư bị mắc kẹt với bất kỳ công việc nào có “sales” trong đó, nhưng đó chỉ là bởi vì chúng ta đã gặp phải nhiều saler tệ.
Sự thật là tất cả mọi người đều trong ngành sales. Cho dù bạn đang “bán ” mình với vai trò là một ứng cử viên cho một công việc nào đó trong quá trình phỏng vấn hoặc ủng hộ cho một framework mới của đội ngũ kỹ thuật của bạn. Sales có nghĩa tìm giải pháp phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Sales engineer là độc nhất là bởi họ có nhiều mức độ chuyên môn kỹ thuật khác nhau. Công việc này thật sự phù hợp với các lập trình viên những người không muốn ngồi cặm cụi viết code nhưng lại hiểu về kỹ thuật phần mềm.
Còn có một điều tốt đẹp khác về sales chính là bạn không cần bất kỳ chứng chỉ chuyên ngành nào để bắt đầu. Trang web HubSpot có một bài viết rất hay về một số kỹ năng và các thông tin tham khảo về nghề sales mà bạn có thể bắt đầu. Khi các công ty xây dựng các công cụ phần mềm và dịch vụ cho các kỹ sư, nhu cầu về sales engineer sẽ có khả năng tăng lên trong thập kỷ tới.
4. Technical Recruiter
Một nghề khác bị mang tiếng xấu với các software engineer chính là technical recruiting (tuyển dụng kỹ thuật).
Có nhiều nhà tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ thật sự tài năng, trung thực. Nhưng bên cạnh đó có một số nhà tuyển dụng không ổn lắm. Họ là những người hoàn toàn xem các ứng viên là nguồn thu để đạt hạn ngạch của họ.
Điều tích cực khi bạn có kiến thức nền tảng trong mảng phát triển phần mềm, bạn sẽ có nhiều sự đồng cảm và uy tín hơn nhiều nhà tuyển dụng kỹ thuật khác ngoài thị trường. Giống như việc bán hàng, lĩnh vực này đòi hỏi một tính cách cởi mở, tập trung vào mối quan hệ hơn. Nó cũng không đòi hỏi các chứng chỉ hoặc khóa học chuyên ngành để có thể bắt đầu
Thật không may, rất nhiều công việc cơ bản trong mảng tuyển dụng công nghệ thường chỉ dễ tìm trong các doanh nghiệp có chất lượng thấp. Vì vậy nếu bạn muốn tìm một môi trường phù hợp cho việc này, hãy chắc chắn kiểm tra về họ trên những trang web review như Glassdoor hay Haymora.com trước khi bạn ứng tuyển.
Các công việc liên quan đến sản phẩm
Nếu bạn vẫn muốn là một thành viên trong team sản phẩm, nhưng lại không muốn theo đuổi nghề lập trình phần mềm thì cũng có rất nhiều lĩnh vực mà bạn có thể chuyển tiếp. Những vai trò này làm việc chặt chẽ với các kỹ sư, vì vậy kiến thức về lập trình sẽ giúp bạn. Bên cạnh đó các công việc này cũng yêu cầu kiến thức chuyên khác.
5. Quality Assurance (Đảm bảo chất lượng) hoặc Test Engineer (Kỹ sư kiểm thử)
Trong khi có rất nhiều sự khác biệt tinh tế giữa đảm bảo chất lượng (Quality assurance) và kỹ sư kiểm thử (Test engineer), cả hai công việc này đều phải thực hiện việc kiểm thử phần mềm trước khi nó hoạt động chính thức.
Nếu bạn yêu thích chi tiết và bạn thích tìm tòi những cách sáng tạo để tự động hóa các nhiệm vụ lặp đi lặp lại, đây có thể là một con đường sự nghiệp rất tốt dành cho bạn. Công việc này có thể sẽ yêu cầu một số công việc cần tới coding cũng như một số công việc kiểm thử thủ công.
Việc kiểm thử chuyên dụng và vai trò của QA là rất phổ biến nhất trong các công ty, tập đoàn. Có rất nhiều khác biệt trong cách thức mà các công ty thực hiện việc kiểm thử sản phẩm của mình. Vì vậy bạn hãy đảm bảo rằng mình sẽ hỏi về các công cụ họ sử dụng, cách thức các bài kiểm thử sẽ hoạt động tự động. Và với vai trò của bạn, hãy tìm hiểu xem bạn sẽ tham gia kiểm thử thủ công hay kiểm thử tự động khi tham gia vào công việc đó.
6. Business Analyst
Nếu Testing là giai đoạn cuối thì ở đầu kia của vòng đời phát triển sản phẩm là các nhà phân tích quy trình kinh doanh (Business analyst). Họ thường làm việc với vai trò là một cầu nối giữa các doanh nghiệp và các đội ngũ kỹ thuật nhằm đảm bảo rằng các yêu cầu, giới hạn, và thời gian được hiểu chính xác. Họ cũng có thể tham gia vào quy trình làm việc để trợ giúp trong khâu kiểm thử và đảm bảo chất lượng, tùy thuộc vào cấu trúc của nhóm, vì vậy họ cần phải có nhiều kiến thức về sản phẩm.
Nếu bạn có kiến thức nền tảng về kinh doanh, về phát triển sản phẩm, hoặc hiểu biết về thiết kế và một số kỹ năng lập trình, bạn có thể đủ điều kiện trở thành một business analyst ở mức độ sơ cấp. Nếu không, bạn nên tham gia một số khóa học trực tuyến để giúp bạn gia tăng sự hiểu biết cơ bản về vai trò và những yêu cầu cần có cho vị trí công việc này.
7. Project Manager
Giống như các Business Analyst, Project Manager (quản lý dự án) phải am hiểu các yêu cầu về business cũng như về kỹ thuật của sản phẩm .
Sự khác biệt chính là các Project Manager thường đi sâu vào một dự án. Họ thường xác định các nhiệm vụ và nguồn lực cho các đội ngũ làm việc với dự án đó và theo dõi sự tiến bộ của dự án cho đến khi sản phẩm ra đời.
Các công ty nhỏ hơn có thể kết hợp các Business Analyst, Project Manager, Scrum Master và các vị trí product manager theo nhiều cách khác nhau. Các công ty lớn hơn có thể có thể định nghĩa những trách nhiệm cho từng vị trí riêng biệt.
Kỹ năng tổ chức xuất sắc, sự hiểu biết về quy trình kinh doanh, kỹ năng quản lý con người là rất quan trọng để có thẻ thành công với vai trò là Project Manager. Vai trò này cơ bản chính là về khả năng kiểm soát được kỳ vọng và thúc đẩy những người giỏi hơn, nhiều kinh nghiệm hơn bạn và vì vậy bạn phải xây dựng niềm tin một cách nhanh chóng. Bản chất nhiều mặt của vai trò này làm cho nó trở nên rất phù hợp cho các nhà phân tích, những người kỹ thuật nhưng không muốn viết code nữa.
8. Scrum Master
Trong các team Agile, Scrum Master giúp đảm bảo mọi người đều hiểu và tin tưởng vào lý thuyết, cách ứng dụng tốt nhất và các quy tắc của Scrum.
Công việc này nhìn có vẻ tương tự như việc quản lý dự án. Tuy nhiên có sự nhấn mạnh đặc biệt về việc hỗ trợ các đội ngũ khác ngoài Scrum Team tham gia vào việc xây dựng sản phẩm. Vị trí này có thể khó tìm trong các công ty nhỏ nhưng trong các tổ chức lớn vị trí này là khá phổ biến.
Khả năng kiểm soát kỳ vọng và giới hạn là rất quan trọng cho sự thành công của bạn với vai trò là một scrum master. Bạn cũng sẽ cần phải biết cách ứng dụng phương pháp Agile một cách tốt nhất. Vì vậy bạn nên tìm một khóa học phù hợp hoặc sách có liên quan đến chủ đề này. Phương pháp Agile đã được ứng dụng rộng rãi tại trong rất nhiều công ty lớn nhỏ, vì vậy nếu bạn theo hướng này thì con đường sự nghiệp này có khả năng tiếp tục phát triển rất tốt.
9. Product Manager
Product manager có một cái nhìn toàn diện vào các sản phẩm của công ty để đảm bảo tính mong đợi của sản phẩm (khách hàng luôn muốn có được sản phẩm), khả thi (làm cho công việc kinh doanh trở nên hợp lý) và thực tế(sản phẩm có thể phát triển được). Khả năng suy nghĩ ở mức độ cao như thế này là rất hiếm, vì vậy nếu bạn có được khả năng này và một số nền tảng kỹ thuật, bạn có thể làm tốt vai trò này.
Các Product Manager có thể bắt đầu với các bộ phận nhỏ hơn của sản phẩm hoặc đảm nhiệm vai trò Project Manager trong một số tổ chức. Điều này có thể cho bạn các hiểu biết về sự phát triển sản phẩm và giúp bạn xây dựng mối quan hệ với tất cả các bên cần thiết trước khi bạn được chỉ định sản phẩm của riêng bạn để quản lý.
10. Designer
Nếu như bạn có nền tảng về thiết kế hoặc mỹ thuật, việc trở thành một UX UI designer (Nhà thiết kế giao diện người dùng) với một số kiến thức nhất định về coding là một cách tuyệt vời để có thể trở nên nổi bật trong lĩnh vực của bạn. Sự kết hợp của các kỹ năng này sẽ cho phép bạn nói chuyện hiệu quả hơn với các kỹ sư và tạo ra các mockup tương tác trong HTML/CSS chứ không chỉ là các tập tin hình ảnh tĩnh.
Nếu bạn không có nhiều kinh nghiệm trong thiết kế, hãy tham gia một khóa học, và bắt đầu xây dựng một danh mục (portfolio) của mình. Nhiều công ty sẽ thuê nhân viên không có bằng cấp nếu như những người này có thể cho nhà tuyển dụng biết được kiến thức và kỹ năng của họ. Dribbble là nền tảng danh mục thiết kế phổ biến nhưng bạn cũng có thể sử dụng trang web của riêng bạn.
11. Lập trình viên ít (hoặc không) yêu cầu viết code
Nghe có vẻ lạ. Tuy nhiên sự bùng nổ của các công cụ phát triển không cần (hoặc cần rất ít) sử dụng code trong vài năm qua đã mở ra cơ hội cho các công ty muốn nhanh chóng xây dựng phần mềm mà không cần thuê một nhóm các lập trình viên. Những công cụ này cho phép bạn tạo một ứng dụng di động hoặc web chỉ trong vòng vài giờ thay vì nhiều tuần và chúng đang trở nên tốt hơn qua mỗi năm. Nhiều công ty đang có các ứng dụng không sử dụng code.
Makerpad và No Code Jobs là những nơi tốt để bạn bắt đầu tìm kiếm việc làm. Bởi vì đây là một lĩnh vực mới, bạn sẽ tìm thấy các yêu cầu khác nhau về kỹ năng cũng như thu nhập tương ứng. Dù gì đi nữa khi bạn đã có một nền tảng coding thì chắc chắn bạn sẽ là một tài sản vô giá tham gia vào lĩnh vực này.
Còn nữa...
Theo itguru.vn
Japan IT Works