Product Owner và Scrum Master trong một Scrum team


Ở phần trước chúng ta đã tìm hiểu về Scrum. Phần này hãy đi sâu hơn về vai trò của Product Owner và Scrum Master trong một Scrum team nhé.

Scrum team

Một team theo phương pháp Scrum sẽ không phân biệt vai trò cụ thể như các team truyền thống: lập trình viên, designer, tester hay kiến trúc sư hệ thống. Mọi người trong dự án đều làm việc cùng nhau để hoàn thành các công việc mà họ đã chọn miễn sao hoàn thành 1 sprint. Các thành viên trong team gắn kết với nhau sâu sắc và tạo ra một cảm giác cùng chung chiến tuyến.

Thường thì bất kỳ kỹ sư nào trong một team truyền thống cũng có thể linh hoạt thích nghi một vai trò trong Scrum team. Điều này biến họ thành một thành viên trong một Scrum team đồng nhất khi họ đóng góp cho team bằng những kỹ năng cốt lõi của mình và ngoài ra học được những kỹ năng mới từ các thành viên khác (một dạng bù đắp cho nhau hoàn hảo). Những vị trí mới trong một team Scrum là Scrum Master và Product owner.

Một team thường có 5 đến 9 người. Thường người ta sẽ không tăng số lượng thành viên trong một team lên hơn nữa mà sẽ duy trì dạng team trong team. Bằng cách đó, chúng ta có thể làm việc trong một dự án với hơn 500 người hoặc thậm chí lên đến 1,000 người.

Dù không phải là cách duy nhất để tăng Scrum, có một kỹ thuật phổ biến là sử dụng cuộc họp “Scrum của các Scrum”. Bằng cách này, các Scrum team vẫn họp bình thường, nhưng mỗi team cử ra một người tham dự cuộc họp “Scrum của các Scrum” để hợp tác với các team Scrum khác. Những cuộc họp đó giống như các cuộc họp Scrum, nhưng không cần thiết diễn ra hàng ngày. Trong nhiều công ty, cuộc họp Scrum của các Scrum diễn ra 2–3 lần một tuần là đủ.

Hình bên trên minh họa cách mà Scrum của các Scrum có thể làm tăng quy mô Scrum như thế nào (trong trường hợp này có thể tăng lên đến 243 thành viên: 9 x 9 x 3). Mỗi ô tròn đại diện cho một người trong team. Tầng thấp nhất thể hiện 9 lập trình viên trong 1 team. Mỗi người từ mỗi team đó (ô màu xanh) sẽ tham gia vào Scrum của Scrum để phối hợp với các team khác. Sau đó, từ các team cấp 2 đó, mỗi team chọn ra một người (ô có chấm) tham gia vào Scrum của các Scrum của các Scrum.

SCRUM

Product Owner

Product Owner đóng vai trò quan trọng trong một dự án. Phần lớn trách nhiệm của Product owner là xác định rõ tầm nhìn (vision) về sản phẩm mà team đang xây, và phải truyền tải tầm nhìn đó cho toàn Scrum team. Đó là chìa khóa khởi đầu thành công cho bất kỳ dự án phần mềm Agile nào. Người Product owner làm việc đó từng phần thông qua product backlog.

Thông thường, Product owner xuất thân từ lead user of the system, đội ngũ marketing, quản lý sản phẩm hoặc bất kỳ người nào rất am hiểu user, thị trường, đối thủ cạnh tranh và các xu hướng tương lai của cái mà họ đang xây dựng. Tất nhiên điều này khác nhau tùy thuộc vào sản phẩm mà team đang phát triển là phần mềm thương mại, phần mềm nội bộ, phần cứng hay một dạng sản phẩm nào khác. Tóm lại là product owner phải là một người hiểu sâu sắc về tầm nhìn của sản phẩm mà team đang/sắp làm.

Dù Product owner là người sắp xếp độ ưu tiên cho product backlog trong các sprint planning meeting, cả team mới là người sẽ chọn khối lượng công việc mà họ nghĩ họ sẽ hoàn thành trong mỗi sprint, và bao nhiêu sprint cần phải làm để hoàn tất sản phẩm.

Người product owner sẽ không nói: “Chúng ta còn 4 sprint, do đó các bạn sẽ phải làm 1/4 khối lượng backlog trong sprint này”. Người product owner phải tạo động lực cho cả team với một đích đến rõ ràng và đầy cảm hứng. Các thành viên trong team biết rõ năng lực của họ, nên chính họ sẽ chọn những user story từ các top item trong product backlog, cái mà họ có thể hoàn thành đúng hạn trong mỗi sprint.

Khi các thành viên trong team cam kết hoàn thành các user story mà họ đã chọn từ các top item của product backlog, ngược lại người product owner cũng phải cam kết sẽ không thêm các yêu cầu mới cho team khi 1 sprint đã bắt đầu. Có thể thay đổi yêu cầu (khuyến khích việc thay đổi yêu cầu) nhưng phải làm ngoài sprint hiện tại. Mỗi khi team bắt đầu một sprint, team sẽ điên cuồng tập trung để đạt mục tiêu của sprint đó.

Vai trò của product owner đòi hỏi những kỹ năng và thái độ đặc thù, bao gồm: khả năng đáp ứng các yêu cầu của team, sự hiểu biết về lĩnh vực đang làm và khả năng giao tiếp. Đầu tiên là Product owner phải dành thời gian cho team. Product owner giỏi là người cam kết làm bất kỳ điều gì để xây sản phẩm tốt nhất có thể — có nghĩa là phải chủ động gắn kết hoàn toàn với team.

SCRUM 2

Mối quan hệ của Product owner với team

Sự hiểu biết về lĩnh vực đang làm rất quan trọng với product owner vì họ là người sẽ ra quyết định danh sách tính năng của sản phẩm. Tức là, product owner phải hiểu thị trường, khách hàng và có kỹ năng kinh doanh để ra quyết định hợp lý.

Cuối cùng, giao tiếp chiếm một phần lớn trong trách nhiệm của product owner. Họ phải làm việc chặt chẽ với các bên liên quan trong cũng như ngoài công ty. Do đó, họ phải có khả năng truyền đạt các thông điệp khác nhau cho các đối tượng khác nhau về sản phẩm, bất kỳ lúc nào.

SCRUM 1

Scrum Master

Scrum Master là người có trách nhiệm đảm bảo cho Scrum team vận hành theo các giá trị của phương pháp Scrum và thực thi nó. Scrum Master được xem như người hướng dẫn team, giúp team làm tốt nhất công việc của mình. Scrum Master còn được xem như là một process owner (chủ tiến trình dự án) cho team, tạo ra thế cân bằng với một người cũng đóng vai trò rất quan trọng trong dự án, là Product Owner.

Scrum Master làm tất cả khả năng để giúp team hoạt động hiệu quả nhất có thể. Nó bao gồm việc xóa các rào cản, tổ chức tốt các cuộc họp và làm các công việc khác, như làm việc với Product owner để đảm bảo product backlog được định hình tốt và sẵn sàng cho sprint kế tiếp. Scrum Master thường do một người từng làm quản trị dự án (project manager) hoặc trưởng nhóm kỹ thuật đảm nhận, nhưng cũng có thể là bất kỳ ai.

Scrum Master cũng được xem như người bảo vệ team. 

Dù Scrum Master không có thực quyền với các thành viên của Scrum team, nhưng họ có quyền với tiến trình dự án. Dù một Scrum Master không nói: “Cậu đã bị đuổi việc!”, nhưng anh ta có thể nói: “Tôi vừa quyết định rằng chúng ta sẽ thử làm các sprint-2-tuần vào tháng sau.”

Sự có mặt của Scrum Master là để giúp team vận hành Scrum trơn tru. Một Scrum Master có thể nói thế này với team: “Hãy nhìn xem, chúng ta đã định sẽ cho ra phần mềm chạy tốt vào cuối mỗi sprint, nhưng sprint này thì không được tốt lắm. Ta nên làm gì để sprint kế tiếp tốt hơn?” Đây là cách mà Scrum Master dùng quyền lực thông qua tiến trình dự án; chắc chắn đã có vấn đề với tiến trình nên team không thể cho ra phần mềm chạy tốt đúng hạn.

Với quyền lực có hạn để đảm bảo team làm theo đúng tiến độ, vai trò của Scrum Master khó hơn một người quản trị dự án thông thường. Người quản trị dự án bình thường có một con át chủ bài là quyền yêu cầu “phải làm vậy bởi đó là điều tôi yêu cầu”. Scrum Master không thể nói ra câu đó, theo đúng nguyên tắc của Scrum.

Theo longnguyen.site

Japan IT Works 



Việc làm theo chuyên ngành

Việc làm theo ngành

Việc làm theo tỉnh thành