Việc bạn GIỎI, việc bạn THÍCH và việc bạn thấy có ÍCH


Đây là một tâm sự của một anh DEV về việc định hướng nghề nghiệp. Nếu bạn có bâng khuâng về việc có nên bỏ việc để theo đuổi cái mình thích mà không biết nó có ích không thì hãy đọc bài viết này.

Cũng lâu lắm rồi, hồi mình còn đi học cấp 2 ở cái trường làng gần nhà, cách trường vài con hẻm, có một bác bán một loại bánh tuy dân dã mà rất ngon, một loại bánh khá giống như bánh tráng nướng bây giờ nhưng có thêm nước chấm khi ăn. Đám học sinh vẫn hay gọi bằng cái tên dân dã và cũng hơi kinh khủng một chút là bánh “khắm” (Vâng, là khắm, mình không gõ nhầm đâu).

Câu chuyện về những cái bánh khắm khi đó là một câu chuyện thú vị với cả tụi nhỏ học sinh lẫn người lớn: Những chiếc bánh khắm giá 1000đ đã giúp gia đình bác xây được hẳn cái nhà thiệt đẹp.

Nếu chỉ là vấn đề kiếm tiền, Giỏi không phải là điều kiện duy nhất

Ở quê mình, nơi mà nghề nghiệp chính là làm nông và công việc tay chân, môi trường làm việc có phần vất vả, hầu hết mọi ông bố bà mẹ đều luôn muốn con mình học thật giỏi, sau này phải làm kĩ sư, bác sĩ, nhân viên văn phòng này nọ. Đối với rất nhiều người, phải học thật giỏi, phải có bằng đại học, phải làm kĩ sư, phải váy vóc sơ vin chỉnh tề thơm phức, làm hãng “Nhật” này, hãng “Mỹ” nọ mới là “ngon”, mới là có nhiều tiền, mới thoát khỏi cái số nghèo, mới trở nên giàu có, và đó là con đường duy nhất. Điều đó vô hình gây sức ép không nhỏ lên các bạn trẻ, bản thân mình cũng từng chịu sức ép đó.

lam viec minh gioi minh thich

Thật ra, suy nghĩ như vậy không sai, có rất nhiều tấm gương học giỏi vượt khó vươn lên, nhưng đó không phải là tất cả. Cố gắng học, rồi trở thành kĩ sư, bác sĩ, kế toán, … cũng tốt, cũng có ích. Làm hãng “Nhật” này, hãng “Mỹ” nọ sẽ có thu nhập tốt là điều không sai, nhưng đó không phải là con đường duy nhất. Mình nhận ra rằng, không có bằng cấp vẫn kiếm được tiền, thậm chí là nhiều tiền.

Có bao giờ bạn để ý: bố mẹ bạn có phải ai cũng có bằng “cử nhân, thạc sĩ” này kia như bạn đâu, họ vẫn có thể kiếm nhiều tiền hơn bạn đó thôi. Bà bán trứng vịt lộn ở đầu ngõ, mới học hết cấp 2, thu nhập hàng tháng gấp đôi mình, mẹ thằng bạn cấp 3 bán rau ngoài chợ mà xây được căn nhà 5 tỷ,… Chẳng phải vì thế mà vẫn luôn có mấy bài báo tựa như: chàng kỹ sư bỏ việc đi trồng nấm thu nhập hàng tỷ đồng, Bán hàng rong ăn sáng thu lãi hàng triệu đồng mỗi ngày, ….

Đã bao giờ bạn đặt câu hỏi, liệu có phải cứ có bằng này bằng nọ là làm được nhiêu đó tiền, cứ phải làm những công việc thời thượng mới có thu nhập cao? Mấu chốt của vấn đề là gì?

Thành công và sự có ích

Nam và Tú đều là những bạn sinh viên trẻ khỏe, giàu năng lượng và khát vọng vươn lên. Cả 2 cùng theo học CNTT và đều có mơ ước sẽ dùng công nghệ để thay đổi thế giới, biến thế giới trở nên tuyệt vời hơn. Đều là những người trẻ, cả 2 luôn tràn trề nhiệt huyết cống hiến, cả 2 giống nhau ở rất nhiều khía cạnh, chỉ có một khác biệt nho nhỏ: Nam thông minh và học rất giỏi, còn Tú thì ít giỏi hơn Nam một chút.

Vốn tính thông minh, Nam ra sức học tập, Nam đạt được nhiều giải thưởng lúc còn là sinh viên. Cộng với việc yêu thích khám phá, Nam đi theo con đường nghiên cứu. Tất nhiên là với khả năng của mình, không khó để Nam xin được 1 công việc trong những phòng Lab danh tiếng. Nam nghiên cứu AI, machine learning, smart home, …

thanh cong trong cong viec

Tú thì khác, nhận thấy mình không đủ sức nghiên cứu được những cái mới phức tạp, Tú tập trung vào việc ứng dụng công nghệ vào đời sống. Tú xin vào làm việc ở một công ty phần mềm. Thay vì nghiên cứu, Tú tập trung vào khía cạnh ứng dụng. Tú luôn cố gắng hoàn thành việc ở công ty, ngoài ra, nhận thấy shop quần áo kế bên nhà chưa ứng dụng CNTT, Tú làm cho họ trang web để có thể quảng cáo tốt hơn, làm phần mềm cho họ quản lí sản phẩm. Vì có nhiều bạn trẻ còn thiếu thông tin, Tú viết luôn nhiều bài chia sẻ kinh nghiệm, dần dà có nhiều bạn biết đến và liên hệ nhờ tư vấn thêm, …

Nam và Tú tuy theo đuổi 2 con đường khác nhau, nhưng luôn nhớ tới lời thầy từng dạy: đừng cố gắng để thành công, vì đó là thứ trừu tượng khó nắm bắt, hãy học cách trở nên có ích, như vậy dễ hơn nhiều. Khó có thể nói Nam hay Tú có thành công hay không, nhưng chắc chắn một điều là họ mang đến nhiều lợi ích cho người khác.

Đừng để cái Giỏi đánh lừa bạn

Giỏi nhất không phải lúc nào cũng thắng, và người giỏi nhất không phải lúc nào cũng thành công. Ví dụ dễ thấy nhất là câu chuyện về những chiếc điện thoại Trung Quốc. Nó không bền như điện thoại Nhật, tính năng của nó không tốt như hàng Mỹ, nhưng nó đã đánh sập rất nhiều tên tuổi lớn. Chỉ đơn giản là nó rẻ, và nó đủ tốt trong mức giá mà người dùng có thể chi trả.

chung ta luon bi danh lua

Chúng ta ai cũng vậy, luôn muốn được thành công, cụ thể hơn là đi làm thì muốn được lương cao, buôn bán thì kiếm được nhiều tiền, … Nỗ lực để trở nên tốt hơn là tốt, nhưng quan trọng phải đúng cách và phù hợp nữa.

Là lập trình viên, bạn không thể cứ mãi đi theo những công nghệ mới nhất rồi yêu cầu lương thật cao khi nộp đơn ứng tuyển. Bạn phải thực sự biết công ty đó cần gì, sử dụng công nghệ gì, làm sản phẩm hướng tới khách hàng đặc thù ra sao, .v.v. Từ đó có cách tiếp cận công nghệ và điều chỉnh hướng học hỏi cho phù hợp. Bạn không thể yêu cầu công ty tăng lương nhiều cho bạn nếu bạn có thêm kỹ năng A B C gì đó, nó còn liên quan tới việc các kĩ năng mới của bạn có ích cho công ty như thế nào. Bạn không thể bắt khách hàng trả thêm nhiều tiền để chuyển đổi sang công nghệ mới, trong khi những cái cũ có thể đáp ứng được với giá phải chăng.

Không những cần chú ý tới thứ mình có, còn phải để ý tới cái người khác cần

Với câu chuyện Nam và Tú, nếu Tú thay vì tìm cho mình lối đi riêng, lại đua theo hướng nghiên cứu hoặc cố theo đuổi những công việc thời thượng, liệu kết quả sẽ như thế nào? Không phải lúc nào những công việc thời thượng và được tung hô cũng mang đến cơ hội cho mọi người. Cơ hội đôi khi đến từ những cái bánh chỉ 1000đ như câu chuyện được nhắc tới ở đầu bài.

Bài viết này có giúp bạn kiếm nhiều tiền hơn?

kiem tien tu cong viec minh thich va gioi

Mình nghĩ là có. Bạn có thể điều chỉnh lại mục đích và hướng phát triển của mình để phù hợp hơn với môi trường làm việc của bạn.

Ở khía cạnh nào đó, mình tin rằng thế giới này đánh giá sự “hữu ích” cao hơn sự “giỏi” của bạn. Tất nhiên, không vì thế mà chúng ta không cần hướng tới sự giỏi giang. Nếu không có người luôn tim kiếm sự giỏi giang và hoàn hảo, thế giới đã không phát triển được như ngày hôm nay. Cũng cần nói thêm rằng, cuộc sống này đâu chỉ có mỗi thước đo là tiền. Hiểu biết nhiều hơn chúng ta cũng có thể cảm thấy thỏa mãn hơn, kể cả khi không ai công nhận, chúng ta cũng có thể hài lòng với chính mình.

Theo nhungdongcodevui.com

Japan IT Works 



Việc làm theo chuyên ngành

Việc làm theo ngành

Việc làm theo tỉnh thành