Tại sao sau khi ăn xong cảm thấy buồn ngủ?

17/01/2022

Cảm thấy mệt mỏi sau khi ăn rất phổ biến và thường xảy ra sau giờ ăn trưa. Điều này bình thường chứ? Câu trả lời là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, liên tục cảm thấy vậy có thể là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Tin tốt là có những cách đơn giản tránh được cảm giác buồn ngủ triền miên sau bữa ăn.

Nếu bạn đang tự hỏi tại sao mình lại thấy mệt mỏi sau khi ăn, bạn sẽ khám phá ra được những lý do chính và những cách hiệu quả để tránh chúng trong tương lai. 

Tại sao tôi cảm thấy mệt mỏi sau khi ăn?

Có một số lý do cho tình trạng này. Nhưng sẽ khá  đáng lo ngại nếu nó xảy ra thường xuyên và ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của bạn. Dưới đây là những nguyên nhân chính. 

bua an hoanh trang

1.Những bữa ăn hoành tráng

Nếu bạn từng cảm thấy buồn ngủ sau bữa trưa thì chắc hẳn là do bạn đã ăn nhiều. Câu trả lời cho hiện tượng này rất đơn giản: cần nhiều năng lượng để dạ dày tiêu hóa thức ăn. Do đó, bữa ăn càng hoành tráng thì bạn càng cảm thấy buồn ngủ sau khi ăn. 

2. Đó là một phần tự nhiên của quá trình tiêu hóa 

Ruột của chúng ta mất khoảng 2 giờ đồng hồ để tiêu hóa toàn bộ bữa ăn. Do vậy bạn sẽ thường cảm thấy buồn ngủ sau ăn. Điều này đặc biệt đúng sau khi ăn trưa vì chúng ta thường quay trở lại làm việc hoặc tiếp tục nhiệm vụ của mình ngay sau đấy. Bên cạnh đó, chất lượng thực phẩm cũng ảnh hưởng đến lượng năng lượng bạn nạp vào cơ thể sau bữa ăn.

3. Quá nhiều thực phẩm chế biến kỹ lưỡng

thuc pham che bien

Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, tinh bột đơn phức và hương liệu (đồ ăn nhanh), cung cấp cho bạn nguồn dinh dưỡng nghèo nàn và thay vào đó là rất nhiều calo. Bên cạnh quá trình tiêu hóa, lượng lớn tinh bột và chất béo làm lượng đường huyết không ổn định, tạo nên các đợt tăng đột biến liên tiếp. Điều này gây ra sự thiếu hụt năng lượng vào buổi chiều. 

4. Thực phẩm giàu đạm và tinh bột 

Chú ý! Bạn nên ăn đủ chất đạm và tinh bột mỗi ngày. Đừng nghĩ việc ăn ít đạm và loại bỏ tinh bột là đúng đắn. Trên thực tế, chúng giúp ngăn chặn cảm giác thèm ăn liên tục trong ngày và giúp bạn khỏe mạnh toàn diện. Tuy nhiên, điều đáng nói là một số thực phẩm có thể gây buồn ngủ sau ăn. 

Thức ăn giàu đạm như cá hồi, thịt gia cầm, chế phẩm từ sữa, đậu nành, trứng, và các loại hạt có hàm lượng tryptophan cao. Chúng cũng có thể được tìm thấy trong các loại thực phẩm giàu tinh bột như mì ống, gạo, bánh mì trắng, bánh bích quy và đồ ngọt đã qua xử lý. Tryptophan là một axit amin giúp cơ thể sản sinh serotonin - hormone đem lại cảm giác thư thái. Một số nhà khoa học phát hiện ra rằng mọi người cảm thấy mệt mỏi sau khi ăn là bởi cơ thể họ đang sản xuất nhiều serotonin hơn. 

5. Đường huyết tăng 

Mặc dù lượng đường trong máu lúc tăng lúc giảm là điều hết sức bình thường, nhưng lượng đường xấu có thể làm nhiễu loạn năng lượng. Nguyên nhân là do lượng đường tăng đột biến trong máu buộc cơ thể phải tích trữ chúng, để lại lượng đường rất thấp khiến bạn thèm ăn nhiều đường hơn. Nó là một vòng luẩn quẩn mà bạn chắc chắn không muốn rơi vào.

6. Bỏ bữa

Ăn không đủ hoặc thậm chí là bỏ bữa cũng là một nguyên nhân phổ biến. Đôi khi, chúng ta không nhận ra rằng mức năng lượng của mình đang quá thấp cho đến khi bỏ bữa. 

Các nghiên cứu chỉ ra rằng ăn không đúng giờ (khi đói) là lý do bạn thấy mệt mỏi, ít năng lượng hơn, và có nhu cầu ăn quá độ trong bữa ăn kế tiếp. Kết quả của cảm giác đói cùng một bữa ăn thịnh soạn là sự buồn ngủ.

7. Tiêu thụ chất kích thích như Cafein

Không có gì là sai trái khi bắt đầu một ngày mới với tách cà phê yêu thích. Cà phê là một trong những thực phẩm giúp tỉnh táo. Nhưng lạm dụng cà phê có thể phản tác dụng và gây buồn ngủ hơn. 

Tại sao lại có cảm giác mệt mỏi sau khi ăn hay sau khi nạp cafein? Đơn giản thôi: Quá nhiều cafein sẽ mất tác dụng bổ sung năng lượng. Điều này thường xảy ra trong giờ giải lao buổi chiều hoặc sau bữa trưa.

8. Thiếu sự tập luyện

Điều này nghe như không liên quan đến việc buồn ngủ, nhưng thực tế là có đấy. Khi không hoạt động thể chất, cơ thể thiếu đi nguồn năng lượng cần thiết để hoạt động tốt và giúp bạn tỉnh táo. Đó cũng là lý do nên thêm việc tập thể dục vào lịch trình hàng tuần của bản thân. Không tập thể dục sẽ khiến bạn mệt mỏi và ủ rũ hơn. 

9. Giấc ngủ 

Một nguyên nhân khác có thể nói đến là ngủ không ngon. Cơ thể cần nghỉ ngơi đầy đủ đề hoạt động tốt nhất và giữ cho chúng ta có đủ năng lượng. Bởi vậy, khi không ngủ đủ vào đêm hôm trước sẽ khiến bạn thèm ăn hơn vào ngày hôm sau và buồn ngủ vào những giờ chiều.

10. Bia rượu 

Cho dù bia rượu không phải một trong những lý do chính nhưng có thể bạn cần nhìn nhận thói quen uống của mình. Uống bia rượu trong bữa ăn hoặc uống vào đêm hôm trước có khả năng khiến bạn thấy buồn ngủ hơn. Theo các chuyên gia Harvard, bia rượu là một loại thuốc an thần làm giảm năng lượng.

Những vấn đề sức khỏe khác

Sẽ có những vấn đề sức khỏe tiềm tàng liên quan đến cảm thấy mệt mỏi sau khi ăn. Mệt mỏi quá mức sau ăn có thể là một triệu chứng của các vấn đề sức khỏe sau: 

Bệnh tiểu đường

Bệnh nhân tiểu đường có thể phải đương đầu với cảm giác mệt mỏi sau ăn do lượng đường huyết bất thường. Khi chúng quá thấp hoặc quá cao sẽ gây chóng mặt, thiếu năng lượng và tăng cảm giác mệt mỏi.

Bệnh thiếu máu

Khi thiếu một số chất dinh dưỡng cần thiết trong cơ thể như sắt, vitamin B9 và vitamin B12 sẽ dẫn đến các triệu chứng thiếu máu. Tình trạng này xảy ra khi số lượng tế bào hồng cầu trong cơ thể quá thấp. Một trong những dấu hiệu chính là cảm thấy cực kỳ mệt mỏi và chóng mặt. 

Không dung nạp được thực phẩm hoặc Dị ứng

Nếu bạn chưa biết thì sự buồn ngủ khác thường là dấu hiệu của không dung nạp thực phẩm hoặc dị ứng. Các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy và nôn mửa không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của dị ứng. Không dung nạp thực phẩm có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau. Cách tốt nhất là đi khám và xem có bất kỳ dấu hiệu nào không.

Bệnh lý về tuyến giáp 

Những người bị mất cân bằng nội tiết tố liên quan đến tuyến giáp có biểu hiệu buồn ngủ quá mức hoặc rối loạn giấc ngủ. Triệu chứng bao gồm sút cân, đi tiêu không đều và thậm chí là yếu cơ.

Chứng ngưng thở khi ngủ

Ngưng thở khi ngủ là một tình trạng hiếm gặp mà người mặc phải gặp khó khăn với việc thở trong khi ngủ. Việc giấc ngủ bị gián đoạn làm tăng thêm phần mệt mỏi vào ngày hôm sau. Có rất nhiều yếu tố cho việc ngừng thở khi ngủ nhưng trong đa số trường hợp nó liên quan đến béo phì và huyết áp cao. 

Bệnh Celiac

Không dung nạp gluten là một nguyên nhân khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường, đặc biệt là sau khi ăn. Bệnh xảy ra khi cơ thể có vấn đề với việc tiêu hóa thức ăn chứa gluten. Từ đó, hấp thụ ít chất dinh dưỡng hơn và đường ruột thường xuyên bị kích thích. Một trong những triệu chứng phổ biến của bệnh này là mệt mỏi.

Làm thế nào để tránh cảm thấy mệt mỏi sau khi ăn?

Cảm thấy mệt mỏi sau mỗi lần ăn gây khó chịu và thỉnh thoảng ảnh hưởng đáng kể đến lối sống. Dưới đây là một số lời khuyên cho bạn.

1. Cung cấp  đủ nước cho cơ thể

Uống đủ nước là chìa khóa giúp cho cơ thể hoạt động tốt. Khi cơ thể được cung cấp nước, sự trao đổi chất được thúc đẩy từ đó cơ thể ít mệt mỏi và có nhiều năng lượng hơn. 

2.Bổ sung thực phẩm nguyên chất và cắt giảm đường tinh chế 

Một trong những mục tiêu cần thực hiện là cân bằng lượng đường huyết. Để làm được điều này, hãy đảm bảo rằng bản thân ăn đủ thực phẩm tự nhiên và chưa qua tinh chế. Sử dụng thực phẩm tự nhiên làm giảm nguy cơ lượng đường tăng đột biến, cảm giác thèm ăn quá độ và thiếu hụt năng lượng. 

cat giam duong

3. Tiêu thụ đủ lượng thức ăn trong mỗi bữa 

Luyện tập việc ăn theo trực giác rất có hiệu quả. Nó không chỉ giúp bạn giữ dáng mà còn hỗ trợ tiêu hóa và bổ sung năng lượng cho cơ thể. Ăn cho đến khi bạn cảm thấy hài lòng chứ không phải đến khi bạn cảm thấy no. Ăn quá nhiều so với yêu cầu của cơ thể trong một lần ăn sẽ chỉ làm bạn ăn vô độ và tạo cảm giác buồn ngủ. 

4. Tránh để quá đói hoặc bỏ bữa 

Đây là một vấn đề quan trọng mà bạn cần tránh. Khi bạn ăn đúng giờ, cơ thể sẽ có nhiều năng lượng hơn trong suốt cả một ngày. Đừng cố nhịn đói vì sau đó bạn sẽ còn ăn nhiều hơn và cảm thấy mệt hơn so với bình thường.

5.Tập thể dục thường xuyên

Hãy hoạt động càng nhiều càng tốt. Không cần phải chạy marathon để giữ sức khỏe, chỉ cần tập một vài bài tập đơn giản là đã giúp nâng cao mức năng lượng của cơ thể rồi. 

6. Nâng cao chất lượng giấc ngủ 

giac ngu

Ngủ đủ là chìa khóa vàng cho cơ thể dù ở bất cứ thời điểm nào. Giấc ngủ tiêu chuẩn là từ 7 đến 9 tiếng. Cố gắng đừng ăn khuya trước khi đi ngủ, tắt những nguồn gây mất tập trung (bao gồm cả điện thoại di động), tắt các nguồn sáng quá mức từ đó giúp hình thành thói quen tốt cho giấc ngủ. 

7. Tiêu thụ cafein ở mức độ vừa phải 

Nếu bạn yêu thích việc bắt đầu ngày mới bằng một ly cà phê, hãy cứ tận hưởng nó. Nhưng nhớ rằng uống khoảng 2-3 ly một ngày là  quá đủ năng lượng cần thiết. Nhiều hơn con số trên có thể gây ra vấn đề nếu bạn không cẩn thận. 

cafein

8. Chế độ ăn uống cân bằng

Ăn đủ thực phẩm giàu chất dinh dưỡng khiến cơ thể làm việc hiệu quả hơn đồng thời tiếp thêm năng lượng cho cơ thể. Cố gắng bổ sung đạm, chất xơ và chất béo tốt trong các bữa ăn. Hãy biến thực đơn của bản thân trở nên cân bằng và thật nhiều màu sắc. 

9. Điều chỉnh lượng cồn nạp vào

Khi hạn chế đồ uống có cồn, bạn sẽ nhận thấy sự cải thiện đáng kể. Điều này đặc biệt áp dụng với các bữa ăn trong ngày. Sử dụng không quá 1-2 ly rượu một ngày. Uống bia rượu trong bữa ăn khiến cơ thể mệt mỏi hơn. 

Lời kết

Dù cho việc cảm thấy mệt mỏi sau khi ăn là bình thường, nhưng vẫn có một số thói quen sinh hoạt có thể cải thiện để làm giảm tình trạng này. Nếu bạn có dấu hiệu trên, hãy đảm bảo bạn thực hiện chế độ ăn dinh dưỡng đủ chất, vận động hàng ngày, nghỉ ngơi hợp lý và đi khám sức khỏe định kỳ. 

Tác giả: Zola Johnson

Dịch giả: Nguyễn Thị Xuân Ánh

Biên tập: Mai Khanh 

Link bài gốc

Japan IT Works



Việc làm theo chuyên ngành

Việc làm theo ngành

Việc làm theo tỉnh thành