Sự khác nhau giữa “Gyoshu (Ngành nghề)”, “Gyokai (Lĩnh vực)” và “Shokushu (Nghề nghiệp)” khi tìm việc tại Nhật Bản?


Tránh hiểu lầm các từ “Gyoshu 業種 (ngành nghề)” “Gyokai 業界 (lĩnh vực)” và “Shokushu 職種 (nghề nghiệp)” trong quá trình tìm việc tại Nhật để quá trình tìm việc ở Nhật trở nên dễ dàng hơn.

“Gyoshu 業種 (ngành nghề)” “Gyokai 業界 (lĩnh vực)” và “Shokushu 職種 (nghề nghiệp)” là 3 từ khóa thường thấy khi tìm kiếm việc làm tại Nhật Bản. Mặc dù dịch ra tiếng Việt là vậy, nhưng đôi khi chúng ta vẫn chưa thực sự hiểu được bản chất sự khác nhau giữa các cụm từ này là gì, và điều đó thường gây ra những hiểu lầm trong quá trình tìm việc ở Nhật. 

Sự khác nhau giữa “Gyoshu (ngành nghề)”, “Gyokai (lĩnh vực)” và “Shokushu (nghề nghiệp)”

Để có thể tìm công công việc phù hợp, giúp bạn phát huy được năng lực và sở thích của bản thân, việc hiểu rõ “Gyoshu (Ngành nghề)”, “Gyokai (Lĩnh vực)” và “Shokushu (Nghề nghiệp)” là rất quan trọng. Khi hiểu rõ những điều này, bạn sẽ có cơ hội phát huy hết mọi khả năng của mình, biết rõ được đâu là môi trường bạn có thể phát huy năng lực, cũng như dễ dàng thu hẹp phạm vi tìm kiếm.

Trước khi bắt đầu tìm việc tại Nhật, hãy cùng tìm hiểu khái niệm “Gyoshu (Ngành nghề)”, “Gyokai (Lĩnh vực)” và “Shokushu (Nghề nghiệp)” qua những ví dụ cụ thể về công việc dưới đây nhé!

1. “業種 - Gyoshu (ngành nghề)” là gì?

“Gyoshu” là các loại hình kinh doanh mà một doanh nghiệp hay cá nhân lựa chọn để phát triển.

Về cơ bản “Gyoshu” được Hội đồng mã chứng khoán phân loại dựa trên phân loại các ngành sản xuất tiêu chuẩn của Nhật Bản (những ngành sản xuất ra các sản phẩm cần thiết cho cuộc sống con người) được quy định bởi Tổng cục Thống kê, ví dụ như “nông nghiệp”, “công nghiệp”, “chế tạo” và “tài chính”.

Điều này có nghĩa là trong các hoạt động sản xuất của con người, nếu phân chia rộng ra sẽ là “sangyo (nhóm ngành)”, và nhỏ hơn thì được gọi là “gyoshu (ngành nghề)”.

Theo thông tin tuyển dụng, các ngành nghề sẽ có tên gọi khác nhau. Hello work đã phân chia các ngành nghề thành 20 loại như sau (phân loại nhóm ngành tiêu chuẩn Nhật Bản).

A:Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp (農業, 林業)

B:Ngành ngư nghiệp (漁業)

C:Ngành khai thác mỏ, khai thác đá, khai thác sỏi đá (鉱業,採石業,砂利採取業)

D:Ngành xây dựng (建設業)

E:Ngành chế tạo – sản xuất (製造業)

F:Ngành điện/ gas/ cung cấp nhiệt, nước (電気・ガス・熱供給・水道業)

G:Ngành thông tin truyền thông (情報通信業)

H:Ngành vận tải, ngành bưu chính (運輸業,郵便業)

I:Ngành bán buôn, bán lẻ (卸売業・小売業)

J:Ngành tài chính/bảo hiểm (金融業・保険業)

K:Ngành bất động sản, cho thuê hàng hóa (不動産業,物品賃貸業)

L:Ngành nghiên cứu học thuật, dịch vụ chuyên môn và kĩ thuật (学術研究,専門・技術サービス業)

M:Ngành lưu trú, dịch vụ ăn uống (宿泊業,飲食サービス業)

N:Ngành dịch vụ đời sống, giải trí (生活関連サービス業,娯楽業)

O:Ngành giáo dục, hỗ trợ học tập (教育, 学習支援業)

P:Ngành y tế, phúc lợi (医療,福祉)

Q:Ngành dịch vụ tổng hợp (複合サービス事業)

R:Ngành dịch vụ (bao gồm những ngành chưa được phân loại)

S:Hành chính công vụ (không bao gồm các ngành đã được phân loại khác)

T:Những ngành chưa được phân loại

2. “業界 - Gyokai (lĩnh vực)” là gì?

“Gyokai” là cách gọi chung của tập hợp những người làm trong cùng ngành nghề hoặc tạo ra cùng một sản phẩm. Với ý nghĩa ngành nghề là phân loại nhỏ của nhóm ngành, “gyokai” được phân loại theo hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ.

Gyokai (lĩnh vực) được định nghĩa dựa trên “gyoshu” (ngành nghề), tùy từng lĩnh vực sẽ có các sản phẩm và dịch vụ khác nhau.

Thông thường, “Gyokai” (lĩnh vực) được phân loại thành 8 nhóm chủ yếu như sau:

・Sản xuất (chế tạo): sản xuất để tạo ra đồ vật ví dụ như ô tô, quần áo,…

・Thương mại: tìm kiếm lợi nhuận bằng cách bán đồ vật đã mua vào qua hình thức giao dịch thương mại xuất nhập khẩu

Ví dụ: công ty thương mại tổng hợp, công ty thương mại chuyên ngành,…

・Bán lẻ: bán đồ dùng cho người tiêu dùng

Ví dụ: Cửa hàng tạp hóa, siêu thị, cửa hàng tiện lợi,…

・Tài chính: lưu chuyển tiền tệ để có lợi nhuận

Ví dụ: Ngân hàng, công ty chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm tai nạn,…

・Dịch vụ: cung cấp dịch vụ

Ví dụ: Giáo dục, phúc lợi/ điều dưỡng, du lịch, khách sạn,…

・ Phần mềm và viễn thông: thêm giá trị gia tăng vào thông tin để bán.

Ví dụ: công ty cung cấp dịch vụ liên quan đến truyền bá và xử lí thông tin,…

・Truyền thông: lưu truyền thông tin đến nhiều người trên thế giới để có được lợi nhuận.

Ví dụ: truyền thông, báo chí, xuất bản, quảng cáo,…

・Văn phòng chính phủ/ Doanh nghiệp nhà nước/ Tổ chức đoàn thể: văn phòng hành chính công của nhà nước và địa phương

Ví dụ: Các bộ ban ngành, các văn phòng hành chính thành phố, phường xã, cảnh sát, trường học công lập, bệnh viện công,…

3. “職種 - Shokushu (Nghề nghiệp)” là gì?

“Nghề nghiệp” là thuật ngữ chỉ một nghề hoặc loại công việc. Trong khi “ngành nghề” và “lĩnh vực” dùng để chỉ phạm vi hoạt động của doanh nghiệp, thì nghề nghiệp có nghĩa là chức năng, nhiệm vụ cụ thể trong doanh nghiệp được phân loại theo nội dung công việc. Theo phân loại nghề nghiệp của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản được Hello Work sử dụng, có 11 loại nghề nghiệp cụ thể như sau:

cong viec o nhat

・Quản lý: người quản lý nhà nước, công ty, lãnh đạo cấp cao

・Công việc chuyên môn, kỹ thuật: nhà nghiên cứu, nhà phát triển công nghệ, bác sĩ, dược sĩ…

・Công việc văn phòng: nghiệp vụ văn phòng chung, nghiệp vụ văn phòng chuyên môn

・Công việc bán hàng: thu ngân/thanh toán, nhân viên bán hàng ở cửa hàng bán lẻ,…

・Công việc dịch vụ: nhân viên phục vụ tại ryokan/ khách sạn, nhân viên phục vụ tại các tụ điểm giải trí, chuyên viên thẩm mĩ, nhân viên điều dưỡng,…

・Công việc bảo vệ: vệ sĩ, cảnh sát, bảo vệ,…

・Công việc ngành nông lâm thủy sản: người chăn nuôi bò thịt, bò sữa, người trồng cây,…

・Công việc trong quy trình sản xuất: thợ làm sắt, công nhân chế tạo máy bay…

・Công việc lái xe vận tải, cơ khí: nhân viên lái tàu, phi công lái máy bay, hướng dẫn viên xe buýt,…

・Công việc xây dựng, khai thác: công nhân xây dựng, thợ ống nước, thợ mỏ,…

・Công việc vận chuyển, dọn dẹp, đóng gói: nhân viên chuyển phát bưu điện, công nhân vận chuyển, công nhân vệ sinh đường phố, công nhân đóng gói sản phẩm,…

Những nghề truyền thống chỉ có ở Nhật Bản

geisha

Trên thế giới có những công việc đặc thù, được ra đời trong quá trình hình thành lịch sử và truyền thống lâu đời của quốc gia. Loại công việc và nội dung của nó cũng rất đa dạng. Kể từ sau thế kỉ 19, nhiều công việc đã biến mất dần do quá trình Tây hóa diễn ra mạnh mẽ; nhưng cũng có nhiều công việc vẫn còn được lưu truyền đến ngày nay.

Các công việc truyền thống tiêu biểu của Nhật Bản

・Công việc liên quan đến văn hóa nghệ thuật: nghệ sĩ kịch Noh, võ sư Kyogen, diễn viên Kabuki, võ sư Gagaku…

・Thợ thủ công chế tạo các sản phẩm truyền thống của Nhật Bản: thợ mộc chuyên xây dựng đền/ chùa, thợ sơn mài (thợ thủ công làm đồ sơn mài (đồ tráng men từ cây sơn mài), thợ làm mặt nạ Noh, thợ làm kiếm (kiếm Nhật), thợ dệt chiếu tatami (thợ chế tạo và sửa chữa chiếu tatami),…

Hiện nay, những nghệ nhân làm nghề truyền thống ở Nhật Bản đã có tuổi, trong khi đó lượng người trẻ theo nghề lại giảm dần khiến việc duy trì các ngành nghề truyền thống trở nên khó khăn.

Những công việc chấp nhận lao động người nước ngoài

cong viec chap nhan lao dong nguoi nuoc ngoai

Khi một người nước ngoài tìm việc làm tại Nhật Bản, không có nghĩa là họ có thể làm việc trong bất kỳ ngành nghề nào, mà điều này còn phụ thuộc vào loại hình cư trú của họ.

Nếu bạn có tư cách lưu trú vĩnh trú, vợ/chồng là người Nhật Bản, vợ/chồng của người có tư cách vĩnh trú hoặc người định cư lâu dài, bạn sẽ được phép làm việc trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực ở Nhật Bản. Với các tư cách lưu trú khác, bạn sẽ được làm việc trong phạm vi tư cách lưu trú cho phép, hoặc không được phép làm việc, do đó bạn cần phải lưu ý điều này.

Tính đến tháng 4 năm 2020, có 19 loại tư cách lưu trú (visa lao động) cho phép bạn làm việc trong phạm vi cho phép. Tham khảo thông tin về các loại tư cách lưu trú tại Website Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

Các doanh nghiệp Nhật Bản khi tuyển dụng người nước ngoài, tư cách lưu trú phổ biến nhất là “Kĩ thuật/ Tri thức nhân văn/ Nghiệp vụ quốc tế”. Khi đó, các công việc như kĩ sư, thiết kế, phiên dịch,… sẽ phù hợp với tư cách này.

Ngoài ra, ngày càng có nhiều công ty thuê người nước ngoài có kiến thức và kỹ năng chuyên môn cao cấp, những người này thường có tư cách lưu trú là “chuyên gia cao cấp” (高度専門職).

Khi lựa chọn công việc, hoạt động được tư cách cư trú cho phép và công việc bạn làm thực tế phải khớp với nhau, nên điều quan trọng là bạn phải xác định các nghề nghiệp mà bạn có thể làm theo tình trạng cư trú của mình. Để có thể xác định được, bạn cần phải hiểu rõ về các ngành nghề, lĩnh vực và nghề nghiệp ở Nhật Bản.

Trước khi bắt đầu tìm việc tại Nhật Bản, hãy tìm hiểu sự khác biệt về “Gyoshu (ngành nghề)”, “Gyokai (lĩnh vực)” và “Shokushu (nghề nghiệp)” thường xuất hiện trên các trang tuyển dụng của Nhật Bản. Ngoài ra, bạn cũng nên tìm hiểu xem công ty bạn muốn làm việc thuộc lĩnh vực ngành nào, và năng lực của bạn phù hợp với loại nghề nghiệp nào để có thể đưa ra những quyết định chính xác nhất khi lựa chọn công việc.

Theo tsunagulocal.com

Giản lược 

Japan IT Works 



Việc làm theo chuyên ngành

Việc làm theo ngành

Việc làm theo tỉnh thành