Phụ nữ nên có bao nhiêu bộ quần áo là đủ?

08/03/2022

Có phải cứ mỗi lần đi đâu bạn phải tốn cả tiếng đồng hồ đứng trước một tủ ngập ngụa quần áo, chọn lên chọn xuống, cởi ra mặc vào, mãi mới chọn được một bộ? Vậy hãy bắt đầu tìm hiểu về lối sống tối giản, để thay đổi suy nghĩ về triết lý sống của mình bao gồm cả thời trang.

Thật khó để kết hợp lối sống tối giản với sở thích thời trang khi lúc nào cũng có hai luồng suy nghĩ đấu tranh trong đầu bạn: “tối giản đi, đừng mua nữa” và “nhưng mà cái váy này đẹp, cái áo kia đẹp, cái giày kia cũng đẹp”.

Để dung hòa được tối giản và thời trang, bạn hãy đặt ra mục tiêu cho mình là những món đồ sở hữu phải là những món thật sự yêu thíchdễ kết hợp với nhau.

Chính vì vậy, để đơn giản hoá tủ đồ của mình, quyết định món nào giữ lại, món nào bỏ đi, nếu mua mới phải mua những món thế nào. Hãy chọn những món thỏa 5 tiêu chí sau:

  • Bền: chất liệu tốt, mặc lên thấy thoải mái, sử dụng được lâu dài
  • Đẹp: thể hiện được cá tính và phong cách của bản thân nhưng không chạy theo xu hướng để tránh bị lỗi mốt sau khoảng thời gian ngắn
  • Dễ phối: món nào cũng kết hợp được với nhau mà không bị lạc quẻ
  • Đa năng: mặc được mọi nơi mọi lúc mọi hoàn cảnh
  • Kinh tế: không ngốn quá nhiều chi phí cho thời trang để còn dành tiền cho nhiều việc khác quan trọng hơn

Dưới đây là những kinh nghiệm và mẹo vặt cho những cô nàng đang loay hoay trong việc tạo ra tủ đồ quần áo cho mình sao cho vừa tối giản vừa đẹp lại tiết kiệm chi phí. 

Nếu là phái nam đang đọc bài này trong lúc khổ sở mỗi lần chờ đợi một nửa kia của mình chọn đồ để đi đâu. Thì đúng chuẩn rồi, hãy share bài viết này cho cô ấy ngay, để bạn đỡ phải mòn mỏi chờ đợi cô ấy chọn đi chọn lại cuối cùng lấy bộ mà cô ấy thử đầu tiên.

1. Chọn cho mình một phong cách nhất quán

style chu dao

Lý do chúng ta có nhiều quần áo là vì quá tham lam, phong cách nào cũng thích. Hôm nay thích ăn mặc kiểu nhu mì tiểu thư, ngày mai bỗng dưng thích cá tính nổi bật, ngày hôm sau nữa lại thích kiểu trang nhã lịch sự.

Có một sự thật là những món đồ này sẽ chỉ đẹp nếu mặc riêng nó, rất khó để kết hợp được với nhau, bạn sẽ mất nhiều thời gian để suy nghĩ mỗi khi phối đồ. Vì vậy để đơn giản hoá tủ đồ, bước đầu tiên bạn nên chọn cho mình một phong cách nhất quán.

Nếu bạn vẫn chưa biết mình hợp với phong cách nào, đừng quá căng thẳng và nôn nóng, nhiều người mất cả vài năm mới tinh giản và cảm thấy hài lòng với tủ đồ của mình. Hãy nhớ rằng tối giản gu thời trang và tủ đồ là cả một quá trình dài, không dễ để cán đích ngay trong một sớm một chiều.

Hãy cứ dành thời gian lắng nghe bản thân, hiểu rõ ưu nhược điểm của cơ thể, hiểu rõ môi trường làm việc và sinh sống, theo dõi pinterest để tham khảo, từ đó chọn ra phong cách cho mình nhé.

2. Xác định xem bạn muốn chi trả bao nhiêu

Quá trình tối giản là một quãng đường dài. Tốt nhất là tận dụng những gì mình đang có và chỉ sắm mới khi cần thiết.

Chúng ta phải xác định mình muốn chi bao nhiêu thu nhập của mình vào tủ quần áo, mua mới hết, hay mua dần dần, mua đồ phân khúc cao cấp hay trung bình. Hãy mua sắm và tiêu dùng thông minh để vừa tiết kiệm chi phí lại vừa có được tủ đồ đẹp.

Bạn sẽ hỏi, giá thành đi đôi với chất lượng, muốn mua đồ chất lượng tốt thì giá tất nhiên phải đắt rồi. Nhưng thật ra có cách giúp tiết kiệm cho khoản áo quần như sau:

  • Mua đồ từ các nhãn hàng nhỏ thay vì nhãn hàng có thương hiệu nổi tiếng với chất lượng tương đương
  • Chờ đến dịp sale để mua món đồ mà bạn đang để mắt
  • Mua đồ thanh lý, đồ second-hand
  • Đổi đồ với bạn bè, đồng nghiệp
  • Nếu chỉ mặc 1 lần, hãy đi thuê hoặc mượn tạm bạn bè
  • Biến tấu lại những món đồ cũ vẫn còn tốt của mình nếu bạn khéo tay
  • Học cách chăm sóc, bảo quản đúng cách để tăng tuổi thọ cho quần áo
     

3. Chất liệu là yếu tố hàng đầu

Phân loại theo nguồn gốc, có 3 loại sợi vải:

  • Sợi vải tổng hợp: được sản xuất từ than đá, dầu mỏ, khí đốt hoặc các loại tre, gỗ, nứa…
  • Sợi vải tự nhiên: dệt nên từ những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên như cây lanh, cây bông (thực vật) hay lông cừu, tơ tằm (động vật).
  • Sợi vải pha: kết hợp giữa sợi vải tự nhiên và tổng hợp

Bản thân thời trang là một ngành công nghiệp gây ô nhiễm nguồn nước thứ 2 thế giới sau dầu mỏ, quá trình sản xuất (trồng bông, phun thuốc sâu, thu hoạch, chưng than đá, luyện với các chất hoá học, nhuộm, may, đóng gói, vận chuyển) đã xả ra nhiều hoá chất độc hại vào đất, không khí và nước.

Thật ra sợi tự nhiên hay tổng hợp thì cũng vẫn gây hại cho môi trường, chỉ có điều là sợi tự nhiên ít gây hại hơn. Thôi thì giảm được tí nào hay tí đấy, nên tôi thường chọn chất liệu vải nguồn gốc tự nhiên như cotton, linen, len, dạ… Những chất liệu này nếu nguyên chất không pha thì cũng khá bền, tuổi thọ cao, mặc lên cũng thoải mái, dễ chịu lại thời trang và đẹp nên được nhiều nhãn hiệu thời trang ưa chuộng và tin dùng.

4. Chọn ra màu sắc chủ đạo cho tủ đồ

mau sac chu dao cho tu do

Những tín đồ tối giản có xu hướng chọn một gam màu chủ đạo cho tủ đồ của mình như đen, trắng, ghi, xám, be, kem, nâu để đem đến cảm giác nhẹ nhàng dễ chịu và thư thái.

Tuy nhiên điều này không có nghĩa ai tối giản cũng có chung sự chọn lựa màu sắc này, tùy bạn quyết định miễn sao cảm thấy tự tin vui vẻ tràn đầy năng lượng là được.

Với những bạn yêu sắc màu, không muốn tủ quần áo của mình chỉ có một vài màu nhàm chán thì bạn nên hiểu về nguyên lý bánh xe màu sắc trong mỹ thuật để phối màu cho đẹp mắt và hài hoà.

  • Không phối quá 4 màu cho 1 bộ trang phục, 2 đến 3 màu là hợp lý, trong đó nên chọn ra 1 màu chính chiếm 75% và các màu phụ 25%.
  • Kết hợp màu tương phản: là những màu đối nhau trong bánh xe màu sắc như đen – trắng, xanh dương – vàng cam, xanh lá – đỏ, tím – vàng….
  • Kết hợp màu cùng tông: là những màu cạnh nhau trong bánh xe màu sắc như đỏ – cam, xanh dương – xanh lá, tím – hồng, trắng – xám, vàng – nâu…

phoi mau quan ao

5. Số lượng bao nhiêu là đủ

Đây là một câu hỏi gây tranh cãi rất nhiều trong cộng đồng tối giản và không có câu trả lời nào thỏa mãn được tất cả mọi người.

Yêu cầu công việc và hoàn cảnh sống khác nhau lại đem đến những con số khác nhau, nếu bạn là nhân viên công sở, đi làm có đồng phục, thì bạn chỉ cần 2 bộ đồng phục mặc cả tuần cùng với thêm 5 bộ nữa là thoải mái mặc đi chơi.

Bạn là sinh viên, trang phục đi học và đi chơi không quá khác biệt, thì chỉ cần 20-30 món là đã kết hợp thành rất nhiều bộ khác nhau rồi. Nếu bạn là người đã đi làm, yêu cầu công việc của bạn phải tiếp xúc với nhiều người, đi nhiều nơi, mỗi nơi lại có những đặc thù khác nhau thì lại số lượng có thể sẽ khác các bạn sinh viên.

so luong quan ao

Nếu bạn chưa biết số lượng bao nhiêu là vừa, hãy áp dụng thử thách “sống thử với 35 món đồ”  trong vòng 1 tháng. Sau 1 tháng, chắc chắn bạn sẽ dần hiểu rõ nhu cầu của bản thân hơn và sẽ tìm được con số chính xác cho tủ quần áo của mình.

Chặng đường còn dài, hy vọng bài viết giúp ích cho bạn và tiếp sức để bạn có thêm kiên nhẫn để đi đến cùng nhé.

Sưu tầm

Japan IT Works 



Việc làm theo chuyên ngành

Việc làm theo ngành

Việc làm theo tỉnh thành