Ai cũng muốn mình có thể làm được công việc tốt nhất và rất sợ phải lựa chọn. Để việc lựa chọn dễ dàng hơn bạn cần phân tích kỹ từng công việc mà các offer nhận được.
1. Tìm hiểu kỹ thông tin về từng vị trí
Vậy chúng ta cần phân tích những yếu tố nào để đưa ra lựa chọn?
- Tiềm năng phát triển sự nghiệp: khi làm ở vị trí đó tại công ty này có khả năng thăng tiến hay phát triển nghiệp vụ, kỹ năng của bản thân hay không. Bởi vì chúng ta không chỉ đi làm ở một vị trí cả cuộc đời mà phải dần tiến bộ hơn. Hay nói cách khác, tuổi tác phải đi lên cùng địa vị thì mới thuận lẽ tự nhiên. Chúng ta không chỉ tồn tại mà phải sống, mà sống thì không nên thụt lùi hay mãi đứng một chỗ đúng không nào?
- Công việc có phù hợp không: thời gian, địa điểm làm việc và người sếp như thế nào? Nếu như công việc đó lương cao hơn mà lại có địa điểm xa hơn thì chi phí đi lại cũng không khác gì công việc lương thấp hơn thì bạn cần cân nhắc. Không ai có thể chọn sếp cho mình cũng như việc không thể chọn hoàn cảnh sinh ra, nên điều này hơi khó nếu như bạn chưa làm việc tại đó. Tuy nhiên bạn có thể nhìn bao quát qua quá trình phỏng vấn và trao đổi với họ.
- Mức lương dù có chênh lệch như thế nào thì tiền không phải là quan trọng nhất, những điều trên mới quan trọng. Từ công việc, sếp, đồng nghiệp đến môi trường làm việc và bản thân mình có thật sự thuộc về nơi đó hay không mới quan trọng. Cho dù bạn có cực giỏi và được việc nhưng không làm việc phù hợp với team và bạn không yêu thích dự án thì cũng không là vấn đề tốt.
2. Quyết định
Sau khi phân tích cũng như nhận những lời khuyên từ người xung quanh (nếu có) thì bạn nên quyết định càng nhanh càng tốt. Vì khi chậm trễ có thể bạn sẽ mất cơ hội tốt hoặc quá sớm thì có thể chưa phân tích sâu sắc dễ dẫn đến sai lầm và hối hận sau này.
Sự quyết định không chỉ dựa vào số lượng hay chất lượng những điểm tốt mà bạn đã liệt kê được, mà đôi khi bạn cũng có thể dựa vào linh cảm của bản thân để đưa ra quyết định.
Vì có thể có công ty đưa ra mức lương, phúc lợi tốt cho bạn nhưng linh cảm bạn muốn và thích công ty khác không bằng về phúc lợi hay mức lương thì bạn cũng có thể lựa chọn nơi bạn yêu thích.
3. Trì hoãn việc nhận job offer
Nếu như bạn chưa tìm được cho mình một sự lựa chọn thật sự ưng ý thì việc hoãn lại lời nhận offer cũng là một cách tốt. Tuy nhiên đừng lâu quá nhé.
Một tình huống khó khăn hơn là khi bạn nhận được lời mời từ một nhà tuyển dụng và bạn tin rằng có một công ty khác sẽ đưa ra một vị trí hấp dẫn hơn. Trong trường hợp này, nếu bạn chưa thể quyết định ngay lập tức, hãy cố gắng trì hoãn câu trả lời và thông báo với công ty kia mốc cụ thể bạn sẽ đưa quyết định cuối cùng.
4. Đàm phán, thảo luận với công ty tuyển dụng
Bạn có thể đưa ra đề nghị như sau: Tôi rất vui vì quý công ty đã cho tôi cơ hội được đảm nhiệm vị trí này. Tôi tin rằng tôi có thể làm việc hiệu quả và mang lại những đóng góp cho sự phát triển công ty. Song tôi cũng đã nhận được lời mời từ một số công ty khác, do đó tôi muốn có thêm thời gian để cân nhắc và lựa chọn vị trí phù hợp nhất với mình. Hy vọng quý công ty sẽ tạo điều kiện và cho tôi thời gian một tuần để suy nghĩ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Trong trường hợp này, hãy chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp họ từ chối yêu cầu của bạn. Bạn có thể bày tỏ rằng bản thân đánh giá cao phía công ty và sẽ phản hồi lại trong thời gian sớm nhất.
5. Từ chối các offer không phù hợp một cách khéo léo
Bất cứ khi nào bạn nhận được một job offer hấp dẫn, hãy bày tỏ sự phấn khích và thể hiện bạn đánh giá cao vị trí và công ty đó. Hãy thể hiện rõ quan điểm của bạn. Đừng để phía tuyển dụng chờ bạn quá lâu mà chỉ nhận lại sự từ chối.
Bạn có thể trả lời họ như sau: Đầu tiên, tôi xin cảm ơn phía công ty. Tôi rất vui mừng khi nhận được đề nghị của anh/chị! Tuy nhiên, tôi thấy năng lực của bản thân chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu công việc. Tôi sẽ dành khoảng thời gian sắp tới để học tập, trau dồi thêm các kiến thức và kỹ năng mềm cần thiết. Hy vọng sẽ có nhiều cơ hội để hợp tác cùng anh/chị và quý công ty trong tương lai.
Cho dù quyết định của bạn là gì, điều quan trọng là hãy hành động khéo léo và kịp thời. Nếu bạn đã chấp nhận job offer của công ty A, hãy nhanh chóng gửi lời cảm ơn và từ chối cho các công ty còn lại. Đừng để họ chờ đợi bạn một cách vô ích. Hãy hành xử một cách chuyên nghiệp và để lại ấn tượng tốt cho người khác vì biết đâu một ngày nào đó, bạn cần phải làm việc hay hợp tác với công ty của họ.
Japan IT Works