Những vị trí cho nhân viên không chuyên công nghệ


Công nghệ đang là ngành đại diện cho nhiều cải tiến mới nhất. Và thật may là ngành thú vị này không đòi hỏi tất cả các ứng viên phải có kỹ năng lập trình. Có rất nhiều công việc liên quan không yêu cầu bằng cấp trực tiếp về khoa học máy tính. Tham khảo ngay nếu bạn muốn thử sức.

Lĩnh vực công nghệ phát triển nhờ khoa học - kỹ thuật - toán học..., và rất nhiều ngành phụ trợ khác như tài chính, bán hàng, tiếp thị và tuyển dụng. Tức là cơ hội trong ngành này dành cho rất nhiều đối tượng với đủ loại kỹ năng.

1. Customer Success Manager (CSM)

Công việc: Quản lý các hợp đồng để duy trì tỷ lệ giữ chân và tăng doanh thu; xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng và theo dõi trải nghiệm của họ với sản phẩm/ dịch vụ; giúp khách hàng đạt được kết quả mong muốn trong quá trình vận hành; giải đáp thắc mắc và đề xuất phương án phù hợp; phối hợp với các bộ phận nội bộ để cải thiện hiệu suất của sản phẩm.

Như vậy, CSM là đầu mối liên hệ chính giữa khách hàng và công ty, đảm bảo giữ chân khách hàng bằng việc nuôi dưỡng trải nghiệm hài lòng và ngăn chặn bất kỳ sai sót kỹ thuật nào có thể phát triển trong quá trình vận hành.

Vì vậy, một CSM phải có kỹ năng giao tiếp và trình bày tốt vì phần lớn thời gian là để tương tác với khách hàng và truyền đạt phản hồi của họ cho bộ phận phụ trách sản phẩm của công ty. Ngoài ra, kỹ năng quản lý dự án trong suốt thời gian hợp đồng của khách hàng cũng rất quan trọng. Từ vị trí CSM, bạn có thể chuyển sang các vị trí khác như trưởng nhóm dịch vụ khách hàng cho đến Giám đốc Trải nghiệm Khách hàng (CXO - Chief Experience Officer). Hoặc bạn có thể đào sâu thêm hiểu biết để trở thành giám đốc sản phẩm hoặc chuyên viên chiến lược MKT.

2. Nhân viên hỗ trợ kỹ thuật

ho tro ky thuat

Công việc: Giới thiệu, giải đáp thắc mắc về phần mềm/ dịch vụ; Đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật cho khách hàng trong quá trình sử dụng; Hỗ trợ bộ phận bán hàng trong soạn thảo tài liệu kỹ thuật, brochure; Phối hợp bộ phận sản phẩm giải quyết sự cố của khách hàng và cải tiến phần mềm.

Ở các công ty công nghệ lớn, bạn chỉ đảm nhiệm một phần công việc nói trên, nhưng trong các công ty nhỏ, có thể bạn sẽ phải làm tất cả. Nhân sự ở vị trí này phải quen thuộc với phần cứng, phần mềm và cấu hình internet. Đồng thời phải lưu trữ các bước đã thực hiện trong suốt quá trình giải quyết. Bên cạnh đó là các kỹ năng giao tiếp, nắm bắt cảm xúc của khách hàng, phản hồi nhanh chóng với thái độ điềm tĩnh.

Từ vị trí này, bạn có thể chuyển sang làm quản trị viên hệ thống, quản trị mạng hoặc trưởng bộ phận CNTT hoặc chuyên viên quản lý dịch vụ khách hàng.

3. Chuyên viên truyền thông

Công việc: lên ý tưởng, sản xuất và làm nổi bật sự hiện diện của một công ty/ sản phẩm/ dịch vụ trên mạng xã hội Twitter, Facebook, Snapchat, Instagram, TikTok, LinkedIn…

Mỗi nền tảng có mục đích, quy tắc tương tác và đối tượng mục tiêu riêng và các công ty công nghệ thường muốn có sự hiện diện trên hầu hết các nền tảng trên. Do đó, bạn không chỉ phải biết cách hoạt động của từng nền tảng, thuật toán cũng như cách đọc số liệu phân tích mà còn phải hiểu cách tạo nội dung phù hợp với từng tập người dùng tương ứng. Như vậy, kỹ năng sáng tạo là bắt buộc. Cùng với đó là khả năng phân tích, biên tập, thậm chí là thiết kế. Bạn phải cập nhật các xu hướng trên mạng xã hội và tìm cách tăng tương tác.

Từ đây, bạn có thể phát triển lên các cấp cao hơn như Trưởng nhóm, Giám đốc MKT...

4. Chuyên viên Thu hút Nhân tài

chuyen vien thu hut nhan tai

Công việc: tìm kiếm ứng viên và hỗ trợ để ứng viên có trải nghiệm tốt trong suốt quá trình tuyển dụng; lên lịch phỏng vấn; theo dõi các ứng viên tiềm năng; theo dõi thị trường nhân sự và quá trình tuyển dụng của các công ty đối thủ.

Các chuyên viên tuyển dụng trong ngành IT phải có kỹ năng giao tiếp và tổ chức mạnh, quen thuộc với các nền tảng hỗ trợ tuyển dụng nhân sự (CareerBuilder, LinkedIn…). Điều quan trọng là hiểu tâm lý của ứng viên, nắm bắt được vai trò mà công ty đang tuyển dụng, hiểu cơ bản về các kỹ năng công nghệ mà vị trí đó cần có.

Một chuyên viên tuyển dụng tốt có thể lên chức trưởng nhóm, Giám đốc nhân sự…

5. Nhà thiết kế UX

Công việc: thiết kế trải nghiệm người dùng (User Experience) tức là thiết kế những gì người dùng sẽ thấy và tương tác; hợp tác với cả khách hàng và đồng nghiệp để đảm bảo sản phẩm/ dịch vụ hoạt động tốt và thân thiện với người dùng.

nha thiet ke UX UI

Vị trí này đòi hỏi sử dụng sự sáng tạo, khả năng thấu hiểu hành vi con người và kỹ năng thiết kế để hình dung giao diện của một sản phẩm hoặc tính năng; test và ghi nhận cảm xúc, lời nói và hành vi của người dùng trong quá trình trải nghiệm. Từ đó, liên tục cập nhật và tinh chỉnh giao diện sản phẩm để cải thiện trải nghiệm của khách hàng.

Các câu hỏi thường trực của một nhà thiết kế UX: Làm thế nào để con người tương tác với công nghệ? Tại sao mọi người sử dụng ứng dụng này nhiều hơn ứng dụng khác? Thiết kế ảnh hưởng như thế nào đến hành vi và mức độ tương tác của người dùng với ứng dụng?

Đây là một vị trí hấp dẫn ở cấp độ đầu vào trong lĩnh vực công nghệ, miễn là bạn có tư duy tốt về thiết kế đồ họa và tâm lý học. Bạn hoàn toàn có thể thăng tiến thành chuyên viên thiết kế UX cấp cao, giám đốc phát triển sản phẩm hoặc giám đốc sáng tạo.

Kết

Như bạn có thể thấy, có một loạt các vai trò khác nhau trong ngành này không yêu cầu nhân sự phải có bộ kỹ năng chuyên sâu về công nghệ. Các vị trí này giúp một công ty công nghệ có thể vận hành trơn tru và tạo ra những sản phẩm tuyệt vời. Đây là ngành mới và luôn có nhu cầu cho các vị trí mới lạ, đừng ngại tìm hiểu và thử sức.

Theo Careerbuilder

Japan IT Works 



Việc làm theo chuyên ngành

Việc làm theo ngành

Việc làm theo tỉnh thành