Người Việt tại Nhật chia sẻ kinh nghiệm đối phó vấn nạn truyền giáo 'dai như đỉa'


Một vấn đề mà ai đến sống tại Nhật cũng đều gặp phải, đó là những người Nhật truyền giáo. Quả thật phiền phức nếu cứ gặp và bị họ lôi kéo, vì thế hôm nay chúng ta hãy cùng tìm cách đối phó với vấn đề này nhé.

Khi nhắc đến tôn giáo tại Nhật Bản, có thể bạn sẽ nghĩ đến Thần đạo trước tiên, đây không chỉ là quốc giáo mà còn là một tín ngưỡng truyền thống của người Nhật. Thần đạo được kết hợp từ những hành động mang tính thiêng liêng để kết nối người Nhật với cội nguồn của họ là Nữ Thần Mặt Trời và các vị thần hậu duệ của bà.

80% người Nhật gìn giữ các niềm tin liên quan đến Thần đạo, bất kể họ có thực sự tham gia vào tổ chức chính thức của tôn giáo này hay không. Mặc dù vậy, vì Nhật Bản là đất nước tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, nên Đạo Phật, Cơ Đốc Giáo cũng phát triển mạnh mẽ và nhiều hệ phái, chi phái độc lập khác của các tôn giáo này đã ra đời.

thần đạo phật giáo

Thần Đạo và Phật Giáo là hai tôn giáo chính ở Nhật.

Bất kể theo tôn giáo nào, người Nhật cũng luôn có đời sống tâm linh phong phú, họ nhiệt tình và kiên nhẫn khi muốn truyền bá đức tin mà mình theo đuổi đến với người khác. Điều này được khẳng định qua một hiện tượng mà có lẽ bất kỳ người Việt sống tại Nhật nào cũng từng gặp qua: bị đeo bám bởi những người truyền giáo "dai như đỉa, đuổi mãi không đi." Thậm chí, đôi khi họ khiến những người Việt mới sang Nhật phải lo lắng vì sợ bị lừa đảo.

Bạn có thể bắt gặp những người truyền giáo tại bất kỳ nơi công cộng nào của Nhật Bản, đặc biệt là ở các ga tàu đông đúc, họ sẽ tiếp cận bạn với một sự nhiệt tình khó lý giải, sau đó chào hỏi, thuyết giảng và trao cho bạn nhiều loại tài liệu về tôn giáo để mời bạn đi tu tập cùng họ. Đôi khi, người truyền giáo bí mật theo bạn về tận nhà, nếu vẫn không thể thuyết phục được bạn, họ sẽ lại đến sau vài ngày. Đối với nhiều người nước ngoài, đây thực sự là một vấn nạn vì nó vô cùng phiền phức.

Ảnh chụp hai cô gái thuộc tôn giáo Jehovah's Witnesses (Nhân Chứng Giê-hô-va) đang đến tận nhà "thăm hỏi" gia chủ:

truyền giáo

Mặc dù vậy, có rất ít tình huống lừa đảo hoặc tấn công liên quan đến người truyền giáo và cũng không có số liệu chi tiết chính thức, trong hầu hết các trường hợp, họ chỉ gây phiền nhiễu mà thôi. Cũng cần lưu ý là những người truyền giáo nơi công cộng này chủ yếu đến từ các hội nhóm tụ tập tại địa phương, hoặc là thành viên của những hệ phái độc lập có quy mô nhỏ, họ ít khi đại diện cho tổ chức tôn giáo chủ đạo nào.

truyền giáo

Trên nhóm Tokyo baito của cộng đồng người Việt tại Nhật, một bạn nữ đúc kết được kinh nghiệm đối phó với hoạt động truyền giáo như sau:

Mình đã tìm ra cách đối phó với mấy bà truyền đạo bên này rồi (đạo Phật nha)

Thứ 1: hiểu rõ mục tiêu lớn nhất của họ là muốn dụ, dắt mình theo đạo của họ bằng cách dắt mình tới cái nơi mình tạm gọi là chùa. Chỉ cần dắt được mình tới nơi đó thì sau này họ không làm phiền nữa, chứ không là họ chăm chỉ đến mỗi tuần để dẫn dắt cho bằng được thì thôi. Đuổi đi hay không mở cửa vẫn đến nhé.

→ Cách đối phó cực kì đơn giản: nói ra địa điểm chùa và tôn giáo của họ. Nói là mình đã đến đó rồi, là tự khắc họ vui vẻ ra về à. Đạo của họ là 仏法(Butsubou)cũng giống giống Phật nhưng họ không tin Phật của Việt Nam, sẽ lôi kéo mình theo đạo của họ cho bằng được! Chùa của họ ở ga ときわ台駅(Ga Tokiwadai)bảo với họ là: ときわ台のちかくでしょ?行ったことある。(Chùa ở gần Tokiwadai phải không? Tao đến đó rồi.)

Không nhớ tên ga đó thì nói là gần ga Ikebukuro cũng được. Họ không lôi kéo được mình nữa thì tức khắc ra về à. LƯU Ý: đừng để họ biết mình sống chung với bạn mà bạn chưa vô đạo, họ sẽ lại đến n lần để lôi kéo bạn đó đi á. Dai như đỉa luôn á, thề là 3 năm vẫn đến nếu bạn dây dưa á! Nếu họ lỡ thấy có bạn thì nói là bạn cũng đi chỗ Tokiwadai rồi là được.

Thật sự họ là người tốt, chỉ vì họ muốn lôi càng nhiều người theo đạo càng tốt theo quan niệm “niệm Phật cứu lấy thế giới” nhưng tiếc là văn hoá chúng ta khác nhau quá. Mình thấy có nhiều bạn chửi bới, đóng cửa với mấy người đó nên muốn nhắn nhủ là: họ cũng chỉ muốn tốt cho thế giới này thôi, nên đừng làm tổn thương họ. Đừng để người ta nghĩ: "Người Việt Nam mình thật bất lịch sự", trong khi chỉ tốn chưa tới 5 phút để đuổi họ về trong tử tế. Mình mới thử và thành công!

Tất nhiên đây chỉ là một trường hợp khi bạn nữ kia gặp phải những người truyền giáo thuộc một hệ phái nào đó của Đạo Phật đến từ ngôi chùa lân cận. Bạn cũng có thể được mời đến nhà thờ địa phương và cầu nguyện theo đức tin của Đấng Jehovah nếu vô tình được ghé thăm bởi một con chiên nào đó.

Thực ra, nếu bạn không thích những người truyền đạo thì có thể dùng những cách khác trực tiếp và nhanh chóng hơn để khiến họ rời khỏi nhà bạn, ví dụ như gọi cảnh sát, tỏ ra mình không biết tiếng Nhật hoặc thể hiện rằng mình là một người đã theo tôn giáo khác với cái đang được mời chào. Ví dụ, một tu nghiệp sinh tại Nhật chia sẻ:

"Mình ở Omiya", cứ nói Omiya là họ thôi.

Omiya là cách gọi tôn kính với điện thờ Thần đạo, những tôn giáo khác sẽ không đề nghị bất kỳ ai theo đạo của họ nếu người đó đã và đang theo tín ngưỡng Thần đạo rồi. Người truyền giáo thuộc Phật giáo hoặc Cơ Đốc thường ngại va chạm với các cá nhân theo tín ngưỡng truyền thống.

Ngoài ra, một số bạn trẻ cũng chia sẻ những cách táo bạo hơn để khiến người truyền giáo e ngại:

Chiều mình cũng vinh hạnh được tiếp họ xong, họ cũng bảo là Phật sẽ cứu thế giới này, và mình có đàm phán với họ là: "Hiện tại là nhà đang hết gạo liệu Phật có cho gạo không, chứ cứ tin Phật mà không có gạo ăn thì không ăn thua..." Một hồi được hẳn một bao gạo 5kg các ông ạ. Chắc có thể do mình nhây quá.

Mình nghe mấy ông anh mình kể hồi mới sang Nhật cách đây 6 7 năm gì đấy, có mấy ông Việt Nam đi trước có hỏi là muốn nâng cao trình độ tiếng Nhật không anh cho kaiwa (hội thoại) với cả người Nhật, sau đó mấy ông ý dắt mấy bà truyền đạo về kí túc để cho mấy anh tôi nói chuyện.

Trước có mấy người cả trai cả gái đến nhà xong tôi bảo bọn tôi đang nhậu, thế là lôi chúng nó vào bảo "Nhậu đã, đi sau" thế là tụi nó chạy mất dép... sumimasen (xin lỗi) đi gấp.

Theo thống kê trong biểu đồ dưới đây của Encyclopaedia Britannica vào năm 2012, có đến 66.8% người Nhật giữ tín ngưỡng liên quan đến Đạo Phật, vì vậy khả năng bạn sẽ được mời "đi chùa" là rất cao, tốt nhất hãy chuẩn bị một kịch bản để thoái thác nếu không muốn mất thời gian.

theo đạo

Số người theo đạo tại Nhật (2012)

Tất nhiên, cũng có nhiều trường hợp, người truyền giáo quá kiên nhẫn và các thực tập sinh buộc phải đến chùa một lần để được "yên thân". Hầu hết những bạn trẻ từng đi theo người truyền giáo về cơ sở tu tập địa phương đều cho biết rằng nơi đó rất vui vẻ và lịch sự. Sau khi đạt mục đích mời bạn về chùa một lần rồi, họ sẽ không làm phiền nữa.

Trên thực tế, gặp phải người truyền giáo là chuyện khó tránh ở Nhật, nó có thể phiền phức hoặc là một trải nghiệm rất thú vị nếu bạn có thời gian rảnh để đi cùng họ một lần cho biết. Có bình luận trên Tokyo baito kể lại, dù chỉ đến một lần, nhưng ngôi chùa nọ đến vài năm sau vẫn còn gửi thư hỏi thăm đến cho bạn ấy.

Theo lostbird

Japan IT Works



Việc làm theo chuyên ngành

Việc làm theo ngành

Việc làm theo tỉnh thành