Làm thế nào để tìm được một vị trí thực tập tại các công ty Nhật Bản trước khi đi làm?


Tham gia thực tập có thể là một cách tuyệt vời để bạn có thể hòa mình vào văn hóa hay làm quen với môi trường làm việc của một quốc gia. Được đánh giá là một trong những quốc gia được nhiều người mong muốn chuyển đến làm việc nhất, nhu cầu thực tập tại Nhật Bản của những ứng viên nước ngoài ngày càng tăng theo thời gian.

Tuy nhiên, thực tập vẫn còn là một khái niệm khá mới ở Nhật Bản và do đó, việc tìm kiếm thông tin về các vị trí thực tập còn khá khó khăn. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập đến những mặt tích cực khi lựa chọn thực tập tại Nhật Bản, hướng dẫn cách để bạn có thể tiếp cận với các chương trình thực tập ở Nhật Bản, những công việc phù hợp với người nước ngoài và các thông tin khác nữa.

Tại sao bạn nên tham gia chương trình thực tập tại Nhật Bản?

thuc tap sinh tai nhat ban

Nhật Bản gần đây đứng vị trí thứ 6 trong một cuộc khảo sát toàn cầu về các quốc gia được nhiều người mong muốn chuyển đến làm việc nhất. Thật quá dễ để hiểu lý do vì sao. Bên cạnh một nền kinh tế hùng mạnh, Nhật Bản còn là điểm đến du lịch mơ ước của nhiều người. Đất nước xinh đẹp này còn có vô số các địa danh du lịch nổi tiếng, những điểm tham quan thú vị và những món ăn tuyệt vời để bạn thưởng thức.

Nếu bạn muốn khám phá đất nước mặt trời mọc trong một khoảng thời gian hay muốn tìm hiểu sâu hơn về nền văn hóa truyền thống của đất nước Nhật Bản hơn là một du khách đơn thuần thì một công việc thực tập có thể là một sự lựa chọn tuyệt vời dành cho bạn. Nhật Bản có hơn 100 công ty đa quốc gia có trụ sở tại Nhật, bao gồm cả những tập đoàn khổng lồ như Sony, Fujitsu và Toyota.

Do đó, cơ hội thực tập ở các tập đoàn hàng đầu ở Nhật Bản có thể giúp bạn tiến lên một tầm cao mới. Mặc dù phần lớn các công việc thực tập liên quan đến lĩnh vực công nghệ nhưng cũng có một số các cơ hội ở các công ty khác như chuỗi cửa hàng sách quốc tế Kinokuniya hoặc những công ty mà bạn có thể thỏa sức sáng tạo như Nintendo hay Bandai. Tóm lại, dù bất cứ lĩnh vực nào mà bạn đam mê yêu thích thì đều có cơ hội dành cho bạn.

Các loại hình thực tập ở Nhật Bản

thuc tap sinh tai nhat ban 1

Chế độ làm việc suốt đời vẫn còn ăn sâu bám rễ ở Nhật Bản. Mãi cho đến gần đây, Nhật Bản mới chấp nhận áp dụng khái niệm thực tập để thêm tính cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu. Thông thường, những công ty Nhật Bản sẽ sử dụng những bài kiểm tra năng lực như SPI để xem ứng viên có phù hợp hay không và thường có hai loại hình thực tập ở Nhật Bản: thực tập taiken và Chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ năng.

Các vị trí thực tập sinh taiken là gì?

thuc tap sinh tai nhat ban 2

Taiken, nghĩa đen là “kinh nghiệm”, chỉ những thực tập sinh có mong muốn đi làm để nhận thêm kinh nghiệm. Chủ yếu những người tham gia thực tập theo dạng này là các sinh viên đại học và những người trẻ tuổi. Việc tham gia chương trình thực tập taiken cho phép bạn được nhận được hòa mình vào các hoạt động của công ty để hiểu rõ hơn về môi trường làm việc và nhận được thêm nhiều kinh nghiệm hữu ích.

Phần lớn các kỳ thực tập taiken thường bắt đầu từ năm thứ ba đại học trước khi sinh viên bắt đầu đi tìm việc. Chương trình thực tập taiken thường rất ngắn, chỉ kéo dài từ vài ngày đến vài tuần. Trong thời gian này, thực tập sinh chủ yếu sẽ làm việc và đồng thời tham gia các buổi thuyết trình, hội thảo của công ty. Những vị trí này hầu như không đi kèm với lời đề nghị việc làm vì mục đích duy nhất là giới thiệu công ty và môi trường làm việc cho sinh viên.

Thực tập sinh Taiken được trả lương thế nào?

Nếu bạn là một thực tập sinh taiken dài han, bạn có thể kỳ vọng nhận được mức lương ngang bằng hoặc thấp hơn một chút so với mức lương của một người làm việc bán thời gian thông thường nhận được, khoảng 900 – 1.000 yên/ giờ.

Có thể nhận được vị trí chính thức sau khi thực tập taiken không?

Điều này là có thể nhưng hoàn toàn phụ thuộc vào công ty. Đối với các kỳ thực tập ngắn hạn với thời gian kéo dài chỉ dưới một tháng thì hầu như bạn sẽ không nhận được lời mời làm việc. Kỳ thực tập dài hạn với các mục tiêu cụ thể, tập trung vào đào tạo thường sẽ mang đến cho bạn cơ hội việc làm trong tương lai.

Làm thế nào tôi có thể tìm được công việc thực tập Taiken?

thuc tap sinh tai nhat ban 3

Cách đơn giản nhất để có được một công việc thực tập taiken là trở thành một sinh viên ở Nhật Bản và đăng ký thông qua trường đại học. Hầu hết những nơi có môi trường giáo dục chất lượng tốt đều có những chương trình kết nối sinh viên với các nhà tuyển dụng tiềm năng. Hãy đảm bảo rằng bạn đã bắt đầu nghiên cứu về vấn đề này từ sớm vì thực tập thực sự là một trải nghiệm đáng mơ ước, do đó một số sinh viên đã bắt đầu làm hồ sao đăng ký từ trước vài tháng.

Nếu bạn đang tìm kiếm một cơ hội thực tập theo phong cách kiểu phương Tây, bạn nhất định nên đặt mục tiêu lớn hơn, hướng đến các công ty quốc tế. Những công ty này hầu như đều có những chương trình thực tập. Nếu tiếng Nhật của bạn đủ tốt, bạn có thể tìm các vị trí thực tập sinh ở một số trang web như MyNavi hay Rikunabi. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng những vị trí này chủ yếu hướng đến đối tượng sinh viên! Các chương trình thực tập đều thường bắt đầu vào mùa hè. Do đó, bạn nên bắt đầu tìm kiếm các thông tin tuyển dụng từ khoảng tháng 6 và thậm chí sớm hơn. Ở Nhật Bản, năm tài khóa bắt đầu vào tháng Tư, do đó bạn cũng có thể bắt gặp một vài thông tin tuyển thực tập sinh bắt đầu xuất hiện khoảng từ tháng 1. Một số trang web khác của Nhật bạn có thể tham khảo như Jeek, 01 Intern, hay Intern Baito.

Nếu hiện bạn đang không sống ở Nhật Bản? Cũng có một số bài đăng tuyển thực tập sinh có đi kèm với đề nghị hỗ trợ thị thực nhưng hầu hết các vị trí tuyển thực tập sinh đều hướng đến những người đang sinh sống tại Nhật Bản. Tuy nhiên, điều này không hề ngăn trở việc bạn tìm hiểu các trang web giới thiệu các vị trí thực tập hay trang web chính thức của các công ty lớn có trụ sở tại Nhật Bản. Một lựa chọn khác là bạn có thể liên hệ trực tiếp với công ty xem họ có thể tạo cơ hội thực tập cho bạn hay không, và tất nhiên cả hỗ trợ thị thực nữa.

Liệu tôi có cần thị thực khi làm thực tập Taiken không?

thuc tap sinh tai nhat ban 4

Nếu kỳ thực tập taiken của bạn không được trả lương và kéo dài dưới 90 ngày thì bạn sẽ không cần thị thực để nhập cảnh vào Nhật Bản, bạn chỉ cần hộ chiếu là đủ. Nếu tham gia kỳ thực tập dài và được hưởng lương thì bạn sẽ cần xin thị thực. Các hoạt động thực tập không được trả lương hay chương trình đào tạo về văn hóa Nhật Bản sẽ thuộc tư cách lưu trú liên quan đến các hoạt động văn hóa (文化活動) còn kỳ thực tập dài và được hưởng lương đòi hỏi bạn phải có thị thực liên quan đến Các hoạt động đặc định (特定活動).

Nếu bạn đang ở Nhật Bản với tư cách là du học sinh thì điều đó có nghĩa là bạn có thể đang có thị thực du học sinh (留学). Giống như thị thực các hoạt động văn hóa, loại thị thực này thường không cho phép bạn kiếm tiền từ việc thực tập.

Tuy nhiên, bạn vẫn có thể được kiếm tiềm từ các hoạt động thực tập bằng cách điền vào đơn đăng ký xin phép tham gia các hoạt động khác ngoài hoạt động mà thị thực của bạn cho phép và nộp bản đăng ký đó tại Cục Nhập cư ở địa phương bạn sinh sống. Nếu được chấp nhận và cấp phép, bạn sẽ có thể đi thực tập và nhận lương cho tối đa 28 giờ một tuần. Đừng vượt quá giới hạn cho phép vì như thế bạn có thể sẽ bị thu hồi tư cách thị thực hiện tại.

Chương trình Đào tạo Thực tập sinh Kỹ năng là gì?

Chương trình Đào tạo Thực tập sinh kỹ năng (外国人技能実習機構) cho phép các lao động nước ngoài tìm kiếm cơ hội làm việc tại các công ty của Nhật Bản, qua đó có thể tiếp thu những kỹ năng cần thiết.

Chương trình này được tổ chức quy củ hơn so với chương trình thực tập taiken. Đầu tiên, chương trình này chỉ giới hạn cho một số ngành nghề cụ nhất định, bao gồm nông nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng, sản xuất thực phẩm, dệt may và cơ khí. Chương trình này cũng quy định một lộ trình rất chi tiết từ đầu đến cuối dành cho người lao động.

Trong năm đầu tiên, bạn sẽ được coi là thực tập sinh kỹ năng cấp (i) và sẽ được học lý thuyết trên lớp kết hợp với đào tạo thực hành. Chỉ sau khi bạn đã vượt qua kỳ kiểm tra, bạn mới được chuyển lên trình độ thực tập sinh kỹ năng (cấp ii), và chủ yếu sẽ được đào tạo thực hành. Sau hai năm, bạn sẽ vượt qua thêm một kỳ kiểm tra nữa để đạt được trình độ thực tập sinh kỹ năng cấp (iii). Sau khi vượt qua bài kiểm tra này, bạn sẽ được ở Nhật thêm hai năm nữa rồi sau đó phải về nước.

Chương trình này bắt đầu từ năm 1993 và được quản lý bởi tổ chức hợp tác đào tạo quốc tế Nhật Bản (JITCO). Ước tính vào thời điểm hiện tại có khoảng 400,000 thực tập sinh kỹ năng đang sinh sống tại Nhật Bản và đây là một trong số những nhóm có số lao động người nước ngoài đông nhất tại Nhật Bản. Đa số các thực tập sinh kỹ năng là người Trung Quốc, ngoài ra còn có các lao động tới từ Việt Nam, Philippine, Indonesia và Thái Lan.

Thực tập sinh kỹ năng có được trả lương hay không?

Có chứ! Một thực tập sinh kỹ năng mới bắt đầu có thể kiếm được trung bình 977 yên một giờ. Một thực tập sinh kỹ năng được đào tạo và có kinh nghiệm có thể kỳ vọng kiếm được khoảng 1.151 yên một giờ. Mức lương này chưa bao gồm tiền làm thêm giờ và tiền thưởng. Để có thể so sánh, bạn nên biết mức lương tối thiểu trung bình ở Nhật Bản là khoảng 902 yên một giờ (tính đến tháng 10/ 2020).

Làm thế nào để tham gia Chương trình Đào tạo Thực tập sinh Kỹ năng?

Có hai cách để bạn có thể tham gia Chương trình Đào tạo Thực tập sinh Kỹ năng: tham gia vào loại hình doanh nghiệp cá nhân và tham gia vào loại hình doanh nghiệp có tổ chức giám sát và loại hình thứ hai thường phổ biến hơn.

Với loại hình Doanh nghiệp cá nhân, một công ty ở Nhật Bản sẽ giao dịch trực tiếp với một công ty đối tác ở nước ngoài. Sau đó, công ty ở nước ngoài sẽ cử một nhân viên trong đội ngũ của mình sang học hỏi kỹ năng ở Nhật Bản.

Đối với loại hình Tổ chức giám sát, một công ty phái cử ở nước ngoài sẽ ký hợp đồng với một tổ chức giám sát phi lợi nhuận như văn phòng thương mại thành phố. Tổ chức giám sát này sẽ được OTIT (Tổ chức Đào tạo Thực tập sinh Kỹ năng) cấp phép và giám sát hoạt động, sau đó sẽ đưa ra các hướng dẫn cho các thực tập sinh kỹ năng và giúp đỡ họ tìm được công việc phù hợp tại Nhật Bản.

Loại thị thực nào tôi cần đăng ký cho Chương trình Đào tạo Thực tập sinh Kỹ năng?

thuc tap sinh tai nhat ban 4

Bạn sẽ phải nộp đơn xin thị thực Đào tạo Thực tập sinh kỹ năng ở Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán ở nước sở tại của mình. Tuy nhiên cần lưu ý rằng bạn sẽ phải nộp đơn xin thị thực mới mỗi lần bạn chuyển đổi từ Đào tạo thực tập sinh kỹ năng (i) sang (ii) và sau đó sang (iii).

Những điều cần lưu ý về Chương trình Đào tạo Thực tập sinh Kỹ năng

Đã có những chỉ trích về hành vi lạm dụng và bóc lột sức lao động đối với các thực tập sinh kỹ năng nước ngoài ở Nhật Bản. Nhiều thực tập sinh kỹ năng không nói được tiếng Nhật hoặc không quen với văn hóa Nhật Bản. Kết quả là các công ty tuyển dụng dễ dàng lợi dụng điều này. Ví dụ, đã có những báo cáo về việc người sử dụng lao động nợ lương và sử dụng những thực tập sinh này như một nguồn lao động giá rẻ mà không hề đào tạo cho họ bất kỳ kĩ năng nào.

Để đảm bảo chắc chắn bạn không trở thành nạn nhân của việc lạm dụng hay quấy rối tại nơi làm việc, hãy tham khảo bài viết của chúng tôi về các công ty Đen – các doanh nghiệp có những hành vi bóc lột người lao động. Nếu bạn đang tham gia Chương trình Đào tạo Thực tập sinh Kỹ năng và nghĩ rằng mình đang bị lợi dụng, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ Trang web của Tổ chức Đào tạo Thực tập sinh Kỹ năng.

Tôi nên chọn chương trình nào?

Nếu bạn đang tìm kiếm một trải nghiệm thực tập giống như những gì bạn thấy ở các nước phương Tây thì vị trí taiken có thể là điều phù hợp với bạn. Mặt khác, Chương trình Đào tạo Thực tập sinh Kỹ năng lại là một cơ hội tuyệt vời dành cho những người muốn phát triển kỹ năng trong một ngành cụ thể mà họ muốn làm trong tương lai.

Công việc thực tập nào ở Nhật Bản phù hợp với tôi?

Cuối cùng, tất cả phụ thuộc vào bạn khi quyết định công việc thực tập nào phù hợp với bạn. Bạn hãy cân nhắc nhu cầu và chuyên môn công việc của mình dựa trên những thông tin chúng tôi đưa ra trong bài viết này khi lựa chọn công việc nhé và chúng tôi hy vọng bạn sẽ đưa ra được quyết định phù hợp với mong muốn của mình.

Theo tsunagulocal.com

Japan IT Works 



Việc làm theo chuyên ngành

Việc làm theo ngành

Việc làm theo tỉnh thành