Không đọc sách nhiều mà hãy đọc sách hiệu quả bằng những cách này


Đọc sách là để học, và đó là một quá trình. Một tủ sách đồ sộ hay một danh sách đọc dài dằng dặc có lẽ sẽ gây ấn tượng với người khác đấy, nhưng nếu bạn không học được gì từ nó thì liệu nó có còn ích lợi gì hay không?

Ngụy biện chi phí chìm

Ngụy biện chi phí chìm (Sunk Cost Fallacy) được hiểu đơn giản là bạn tiếp tục làm một việc gì đó vì đã đầu tư quá nhiều thời gian, tiền bạc và công sức vào đó, tuy nhiên việc làm này không phải là lựa chọn khôn ngoan nhất. 

Sau khi đầu tư thời gian để đọc hơn một nửa quyển sách, bạn không muốn bỏ nó. Bạn muốn hoàn thành quyển sách vì cho rằng thời gian dành để đọc đến tận đây sẽ bị lãng phí.

Đây là ngụy biện chi phí chìm. Nếu thật sự ép mình phải đọc hết một quyển sách bạn không hứng thú cũng chưa sẵn sàng để tập trung (thành thật đi nào, nếu nó đủ hứng thú và nếu bạn tập trung từ đầu thì bạn đã đọc xong quyển sách lâu rồi), thì đó mới là lãng phí. 

Mỗi phút bạn tiêu tốn trên những quyển sách mình không thích hoàn toàn có thể dùng để đọc những thứ bạn thực sự thích. Nếu không, bạn sẽ bắt đầu ghét việc đọc và tìm đến những nội dung không-tốn-não nhưng sẽ có hại về lâu dài như tin rác, nội dung giải trí không lành mạnh,… tràn ngập trên mạng. 

doc sach

Tóm lại: Mạnh dạn ‘từ bỏ’ một quyển sách bất kỳ, nếu bạn chỉ đang bắt ép bản thân phải đọc nó. Thay vào đó, hãy chọn một quyển sách thỏa mãn trí tò mò của bạn – một thứ bạn thật sự muốn dành thời gian.

(Đôi khi nguyên nhân khiến bạn thấy một quyển sách khó hiểu là do bạn chưa đủ sẵn sàng, chưa đủ kiến thức, chưa đủ kinh nghiệm,… để hiểu những gì tác giả muốn truyền tải. Cứ cất nó lên kệ, và quay lại đọc sau. Biết đâu ở lần đọc thứ 2, 3,… bạn lại yêu thích nó hơn?)

Đừng quá để ý vào số tiền đã chi

doc sach

Nhiều người lấy số tiền mình bỏ ra cho một quyển sách để làm ‘động lực’ hoàn thành nó. Tuy nhiên, con số quá lớn có thể khiến không ít người chùn tay.

Thành thật mà nói, thì bạn bỏ ra bao nhiêu tiền cho sách không quan trọng bằng việc bạn học được gì từ những quyển sách mình có. Sách là một khoản đầu tư, chứ không phải một khoản chi phí. Một chương, một ý tưởng, đôi khi chỉ một câu nói trong sách hoàn toàn có thể thay đổi cách bạn nhìn cuộc sống, từ đó thay đổi chính cuộc sống của bạn.

Đừng tiếc tiền nếu quyển sách thật sự xứng đáng. Cũng đừng vung tay quá trán để tạo động lực đọc sách cho mình. Nếu bạn đã không thích thì cho dù có là quyển sách cả triệu đồng cũng sẽ sớm bị xếp xó mà thôi. 

Đừng chỉ đọc một quyển sách

doc nhieu sach

Nếu bạn đang muốn tìm hiểu một chủ đề nào đó, hãy đọc từ nhiều tác giả để tiếp thu nhiều luồng quan điểm và ý kiến.

Lợi ích của việc này là bạn có thể kết nối các ý tưởng từ những lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, nếu đã đọc Sapiens (Yuval Noah Harari) thì có thể tham khảo thêm The Holy Science (Sri Yukteswar) để có một cái nhìn hoàn toàn khác về lịch sử và sự tiến hóa của con người.

Bạn không cần phải đọc xong quyển này mới có thể bắt đầu quyển khác. Hãy thử đọc song song. Điều này vừa giúp việc đọc trở nên thú vị hơn, vừa có ích trong việc hình thành và liên kết các ý tưởng.

Lập mục lục của riêng mình

Đôi khi bạn không cần phải đọc hết cả quyển sách. Với những quyển thuộc thể loại phi hư cấu (non-fiction), đôi khi cả quyển sách chỉ dựa trên 2-3 ý chính, phần còn lại là để bổ sung – đọc cũng được, không đọc cũng chẳng sao.

Trước khi đọc một quyển sách, hãy tham khảo mục lục hoặc phần tóm tắt để biết trong sách có những gì. Đồng ý rằng nội dung và mục lục sách đã được sắp xếp để việc đọc của bạn diễn ra dễ dàng và đơn giản nhất có thể. Tuy nhiên, nếu có những chương bạn đã biết rồi, thì đừng thấy tội lỗi khi bỏ qua chúng.

Tương tự, nếu thấy hứng thú với chương số 3, cứ bắt đầu với chương số 3. Đọc xong không hiểu cũng chẳng sao. Ít nhất bạn cũng đã bắt đầu quyển sách với một tâm thế hứng khởi.

Đọc sách cũng như yêu đương

doc sach giong yeu duong

Khi tìm gợi ý sách để đọc, chúng ta hay lên mạng tham khảo, hoặc hỏi ý kiến những người xung quanh. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý rằng vì mỗi người đều khác biệt, nên danh sách đọc của họ cũng sẽ khác biệt. Có những quyển sách người khác thấy hay nhưng bạn thì không, và ngược lại. Nếu danh sách của bạn và họ giống nhau, thì thứ tự đọc vẫn có thể khác nhau.

Nôm na thì đọc sách cũng gần giống với yêu đương. Trước khi bạn xác định mối quan hệ chính thức và lâu dài với ai thì bạn cần thời gian tìm hiểu họ. Sách cũng thế. Trước khi dành thời gian và công sức cho bất kỳ quyển sách nào, hãy đọc lướt qua chúng. Hãy xem những lời gợi ý của người khác là lời ‘mai mối’, để bạn gặp được đối tượng tiềm năng. Tiềm năng thôi nhé, còn có phù hợp hay không là việc bạn phải tự mình nhận định. 

Theo themillennials.life 

Japan IT Works 



Việc làm theo chuyên ngành

Việc làm theo ngành

Việc làm theo tỉnh thành