Khi nào nên nghỉ việc? Những điều phải biết khi chuyển việc, nghỉ việc ở Nhật


Ai cũng có ít nhất một lần nghỉ, chuyển việc. Vậy những lúc đó chúng ta cần lưu ý điều gì và làm như thế nào cho đúng? Hãy lắng nghe chia sẻ dưới đây nhé.

Lưu ý khi quyết định nghỉ việc, chuyển việc

1. Lựa chọn thời điểm nghỉ việc phù hợp

Lựa chọn thời điểm nghỉ việc thích hợp, mà khi không có bạn, gây ảnh hưởng ít nhất tới môi trường hiện tại bạn đang làm việc.. Bời vì, khi chúng ta nghỉ việc, thì những việc chúng ta đang làm, vai trò chúng ta đang đảm nhiệm trong team, trong công ty sẽ bị gián đoạn. Chính vì vậy, bạn không nên nghỉ việc khi mà công ty đang trong giai đoạn bận rộn hoặc họ không có cách nào để tìm được nhân sự mới để thay thế vị trí của bạn. Đây cũng là trách nhiệm của bạn đối với những công việc mà các bạn đang làm dở dang và đây cũng là cách ứng xử đẹp trong công việc.

2. Không nghỉ việc khi mới chỉ làm trong một thời gian ngắn

Có những bạn mới chỉ làm cho công ty này chưa được 1 năm các bạn đã chuyển việc rồi, sang công ty mới cũng vậy. Các bạn mà chuyển việc liên tục như vậy sẽ khiến cho các nhà tuyển dụng đánh giá không cao. Cho rằng đây là một người thiếu kiên nhẫn, dễ bỏ cuộc, không thể làm lâu dài trong một môi trường nào đó. Người Nhật có câu là: Ngồi trên đá cũng phải ngồi 3 năm. Ý rằng, dù bạn có làm công việc đơn giản như thế nào đi nữa, như việc ngồi không ở trên đá thôi cũng nên kiên trì 3 năm. Chính vì vậy, nếu bạn có đủ sự kiên trì để có thể làm trong một môi trường nào đó trong vòng 3 năm thì có nghĩa là bạn đã hiểu, đã học tập đầy đủ tất cả những điểm khách quan liên quan tới công việc đó. Thì bạn có nghỉ việc cũng không bị coi là điểm trừ. Vì thế, lời khuyên cho các bạn rằng: Khi mình vào một môi trường mới, hãy cố gắng làm việc lâu nhất có thể. Nếu có thể, thì các bạn nên làm trên 1 năm, chứ các bạn không nên nghỉ quá sớm nhé!

3. Thông báo nghỉ với công ty mình đang làm, ít nhất là trước 1 tháng

Trong một số hợp đồng lao động đặc biệt, thì khi nghỉ việc, phía nhà tuyển dụng còn yêu cầu các bạn thông báo trước 2 tháng, 3 tháng. Nên các bạn cố gắng làm đúng luật, chứ đừng có hôm nay đến công ty và nói “ngày mai tôi sẽ nghỉ việc” nhé. Như vậy chính là vi phạm những cam kết giữa các bạn với công ty. Công ty hoàn toàn có quyền xử phạt các bạn hoặc không trả lương bạn trong tháng gần nhất đó.

nghỉ việc

Những lý do khiến bạn phải cân nhắc nghỉ việc

1. Mối quan hệ người – người không tốt trong môi trường làm việc

Ví dụ như bạn không hợp với sếp, không hợp với các thành viên trong team, không được tin tưởng để giao cho những công việc phù hợp với năng lực của bạn, bạn không được trọng dụng. Nếu trong một môi trường như vậy, bạn có thể cân nhắc vấn đề nghỉ việc.

2. Nội dung công việc không phù hợp với mục tiêu lâu dài của bản thân

Ví dụ, các bạn muốn làm công việc liên quan tới mảng IT, nhưng công việc hiện tại của bạn lại là công việc bàn giấy thôi như kế toán chẳng hạn. Nếu như có sự khác biệt rõ ràng như vậy thì các bạn có thể xin nghỉ việc. Hoặc là khi phỏng vấn công ty tuyển bạn vào vị trí kế toán, nhưng sau đó công ty lại giao cho bạn công việc liên quan đến phát triển thị trường Việt Nam chẳng hạn. Đối với những trường hợp như vậy, hoàn toàn không phù hợp với định hướng dài hạn của bạn. Thì đây là cơ hội để bạn suy nghĩ đến chuyện nghỉ việc. Nhưng nếu như khi phỏng vấn vào công ty, bạn đã nói rằng sẵn sàng làm những việc do cấp trên giao cho thì bạn không có quyền chối việc đâu nhé. Chính vì thế, đối với những bạn trẻ khi chưa có định hướng phát triển thì các bạn nên đón nhận công việc ở nhiều khía cạnh nhất có thể, để tìm ra thế mạnh của bản thân. Còn đối với những bạn đã xác định rõ được mình muốn trở thành người như thế nào rồi thì bạn hãy lựa chọn công việc có thể đưa bạn tới đích mà bạn muốn.

3. Nếu ở công ty hiện tại bạn không có cơ hội để thăng tiến, phát triển bản thân

Nếu như bạn làm một công việc khó, nhưng mỗi ngày bạn lại học được những điều mới; công việc đều được cấp trên, đồng nghiệp hướng dẫn, hỗ trợ và bạn có cơ hội phát triển từng ngày, giúp bạn có cơ hội thăng tiến thì đây là môi trường tốt, không nên nghỉ việc vì những khó khăn.

Nếu môi trường làm việc hiện tại của bạn không tạo cho bạn những giá trị như đã nói ở trên thì các bạn cũng có thể cân nhắc nghỉ việc.

 -> Nếu như các bạn không gặp phải 1 trong 3 vấn đề trên mà đã nghĩ đến chuyện nghỉ việc thì hãy dừng lại một chút, nhìn nhận lại bản thân để biết có cần thiết phải nghỉ việc hay không nhé.

nghỉ việc 2

Bàn giao thật kỹ các công việc mà bạn đang đảm nhiệm

Lên kế hoạch bàn giao công việc

Khi mà bạn đã quyết định nghỉ việc và đã thông báo với cấp trên rồi thì việc bạn cần làm là lên kế hoạch bàn giao công việc. Trong một tháng trước khi các bạn nghỉ việc, các bạn hãy điểm lại những công việc mà sau khi các bạn nghỉ, thì nó vẫn còn phát sinh. Ví dụ như những trao đổi với khách hàng, những dự án bạn đang theo. Nếu bạn có những yêu cầu nào đối với người phụ trách công việc của bạn sau khi bạn nghỉ việc thì bạn cũng nên liệt kê cụ thể và chi tiết ra nhé. Sau khi bạn đã hoàn thành cuốn sổ bàn giao rồi thì hãy lên kế hoạch một buổi gặp giữa những người đảm nhận công việc mà bạn bàn giao và làm việc trực tiếp với cấp trên để bạn có một kết thúc công việc hoàn hảo nhất, không để lại khó khăn cho công ty khi bạn nghỉ việc.

Viết mail thông báo bạn sẽ nghỉ việc với những người trong công ty, cũng như khách hàng cũ của các bạn

Đối với khách hàng, thì bạn thông báo rằng bạn sẽ nghỉ việc và người này sẽ tiếp tục phụ trách công việc. Đối với người trong công ty thì chúng ta sẽ viết mail gửi cho toàn bộ công ty, gửi đến những người đã giúp đỡ mình trong thời gian làm tại công ty. Và mail này nên thể hiện sự tích cực nhé.

Bàn giao lại thông tin mật

Sau khi bàn giao thì hãy xóa những thông tin này trong máy tính cá nhân của bạn đi nhé. Khi chúng ta vào công ty mới thì không được tiết lộ những thông tin liên quan đến công ty cũ như là thông tin khách hàng hay những thông tin nghiệp vụ quan trọng ở công ty cũ. Nếu bạn tiết lộ những điều đó, công ty mới cũng không đánh giá cao bạn đâu và cũng sẽ xem xét vấn đề bạn có thể bảo mật thông tin hay không đó.

 

Tổng kết lại những điều các bạn đã học tập được ở công ty cũ

Hãy cố gắng giữ mối quan hệ với những người ở công ty cũ

Đây là một điều rất quan trọng nhưng không phải bạn nào cũng làm được điều này. Nhưng người có thể làm tốt điều này sẽ là người có nấc thang thăng tiến, và mỗi lần chuyển việc đều là một lần thành công trong cuộc đời. Trong tiếng Nhật có một câu, khi chuyển việc, người ta không nói là nghỉ việc mà nói là tốt nghiệp công ty. Người ta hàm ý, công ty chính là một trường học của cuộc đời mà ở đó chúng ta được học rất nhiều điều và còn được trả lương nữa. Sau khi học xong, chúng ta có thể hoạt động trong một môi trường khác và thành công hơn nữa. Chính vì vậy, khi bạn chuyển việc, bạn phải cố gắng nhìn lại bản thân, tổng hợp và xem thời gian vừa qua bạn đã học hỏi được những gì, bạn đã đối diện với khó khăn trong môi trường cũ như thế nào để rút ra bài học cho bản thân. Tránh lặp lại những sai lầm tại môi trường mới. Từ những sai lầm đó, mình rút ra bài học để làm tốt hơn ở công ty mới.

Hãy giữ quan hệ tốt với sếp cũ, với môi trường làm việc cũ

Không nên xin nghỉ việc trong mối quan hệ thù địch, hay xin nghỉ việc trong tâm lý của kẻ thua cuộc. Bởi những người đã từng cùng làm việc với bạn chính là những người có thể review, đưa ra cho người khác những ý kiến nhận xét về bạn một cách đúng đắn và có nhiều giá trị. Vì thế nếu bạn xin nghỉ việc trong tâm thái: những người trong team cũ của bạn nói xấu bạn, chê trách bạn làm việc vô trách nhiệm, hay sếp cũ của bạn không có đánh giá tích cực về bạn: bạn làm việc không có trách nhiệm, bạn nghỉ việc cũng không chịu làm bàn giao. Chính những ý kiến đó sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới con đường thăng tiến của bạn. Bạn biết không, trái đất rất tròn, có những công ty, họ xin những ý kiến đánh giá từ môi trường cũ của bạn. Họ có thể gọi tới công ty cũ của bạn để xác nhận bạn là người như thế nào trước khi tuyển dụng. Chính vì vậy hãy tạo những mối quan hệ tốt đẹp, không nên nghỉ việc trong thù địch ở môi trường cũ.

 

Những thủ tục quan trọng bạn cần làm, khi bạn là người nước ngoài, chuyển việc ở Nhật

Việc chuyển việc có thể ảnh hưởng đến tư cách lưu trú của bạn

Vì mình là người nước ngoài đang làm việc ở Nhật với tư cách lưu trú nào đó, cho nên việc bạn chuyển việc, nghỉ việc sẽ ảnh hưởng tới tư cách lưu trú của bạn. Trong trường hợp bạn là người có thể ở vĩnh trú ở Nhật, hoặc có vợ/chồng là người Nhật thì việc này không phải thực hiện. Tuy nhiên, đối với hầu hết các bạn có tư cách lưu trú như là lao động, kỹ sư… thì mỗi khi nghỉ việc hay chuyển việc, chúng ta cần đi làm ở những công ty mới đúng với tư cách lưu trú của chúng ta.

Các bạn cần lưu ý, khai báo với cục xuất nhập cảnh trong vòng 14 ngày từ khi các bạn nghỉ việc. Ngày trước cá bạn cần làm giấy tờ và đến cục xuất nhập cảnh để khai báo.Tuy nhiên, hiện nay cục xuất nhập cảnh đã có hệ thống khai báo online. Nên chúng ta có thể truy cập, khai báo trong vòng 14 ngày từ ngày chúng ta nghỉ việc.

Trong vòng 3 tháng kể từ ngày nghỉ việc các bạn cần tìm được công ty mới

Nếu sau 3 tháng các bạn không tìm được công ty mới thì tư cách lưu trú, visa của các bạn về mặt nguyên tắc là đã bị mất hiệu lực. Bởi vì theo quy định của cục xuất nhập cảnh, nếu trong vòng 3 tháng mình không có những hoạt động liên quan tới tư cách lưu trú thì tư cách lưu trú đó sẽ bị mất hiệu lực. Chính vì vậy, nếu bạn muốn nghỉ dài hơn 1 chút, bạn muốn có thời gian để tìm kiếm công việc mới thì bạn cần làm thủ tục để gia hạn thời gian ở lại và tìm việc chứ không nên nghỉ mà không làm gì.

Thủ tục liên quan đến bảo hiểm

Ở công ty cá bạn đang làm, công ty sẽ gia nhập cho các bạn bảo hiểm xã hội. Khi các bạn xin nghỉ, thì bảo hiểm xã hội này cũng mất đi. Vì vậy, nếu bạn nghỉ việc ở công ty cũ và ngay ngày hôm sau bạn vào làm ở công ty mới thì công ty mới sẽ lại đăng ký cho các bạn, thì không bị gián đoạn. Còn nếu sau 1 tháng bạn mới vào công ty mới, thì bảo hiểm của bạn sẽ bị gián đoạn, và theo nguyên tắc thì trong thời gian này các bạn phải đăng ký với địa phương, để gia nhập bảo hiểm quốc dân. Chính vì vậy, một số thủ tục này đòi hỏi các bạn phải làm một số giấy tờ.

Một số loại giấy tờ quan trọng các bạn phải nhận từ công ty cũ trước khi nghỉ việc

Giấy tờ chứng minh các bạn đã nghỉ việc ở công ty cũ. Có ghi nội dung chứng minh từ ngày nào, bạn không còn là nhân viên của công ty đó nữa. 退職証明書

Giấy tờ chứng minh thu nhập trong 1 năm trước đó ở công ty cũ. 源泉徴収票

Giấy tờ liên quan đến bảo hiểm: Thể hiện bạn không còn quyền được nhận bảo hiểm ở công ty cũ nữa. 健康保険資格喪失証明書

Giấy chứng nhận người được bảo hiểm thất nghiệp. 雇用保険被保険者証

Liên quan đến những thủ tục các bạn phải thực hiện với cục xuất nhập cảnh, thủ tục liên quan đến bảo hiểm, lao động… có rất nhiều thủ tục phức tạp, nếu bạn nào có những băn khoăn, hay không hiểu thì có thể để lại comment ở dưới nhé.

Kết lại

Ở trên, là 5 lưu ý quan trọng khi các bạn nghỉ việc, chuyển việc nhé. Khi quyết định nghỉ việc, chuyển việc nghĩa là chúng ta có một quyết định quan trọng trong cuộc đời. Hãy cố gắng, trong thời điểm chúng ta đưa ra quyết định này, chúng ta thể hiện sự trân trọng, biết ơn đối với môi trường cũ – nơi mà đã cho chúng ta tiền, cơ hội học tập và sử dụng những nguồn năng lượng tích cực để hướng đến, để mình thử thách trong công việc mới. Và đặc biệt, chúng ta là những người nước ngoài ở Nhật khi chuyển việc phải đặc biệt lưu ý làm đúng, làm tốt những thủ tục cần thiết để không gặp khó khăn khi bước vào môi trường mới. 

 

Theo phihoa.com

Japan IT Works



Việc làm theo chuyên ngành

Việc làm theo ngành

Việc làm theo tỉnh thành