Đi siêu thị ở Nhật Bản có gì thú vị?


Ở Nhật Bản, khái niệm "chợ" hầu như không còn nữa. Thay vì đến chợ, người Nhật lựa chọn các siêu thị là nơi để mua thực phẩm hằng ngày. Vậy có gì hay ho ở siêu thị Nhật?

1. Giá cả giao động theo khung giờ

Các mặt hàng khi được bày bán trên kệ sẽ được nhân viên siêu thị dán tem ngày sản xuất và hạn sử dụng để khách hàng có thể theo dõi độ tươi ngon của thực phẩm.

Hầu hết các sản phẩm tươi sống trong siêu thị mình thấy không có hạn sử dụng quá lâu, nhiều nhất chỉ tầm khoảng từ 2 đến 3 ngày sử dụng vì các siêu thị luôn thay đổi và cung cấp nguồn thực phẩm tươi mỗi ngày.

Các siêu thị ở Nhật (tùy theo mỗi siêu thị có quy định riêng) sẽ có khung giờ giảm giá cho những sản phẩm gần hết hạn sử dụng trong ngày, thường là vào cuối ngày.

Ví dụ như một siêu thị lớn trong khu nhà của mình có khung giờ giảm giá các loại rau củ là 18 giờ, các loại thịt là sau 19 giờ 30, trái cây cắt sẵn là 21 giờ hằng ngày. Tuỳ vào thời gian sử dụng của sản phẩm còn nhiều hay ít mà giá sẽ được giảm từ 20% đến 70%.

Cơm Bento thì được giảm giá 50% sau 19 giờ

Đối với mình, mình thường hay canh giờ giảm giá khi đi mua sắm để tiết kiệm được một phần chi tiêu hằng tháng.

Tuy nhiên, vì những sản phẩm được giảm thường có hạn sử dụng ngắn nên mình chỉ mua vừa đủ ăn trong 1 đến 2 ngày. Như thế mình vừa tiết kiệm được khoản chi phí ăn uống, vừa đảm bảo sức khỏe của bản thân nữa.

sieu thi o Nhat

2. Các loại hạn sử dụng

Điều thú vị thứ hai mình muốn chia sẻ là hạn sử dụng được in trên các bao bì sản phẩm ở Nhật có hai loại chính:

  • 賞味期限 (Shoumikigen): vị đồ ăn sẽ không còn ngon sau hạn này nữa, tuy nhiên sản phẩm vẫn có thể sử dụng được
  • 消費期限 (Shouhikigen): hạn sử dụng của thực phẩm, sau hạn này sản phẩm sẽ không còn sử dụng được nữa

Từ khi biết được thông tin này, khi lựa chọn thực phẩm ở siêu thị Nhật mình hay để ý các dòng lưu ý này để không phải nhầm lẫn, và lưu ý thêm về hạn sử dụng để được thưởng thức các món ăn đúng vị và ngon hơn.

Hạn sử dụng được in trên bao bì (Shoumikigen)

賞味期限

3. Nói KHÔNG với túi ni lông

Mình đã vô cùng bất ngờ về việc không sử dụng túi ni lông trong các siêu thị ở Nhật Bản. Phong trào hạn chế sử dụng đồ nhựa không còn là điều xa lạ ở các nước hiện đại trên thế giới, tuy nhiên điều mình bất ngờ ở đây là ý thức của tất cả mọi người.

Khi vào bất cứ một siêu thị nào ở Nhật, bạn có thể dễ dàng bắt gặp các bà các cô tay đều mang theo một chiếc túi vải đi chợ đầy kiểu dáng và màu sắc để đựng hàng hoá sau khi mua sắm, thay cho việc dùng túi ni lông.

Việc không dùng túi ni lông khi đi siêu thị như đã trở thành một thói quen của người Nhật.

Và cũng nhờ đó mình đã thay đổi thói quen bắt đầu dùng túi vải khi đi mua sắm. Mình cảm thấy thực sự rất may mắn khi sống trong một xã hội hiện đại và văn minh như thế này.

Bảng thông báo về việc mua túi ni lông tại quầy tính tiền ở siêu thị Nhật 5 Yên/1 túi lớn, 3 Yên/1 túi bé

Tuy nhiên, đối với một vài trường hợp khác như khách du lịch hoặc khách hàng quên mang theo túi mua sắm cũng có thể mua túi ni lông được bày bán ngay tại các quầy tính tiền.

Túi vải cá nhân được sử dụng khi đi mua sắm

Nếu phải mua túi ni lông trong siêu thị, các bạn hãy tái sử dụng nhiều lần để tránh lãng phí nhé.

プラスチック袋

4. Tự do mang đồ cá nhân vào siêu thị

Ở Nhật chúng mình có thể mang tất cả các đồ dùng cá nhân theo mà không cần phải gửi hoặc kiểm tra qua nhân viên.

Mình rất tò mò về quy định này ở Nhật vì như thế rất dễ xảy ra các tệ nạn xã hội như trộm cắp.

Một người bạn Nhật của mình đã giải thích rằng việc trộm cắp ở Nhật sẽ bị xử phạt rất nghiêm và nặng nên ở đây rất hiếm có trường hợp tệ nạn xảy ra ở các siêu thị.

Trên đây là những điều thú vị của siêu thị Nhật Bản mà mình biết được. Sự phát triển của đất nước công nghiệp Nhật Bản ngày không ngừng tăng lên, kéo theo sự đổi mới không ngừng của ngành dịch vụ nói chung và các chuỗi siêu thị nói riêng.

Chắc chắn rằng trong tương lai, siêu thị Nhật bản còn có nhiều điều mới mẻ, thú vị và hiện đại hơn nữa!

Theo wakuwaku.today

Japan IT Works 

 



Việc làm theo chuyên ngành

Việc làm theo ngành

Việc làm theo tỉnh thành