Mối quan hệ hàng xóm với nhau ở Nhật Bản (P2)


Tiếp nối những vụ Murahachibu ở phần 1, phần này có những câu chuyện liên quan đến nhờ vả và kiện tụng (隣人訴訟) của hàng xóm ở Nhật với nhau. Việc gắn bó lâu dài ở một môi trường làm việc , môi trường sống ở nước ngoài chưa bao giờ là dễ dàng. Vì vậy, càng có nhiều kiến thức và kinh nghiệm qua sách báo thì càng có thời gian thích nghi ngắn hơn phải không nào?

Năm 1977, Nhật Bản xảy ra vụ kiện người hàng xóm giữ trẻ không may bị chết đuối. Đây là một trong những vụ án điển hình và cơ bản nhất của giới học luật và đặc biệt có ảnh hưởng lớn trực tiếp đến quan hệ hàng xóm láng giềng của người Nhật nói riêng và xã hội Nhật nói chung.

Tóm tắt:

Vợ chồng X, có 2 con, con trai là bé A 3 tuổi (thiệt mạng)

Vợ chồng Y, hàng xóm với vợ chồng X, có 3 người con.

Hai gia đình chuyển đến khu vực cùng thời điểm nên sống hòa thuận, thân thiết với nhau.

Ngày 8/5/1977,  bé A chơi xe đạp cạnh nhà Y với con trai thứ 3 (bé B) của vợ chồng Y.

3 giờ chiều cùng ngày, chị X đi chợ định đưa bé A đi cùng nhưng A đang mải chơi không muốn đi cùng mẹ.

Do đó, chị X nhờ vợ chồng Y trông A giùm 1 lúc để đi chợ. 

Trong lúc chị X đi chợ, bé A đã rơi xuống ao gần đó và chết đuối. Vợ chồng Y bận việc dọn dẹp nhà cửa, không hề biết bé A rơi xuống chết đuối cho đến khi bé B vào báo.

MẤT MÁT + MÂU THUẪN GIỮA 2 GIA ĐÌNH

Khi vợ chồng X hỏi “Tại sao lại không trông bé A?” thì vợ chồng Y có nói “Vì bận dọn dẹp nhà cửa”. Thêm vào đó, sau tang lễ, gia đình Y không nói 1 lời chia buồn hay 1 lời xin lỗi nào cả. Điều này khiến gia đình X nghĩ rằng “Vậy là lúc đó, họ không hề có thiện ý trông giữ thằng bé giúp mình”.

Vợ chồng X cho rằng,  Vợ chồng Y nhận lời trông con giúp họ thì phải có trách nhiệm. Việc họ yêu cầu gia đình Y xin lỗi vì đã để bé A họ ngã ao chết đuối như vậy là hiển nhiên.

Ngược lại, gia đình Y cho rằng, đây là sự cố ngoài mong muốn. Chị X có lỗi trong việc con chị là bé A chết vì chị biết là gia đình Y đang bận dọn dẹp nhà cửa mà vẫn cố tình gửi con. Họ bất mãn với thái độ yêu cầu xin lỗi của gia đình X vì nghĩ rằng mình đã “làm ơn mắc oán”.

KHỞI KIỆN

Vợ chồng chị X khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với vợ chồng Y và thành phố Suzuka, nhà nước, tỉnh Mie và cả chủ thầu xây dựng khai thác cát (để sau khi khai thác cát để lại ao hố sâu gây nguy hiểm). Cụ thể, đối với vợ chồng Y, Vợ chồng X cho rằng họ có trách nhiệm trông coi bé A như đã hứa, do đó vợ chồng Y đã vi phạm HỢP ĐỒNG UỶ THÁC.

Ngày 25/2/1983, Toà sơ thẩm đã công nhận phía vợ chồng Y có nghĩa vụ trông coi bé A theo Điều 709, 719 luật Dân sự Nhật Bản, do đó chấp thuận yêu cầu bồi thường thiệt hại trên 500 vạn yên của vợ chồng X.(津地判昭和58年2月25日判例時報1083号125頁)

đọc báo

Báo chí dẫn dắt dư luận ngày càng đi theo hố sâu của sai lầm 

BÁO CHÍ DẪN DẮT DƯ LUẬN

Tuy nhiên, cũng từ phán quyết này của Toà án được báo chí đăng tải với những tiêu đề như “Một bản án quá cay đắng cho người hàng xóm tốt bụng” 「隣人の好意に辛い裁き」

“Đã nhận giữ trẻ con là gánh trách nhiệm giám sát”「子供預かったら監督責任」

”Người hàng xóm thiện ý thua kiện”「善意の隣人敗訴」

”Không thể dễ dàng nhận giữ trẻ hộ”「気楽に預かれない」

hoặc là “Gáo nước lạnh dội vào tình làng nghĩa xóm”「近所付き合いに冷水」

Từ đây, dư luận nổi sóng. Nhiều người viết thư động viên vợ chồng Y đã thua kiện.  Mặt khác, dân tình dùng thư, điện thoại nặc danh để chỉ trích, chửi rủa gia đình X, người đã mất đi đứa con mãi mãi. Chưa đầy nửa tháng lịch sử cuộc gọi nặc danh lên đến 300 cuộc gọi. Chủ yếu với nội dung “Các người có phải là người không? Có phải là người Nhật không? Đồ máu lạnh, hãy tự biết lấy xấu hổ!” hay là “Chúng mày đúng là quỷ mà. Dùng oán báo ơn người đã trông con cho mình”, “Dùng đứa con đã chết bằng lỗi bất cẩn của mình để kiếm tiền, thử hỏi các vị có phải là con người nữa không? ”…. Rất rất nhiều.

SỰ TẨY CHAY CỦA XÃ HỘI

xã hoi nhat abn

Chỉ sau khoảng 2 tuần Tòa án công bố bản án, Vợ chồng X không chịu được sức ép dư luận và tẩy chay từ xã hội nên đã phải rút đơn kiện, không thụ nhận bồi thường thiệt hại.

Cụ thể: Công ty của chồng X là công ty nhận thầu công trình điện, ngay sau bản án được công bố, tất cả hợp đồng của công ty anh bị huỷ bỏ không 1 lý do. Không phải nói nhiều, hẳn là do vụ kiện. Con gái lớn của vợ chồng X học lớp 5, bị bạn bè bắt nạt, dồn hỏi về vụ kiện của em trai mình. Thậm chí đến việc kinh doanh của họ hàng vô can của vợ chồng X cũng bị ảnh hưởng. Họ hàng bức xúc vì bị vạ lây nên đến đay nghiến: “Các người kiện tụng để được lợi lộc gì chứ?” và khuyên vợ chồng X nhanh chóng rút đơn kiện để mà sống như bình thường.

Do có quá nhiều tranh cãi và nhiều luồng dư luận, Bộ Tư Pháp Nhật Bản đã giải thích rằng cần tôn trọng nhân quyền của cả 2 bên. Bất cứ người dân nào cũng có quyền khởi kiện theo quy định pháp luật.  Đến đây,  báo đài với sức mạnh truyền thông vốn có 1 lần nữa bẻ lái dư luận với những bài báo:

“Gây phiền toái cho người khác là bạo lực ”「嫌がらせは暴力」

“Ai cũng có quyền khởi kiện” 「裁判を受ける権利あり」

“Phán quyết của Tòa án là phù hợp theo thuyết thông thường”「判決は通説に沿った妥当なもの」

Những ngòi bút này xoay chuyển tình thế biến những lời chửi rủa vợ chồng X thành những lời động viên, chia sẻ mất mát đáng lẽ nên có từ đầu.

KẾT QUẢ

Kết quả là kiện tụng cũng bị rút, trên thực tế không có khoản bồi thường nào hết nhưng mối quan hệ hàng xóm láng giềng rạn nứt không thể hàn gắn lại. Một phần không thể phủ nhận búa rìu của dư luận cũng đã thêm thắt tạo sóng gió cho vụ kiện trở nên nghiêm trọng và tác động mạnh đến nhận thức về mối quan hệ hàng xóm của người Nhật.

Từ đây, người Nhật bắt đầu dè chừng và thận trọng hơn với việc nhờ vả của hàng xóm.

Theo Cafe Việt - nói chuyện Nhật

Ảnh pexels

Japan IT Works



Việc làm theo chuyên ngành

Việc làm theo ngành

Việc làm theo tỉnh thành