5 Bước tạo thiện cảm với người Nhật


Văn hoá ứng xử và tư duy của người Nhật có những nét đặc trưng khác biệt so với các nước Châu Á khác. Vì vậy, trong môi trường làm việc với sếp Nhật, đồng nghiệp Nhật sẽ có những lúc bị “lệch pha” và mất thiện cảm với nhau. Bài này sẽ chia sẻ 5 bước để có thể tạo thiện cảm với sếp, đồng nghiệp trong môi trường công sở

1. Lễ phép

Người Nhật có thiện cảm cao với người lúc nào cũng tươi cười, lễ phép, đi thưa về trình, trả lời khi bị hỏi.

Có nghĩa là phải biết chào hỏi. Để làm được việc này bạn nên thuộc làu những câu chào hỏi của Nhật. Có những câu cực kỳ đặc trưng mà không có trong tiếng Việt. thêm vào đó cũng nên biết về cách thức chào hỏi (tư thế, phong thái) ra sao.

Ví dụ:

Sáng vô chỗ làm thì: おはようございます。

Trưa nghỉ giải lao thì: 休憩いただきます。

Chiều về thì: お疲れ様です。お先に失礼します。

Ai làm giúp cái gì thì cũng phải: ありがとうございます。/ 助かりました。

Sai thì phải cúi đầu nói ngay: ごめんなさい。( Tuyệt đối không nói lí do lí trấu gì hết. Chỉ xin lỗi thật thành tâm thôi)

Nhận quà, đồ ăn, ăn xong là phải đi lại chỗ người cho nói: ご馳走様でした。美味しかったです。

Còn rất nhiều câu chào hỏi khác, mình chỉ liệt kê ra những trường hợp thường gặp nhất.

Và quan trọng nhất là nhớ CƯỜI THẬT TƯƠI khi nói.

Đương nhiên, mình không khuyến khích các bạn giả tạo. Tuy nhiên, một gương mặt vui vẻ, xởi lởi, cười tươi (cho dù đó là nụ cười không lên tới khoé mắt, nụ cười công nghiệp đi chăng nữa) thì đối với người Nhật, vẫn hơn là một gương mặt cau có.

Họ hay trông mặt bắt hình dong, thấy bạn cau có họ sẽ thổi phồng rằng bạn Kowai, ghét họ,… Nếu người thực sự hiểu chuyện sẽ lại hỏi bạn “Có ổn không?” Tuy nhiên, người như vậy hơi hiếm có.

2. Lễ nghĩa

Người Nhật thường giữ một khoảng cách cả về vị trí địa lý lẫn tâm hồn với người khác, cho dù đó là người thân, bạn bè. Về khoảng cách địa lý: thì nên giữ khoảng cách thích hợp với từng đối tượng. So với các nước phương Tây thì khoảng cách địa lý giữa người Nhật xa hơn.

người nhật

Người Nhật luôn giữ khoảng cách

Ví dụ:

Khoảng cách xã hội (離社会距離) Có không gian để đối phương dễ dàng nói chuyện, tức là mình có giơ tay ra cũng không chạm đối phương.

  * Với người lạ, đối tác kinh doanh: 1.2~2m

  * Trong các cuộc họp với đối tác kinh doanh: 2~3.5m

Khoảng cách nơi công cộng: (公共距離) phải chia sẻ không gian chung với nhiều người

  * Người thuyết trình và khán giả: 3.5~7m

  * Người thường và người có chức quyền: trên 7m

(Trích bài báo cáo của nhà văn hóa nhân học người Mỹ, ông Edward Hall)

Việc phải để ý từng khoảng cách mấy mét, đôi khi cũng rất khó. Các bạn cứ quan sát và điều chỉnh với đối phương. Nhưng thường, đừng nên đứng quá gần khoảng 1 sải tay, khi xếp hàng cũng vậy. Trừ những trường hợp bị nhồi nhét trên tàu người Nhật mới lại quá gần người khác, tuy nhiên họ cũng dùng những dụng cụ như dù, túi xách để tạo khoảng cách với người khác.

Về khoảng cách tâm hồn:

Đừng nên hỏi quá sâu về đời tư, thu nhập, tâm sự chuyện nhà khi họ chưa tự hỏi mình. Người Việt thường cho là hỏi như vậy vì quan tâm nhưng người Nhật lại cảm thấy việc đó là thô lỗ.

Hạn chế than thở, tâm sự chuyện đời cô Lựu với họ vì đa phần họ thích nghe những câu chuyện vô thưởng, vô phạt, thú vị

Hạn chế khoe khoang, chém gió. Càng khiêm tốn càng tốt

3. Chữ tín

Nên đúng giờ, làm những gì mình nói và nói thật.

người nhật

3.1. Đúng giờ

Đi làm đúng giờ ở công ty Nhật là có mặt ngay tại bàn làm việc trước 15 phút. VD: 9 giờ làm thì 8:45 có mặt

Đúng giờ ở cuộc họp nội bộ là có mặt trước 5 phút ở phòng họp.

Đúng giờ ở cuộc họp chỗ khách hàng là có mặt trước 5-10 phút ở cửa văn phòng khách.

3.2. Ăn nói rõ ràng, rành mạch, báo cáo tiến độ:

Trình bày theo cấu trúc nói Kết quả trước, Diễn giải sau.

Nói theo cấu trúc 5W 3H như mình đề cập trong rất nhiều bài.

Công việc chưa xong thì nói chưa xong, nói rõ thời điểm sẽ hoàn thành.

Với câu hỏi Yes/ No question thì trả lời dứt khoát Yes hoặc No. Không lí do, lí trấu, dài dòng

3.3. Thành thật

Tức là không nói những lí do như: Đi trễ do kẹt xe.

Người Nhật sẽ cho là bạn xuất phát trễ, ngủ nướng. Vì nên tính luôn thời gian bị kẹt xe để xuất phát và có mặt ở công ty trước 15 phút.

Thành thật là làm sai, chưa có kết quả thì báo cáo như vậy. Tìm ra lí do và đưa ra nguyên nhân khắc phục để lần tới không mắc sai lầm.

Thành thật là không nói nước đôi, lấp liếm, đổ lỗi cho người khác.

4. Nhân

Cuối cùng vẫn là con người và nhân cách của bạn.

Cho dù bạn có xởi lởi, cười tươi đến đâu nhưng tận trong tâm bạn là người xấu, có ý định hại người thì cũng không thể che giấu được và người Nhật “soi như ra đa” sẽ nhìn ra.

Vì vậy, nên đối xử chân thành, hoàn thành tốt công việc của mình và giúp đỡ đồng nghiệp.

Người Nhật thích người khiêm tốn, thật thà và tốt bụng.

người nhật

5. Trí

Trí ở đây không hoàn toàn là trí thông minh, mà mình muốn nói đến trí khôn, năng lực.

Bạn nên hiểu sếp Nhật đa phần chỉ cần một nhân viên chăm chỉ, cẩn thận, biết nghe lời. Họ không thích một nhân viên cá tính, cãi tay đôi.

Cho nên, mấy sếp Nhật hay nói với nhau: “Nên tuyển nhân viên nữ vì biết nghe lời, siêng năng và ít háo thắng!”. (Đọc đến đoạn này, các bạn nam đừng giận mình, mình chỉ chia sẻ lại lời các bác thôi )

Vì vậy, bạn cần hiểu sếp cần gì, muốn gì mà biết im lặng hay đưa ý kiến đúng lúc. Người như vậy mới là thông minh thực sự.

Ngoài ra, bạn nên học hỏi không ngừng để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ của bản thân, cố gắng trưởng thành lên hằng ngày. Thường xuyên trao đổi với sếp để nâng cao năng lực nghiệp vụ.

japan

Ví dụ:

Khi hỏi ý kiến sếp 1 việc gì đó thì nên tra cứu trước, đưa ra các lí do và phương án dự phòng.

Khi sếp giận, thì nên biết im lặng. (Còn sếp thường xuyên nóng giận và chửi rủa thậm tệ thì nên im và tìm công ty khác). Đừng cãi tay đôi hay đánh lộn với sếp (mình đã gặp vài trường hợp) vì với cách nhìn của người Nhật thì người vung tay là Kẻ sai dù lí do là gì đi nữa.

Trên đây là 5 bước mình từng thực hiện và khá thành công. Chúc bạn luôn tạo được thiện cảm với người Nhật và tất cả mọi người bạn tiếp xúc. Thêm 1 người bạn, bớt 1 kẻ thù. Phải có mối quan hệ xung quanh tốt thì mới phát triển được đúng không nào.

Theo Miiko

Ảnh Internet

Japan IT Works



Việc làm theo chuyên ngành

Việc làm theo ngành

Việc làm theo tỉnh thành