Cách lựa chọn công ty để làm việc tại Nhật (P2)


Những tiêu chuẩn để lựa chọn công ty khi xin việc tại Nhật Bản. Ngoài những yếu tố cơ bản như nội dung công việc có những điểm nhất định phải chú ý. Trước khi quyết định ứng tuyển, bạn hãy đọc kỹ bài viết này để không phải hối hận về quyết định của mình sau khi vào làm tại công ty mới nhé.

Ở phần trước đã đề cập 4 yếu tố cần chú ý khi xin việc tại Nhật. đây là những yếu tố tiếp theo:

5. Nội dung công việc

Tiếp theo, chúng ta cùng xét đến nội dung công việc. Tại các công ty Nhật Bản, nhiều khi nội dung công việc không được xác định rõ ràng vào thời điểm tuyển dụng. Thông thường sau khi bạn vào công ty và bắt đầu công việc, người ta mới dựa trên năng lực của bạn và hiện trạng công việc để quyết định về nội dung và khối lượng công việc giao cho bạn. Bên cạnh đó, ở nhiều công ty còn có chế độ luân chuyển sang công việc khác trong quá trình làm việc. Ưu điểm của chế độ này là bạn có thể trải nghiệm phạm vi công việc rộng hơn, nhưng đồng thời cũng có nhược điểm đó là khiến những ai mong muốn được phát triển chuyên sâu vào một lĩnh vực cảm thấy áp lực.

Đối với các công ty liên doanh nước ngoài, nội dung công việc và mục tiêu cụ thể sẽ được liệt kê rõ ràng trong bản mô tả công việc khi tuyển dụng. Nhờ đó, công việc của bạn sau khi được nhận vào công ty sẽ không có nhiều khác biệt với kỳ vọng ban đầu, và bạn có thể dễ dàng lập kế hoạch sự nghiệp cho bản thân. Tuy nhiên, sau khi được nhận vào làm, bạn sẽ ít có cơ hội được luân chuyển sang lĩnh vực khác, ít có cơ hội được thử thách bản thân và phát triển sự nghiệp cũng như tăng lương trong chính công ty đó.

6. Thời gian làm việc

thoi gian lam viec

Điều cần quan tâm trong thời gian làm việc là thời lượng làm thêm. Trong mục điều kiện làm việc khi đăng tin tuyển dụng cũng sẽ đề cập đến số giờ làm thêm dự tính của vị trí đó, tuy nhiên lượng thời gian này sẽ thay đổi tùy vào vị trí công việc và thời kỳ cụ thể. Giờ làm thêm mang một ấn tượng tiêu cực nên có những trường hợp thường được nói giảm đi so với thực tế, hoặc thậm chí không được đề cập tới trong điều kiện làm việc nhưng đến khi vào làm việc tại công ty nhân viên vẫn phải làm thêm hàng ngày.

Để xác định mức thời gian làm thêm thực tế, không còn cách nào khác là bạn hãy hỏi trực tiếp nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn. Ngoài số giờ làm thêm, bạn hãy tưởng tượng ra những tình huống khi làm việc thực tế để chuẩn bị thêm những câu hỏi theo nhiều góc độ khác như: thời điểm bận rộn nhất là khi nào (theo mùa hay cuối tháng, đầu tháng, v.v.), có phải đi làm vào ngày nghỉ không, nếu có thì có được nghỉ bù vào ngày khác không, v.v.

7. Có luân chuyển công việc hay địa điểm làm việc hay không

Một việc nữa bạn cần xem xét là sau khi vào làm có bị luân chuyển công việc hay địa điểm làm việc hay không. Không như mô tả công việc, trong các công ty Nhật thường có kiểu vị trí “chức vụ tổng hợp” có thể bị luân chuyển công tác. Hơn nữa, ở những công ty lớn hay công ty liên doanh nước ngoài có nhiều chi nhánh trong nước và nước ngoài, có những trường hợp cứ 2 – 3 năm nhân viên lại bị chuyển công tác một lần.

Bạn có thể kiểm tra thông tin tuyển dụng xem công việc có yêu cầu luân chuyển công tác hay không, tuy nhiên để biết có bị luân chuyển trên thực tế hay không thì bạn nên hỏi trực tiếp nhà tuyển dụng khi phỏng vấn. Đồng thời, việc luân chuyển vị trí trong công ty thường không được ghi rõ nên bạn có thể đặt câu hỏi để được biết tình trạng cụ thể của công ty, có chế độ đó hay không và có được luân chuyển theo nguyện vọng hay không.

8. Tầm nhìn của công ty, cơ hội đào tạo

tam nhin chien luoc

Mỗi công ty là một tập hợp của nhiều người, cùng nhau làm việc và hợp tác để hướng tới một mục đích chung. Chính vì vậy, tầm nhìn của công ty là yếu tố vô cùng quan trọng, là mục tiêu chung để mọi người cùng hướng tới. Việc một công ty có tầm nhìn rõ ràng để hoạch định kinh doanh hay không, và việc bạn có thể đồng cảm với tầm nhìn đó hay không sẽ tạo ra cảm giác tin tưởng sau khi chính thức được nhận vào làm việc.

Ngoài ra, một công ty tập trung nguồn lực vào phát triển nhân lực sẽ thường xuyên tiến hành đào tạo tại công ty hoặc hỗ trợ chi phí cho nhân viên đi học và kiểm tra trình độ để nâng cao kỹ năng. Vì những công ty coi trọng nhân viên thường tích cực hỗ trợ cho nhân viên nên đây sẽ là một yếu tố để xác định thái độ của công ty.

9. Văn hóa công ty, môi trường làm việc, quan hệ con người

japan office

Trong công việc, văn hóa công ty và môi trường làm việc cũng quan trọng không kém gì nội dung công việc. Các công ty Nhật thường tin rằng mối quan hệ thân thiết giữa đồng nghiệp sẽ góp phần giúp công việc trở nên thuận lợi, suôn sẻ hơn. Vì vậy mà nhiều công ty thường bỏ kinh phí ra để tổ chức những buổi tiệc rượu cũng như nhiều sự kiện trong năm như tiệc tất niên, tiệc mừng năm mới. Các sự kiện trong năm thường được đề cập trong thông tin tuyển dụng còn các buổi tiệc rượu thì không. Bạn có thể hỏi thêm về vấn đề này trong buổi phỏng vấn nếu thấy quan tâm.

Bên cạnh đó, quan hệ con người ở một công ty có tốt hay không còn tùy thuộc rất lớn vào quan điểm của từng người nên khó có thể đưa ra một nhận định chung. Tuy nhiên một tiêu chí bạn có thể hỏi để đánh giá chính là tỷ lệ nghỉ việc. Tại những công ty có môi trường làm việc không được tốt, tỷ lệ nghỉ việc nhìn chung thường cao hơn. Ngoài ra, bạn nên tìm hiểu lý do nếu công ty đó thường xuyên đăng tin tuyển dụng trên các trang tuyển dụng. Nếu lý do tuyển dụng là vì mở rộng kinh doanh thì không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên nếu không ghi rõ lý do thì bạn cũng nên lưu ý vấn đề này.

10. Địa điểm văn phòng

dia diem van phong

Nếu công việc yêu cầu phải tới văn phòng hàng ngày thì vị trí văn phòng cũng là một tiêu chí bạn cần phải xem xét. Những công ty có văn phòng gần nhà ga sẽ thuận tiện cho việc đi lại, đỡ vất vả vào những ngày mưa gió nên được ứng viên rất quan tâm. Bạn cũng cần xem xét với vị trí văn phòng như vậy thì nên thuê nhà ở đâu cho thuận tiện, tránh tình trạng vào công ty rồi mới lo đi tìm nhà.

Đặc biệt ở Tokyo, vào giờ cao điểm buổi sáng, có những tuyến tàu có lượng khách vượt quá 120% tải trọng cho phép. Vì vậy, bạn nên chọn công ty sao cho không phải chuyển tàu nhiều hoặc tuyến từ nhà đến công ty không phải là tuyến đông người. Để yên tâm, bạn hãy hỏi xem có thể làm việc tại nhà khi xảy ra thiên tai hay dịch bệnh hay không.

Hiện trạng và những vấn đề mà người nước ngoài gặp phải khi làm việc tại các công ty Nhật

Tại Nhật Bản và đặc biệt là các công ty 100% vốn nội địa Nhật luôn tồn tại thứ văn hóa “làm việc trọn đời”, nơi nhà tuyển dụng muốn nhân viên làm việc cho mình càng lâu càng tốt. Vì vậy mà trong các buổi phỏng vấn tuyển dụng, nhiều công ty sẽ xem xét khả năng hợp tác lâu dài của ứng viên, cụ thể là có thể thích nghi với văn hóa công ty hay không, có thể làm việc ăn ý với những nhân viên người Nhật khác hay không. Khi tuyển dụng người nước ngoài, thái độ hợp tác cũng được đánh giá ngang bằng với nội dung công việc hay thành tích. Vì vậy, bạn hãy chuẩn bị sẵn những ví dụ thực tế để minh họa về khả năng hợp tác và thích ứng của mình trong quá trình sinh sống ở Nhật Bản trước đó.

Về năng lực tiếng Nhật, hầu hết đều yêu cầu trình độ N2, N3 trở lên, song cũng tùy từng công việc mà có nơi chỉ yêu cầu N4 trở xuống. Việc này một phần phụ thuộc vào nội dung công việc thực tế, một phần khác là do mức độ có thể chấp nhận được theo đánh giá của từng công ty. Cũng có những trường hợp không quan tâm tới trình độ tiếng Nhật mà chỉ đánh giá dựa trên bản chất con người, vì vậy đừng chỉ tập trung tới kỹ năng tiếng Nhật mà còn cần phát huy những điểm mạnh và định hướng của bản thân.

Cùng với tiến trình toàn cầu hóa, trong những năm gần đây một bộ phận doanh nghiệp tiên tiến đã chuyển sang sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức, nhưng nhìn chung vẫn còn tồn tại nhiều công ty giữ lối làm việc cũ, chưa sử dụng tiếng Anh nhiều. Khi quyết định làm việc trong một công ty Nhật, một điểm quan trọng cần cân nhắc là bạn có thể thích ứng với văn hóa và lề lối làm việc cố hữu của công ty đó hay không.

Các công ty Nhật Bản có những nét văn hóa và phong tục đặc trưng riêng. Việc coi đó là ưu điểm hay nhược điểm là tùy thuộc ở bạn. Bạn hãy tham khảo những điểm nêu trên trong tương quan với quan điểm sự nghiệp của bản thân để tìm được công việc phù hợp nhé.

Theo tsunagulocal.com

Japan IT Works 



Việc làm theo chuyên ngành

Việc làm theo ngành

Việc làm theo tỉnh thành