Học gì để trở thành Kỹ sư cầu nối (BrSE - Bridge System Engineer)?

08/03/2021

Nghề Bridge System Engineer (BrSE) làm gì mà có mức lương cao như mọi người nói? Hãy cùng tìm hiểu vị trí này qua 9 câu hỏi dưới đây nhé.

1. Kỹ sư cầu nối là gì? có phải là Kỹ sư cầu đường không?

Kỹ sư cầu nối, Bridge system engineer, trong chức danh công việc có từ Bridge (cầu) nhưng thực sự ra chẳng liên quan gì đến cầu đường. 

Bridge system engineer (BrSE) thực chất là người kết nối giữa đội nhóm làm việc với khách hàng (offshore) và đội phát triển (onshore development team) trong các công ty cung cấp dịch vụ outsourcing. 

Chức năng chính của kỹ sư cầu nối là hiểu được yêu cầu của khách hàng, truyền tải những yêu cầu của khách hàng về cho đội phát triển. BrSE cũng phải đảm bảo khách hàng nhận được những câu trả lời  từ đội phát triển đưa đến cho họ. 

Nói cách khác kỹ sư cầu nối cũng là người tư vấn kỹ thuật cho khách hàng, đưa ra các giải pháp mà bài toán khách hàng đưa ra. Đồng thời họ cũng phải theo dõi tiến độ dự án, là người chịu trách nhiệm về sản phẩm khi bàn giao cho khách hàng.

Chúng ta có thể nói ngắn gọn về vai trò của một Bridge System Engineer như sau:

BrSE có vai trò là một người phân tích yêu cầu từ khách hàng (Business Analyst), là lập trình viên (Developer) khi cần thiết, là người kiểm thử (Tester) khi bàn giao sản phẩm đồng thời cũng là người giám sát kế hoạch thực hiện (Project Manager).

2. BrSE là một tech stack, hay là một vị trí?

Chức danh BrSE thường chỉ xuất hiện trong các công ty IT làm về dịch vụ outsourcing. Đây là chính xác là một chức danh công việc chứ không phải một kỹ năng kỹ thuật. Người ở vị trí BrSE có thể có những kỹ năng kỹ thuật khác nhau tùy vào công ty, lĩnh vực và khách hàng họ đang phục vụ. Cũng có thể coi BrSE là một nghề trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

3. Có phải BrSE chỉ có trong các công ty Nhật?

Chức danh Bridge System Engineer rất phổ biến trong các công ty Nhật. Tuy nhiên chức danh này có cả trong những công ty từ các nước khác nữa.

4. Không biết ngoại ngữ hoặc ngoại ngữ yếu có làm BrSE được không?

Không. Nếu muốn làm cho công ty Nhật và làm cho thị trường Nhật ứng tuyển vào vị trí BrSE thì tiếng Nhật phải ít nhất trình độ N2 trở lên, hoặc là bạn sẽ bị đánh rớt ngay từ vòng gửi xe.

5. Kỹ sư cầu nối có cần biết lập trình không?

Bạn có thể làm cầu nối mà không biết lập trình.

Trong trường hợp không phải là người xuất thân từ một programmer hay là người có background về là IT, để làm tốt vai trò BrSE bạn cần phải:

  • Tìm hiểu và nắm rõ các thuật ngữ chuyên ngành IT.
  • Nắm các kiến thức về phần mềm, công nghệ phần mềm.
  • Có kiến thức, hiểu về quy trình phân tích nghiệp vụ (business analytics)

BrSE sẽ có nhiều lợi thế hơn nếu biết lập trình. Khi đó, bạn có thể tham gia code trong những trường hợp: làm sản phẩm demo cho khách hàng; dự án cần bạn hỗ trợ về code; khi làm việc với khách hàng cần đưa ra giải pháp kỹ thuật; khi cần đọc code hoặc review code; fix lỗi nhanh cho khách hàng; khi cần lên kế hoạch mà không chờ tư vấn từ đội phát triển onshore.. Nói tóm lại là rất nhiều lợi thế. 

Khi bạn biết và giỏi về code, bạn thật sự là một BrSE. Khi đó con đường sự nghiệp trong lĩnh vực này cũng sáng lạng hơn.

Để cụ thể hơn hãy đi đến bài viết giải thích lý do Tại sao BrSE cần phải biết code nhé!

6. BrSE cần những kỹ năng gì?

Để làm ở vị trí BrSE bạn cần những kỹ năng sau:

  • Kỹ năng ngoại ngữ: điều này là hiển nhiên. Như trên đã đề cập, bạn phải giỏi về ngôn ngữ mà môi trường bạn làm sử dụng để có thể hiểu được khách hàng và truyền tải thông tin chính xác.
  • Năng lực về kỹ thuật:  có kỹ năng kỹ thuật, rành ít nhất một ngôn ngữ lập trình (ví dụ Java, C#, JavaScript…)  sẽ giúp bạn làm việc tốt hơn trong các dự án.  Bên cạnh đó, nếu bạn biết coding cũng là lợi thế trong việc phát triển nghề nghiệp. Nhiều công ty đòi hỏi bạn phải biết code để làm vị trí này. Ngoài ra những kiến thức như thiết kế cũng sẽ giúp ích cho công việc của bạn.
  • Kỹ năng giao tiếp: là kỹ năng không thể thiếu. Với vai trò là cầu nối, bạn phải đảm bảo việc truyền tải thông tin giữa khách và và các team là chính xác, dễ hiểu. Bạn cũng cần phải có những kỹ năng giải quyết những vấn đề xung đột trong dự án khi cần thiết
  • Kỹ năng quản lý: có thể bạn không phải là lead hay quản lý dự án nhưng bạn sẽ là người đóng vai trò quan trọng trong việc thảo luận cùng đội ngũ phát triển trong việc lên kế hoạch, đồng thời giám sát và theo dõi tiến độ dự án. Bạn cũng tham gia vào quá trình kiểm thử sản phẩm trước khi bàn giao cho khách hàng. Bạn sẽ phải làm việc với nhiều nhóm khác nhau, và cần có những tiếng nói hay quyết định quan trọng đối với các bên liên quan. Vì vậy, kỹ năng quản lý thật sự cần đối với người làm ở vị trí này.
  • Hiểu biết và hòa nhập văn hóa: chắc chắn đất nước bạn làm việc cùng khách hàng sẽ có văn hóa làm việc và văn hóa chung khác với Việt Nam, đặc biệt là các công ty Nhật và khách hàng Nhật. Vì vậy bạn cần phải hiểu để hòa nhập và chọn cách làm việc sao cho phù hợp với văn hóa các bên.
  • Ngoài ra các kỹ năng mềm khác cũng rất quan trọng đối với một BrSE: kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc độc lập, làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề..

Yêu cầu về bằng cấp kỹ năng đối với kỹ sư cầu nối trên một tin tuyển dụng gần đây tại Việt Nam

7. Học gì để trở thành BrSE?

Để làm tốt ở vị trí Kỹ sư cầu nối, bạn cần phải:

  • Học ngoại ngữ, như trên đã đề cập tối thiểu N2
  • Nếu bạn không xuất phát là người có background IT, học các kỹ năng trong mục 5 đối với non-IT là cần thiết.
  • Tốt nhất là thành thạo một ngôn ngữ lập trình, một framework, nhiều hơn càng tốt.
  • Học các kỹ năng mềm như giao tiếp, giải quyết vấn đề… Thực tế các kỹ năng mềm nghe thì dễ nhưng không rèn luyện học hỏi thì không khá được.
  • Để phát triển, bạn cần những kỹ năng như quản lý, quản lý dự án… và để có những kỹ năng đó, bạn phải học.

Tùy người, tùy xuất phát điểm nhưng thông thường bạn cũng cần khá nhiều thời gian cho những kỹ năng đó. Quan trọng hơn nữa là phải thật sự quyết tâm.

8. Cơ hội phát triển của BrSE thế nào?

Nếu ví lộ trình của một BrSE như chiếc xe trên đường đua ta có thể tạm chia thành 5 cấp độ

Cấp độ

Mô tả

Khởi động

  • Chưa hoặc kinh nghiệm rất ít trong nghề này
  • Cần có người kèm cặp hướng dẫn thêm
  • Ngoại ngữ còn yếu
  • Cần trau dồi kỹ năng kỹ thuật và các kỹ năng mềm khác

Bắt đầu

  • Có khoảng 2 năm kinh nghiệm trong việc lập trình và học hỏi các kỹ năng kỹ thuật khác
  • Nếu làm cho công ty Nhật, thị trường Nhật thì tiếng Nhật phải tương đương N2 hoặc hơn. Tiếng Anh cũng phải đủ tốt.
  • Có thể làm việc độc lập tuy nhiên tham gia nhiều vào các vấn đề kỹ thuật hơn là những vấn đề khác.

Chạy ổn định

  • Ngoại ngữ thực sự trôi chảy khi làm việc, họp hành với khách hàng.
  • Các kỹ năng mềm (đề cập bên trên) đã trở nên tự nhiên
  • Tham gia vào những việc về quản lý dự án, quản lý team

Tăng tốc

  • Có kinh nghiệm về quản lý dự án, quản lý team.
  • Có khả năng tính toán, sắp xếp nhân sự phù hợp cho dự án
  • Có khả năng tư vấn, đàm phán với khách hàng, làm proposal

Về đích

  • Thực sự master về tất cả các kỹ năng
  • Có tầm nhìn, thể hiện được khả năng quản lý, khả năng lãnh đạo.
  • Là tài sản quý của công ty.

9. Những thách thức đối với kỹ sư cầu nối là gì?

Nghề BrSE có không ít những thách thức

  • Phải học hỏi và nâng cấp các kỹ năng liên tục: Nếu nhìn vào 5 cấp độ bên trên bạn sẽ thấy nếu không cải tiến, sự nghiệp của một BrSE sẽ dẫm chân tại chỗ.
  • Sự khác biệt về văn hóa: BrSE phải vượt qua được những khác biệt về văn hóa cả về văn hóa chung lẫn văn hóa của đất nước sở tại so với Việt Nam. Phải nhanh chóng hòa nhập và xem sự khác biệt là điều bình thường.
  • Cân bằng công việc, cuộc sống: BrSe phải đối mặt với các deadline dự án, với khối lượng công việc rất nhiều nên thời gian dành cho bản thân và gia đình sẽ ít.
  • Làm việc xa gia đình: tính chất công việc đòi hỏi bạn phải ở ngay gần khách hàng, và như vậy bạn thường phải xa nhà ngay cả những ngày lễ lạt, năm hết tết đến.
  • Đứng mũi chịu sào: BrSE làm việc trực tiếp với khách hàng và vì vậy bao vui buồn từ khách hàng đều lãnh đủ. Team nội bộ cũng không tha cho bạn khi có nhiều vấn đề họ phải xử lý.
  • Cô đơn và thiệt thòi: làm xa nhà, xa sếp, xa công ty chủ quản nên nhiều khi họ cũng không nắm được hết những gì bạn làm. Và vì vậy, không phải lúc nào lương bổng, quyền lợi, thăng tiến… cũng được xem xét một cách thấu đáo, công bằng.

Với 10 câu hỏi trên bạn có thể bạn đã biết thêm và có định hướng cho mình về nghề BrSE. Hãy lên kế hoạch học tập và phát triển sự nghiệp nhé.

Japan IT Works sưu tầm



Việc làm theo chuyên ngành

Việc làm theo ngành

Việc làm theo tỉnh thành