Từ lập trình viên trở thành Project Manager như thế nào?


Qúa trình để từ DEV (lập trình viên) trở thành PM (Project manager) như thế nào? Hôm nay Japan IT Works sẽ chia sẻ cho bạn nhé!

Xác định mục tiêu cá nhân

Về cơ bản, con đường phát triển nghề nghiệp (career path) của lập trình viên sẽ như sau:

  • Vào công ty và làm việc với vị trí lập trình viên
  • Sau một thời gian chứng minh năng lực, trở thành Team Leader phụ trách một nhóm nhỏ
  • Tiếp theo là trở thành Project Leader, có thể đảm trách chuyên môn một phần hoặc cả dự án

Và đây là cột mốc rất quan trọng.

Từ Project Leader, Bạn có thể đi theo một trong hai hướng:

  • Chuyên gia, tập trung nâng cao chuyên môn để trở thành Solutions Architecture
  • Quản lý (Project Manager, Project Director, Program Director, Manager…)

Không nhất thiết phải đợi đến khi trở thành Project Leader, Bạn nên suy nghĩ ngay từ bây giờ, khi đang là lập trình viên.

Bạn muốn trở thành chuyên gia hay nhà quản lý?

Hãy thành thật với bản thân. Tạm bỏ qua tiêu chí lương, vì lương chuyên gia không hề thấp, thậm chí nhiều vị trí cao hơn PM rất nhiều.

Một điều quan trọng không kém là bạn nên chia sẻ nguyện vọng với người quản lý. Nhiều bạn trẻ cảm thấy ngại chia sẻ điều này.

Đây là việc nên làm, Bạn không sợ bị đánh giá là tham vọng đâu.

Khi nắm được thông tin này, cán bộ quản lý sẽ để ý tạo điều kiện khi có cơ hội phù hợp.

 

Xuất sắc trong công việc & Lợi ích tập thể trên hết

Bạn lưu ý, đây là điều kiện AND (và).

Tôi không tách rời việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với đặt lợi ích tập thể trên hết.

Đa số mọi người chỉ đạt được một vế (tất nhiên không hẳn hoàn toàn do lỗi của họ):

  • (a) Hoặc là hoàn thành rất tốt phần việc của họ, nhưng không hỗ trợ người khác
  • (b) Hoặc là rất nhiệt tình hỗ trợ những phần việc cá nhân không hoàn thành

Nếu chỉ là (a), người này có xu hướng cá nhân

Nếu chỉ là (b), khả năng xử lý công việc của bạn đó bị hạn chế

Cả hai trường hợp, nếu chỉ (a) hoặc (b), đều không phù hợp với vị trí PM.

Doanh nghiệp hoặc tổ chức có thể khắc phục như sau:

  • Tăng cường các hoạt động team building, họp nhóm để cùng hiểu mục tiêu chung của dự án, tổ chức: Mục tiêu (a) dần dần đạt được cả (b)
  • Tăng cường đào tạo nội bộ, chia sẻ know-how định kỳ: Mục tiêu (b) dần dần nâng cao năng lực để đạt được cả (a)

Khi đã hiểu trách nhiệm này, Bạn sẽ tự thôi thúc cá nhân làm việc năng suất hơn, để có thời gian hỗ trợ đội nhóm cũng như tự học kỹ năng quản lý dự án.

 

Nắm rõ quy trình phát triển dự án

Chủ động đăng ký tham gia các khóa quản lý dự án nội bộ công ty.

Thậm chí, nếu có cơ hội, Bạn nên xin luân chuyển tạm thời các vị trí: lập trình viên, tester, QA (đảm bảo chất lượng).

Còn nếu không thể, hãy trao đổi với các role khác nhau để hiểu rõ công việc họ hơn.

Đừng bỏ các buổi họp nhóm hay họp dự án. Đó là cơ hội Bạn hiểu tổng quát mọi việc đang diễn ra như thế nào.

Đáng tiếc là nhiều lập trình viên giỏi họ nghĩ rằng họ đang bận code và coi việc đó quan trọng hơn, dù nhiều cuộc họp chỉ 15 phút. (Và chắc họ không biết điều tôi đang chia sẻ ở đây, hoặc họ không thích làm PM)

PRO TIPS

Bạn cũng có thể thử sức học trước khoá luyện thi PMP. Đó là khóa online dạy bạn toàn bộ các công việc một mà một PM đẳng cấp quốc tế cần làm. Bạn có thể chưa tính đến việc lấy chứng chỉ PMP, nhưng biết trước toàn bộ các nội dung là một lợi thế rất lớn trên hành trình trở thành PM.

 

Không quá sa đà vào chuyên môn

Nếu muốn trở thành PM, Bạn phải làm khác.

Internet là một cái bẫy lớn.

Bạn muốn tìm cách giải quyết một vấn đề. Sau khi search Google có hàng trăm kết quả. Mỗi trang web đó lại link tới hàng ngàn website chuyên sâu khác. Đặc biệt, với suy nghĩ của dân kỹ thuật là muốn tìm gốc rễ vấn đề, nên rất rất nhiều trường hợp chúng ta sẽ bị chìm ngập trong đó.

Tôi không có ý bảo là không nên như vậy.

Bạn vẫn có thể truy tìm gốc rễ vấn đề, nhưng chỉ trong phạm vi bài toán cần thiết cho công việc thôi.

Bạn có thể mất hàng chục năm để master lập trình iOS hay bất kỳ ngôn ngữ nào khác.

Tìm kiếm Google cũng là cả một nghệ thuật, sao cho tìm đúng vấn đề cần giải quyết, tránh lan man để đạt hiệu quả tối đa.

 

“Cách làm” quan trọng hơn “Làm gì”

Khi từ vị trí lập trình viên dịch chuyển dần sang PM, thì độ quan trọng hay sự ưu tiên của cách làm tăng lên; trong khi chuyên môn cá nhân của Bạn sẽ giảm xuống.

Cho dù bạn rất giỏi chuyên môn, năng suất gấp đôi người khác. Nhưng nếu thiếu kỹ năng làm việc nhóm, kết quả cuối cùng không tích hợp được với các module khác trong hệ thống, kết quả chung vẫn rất tệ.

Một khi trở thành Team Leader, Project Leader, PM…, điều Bạn phải chịu trách nhiệm là kết quả cuối cùng của cả nhóm hay dự án, chứ không phải chỉ công việc cụ thể Bạn đảm nhận.

Thêm nữa, không những Bạn phải giỏi trong việc phối hợp với người khác, bộ phận khác, mà còn động viên thuyết phục, tạo quy trình để các thành viên khác làm tương tự.

Điều này chính là vai trò của kỹ năng Leadership. Bạn phải học tập, rèn luyện kỹ năng này mỗi khi có cơ hội. Thậm chí tận dụng cả các đợt team building, các sự kiện vui chơi công ty.

PM

Câu hỏi thường gặp

Sau bao lâu có thể trở thành PM?

Tuỳ quy mô công ty, tình hình dự án, năng lực cá nhân… nhưng Bạn có thể kỳ vọng (hoặc tự đặt mục tiêu) từ 3-5 năm. Nhiều trường hợp đặc biệt xuất sắc thì chỉ cần 1-3 năm.

Nhìn chung ở Việt Nam có nhiều thuận lợi vì lĩnh vực phần mềm đang thu hút rất nhiều nhân lực. Nếu Bạn làm đủ tốt, rất dễ “bị bắt” làm PM sớm hơn dự kiến.

So với Nhật Bản thì khác hẳn.

Tôi từng công tác ở Nhật 2 năm và làm việc tại công ty khách hàng, một tập đoàn công nghệ hàng đầu. Để trở thành Team Leader, có thể mất tới 10 năm, và thêm 10 năm nữa để trở thành PM.

 

Làm thế nào để biết tôi có hợp với PM không?

Trước hết chúng ta cần làm rõ sự khác nhau của 2 loại công việc quản lý và chuyên gia.

Quản lý: Đối tượng tác động chủ yếu là con người (các thành viên trong dự án, các phòng ban hỗ trợ, quản lý cấp cao, ban giám đốc, khách hàng)

Chuyên gia: Đối tượng tác động chủ yếu là vấn đề, giải pháp

Do vậy, giả sử xét về tính cách:

  • Nếu Bạn rất ngại va chạm, giao tiếp; hay yếu trong xử lý tình huống tranh chấp, giải quyết mâu thuẫn… thì có lẽ vị trí PM sẽ không phù hợp.
  • Bạn đam mê kỹ thuật, có thể thức trắng đêm để tìm tòi giải quyết vấn đề, muốn master các kiến trúc hệ thống… thì hướng chuyên gia có thể sẽ phù hợp hơn

Đương nhiên nếu Bạn đã thích một hướng đi, và sẵn sàng khắc phục các điểm hạn chế thì sẽ không sao cả.

Điểm mấu chốt là cần hiểu rõ sự khác nhau, và đánh giá sự thích nghi của bản thân với từng trường hợp. Tránh để xảy ra tình trạng “ngồi nhầm chỗ”, vốn cũng đang rất phổ biến trong lĩnh vực phần mềm.

 

Lời kết

Hy vọng bài viết đã cho bạn một số gợi ý cho câu hỏi làm sao để trở thành project manager.

Dù làm gì đi nữa cũng cần quá trình và sự cố gắng của bản thân. Chúc các bạn thành công trên con đường sự nghiệp của mình.

Theo phamhainam.com

Japan IT Works

 



Việc làm theo chuyên ngành

Việc làm theo ngành

Việc làm theo tỉnh thành